You are here

Bức tranh đa sắc và những mảng tối trong lĩnh vực nghiên cứu nước ta

Tác giả: 
Lê Hải Đăng

Những vụ việc phản ánh trên báo chí thời gian qua mới chỉ là bề nổi của những gì còn chìm khuất dưới vùng tối mênh mông trải dài suốt chặng đường lênh đênh của lĩnh vực nghiên cứu khoa học nước ta. Sự phát triển nền khoa học Việt Nam từ lâu đã thiếu tính khoa học, nên một vài giải pháp khó thể giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, văn hóa đất nước chưa từng xuất hiện những “cực điểm” cho phép tiên đoán về khả năng lựa chọn giải pháp theo chiều hướng đột phá, hệ thống, toàn diện… Trong lĩnh vực nghiên cứu, mức độ khó khăn của vấn đề khoa học không khu biệt không gian, vùng lãnh thổ, song lại phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội.

1. Sa sút từ tâm thuật tới học thuật

Môi trường nghiên cứu khoa học đóng vai trò hun đúc nên bối cảnh, phong khí học thuật một quốc gia. Nơi đây nuôi dưỡng tinh thần dấn thân vì khoa học, đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội của những người làm nghiên cứu. Cơ quan nghiên cứu vốn có chức năng gắn kết vai trò cá nhân với trách nhiệm xã hội. Bản thân người làm nghiên cứu nói chung phải hội đủ năng lực và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Mỗi thực thể cần có sự thống nhất giữa tâm thuật và học thuật. Thiếu một trong hai yếu tố này sẽ khởi đầu cho tình trạng rạn nứt, sa sút, suy thoái từ tâm thuật đến học thuật.

Trong thực tiễn, thói quen mù mờ, nhập nhằng, tráo trở giữa danh và thực đã xâm lấn môi trường khoa học. Tình trạng “giả danh”, “danh bất chính”, “danh không xứng với thực” khá phổ biến. Nhiều chủ nhiệm đề tài thực chất là chủ thầu nắm giữ tài lực, tập kết nguồn lực theo “băng nhóm”, triển khai quyền lực thông qua việc huy động sức mạnh đồng tiền, có khi “bán thầu” để hưởng “hoa hồng”... Không hiếm chủ nhiệm đề tài giao nhiệm vụ cho cấp dưới, song tên vẫn đứng ở vị trí được phân công hoặc nằm dưới Lời nói đầu do người khác biên soạn. Thứ văn hóa “bao bì”, chuộng “nhãn mác”, “thương hiệu” với những tên tuổi có gắn “đai”, “ghế”, học hàm, học vị bề bộn dọn lên trên sản phẩm, từ đó góp phần suy tôn hành vi giả dối, nâng cao giá trị hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong địa hạt nghiên cứu.

Tính bất hợp lý, trì trệ, phát triển theo khuynh hướng trương phình của tổ chức nghiên cứu với nhiều yếu tố bất cập, những phần tử không đạt chuẩn (cả tâm thuật và học thật) gây hư hao, lãng phí, bòn rút nguồn lực, tạo thêm áp lực lên ngân sách nhà nước. Đồng tiền tới tay người thực hiện bị rơi rớt vào những khoản chi phí phát sinh từ tình trạng khuất tất trong quy trình thực hiện đề tài, dự án nghiên cứu. Bên cạnh đó, còn có những khoản chi theo tư duy “Xóa đói giảm nghèo”, không nhằm giải quyết vấn đề do thực tiễn đặt ra mà hướng tới cải thiện đời sống cán bộ, công chức. “Vòng tròn ác tính” này cứ quấn lấy nhau tạo nên bầu không khí bấp bênh, tiêu cực bao trùm lĩnh vực mang tiếng khoa học. Nguồn kinh phí “Xóa đói giảm nghèo” khá phổ biến ở nhiều Hội thảo khoa học mà thực tế mang tính chất hội họp, kỷ niệm… nhằm tiêu tiền một cách hợp lý, hợp pháp! Hội thảo không hề hướng tới tập hợp tri thức để giải quyết vấn đề khoa học, chỉ chú trọng công tác giải ngân. Tham luận đại biểu tham gia ở quy mô đại trà, nhiều cán bộ đem tinh thần “Khó khăn nào cũng vượt qua. Hội thảo nào cũng tham luận” vào trong nghiên cứu, không biết dừng trước lĩnh vực mình không có thẩm quyền chuyên môn. Những tham luận này dễ dàng đi từ Hội thảo khoa học vào bản Báo cáo tổng kết công tác cuối năm trở thành thành tích trong Lý lịch khoa học – một sản phẩm trá hình, ngụy tạo, phái sinh bởi cơ chế bao cấp, bao cấp từ tư duy, tư tưởng đến cách nghĩ, cách làm khoa học.

