You are here

Albert Ketelbey (1875-1959)

Tác giả: 
Chu Hoàng Bích Vân (tổng hợp)

Trong danh mục tác phẩm giới thiệu cho thiếu nhi bắt đầu tìm hiểu nhạc cổ điển ở Việt Nam, In a Persian Market (Phiên chợ Ba Tư) là một tác phẩm quen thuộc mặc dù tác giả của nó, Albert Ketèlbey, không phải là một nhà soạn nhạc cổ điển theo đúng nghĩa. Tuy đã đạt được một vài ghi nhận về mặt phê bình đối với những tác phẩm hợp xướng và thính phòng, nhưng thành công lớn nhất của Albert Ketelbey với tư cách một nhà soạn nhạc là những tác phẩm nhạc nhẹ viết cho dàn nhạc mang tính miêu tả (trong đó có tác phẩm In a Persian Market nói trên).

Trái ngược với những tuyên bố trong một vài cuốn sách rằng Ketèlbey là bút danh còn tên thật là Vodorinski, nhà soạn nhạc người Anh này thật sự có tên khai sinh là Albert William Ketèlbey (không có dấu trọng âm và thường bị viết sai chính tả thành Katelby). Ông sinh ngày 9 tháng 8 năm 1875 tại số 41 phố Alma, Aston Manor, Birmingham, là con trai của George Ketèlbey, một thầy giáo ở trường nghệ thuật Victoria và người vợ tên thời con gái là Sarah Aston. Khi còn nhỏ, Ketèlbey hát trong đội hợp xướng của nhà thờ St Silas, Lozells và những bài học piano hẳn phải bắt đầu từ rất sớm khi mà ở tuổi mười một Ketèlbey đã biểu diễn một bản sonata viết cho piano do chính mình sáng tác tại Worcester Town Hall trước các khán thính giả bao gồm cả nhà soạn nhạc Anh nổi tiếng Edward Elgar. Về sau ông thú nhận rằng ông là một nghệ sĩ dương cầm bất đắc dĩ nhưng có được cảm hứng sáng tạo nhờ tình cảm đối với cô con gái của người chơi organ trong đội hợp xướng nhà thờ mà ông tham gia. Năm 1998, bản thảo viết tay của piano sonata này được đem ra đấu giá ở Sotheby. Chính quyền thành phố đã mua và giờ đây bản thảo đang nằm tại phòng lưu trữ của thư viện trung tâm.

Sau một thời gian ngắn là sinh viên của trường Fitzroy, Luân Đôn, Ketèlbey đã vào học Trường Âm nhạc Trinity, Luân Đôn, nơi ông đã đánh bại người đứng thứ nhì là Gustav Holst để giành một học bổng âm nhạc. Ông đã cộng tác với trường này trong nhiều năm, lúc đầu là một học viên và sau là một người chấm thi. Mặc dù thử sức chơi những nhạc cụ khác như organ, flute, oboe, clarinet và cello, nhưng ông đã dừng lại ở nhạc cụ đầu tiên của mình là piano cùng với việc sáng tác chiếm một vai trò ngày càng tăng. Những tác phẩm thời kỳ đầu của ông mang phong cách cổ điển và bản Ngũ tấu cho đàn dây đã được nhận giải thưởng Sir Michael Costa.

Trong khi học ở trường, Ketèlbey đã xoay xở để xuất bản nhiều tiểu phẩm do ông sáng tác. Những sáng tác quan trọng hơn trong số chúng được công bố dưới tên thật của ông, nhưng cũng có một loạt các tiểu phẩm phòng khách và âm nhạc viết cho mandoline xuất hiện dưới bút danh hào nhoáng “Raoul Clifford”. Thậm chí có cả ca khúc “Giấc mơ vinh quang” ông viết cùng với một người bạn đã được giới thiệu là “âm nhạc của G.Villa, phần organ của Raoul Clifford”. Đường Villa và phố Clifford là hai đường phố lớn gần với phố Alma nơi ông sinh ra.

