You are here

Âm nhạc tài tử - Đường vào văn hóa Việt Nam

Tác giả: 
Lê Hải Đăng

Biểu diễn giao lưu

“Âm nhạc Tài tử - Đường vào văn hóa Việt Nam” (才子樂音 - 越南文化深根之旅) là một dự án do nhóm sinh viên Khoa Âm nhạc học Truyền thống, Đại học Nghệ thuật Quốc lập Đài Bắc thực hiện, Bộ Văn hóa Đài Loan tài trợ năm 2022. Suốt ba năm trước đó, các chương trình hợp tác giữa Đài Loan và Việt Nam hầu như bị đình trệ. Đây là dự án đầu tiên đánh dấu sự trở lại của hoạt động giao lưu, hợp tác giữa hai nền văn hóa. Nó tập trung chủ yếu vào việc truyền dạy, giới thiệu âm nhạc truyền thống và biểu diễn giao lưu.

Từ Việt Nam sang Đài Loan

Năm 2018, nhận lời mời của Khoa Âm nhạc học Truyền thống, Đại học Nghệ thuật Quốc lập Đài Bắc, nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Khải, nghệ sĩ ưu tú Toàn Thắng đã tham gia truyền dạy âm nhạc Tài tử cho sinh viên âm nhạc Đài Loan. Trong ngôi trường này, ngoài âm nhạc châu Á, sinh viên còn được tiếp xúc với âm nhạc Đông Nam Á, như: âm nhạc Thái Lan, Indonesia… Đó là lý do khiến cho âm nhạc Việt Nam bằng nhiều cách khác nhau có thể thâm nhập vùng văn hóa này. Trên thực tế, Việt Nam - Đài Loan đã có những hiểu biết nhất định về nhau, có nhiều điểm tương đồng và dị biệt. Chưa kể, tại hòn đảo xinh đẹp này, cộng đồng người Việt chiếm dân số đông nhất trong các nhóm di dân mới. Nên, việc triển khai các hoạt động cộng đồng, đưa di sản văn hóa Việt Nam sang Đài Loan diễn ra khá thường xuyên, chỉ chững lại bởi trận đại dịch. Trước đó, các đoàn nghệ thuật âm nhạc truyền thống Việt Nam thường xuyên tham gia các liên hoan Festival, hoạt động giao lưu văn hóa… Hoạt động này chủ yếu tập trung vào biểu diễn giao lưu, như nghệ sĩ Việt Nam sang biểu diễn tại Đài Loan, ngược lại, nghệ sĩ Đài Loan qua biểu diễn tại Việt Nam. Đây vẫn là phương thức chủ yếu chiếm đa số hoạt động giao lưu văn hóa. Tuy nhiên, nó mới dừng lại ở khía cạnh dịch chuyển không gian văn hóa mà chưa có khả năng thẩm thấu, thông qua phương thức truyền dạy, tái tạo, góp phần làm sâu sắc hơn tiến trình giao lưu văn hóa. Chẳng hạn, trong buổi biểu diễn với chủ đề “Âm nhạc truyền thống Việt Nam – Sắc màu phương Nam” năm 2017 tại Phòng hòa nhạc Quốc gia Đài Bắc đã sử dụng chất liệu âm nhạc hai nền văn hóa để sáng tác, biểu diễn giao lưu. Hay đáng kể như hàng loạt chương trình biểu diễn mang tên “Nghìn năm tỳ bà” của nghệ sĩ Vương Thế Vinh, Đài Loan. Ông đã làm cuộc đối thoại giữa các nhạc cụ cùng họ trong đại gia đình tỳ bà Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc… Đó là một trong những cách làm mới thổi hồn sống động vào âm nhạc truyền thống.    