2. Cơ cấu lại tổ chức, đơn vị nghiên cứu

Các bộ phận Tài chính, Hành chính và Chuyên môn trong một tổ chức nghiên cứu hay giáo dục cần có sự cân bằng về mặt quyền lực, tách bạch và độc lập với nhau. Ngôi trường đại học nổi tiếng thế giới Harvard của Mỹ thiết lập bộ phận Tài chính nằm ngoài cơ cấu tổ chức nhằm đảm bảo tính khách quan trong việc cung cấp nguồn kinh phí cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu… Mặt khác, ở đó thể hiện tính độc lập của các bộ phận Tài chính, Hành chính và Chuyên môn. Ở ta, mỗi khi thủ trưởng mới được bổ nhiệm, việc làm đầu tiên thường tiến tới thay đổi vị trí Kế toán trưởng nhằm thống nhất ê kíp làm việc! Đây là cội nguồn sản sinh hiện tượng tiêu cực, thiếu minh bạch, sa sút nghiêm trọng về đạo đức. Ngoài ra, bộ phận Quản lý cũng nên tách rời khỏi Hội đồng khoa học. Hai bộ phận này vốn thực hiện chức trách, nhiệm vụ khác nhau. Song, trong thực tiễn, Hội đồng khoa học ở nhiều đơn vị lại tập trung gương mặt chức sắc, từ trưởng phòng ban chuyên môn, trưởng các đơn vị trực thuộc, đơn vị chủ quản đến hàng quan chức ngồi ở vị trí lãnh đạo... Hội đồng khoa học không phải Hội đồng làng hay Hội đồng bô lão cần tập trung những người có “máu mặt”, nắm giữ quyền lực điều hành mà cần tiến tới xác lập bộ máy nội vụ có khả năng làm tốt hoạt động nghiên cứu khoa học, từ giám sát công tác thực thi đề tài, dự án đến xác lập chiến lược nghiên cứu, liên kết, hợp tác đề tài, tiến hành phê duyệt, nghiệm thu công trình khoa học … Hội đồng khoa học giống như bộ phận “Tư pháp”, có khả năng độc lập, khách quan và thể hiện quyền uy qua các bước tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nghiên cứu khoa học. Hội đồng khoa học phải hoàn toàn độc lập trước quyền lực hành chính và đặt tôn chỉ khoa học lên vị trí số 1 nhằm phụng sự như một sứ mệnh cao cả.

3. Nên có cơ chế “bảo hiểm” cho hoạt động nghiên cứu khoa học

Khoa học là một lĩnh vực đong đầy rủi ro xuất phát bởi đặc thù sáng tạo, tạo ra những sản phẩm, giá trị chưa có tiền lệ. Ở nhiều nước phát triển, bằng phát minh, sáng chế được ứng dụng vào thực tiễn có thể đem lại nguồn lợi to lớn cho nhà khoa học, bên cạnh danh lợi. Ở nước ta thường xảy ra hai thái cực: thứ nhất thể hiện tính bất cập, có nghĩa là phát minh, sáng chế không được áp dụng, giải pháp đưa ra bị xã hội thờ ơ, lãng quên… dẫn tới tình trạng lãng phí nguồn lực, gây ảnh hưởng tới lợi ích xã hội. Mặt khác, hiện tượng thái quá rơi vào trường hợp một số ít người làm khoa học biết “xã hội hóa” sản phẩm theo con đường “cửa sau”, tác động lên trên hệ thống chính trị nhằm lay chuyển chính sách, kéo theo nguồn lực được huy động một cách tối đa. Loại khoa học giả danh này tuy chưa đáng chú ý hay gây tiếng vang, nhưng rất nguy hiểm trong hoạt động nghiên cứu. Nó cũng giống như những nghệ sĩ biết lợi dụng sản phẩm đội lốt “chính trị” để trục lợi, đem về khoản tiền bất chính, như thiết kế tượng đài, sáng tác tranh cổ động, địa phương ca…

