You are here

Antonín Dvořák: Concerto dành cho… hai tay phải

Tác giả: 
Ngọc Tú

Tuy không quá nổi tiếng nhưng âm nhạc dành cho piano độc tấu của Dvořák cũng chiếm một phần đáng kể trong di sản của ông, trong đó bản concerto viết cho piano giọng Son thứ là tác phẩm duy nhất dành cho piano và dàn nhạc.

Nhà soạn nhạc Antonín Dvořák. Nguồn: dvoraknyc.org

Nếu như bỏ qua bản concertante cho cello và piano sáng tác thời kỳ đầu của Dvořák thì đây là concerto đầu tiên trong tổng số ba bản của ông. Trong khi hai bản concerto violin và đặc biệt concerto cello thường xuyên xuất hiện trong các chương trình hòa nhạc và rất được yêu thích thì dường như bản concerto piano này khiêm nhường và lặng lẽ hơn nhiều. Nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng Harold C. Schonberg đã từng nhận xét về bộ ba này “Một bản piano concerto giọng Son thứ thu hút với phần piano khá kém hiệu quả, một bản violin concerto giọng La thứ xinh đẹp và một bản cello concerto giọng Si thứ đỉnh cao”.

Đón nhận hờ hững

Cho đến ngày nay, chúng ta vẫn chưa tìm hiểu được đâu là lý do khiến Dvořák chọn piano là nhạc cụ đầu tiên để sáng tác concerto. Nhiều khả năng là nhà soạn nhạc hi vọng vào một màn trình diễn xuất sắc của nghệ sĩ piano trẻ tài năng thời kỳ đó Karel Slavkovsky, người tỏ ra rất thích thú với các tác phẩm mới của Dvořák và chủ động trình diễn chúng trong các buổi hòa nhạc của mình. Người ta nghiêng về giả thuyết này vì chính Slavkovsky là người biểu diễn ra mắt bản piano concerto này sau đó.

Dvořák sáng tác tác phẩm này trong vòng khoảng một tháng, từ tháng 8 đến tháng 9/1876, ngay sau khi ông hoàn thành tập 2 của tập ca khúc Moravian Duet, Op. 32. Dvořák dành tặng tác phẩm này cho nhà mỹ học và phê bình âm nhạc hàng đầu thời bấy giờ Eduard Hanslick nhằm bày tỏ lòng cảm kích của mình đối với sự nghiệp của Hanslick.

Nhà phê bình âm nhạc David Hurwitz trong cuốn "Dvořák: Thiên tài toàn diện nhất của âm nhạc Lãng mạn" đã nhận xét về phiên bản gốc của tác phẩm là một concerto tiêu biểu theo phong cách cổ điển và “một tác phẩm quyến rũ, hấp dẫn, trữ tình không tì vết”. Còn nghệ sĩ piano người Czech Radoslav Kvapil thì bày tỏ: “Dvořák đã làm cho mọi nốt nhạc đều quan trọng. Ông ấy đã sáng tác những thứ rất kỳ quặc và khó chơi nhưng âm thanh lại vô cùng mới mẻ và tươi mát”.

Bản piano concerto xuất bản vào năm 1883 là kết quả của vô số lần sửa đổi và điều chỉnh của Dvořák kể từ khi hoàn thành nó năm 1876. Trong khoảng thời gian này, tác phẩm đã được luân chuyển qua tay của rất nhiều nhà xuất bản và các nghệ sĩ piano và chắc chắn rằng Dvořák đã sửa đổi một số lần dựa trên những gợi ý của họ. Trên thực tế, không nhà xuất bản nào mặn mà với việc cho lưu hành bản concerto này. Dường như tác phẩm không đủ độ “choáng ngợp” khiến các nhà xuất bản “buộc phải” công bố tác phẩm này (với hi vọng việc kinh doanh trong tương lai sẽ mang lại lợi nhuận). Ví dụ, phản ứng của Robert Lienau tại Berlin vào ngày 2/7/1879: “Mặc dù tôi rất muốn in một bản concerto piano vào lúc này nhưng tôi không thể ngay tức khắc nhận tác phẩm này. Như Beethoven, ông đã chọn một sự gắn bó chặt chẽ giữa piano và dàn nhạc và đó không phải là điều cuốn hút các nghệ sĩ piano ngày nay. [...] Tuy nhiên, tôi cũng nói rõ ở đây rằng, nếu tôi chấp nhận in, tôi chỉ có thể đưa ra một mức phí vừa phải vì việc lưu hành những tác phẩm như thế này là vô cùng tốn kém”. Cuối cùng Julius Haineuer đã chấp nhận xuất bản tác phẩm này vào năm 1883 tại Vratislav, bảy năm sau khi nó ra đời.