Sức hấp dẫn của âm nhạc Tài tử

Trước thời điểm Đờn ca Tài tử Nam Bộ được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nghệ sĩ Vương Thế Vinh, người Đài Loan đã dẫn học trò sang Việt Nam tìm hiểu, học tập âm nhạc Tài tử. Ông ví con đường đi của mình giống như “thỉnh kinh”. Sự nghiệp này vẫn được những học trò của Khoa Âm nhạc học Truyền thống, Đại học Nghệ thuật Quốc lập Đài Bắc tiếp nối, thậm chí tiến thêm bước nữa, năm 2018 – 2019, một số sinh viên trong khoa đã thành lập Nhóm nhạc Tài tử Việt Nam Thiều thanh. Năm 2019, nhóm nhạc này lần đầu tiên sang học tập, biểu diễn giao lưu tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu không vì dịch bệnh cướp đi cơ hội giao lưu giữa hai nền văn hóa, không phải đợi đến năm 2023, tức sau 4 năm, nhóm nhạc sinh viên Khoa Âm nhạc học Truyền thống, Đại học Nghệ thuật Quốc lập Đài Bắc mới trở lại Việt Nam học tập, biểu diễn giao lưu.

Nhóm Thiều thanh

Rõ ràng, ngay từ điểm khởi phát, những yêu cầu về học tập, thi cử có tác động nhất định đến việc tiếp thu âm nhạc Tài tử của sinh viên Đài Loan, song nếu mang tính áp đặt, nó chỉ có tác dụng nhất thời, không thể tiếp tục lan truyền, lan tỏa vốn nhờ sức hấp dẫn trong ngôn ngữ nghệ thuật của âm nhạc Tài tử. Âm nhạc Tài tử Việt Nam thể hiện được nhiều giá trị đặc trưng, điều khiến cho nó không chỉ được đón nhận mà còn tiếp tục được thực hành, truyền bá trên quốc gia khác với những yếu tố tương đồng và dị biệt trong văn hóa.

Ý nghĩa tương đồng và dị biệt

Âm nhạc truyền thống Việt Nam và Đài Loan có nhiều yếu tố tương đồng. Trước hết, chúng có một hệ nhạc khí tuy khác nhau về tên gọi, cách lên dây, phương pháp gắn phím định âm, phương thức biểu đạt của ngôn ngữ âm nhạc, nhưng đều cùng họ, như họ hơi có kèn sona, Việt Nam gọi là kèn bầu, kèn loa, kèn bát…; đàn cung kéo có nhị, gáo; đàn dây gảy có đàn tam, tỳ bà và hàng loạt nhạc cụ gõ phân chia theo kích cỡ. Nhạc truyền thống Việt Nam chia làm phe võ, phe văn; nhạc truyền thống Đài Loan có Võ trường, Văn trường, biên chế dàn nhạc đều gồm hai hình thức: cổ xuy và ti trúc… Nói chung, về hình tướng nhạc cụ, phương pháp kích âm… cả hai nền văn hóa âm nhạc có nhiều điểm tương đồng, chưa kể hệ thống ký âm hò xự xang mà Đài Loan gọi là Công xích phổ cùng dựa trên nền tảng chữ nhạc truyền thống. Trong quá trình thể hiện ngôn ngữ âm nhạc, hai truyền thống văn hóa khác nhau qua phương thức biểu hiện, từ lòng bản đến bài bản, từ lối đàn chân phương đến hoa lá, thêm chữ, nhấn rung, luyến láy… trang sức cho giai điệu, đặc biệt là lời ca đong đầy bản sắc văn hóa xứ sở.   

Từ Đài Loan trở về Việt Nam

Ngày 10 tháng 2 năm 2023 Nhóm nhạc Tài tử Việt Nam Thiều thanh của sinh viên Khoa Âm nhạc học Truyền thống, Đại học Quốc lập Đài Bắc đã có buổi biểu diễn giao lưu với Khoa Âm nhạc Truyền thống tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là lần trở lại thứ hai sau mấy năm giãn cách vì dịch bệnh. Năm nay thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương tiến tới tổ chức sự kiện 10 năm Đờn ca Tài tử Nam Bộ được Unesco công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Sau 10 năm có thể thấy sức sống mãnh liệt của Đờn ca Tài tử Nam Bộ. Nó không dừng lại ở một phong trào ca nhạc trong quá khứ mà đã trở thành di sản nghệ thuật có khả năng dịch chuyển không gian làm nên những thay đổi căn bản trong văn hóa. 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.