Ở nhiều quốc gia phát triển, nguồn kinh phí cung cấp cho hoạt động nghiên cứu ngoài khu vực Chính phủ, còn có các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư rủi ro và cả những nhà tư bản giàu tâm huyết đối với văn hóa đất nước. Ở nước ta, nguồn kinh phí chủ yếu dựa dẫm vào Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ hoạt động theo dự án, đầu tư có trọng điểm, nên khoảng trống trong nguồn chi thường xuyên cho hoạt động nghiên cứu khó thể bù đắp bằng các khoản “xã hội hóa” giống như lĩnh vực y tế, giáo dục... Nước ta cũng chưa hình thành tổ chức Think Tank có chức năng độc lập, có khả năng phản biện lại chính sách xã hội. Sẽ giống như Trung Quốc khi các tổ chức nghiên cứu quan phương lấy việc chứng minh tính đúng đắn của chính sách làm nhiệm vụ hoạt động, như vậy sẽ không có tác dụng giảm thiểu nguy cơ rủi ro đối với chính sách xã hội, đồng thời tạo ra điều kiện vận hành thiếu tính an toàn cho cả hệ thống. Cơ chế bảo hiểm rủi ro cho hoạt động nghiên cứu khoa học phát huy tác dụng sẽ giảm thiểu nguy cơ gây ra phát tác bởi chính sách thiếu tính khả thi, không có khả năng thích ứng trước những biến động xã hội. Trong một đất nước mà thể chế chính trị và kinh tế tồn tại những khoảng khập khiễng không tương thích nhau, nghiên cứu khoa học cần có một cơ chế bảo hiểm rủi ro được bảo đảm bằng luật. Nó sẽ tạo tiền đề cho những sản phẩm mang tính đột phá trong hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm vươn tới chân trời sáng tạo vô tận.

4. Tiền đề của việc cải thiện chế độ tiền lương

Trong bài “Đấu thầu đề tài khoa học…” của tiến sĩ Giáp Văn Dương đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 2 ra ngày 9 tháng 1 năm 2014, tác giả đã đưa ra một số giải pháp quan trọng, đặc biệt nhấn mạnh chế độ tiền lương, vì : “Nếu không đảm bảo được lương cho nhà khoa học thì không có cách nào để chống tham nhũng trong khoa học”. Vậy, giải pháp tiền lương có phải khâu then chốt mang tính đột phá trong nghiên cứu khoa học?

Trước bối cảnh văn hóa, xã hội hiện nay, câu trả lời chắc chắn là không.

Với tình hình đất nước như bây giờ, “lương được đảm bảo” có khả năng triệt tiêu động lực nghiên cứu của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức đặt nhầm vào tổ chức nghiên cứu khoa học. Những cán bộ, công chức này đa số làm nhiệm vụ trên tinh thần “trả nợ quỷ thần” nhằm chờ hưu, chứ không phải để nghiên cứu. Xét từ thực tiễn, người làm nghiên cứu chân chính lại không dựa vào lương, mà nhờ vào hoạt động chuyên môn hay đi làm thuê, viết mướn theo kiểu “chân trong, chân ngoài”. Điều đó cho thấy, tiền lương chỉ giải quyết được phân khúc giữa của vấn đề, chứ không giải quyết tận gốc. Ngoài ra, căn cứ vào lương, vô hình trung đã loại trừ thành phần nghiên cứu độc lập ra khỏi “cuộc chơi”. Bộ phận này tuy chưa nhiều ở nước ta, nhưng cũng chiếm “một bộ phận nhỏ” phổ biến ở lĩnh vực khoa học nhân văn.

