You are here

Âm nhạc xứ Quảng - Những năm tháng đồng hành cùng diễn đàn văn nghệ quê hương

Tác giả: 
Văn Thu Bích

Bốn mươi năm là một chặng đường dài đối với đời sống văn hóa nghệ thuật của vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng. Trên chặng đường ấy, Tạp chí Đất Quảng (tiền thân của Tạp chí Non Nước) và tạp chí Non Nước hơn hai mươi năm qua đã không ngừng gắn kết với đội ngũ âm nhạc của xứ Quảng và đã luôn kịp thờì bổ sung tiếng nói của các thế hệ nhạc sĩ vì thế tạo được màu sắc phong phú cho lĩnh vực âm nhạc của tạp chí.                            

Ngược dòng lịch sử, sau năm 1975, Quảng Nam – Đà Nẵng chưa có tờ báo đại diện cho đội ngũ hoạt động văn học nghệ thuật. Riêng đối với lĩnh vực âm nhạc, được kết hợp từ nhiều thành phần, có một số người từ chiến khu trở về, có những người đã tốt nghiệp tại các nhạc viện Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh và có những người đã hoạt động âm nhạc tại đất Quảng từ trước năm 1975. Chính vì xuất thân từ những hoàn cảnh khác nhau cho nên đời sống âm nhạc mảnh đất trung dũng kiên cường này, sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất mang một diện mạo mới, khá phong phú và đa dạng, phản ảnh mọi mặt của cuộc sống mới, ngập tràn khí thế dựng xây đất nước, các nhạc sĩ mong muốn có cơ quan ngôn luận VHNT để gửi gắm tâm tư qua các sáng tác. Mãi đến năm 1978. Tạp chí Đất Quảng thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng mới ra đời, đáp ứng được mong mỏi của anh chị em nghệ sĩ, có địa chỉ để gặp gỡ, bày tỏ quan điểm, mong muốn được sẻ chia những tác phẩm mới về vùng đất và con người xứ Quảng ngày hòa bình, toàn vẹn lãnh thổm cũng như ôn lại kỷ niệm xưa.

Tạp chí Đất Quảng ngay những số đầu tiên đã quan tâm giới thiệu nhiều sáng tác ca khúc mới vì đây là thời kỳ sôi động, đầy sinh khí, hòa đồng với cuộc sống mới, tạo được những dấu ấn riêng. Đồng thời, bên cạnh đó xuất hiện không ít những dấu hiệu lai tạp chạy theo thị hiếu tầm thường. Đối phó với hiện tượng này, tạp chí đã đăng tải các bài viết lý luận – phê bình âm nhạc nhằm định hướng thẩm mỹ âm nhạc của công chúng, trước bối cảnh du nhập nhiều loại hình nghệ thuật xa lạ từ bên ngoài, công chúng đã miệt mài sàng lọc để chọn lọc được những sáng tác mới khai sinh từ một đội ngũ nhạc sĩ hùng hậu, xứng đáng góp mặt với giới sáng tác âm nhạc trong cả nước.

Qua nhiều lần xem các mục giới thiệu tác giả tác phẩm âm nhạc đăng trên tạp chí Đất Quảng, nhiều độc giả nhận xét: Nếu giai đoạn trước đây một số nhạc sĩ viết theo cảm hứng tự do, với dòng tư duy dàn trải không bị hạn chế bới cấu trúc, khúc thức thì sau khi hoàn tất chương trình đại học sáng tác âm nhạc (1991-1995), họ đã có những tác phẩm đậm tính học thuật và súc tích hơn, có sử dụng những thủ pháp phức điệu, hòa thanh cổ điển lẫn hiện đại nhằm tạo sức hấp dẫn cho giai điệu. Trong thời gian này, các nhạc sĩ lại viết những thể loại mới bên cạnh ca khúc như romance, concerto, symphony poem... Có thể nói Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũ đã có công trong việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhạc sĩ xứ Quảng nâng cao trình độ chuyên môn, từ đó họ đã phát huy thêm năng lực để đóng góp nhiều hơn cho quê hương và tự tin sánh vai cùng nhạc sĩ cả nước.