Sau khi tốt nghiệp, công việc làm người chấm thi đã giúp ông có được một vài tiểu phẩm mang tính giáo dục trong đề thi của trường Trinity. Công việc chính của ông lúc đó là ở hai hãng phát hành. Ở hãng của Chappell ông đã giảm bớt âm nhạc viết cho dàn nhạc để dành cho âm nhạc cho piano solo, trong khi ở hãng của Hammond ông làm điều ngược lại, phối khí cho dàn nhạc những tác phẩm kinh điển trong vốn tiết mục viết cho piano để đáp ứng nhu cầu đang ngày càng lớn của dàn nhạc phòng khách. Công việc viết thuê này có thể buồn tẻ nhưng kinh nghiệm thu được lại là vô giá đối với việc rèn luyện cách viết trôi chảy cho cả piano và dàn nhạc của nhà soạn nhạc. Hammond cũng sử dụng hầu hết các sáng tác thời kỳ đầu của ông, không chỉ là các tiểu phẩm cho piano mà còn cả một số lượng lớn các ca khúc và thậm chí là vở opera nhẹ nhàng The Wonder Worker, được trình diễn tại Nhà hát lớn ở Fulham vào năm 1900.

Bước đột phá vào thị trường âm nhạc cao cấp của những cover hình tượng đầy mầu sắc chỉ tới năm 1915 mới xảy ra khi mà trong vòng một vài tuần, Larway tung ra “In a Monastery Garden” (Trong vườn của một thánh đường) và Ascherberg phát hành “Tangled Tunes”. Đến thời gian này, Ketèlbey đã nổi tiếng trong giới âm nhạc, người họa sĩ vẽ cover cho Tangled Tunes đã hóm hỉnh mô tả chính nhà soạn nhạc như một phù thủy đang pha chế một hỗn hợp âm điệu trong một cái vạc lớn. Sự thật là Katellbey đã phát triển một tài năng về lối viết miêu tả và trong tất cả các tác phẩm của ông, những tác phẩm thuộc thể loại này như In a Monastery GardenIn a Chinese Temple Garden (Trong vườn của một ngôi đền Trung Hoa) và In a Persian Market (Phiên chợ Ba Tư) đều thể hiện khả năng xuất sắc trong việc nắm bắt sắc thái bầu không khí xung quanh. Một lần, trong khi chỉ huy một chương trình âm nhạc do chính ông sáng tác tại Buổi trình diễn Tư lệnh Hoàng Gia, Ketèlbey đã biểu diễn lần thứ hai đoạn “State procession movement” của tác phẩm “Cockney suite” trong thời gian giải lao theo yêu cầu của vua George V vì nhà vua đã đến muộn và không nghe được phần đầu của chương trình.

Vào năm 1906 Ketèlbey làm việc với công ty thu âm Columbia Graphophone với vai trò một “impressario” (từ tiếng Ý với nghĩa là nhà quản lý hay nhà sản xuất trong một ngành công nghiệp giải trí, thường là âm nhạc hay nhà hát). Với kiểu cách kinh doanh giải trí thực sự, sự nghiệp chỉ huy của ông bắt đầu khi người chỉ huy thường lệ bị ốm và sau một vài năm ông trở thành giám đốc âm nhạc của công ty này.

Trong đại chiến thế giới lần thứ nhất, ông cũng nắm giữ vị trí tương tự trong trong các vở kịch thời sự mang tính đả kích được Andre Charlot dàn dựng tại nhà hát Vaudeville, Luân Đôn, bao gồm Ye Gods (1916), Flora (1918) và The Officers’ Mess (1918). Trong những tác phẩm như vậy, âm nhạc cần phải trực tiếp và ngay lập tức phổ cho một cảnh của vở. Ketèlbey trở thành một nhà chỉ huy nổi tiếng và rất được kính trọng trong giới sân khấu. Ông cũng chỉ huy nhiều buổi hoà nhạc các tác phẩm của ông ở Luân Đôn và các tỉnh và là chỉ huy được mời của dàn nhạc nổi tiếng châu Âu, gồm cả Amsterdam Concertgebouw.

Thị trường âm nhạc mới đòi hỏi những đặc tính tương tự cho nghệ thuật điện ảnh không lời và nhà soạn nhạc đã đưa ra một cách đúng lúc những bộ sưu tập những khúc nhạc ngắn miêu tả tâm trạng. Trong những năm về sau, ở trên đỉnh danh tiếng, ông đã có thể phục chế một số trong những đoạn nhạc chưa hoàn thiện đó thành những bản nhạc hòa tấu. Điều đáng nói là, một trong những bộ sưu tập âm nhạc điện ảnh của ông đã được Bosworth xuất bản. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, hãng này trở thành nhà xuất bản chính của Ketèlbey. Cán cân thị trường đã thay đổi, nhạc nhẹ giờ đây chủ yếu chỉ được thu âm với các phiên bản cho dàn nhạc. Vì vậy ở lần đầu xuất bản, âm nhạc của Ketèlbey được phát hành đồng thời làm hai phiên bản, cho piano và cho dàn nhạc. Phiên bản cho piano có bìa đĩa bắt mắt và nhằm vào những người yêu nhạc nghiệp dư, trong khi phiên bản cho dàn nhạc dành cho biểu diễn chuyên nghiệp.