Như vậy, tiền lương thực chất thuộc về phương diện “an cư” theo quan niệm truyền thống. Còn “an cư” có tạo tiền đề cho người làm nghiên cứu “lạc nghiệp” hay không đó lại là một vấn đề khác. Xét về thực trạng, nhiều cán bộ nghiên cứu bấy lâu nay sống trong bầu không khí hết sức “an cư”, thậm chí an nhàn đến mức “bất thiện”. Hoạt động nghiên cứu vốn không phải vùng đất màu mỡ dành cho tất cả mọi người. Song, nhiều người không có thiên hướng, tố chất, khả năng nghiên cứu lại lọt vào tổ chức này mong hưởng bầu không khí an cư đến lúc nghỉ hưu. Trong khi những người có khả năng nghiên cứu phải hưởng đồng lương ít ỏi từ hoạt động chuyên môn vốn đã bị phân mảnh vào các khoản chi bất hợp lý của cả bộ máy tổ chức nhằm duy trì một chế độ thu nhập dai dẳng, chứ không phải nguồn cung cấp chính. Tình cảnh này khiến cho cỗ máy nghiên cứu phải gồng mình gánh vác chuỗi liên kết bất cập, vận hành bất hợp lý, làm vương vãi, lãng phí nguồn lực. Chưa kể, tổ chức nghiên cứu còn phát sinh trở lực từ các thực thể va chạm nhau trên quyền lợi và nghĩa vụ đối với ngân sách. Vì vậy, trước khi giải quyết khâu tiền lương trọng yếu, cần tiến hành sàng lọc đội ngũ cán bộ nghiên cứu, từng bước cải thiện tình trạng bất hợp lý trong chi tiêu, cơ chế vận hành, kiên quyết từ chối cấp dưỡng, bảo hiểm, nuôi báo cô cho những phần tử không có năng lực nghiên cứu. Cơ chế bất hợp lý tự thân sẽ sản sinh ra tiêu cực, gây cản trở đối với tổ chức, duy trì thói lãng công, lãng phí. Mặt khác, đối với nguồn nhân lực chất lượng cao cần đối xử thỏa đáng, không chia chác, gánh vác, kiêm nhiệm công việc, vì như vậy sẽ làm lỡ mất cơ hội của những người định hướng sai về nghề nghiệp.

Động lực nghiên cứu khoa học luôn xuất phát từ hai phía, nội tại và ngoại tại. Cả hai nguồn lực này cộng hưởng nhau, phát huy tối ưu hiệu quả. Nội lực và ngoại lực đều có tính chất dẫn dụ, thôi thúc nhu cầu nghiên cứu, khám phá. Sáng tạo khoa học cũng giống như nghệ thuật, xuất phát từ nhu cầu nội tại, tự thân. Lương chưa phải khâu then chốt, mang tính đột phá trong biện pháp chấn hưng hoạt động nghiên cứu. Khâu quan trọng nhất vẫn là nhân tố con người, bao gồm: cơ chế quản lý khoa học, quy hoạch cán bộ nghiên cứu, quy trình xét duyệt, thanh toán đề tài, tư duy chỉ đạo hoạt động chuyên môn, cách thức đánh giá con người, tiêu chí bình bầu, xét duyệt, khen thưởng… Cơ chế vận hành của tổ chức nghiên cứu, bầu không khí tự do học thuật, nền văn hóa tôn vinh giá trị sáng tạo… sẽ ảnh hưởng, tác động trực tiếp lên người làm nghiên cứu. Và khoa học trở thành địa hạt linh thiêng cho tự do tư tưởng và tinh thần học thuật phát triển.

5. Đơn giản hóa thủ tục thanh toán

Quy trình, thủ tục thanh toán đề tài nghiên cứu khoa học có thể nói là vũng lầy nan giải nhất trong hoạt động nghiên cứu. Nơi đây trú ngụ không ít những điều nghịch lý, phản khoa học, không kém phần vô tri. Mặc dù, đi kèm với nó là Thông tư hướng dẫn, Thông tư liên tịch… những nội dung ra đời từ thế kỷ trước, xa rời thời đại, nhưng vẫn được áp dụng, lấy làm căn cứ tham chiếu khiến cho hành vi biến báo, giả dối có cơ hội tồn tại. Nhiều khoản tiền, như quản lý phí, đời sống phí, hoa hồng... không được phép đưa vào các mục chi tiêu trong bản dự toán, nhưng người thực hiện phải biến báo làm sai lệch dữ liệu nhằm khớp với tình hình thực tế. Chưa kể, tư duy bao cấp thể hiện ngay trong Thủ tục thanh toán, như tiền điền dã, ăn, ở, xăng, xe, văn phòng phẩm, áo mưa… Các khoản này phải hoán đổi cho nhau, phù phép thế nào cho phù hợp với khung giá hiện hành đã được định chế về mặt tài chính. Có nhiều đề tài đã nghiệm thu, giao nộp sản phẩm, nhưng cung đường hoàn tất thủ tục thanh toán vẫn tiếp tục với án “giải ngân” treo lơ lửng chờ ngày thanh khoản.