Vào thời điểm đầu năm 1997, Quảng Nam – Đà Nẵng được tách thành hai đơn vị hành chính, Tạp chí Đất Quảng chia hai, nửa về Quảng Nam vẫn lấy tên Tạp chí Đất Quảng, nửa ở lại Đà Nẵng hình thành tạp chí mới mang tên Non Nước, tương tự như thế, đội ngũ hoạt động âm nhạc cũng chia đôi, số lượng thuộc thành phố Đà Nẵng nhiều hơn số lượng về Quảng Nam, ngay sau đó song song với việc kiện toàn lực lượng trong Tạp chí Non Nước, Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng cũng đã tích cực kết nạp thêm hội viên mới để tạo thêm nguồn lực cho phong trào âm nhạc toàn thành phố, đến nay đã có gần 100 hội viên, trong đó có 1/3 là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đáng tiếc đến nay đã có một số hội viên lớn tuổi đã qua đời như: Phan Ngọc, Thái Nghĩa, Từ Thịnh, Trung Chính.. .Nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao được ra đờì đã khẳng định sức sáng tạo từ tài năng tiềm tàng trong mỗi nhạc sĩ, trong số đó có nhiều người đã từng được tạp chí Non Nước đăng các tác phẩm âm nhạc và các công trình nghiên cứu - lý luận - phê bình, đồng thời nhận giải thưởng của các tổ chức, đoàn thể Trung ương như: Phan Ngọc, Thanh Anh, Minh Đức, Thái Nghĩa, Ái Nghĩa, Đình Thậm, Trương Duy Huyến, Quang Trung, Nguyễn Duy Khoái, Trịnh Tuấn Khanh, Xuân Minh, Nguyễn Hoàng, Hoàng Dũng; Về lĩnh vực lý luận như: Trương Đình Quang, Trần Hồng, Văn Thu Bích; về lĩnh vực biểu diễn như: Danh Thắng, Mạnh Hùng, Thanh Trà. Có thể nói trong nhiều năm qua những tác phẩm của họ không chỉ góp phần làm khởi sắc thêm đời sống âm nhạc thành phố bên bờ sông Hàn mà còn làm phong phú thêm nội dung của Tạp chí Non Nước, đưa tiếng nói của Liên hiệp các hội Văn học – nghệ thuât (VHNT) thành phố Đà Nẵng lan tỏa đến phương xa và được người đọc đón nhận nhiệt tình.

Tạp chí Đất Quảng và Non Nước đã nâng đỡ cho tên tuổi các nhạc sĩ, ca sĩ Quảng Nam - Đà Nẵng vang xa và minh chứng sống động về sự lớn mạnh của phong trào âm nhạc quê hương này trong suốt bốn thập niên qua. Tất cả những khởi sắc ấy đã phả vào đời sống âm nhạc của xứ Quảng một luồng sinh khí mới, nhất là trong bối cảnh quê hương đang biến đổi tươi đẹp từng ngày. Đồng thời, đất nước đang phát triển về mọi phương diện, đặc biệt sự bùng nỗ về công nghệ thông tin, sự ra đời các phương tiện kỹ thuật nghe nhìn hiện đại đã làm cho nhu cầu thưởng thức của công chúng đa dạng, đòi hỏi những tác phẩm âm nhạc phải đáp ứng được thị hiếu thẩm mỹ về âm nhạc dân gian và đương đại của công chúng.

Cả hai tạp chí Non Nước và Đất Quảng cùng song hành trên vùng đất đã và đang dưỡng nuôi mình. Nhiều nhạc sĩ Quảng Nam sống và viết trên đất Đà Nẵng. Nhiều nhạc sĩ Đà Nẵng đi thực tế và viết về đất và người Quảng Nam. Trong hành trình hướng tới cái Đẹp, các nhạc sĩ đã vượt qua bao khó khăn, miệt mài nghĩ suy và say mê sáng tạo, bằng nhiều phương thức hữu hiệu, áp dụng công nghệ quảng bá hiện đại để tiếp cận với người đọc, người xem qua tác phẩm của mình.

Riêng đối với tạp chí Non Nước là diễn đàn có bức tranh khái quát về văn học nghệ thuật không chỉ trong phạm vi thành phố Đà Nẵng, mà luôn kịp thời thông báo các cuộc vận động sáng tác ca khúc do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, các cơ quan bộ, ngành Trung ương tổ chức. Qua đó các nhạc sĩ chuyên và không chuyên có thông tin cụ thể để tham gia và đạt nhiều giải thưởng cao.