Trong vòng mười năm, Ketèlbey trở thành nhà soạn nhạc thành công nhất ở địa phương. Với tầm nhìn xa, năm 1918 ông đã sớm tham gia vào PRS, một tổ chức thúc đẩy việc trình diễn các tác phẩm của các thành viên. Năm 1926 thu nhập của ông đột ngột giảm khi PRS đưa ra một chính sách mới trả giá thấp cho các tác phẩm âm nhạc điện ảnh, khiến cho ông và một số nhà soạn nhạc khác phải từ bỏ tổ chức này. Vấn đề chỉ được giải quyết bằng cách xem lại toàn bộ chính sách và năm 1929 ông được tờ công báo của tổ chức này gọi là “Nhà soạn đương thời vĩ đại nhất của nước Anh”, căn cứ vào số lượng buổi diễn các tác phẩm của ông. Sự kiện này làm khó chịu những nhà soạn nhạc kém thành công hơn và xuất hiện những dấu hiệu thường xuyên của sự ghen tức trong nghề.

Cuối những năm 20, thành công của Ketèlbey trong vai trò nhà soạn nhạc đã đủ lớn để ông có thể rời bỏ chức vụ ở Columbia và dành hết cho công việc sáng tác. Mỗi một năm ông đều có một tour du lịch tới các vùng biển để tổ chức các buổi hòa nhạc Ketèlbey đặc biệt, bao gồm những tác phẩm mới lạ nhất của mình.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, thu nhập của Ketèlbey giảm từ 3,493 bảng năm 1940 xuống còn 2,906 bảng vào năm 1950, một mức giảm lớn tính đến cả lạm phát thời chiến. Thậm chí ông còn thấy BBC thờ ơ với các tác phẩm của mình.

Thực tế, âm nhạc của ông thiếu sự đổi mới. Trong số ít các tác phẩm được xuất bản vào những năm hậu chiến, phần lớn là khai thác lại chất liệu cũ, mặc dù nhà soạn nhạc đã cố gắng ngụy trang xuất xứ. Ca khúc Kilmoren thực sự là một phiên bản của Kildoran, sáng tác đã có con số dẫn đầu của giọng tenor trong tác phẩm The Wonder Worker năm mươi năm trước. Thậm chí là tác phẩm cho ban kèn đồng gần đấy Adventurers Overture cũng đã được sửa lại cho dàn nhạc.

Ketèlbey đã có một cuộc hôn nhân lâu dài và hạnh phúc với ca sĩ Charlotte Siegenberg (1871 – 1947). Sau cái chết của người vợ đầu, ông tái hôn với Mabel Maud Pritchett nhưng cũng không có con cái. Ketèlbey mất ngày 26 tháng 11 năm 1959 tại tư gia ở Egypt Hill, Cowes, Isle of Wight, thọ 84 tuổi. Chúc thư của ông có những điều khoản để ngăn việc bà vợ góa Mabel sử dụng những tài liệu cá nhân của ông, vì thế con đường trực tiếp nhất để nghiên cứu âm nhạc do ông sáng tác đã bị đóng lại. Dù thế nào đi nữa, cũng có thể phần lớn các tác phẩm của ông đã bị hủy vào trận lũ mùa đông năm 1947 tại Hampstead.

Mặc dù đã đạt được một vài ghi nhận về mặt phê bình về những tác phẩm hợp xướng và thính phòng, nhưng thành công lớn nhất của Albert Ketelby là những tác phẩm mang tính miêu tả, cùng dòng với tác phẩm “In the Fens” (Vùng đầm lầy) của Delius nhưng với những chủ đề nhiều lạ lẫm hơn. In a Persian MarketIn a Chinese Temple Garden và In a Monastery Garden của Albert Ketèlbey đều rất phổ biến với dàn nhạc trên sân khấu và trong hình thức những bản nhạc in. Mặc dù thể loại âm nhạc này hiện giờ đã lỗi thời nhưng thời đó nó được đánh giá cao và danh tiếng của Ketèlbey ở châu Âu có lẽ còn cao hơn cả ở nước mẹ. Thực tế, một nhà phê bình âm nhạc của Vienna đã từng nói về âm nhạc của Ketèlbey rằng nó chỉ đến lần thứ hai đối với âm nhạc của Johann Strauss và Franz Lehar.

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.