Người làm nghiên cứu khoa học nói chung đều không được đào tạo chuyên ngành kế toán, cũng không có tâm tư, tâm huyết tìm hiểu lĩnh vực này trước khi tham gia đề tài, dự án nghiên cứu. Ngoài ra, phương thức thanh toán với khung vật giá định chế vắt ngang qua hai thế kỷ vốn đã lạc hậu, lạc điệu với thời kinh tế thị trường, song vẫn được áp dụng một cách máy móc, trói chặt người làm nghiên cứu vào những nguyên tắc “hóa thạch”. Tạo sao chúng ta không áp dụng nguồn kinh phí cấp theo thành quả, thành phẩm, chi trả bằng hình thức chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản cá nhân? Không nhất thiết phải thông qua Chủ nhiệm đề tài hay thủ trưởng đơn vị, trưởng ban chuyên môn…

Như trên đã đề cập, bộ phận Tài chính và Chuyên môn vốn độc lập trước nhau, nên, sự tham gia, can thiệp thô thiển vào hoạt động chuyên môn của bộ phận Tài chính, kể cả Hành chính liệu có tác dụng tích cực đối với công tác nghiên cứu hay chỉ gây trở ngại, thậm chí phát sinh tiêu cực? Đây là câu chuyện quá cũ kỹ, kéo dài suốt bao năm qua, chừng nào chúng ta chưa chịu thay đổi thì tổ chức nghiên cứu, hoạt động nghiên cứu khó thể trở thành vùng đất màu mỡ để ươm mầm sáng tạo.

6. Tạm kết

Môi trường nghiên cứu khoa học nước ta từ lâu đã rơi vào “vòng tròn ác tính” dính líu, liên quan tới nhiều vấn đề, nếu không bóc tách, nhận diện rõ từng bộ phận thì khó thể thực thi giải pháp đồng bộ, mang tính hệ thống liên quan trên diện rộng.

Môi trường văn hóa khoa học lành mạnh tự thân có tác dụng thôi thúc, kích thích người nghiên cứu tham gia, dấn thân. Hoạt động nghiên cứu vốn được thôi thúc bởi nhu cầu nội tại. Trên thực tế, lương không phải yếu tố chủ đạo kích thích nhu cầu nghiên cứu mà chính sự thôi thúc đến từ bên trong nhà nghiên cứu trên đường hướng tìm kiếm lời giải cho vấn đề quan tâm. Yếu tố nội tại tiềm ẩn bên trong nhà nghiên cứu góp phần tạo động lực thúc đẩy quá trình sáng tạo.

Đời sống khoa học nước ta đang trong tình trạng đa diện, không ít bộ mặt thật - giả lẫn lộn, xuống cấp từ tâm thuật đến học thuật, trong đó cần nhất bộ mặt trung thực trên tinh thần tôn trọng tính độc lập, khách quan, đúng đắn về mặt học thuật. Trong quá trình thanh sạch hóa môi trường nghiên cứu khoa học, cần loại bỏ lối tư duy hành chính phân chia đề tài theo cấp quản lý, như vùng miền, giới, tuổi tác, cấp bậc… tránh thói quen ỷ lại vào các bậc trưởng giả, “cây đa cây đề”, “già làng trưởng bản” nhằm bảo kê cho hoạt động nghiên cứu. Hội đồng khoa học không phải Hội đồng già làng cần tập trung quan chức đơn vị hoặc “cây cao bóng cả” che lấp những mầm non tích cực.

Tình trạng đăng ký đề tài tràn lan nhằm mục đích hút nguồn kinh phí, sau đó triển khai bằng cách bán thầu, tập kết nhân sự theo băng nhóm, nắm quyền ban phát đề tài, thậm chí bán thầu đến mức 50% dẫn đến chất lượng công trình suy giảm, nghiệm thu bí mật, không dám công khai kết quả nghiên cứu… đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến bầu không khí học thuật.

Chứng “ngủ vùi” trong kho dữ liệu của nhiều đề tài nghiên cứu phổ biến, chiếm tỉ lệ cao, vô cùng lãng phí. Song song với cơ chế bảo hiểm cho hoạt động nghiên cứu khoa học cần tiến hành công cuộc sàng lọc đội ngũ cán bộ, công chức nghiên cứu, từng bước bồi dưỡng những người làm khoa học có năng lực ưu tú và phẩm chất đạo đức tin cậy.

Thực tế cho thấy, nhiều chuyện tiêu cực xảy ra ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học mới dừng lại ở phần nổi của tảng băng chìm. Trên đường hướng cải thiện tình hình này, cần có những người khát khao đổi mới, dám hy sinh lợi ích cục bộ, chiến thắng “nỗi niềm riêng” nhằm tái thiết, chấn hưng nền khoa học nước nhà.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.