Chu toàn cả nhiệm vụ đối nội lẫn đối ngoại, hàng năm tạp chí Non Nước đều quan tâm mời cộng tác viên chuyên ngành âm nhạc tham dự các cuộc họp, hội thảo, tọa đàm quan trọng nhằm động viên, khích lệ tinh thần hợp tác của từng hội viên. Dù mức chuận bút còn khiêm tốn, song các hội viên đều rất cảm kích sự đánh giá cao của tạp chí đối với mình. Khắc ghi tình cảm này nên các cộng tác viên luôn dành sự ưu ái cho tạp chí với những bài viết có nội dung mới, không trùng lắp với các báo khác và sau khi đăng trên tạp chí Non Nước, mới gửi báo chuyên ngành Trung ương. Nhiều thông tin hoạt động âm nhạc đặc sắc trong và ngoài địa phương được đăng tải kịp thời, những bài được chọn đăng trên chuyên mục nghiên cứu – lý luận – phê bình của tạp chí Non Nước đã góp phần giúp cho các nhạc sĩ lý luận như: Trương Đình Quang, Văn Thu Bích bổ sung vào hồ sơ xét giải và đạt giải cao về thể loại báo chí hàng năm của Hội Âm nhạc Đà Nẵng và Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Chính vì đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho hội viên và độc giả, nên cả hai tạp chí cần có sự quan tâm cả về tinh thần lẫn vật chất cũng như đánh gía đúng mức vai trò của văn hóa nói chung, của VHNT đối với cuộc sống, với công cuộc học tập, xây dựng, phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc.

Nghị quyết Trung ương lần thứ 9 khóa XI đã nêu rõ:  ‘‘Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của anh chị em văn nghệ sỹ để có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ảnh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước”. 

Thành phố Đà Nẵng cũng như các địa phương khác chỉ có vài tờ báo là cơ quan ngôn luận của thành phố. Tạp chí Non Nước nằm trong số ít đó, là nơi ngân vang tiếng nói của văn nghệ sĩ Đà Nẵng, song vẫn nhận được nhiều bài vở từ các tác giả gần xa, diễn đàn này không chỉ đề cập hạn hẹp riêng hoạt động VHNT của địa bàn Đà Nẵng mà còn đăng tải các chuyên mục, nội dung đặc sắc bên ngoài thành phố, thu hút được nhiều cây viết tài năng của các lĩnh vực văn nghệ trong cả nước.

Đáng mừng là Non Nước - tạp chí sáng tác, phê bình, lý luận VHNT của Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, nơi tập hợp trang viết của những người yêu VHNT xứ Quảng, được đánh giá là một trong những tờ tạp chí văn nghệ địa phương trong cả nước trình bày đẹp, có nội dung phong phú, đa dạng với nhiều chuyên mục, có chú trọng bản sắc riêng.

Người đọc dễ hình dung về dáng vóc tạp chí Non Nước tại mảnh đất giàu văn hóa từ thuở xa xưa, nơi đã sản sinh ra nhiều tài năng văn nghệ. Quả là công phu để tạp chí có nội dung phong phú, đa dạng và có bản sắc riêng, đề tài và phương thức phản ánh văn học cũng như nghệ thuật xứ Quảng không hòa lẫn với văn học nghệ thuật của bất cứ vùng đất nào là tiêu chí quan trọng mà ban biên tập tạp chí đã thực hiện. Có lẽ có được thành quả này, là do tạp chí Non Nước ưu tiên chọn in những tác phẩm viết về các đề tài gần gũi với đời sống, tâm tư tình cảm của người dân, phản ánh về đất và người xứ Quảng, khích lệ những tác phẩm có bút pháp mới nhưng có giá trị nghệ thuật cao và không xa lạ với tâm lý chung của công chúng. Ngoài ra, khi chọn bài để in, tạp chí Non Nước căn cứ hoàn toàn vào chất lượng tác phẩm chứ không dựa vào danh tiếng hay thân quen. Vì vậy, trong thời gian 5 năm gần đây, một số tác giả trẻ mới đã có cơ hội giới thiệu tác phẩm đến công chúng yêu nhạc và trong số này có người đã được kết nạp vào Hội chuyên ngành cấp địa phương cũng như cấp trung ương.

Diện mạo tạp chí Non Nước ngày càng đẹp và hấp dẫn, cũng như các chuyên mục khác, bản sắc văn học trong âm nhạc của một vùng đất được nêu bật khá rõ. Tạp chí Non Nước chính là nơi nuôi dưỡng, khích lệ tình yêu văn học, tâm hồn yêu âm nhạc và dìu dắt các hạt nhân đó. Thông qua những tác phẩm, có thể thấy một diện mạo âm nhạc xứ Quảng giàu màu sắc, những phá cách, thể nghiệm ở nhiều thể loại khác nhau cũng như sự vững chải trong các mảng phê bình lý luận âm nhạc.

Không chỉ như thế, từ sân chơi này, một số tác giả đã bước đầu khẳng định được mình. Qua đó, khuyến khích niềm đam mê sáng tạo cho các tác giả trẻ, góp phần khơi gợi ngọn lửa tình yêu âm nhạc trong công chúng. Từ diễn đàn này, nhiều cây bút đã tự tin trong sáng tác và được tuyển chọn đề cử đi dự trại sáng tác âm nhạc hằng năm do hội chuyên ngành của trung ương và thành phố tổ chức. Đáp lại sự ưu ái đó, họ luôn nỗ lực để có cơ hội đạt giải cao.

Đáng tiếc, thời gian qua bạn đọc phát hiện có một số bài báo với nội dung khá độc đáo, sâu sắc đã đăng trên tạp chí Non Nước, lại bị các báo khác đăng lại mà không xin phép tạp chí Non Nước và tác giả, đây là hành vi vi phạm bản quyền, vì tạp chí Non Nước đã trả nhuận bút cho các bài viết nêu trên. Hiện tượng này làm chùn chân nhiều tác giả là nạn nhân của việc sao chép trái phép.

Có thể nói vài năm gần đây, theo đánh giá của nhiều người, tạp chí Non Nước đã có nội dung chất lượng tốt, nhiều bài viết rất giá trị, nhiều tác phẩm được đón nhận chân tình. Đây không chỉ là một sân chơi “trí tuệ” để các văn nghệ sĩ có dịp tỏ bày tâm tư thông qua tác phẩm của mình, tạp chí Non Nước còn tạo ra cơ hội và tạo điều kiện tốt nhất cho các văn nghệ sĩ giao lưu, quảng bá tác phẩm, sáng tạo nguồn tác phẩm dồi dào, phong phú để dễ dàng lựa chọn. Từ đó, góp phần giúp các văn nghệ sĩ địa phương nắm bắt kịp thời và đồng hành với đời sống văn học nghệ thuật của cả nước, phát huy vai trò cầu nối trong việc giới thiệu các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao đến với công chúng cũng như phát hiện, bồi dưỡng những tác giả có khả năng sáng tác ở địa phương. Bên cạnh đó, không quên chuyển tải khá đầy đủ các hoạt động thời sự chính trị nhưng vẫn không làm phai mờ tính văn nghệ cốt lõi của tạp chí.

Nhìn chung, 40 năm qua đã đánh dấu một giai đoạn hoạt dộng đầy sáng tạo của tạp chí Đất Quảng, 21 năm hình thành và phát triển không ngừng của tạp chí Non Nước. Đến hôm nay những gì chúng ta có được thật đáng mừng, với lực lượng biên tập và cộng tác viên hùng hậu, thâm tình. Tuy nhiên, nằm trong bối cảnh chung của cả nước, thì sự phát triển của cả hai tạp chí với Ban biên tập giỏi giang, chịu khó với đội ngũ cộng tác viên các chuyên ngành VHNT có uy tín trong cả nước là một điểm sáng đáng trân trọng và phát huy. Từ đó chúng ta có thể tin tưởng diện mạo văn học nghệ thuật nói chung, âm nhạc Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng sẽ còn rực sáng hơn nữa trong công cuộc đổi mới của đất nước, trước những dự báo tốt đẹp về bao đổi thay lớn lao của thành phố biển thân thương./.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.