Vào đầu thế kỷ 21, bảo tàng Moravian Provincial ở Brno đã khai quật được một bản sao chưa xác định được mà ngày nay chúng ta đã được biết chính là phiên bản ban đầu của bản piano concerto. Nhà âm nhạc học Ludmila Smidova sau khi nghiên cứu đã nhận định rằng phiên bản cuối cùng phản ánh rõ sự trau chuốt hơn nhiều của phần piano độc tấu, tạo cơ hội để khoa trương kỹ thuật cũng như biểu cảm nhiều hơn, thêm vào đó, phần dàn nhạc cũng được chú trọng, đa dạng và nhiều màu sắc hơn và có nhiều sự can thiệp vào các chủ đề kết cấu của âm nhạc. Điều này cho thấy, phiên bản gốc của tác phẩm cung cấp những bằng chứng quan trọng về quá trình sáng tác bản piano concerto của nhà soạn nhạc.

Một trong những bản thu âm bản pinao concerto này rất đáng chú ý của Richter là với nhạc trưởng huyền thoại Carlos Kleiber và Bavarian Radio Symphony Orchestra.

Điểm khác biệt

Mặc dù về bố cục hình thức bên ngoài, tác phẩm được viết dưới dạng ba chương truyền thống, nhưng ý tưởng tổng thể thì lại thách thức những khái niệm chung về một bản piano concerto thời kỳ Lãng mạn. Trong phần dành cho piano độc tấu, Dovrak đã cố tình từ chối các quy tắc biểu hiện được thiết lập theo trường phái Chopin-Liszt, đó là nhấn mạnh vào độ khó về mặt kỹ thuật của những đoạn phô diễn chói mắt, thời điểm đó thường được gắn với ý tưởng phổ biến về một phong cách hòa tấu. Hơn nữa, mối quan hệ qua lại lẫn nhau giữa nhạc cụ độc tấu và dàn nhạc không tuân theo các quy ước được thiết lập: Dvořák đã quyết định lật ngược nguyên tắc hòa tấu truyền thống trong các phần biểu diễn luân phiên mà trong đó dàn nhạc là người nắm vai trò chủ đạo với những đoạn biểu diễn rực rỡ của nghệ sĩ độc tấu bằng cách tạo ra một dòng chảy âm nhạc mang tính chất của giao hưởng một cách tự nhiên. Phần piano hòa nhập vào kết cấu tổng thể của tác phẩm, trở thành một phần cân bằng với dàn nhạc, cùng chia sẻ những chất liệu từ chủ đề chính. Vì vậy, điểm thu hút không phải là kỹ thuật trình diễn của nghệ sĩ độc tấu và nhạc cụ của anh ta mà là nội dung mà bản nhạc mang lại. Khi diễn giải tác phẩm theo cách này (sau này cũng có thể áp dụng cho concerto violin và concerto cello của ông), ta thấy Dvořák rất gần gũi với các concerto piano của Brahms. Nhiều người cho rằng bản concerto piano số 1 giọng Rê thứ của Brahms thường được coi là nguồn cảm hứng cho tác phẩm này của Dvořák. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này rất khó là sự thật vì các tác phẩm của Brahms chưa được biểu diễn tại Prague thời điểm đó và cũng một năm sau đó, Dvořák mới được làm quen với Brahms.

Đây là giai đoạn mang tính chất bản lề đối với sự nghiệp sáng tác của Dvořák. Ông bắt đầu từ bỏ sự tập trung vào âm nhạc của Wagner và Liszt và đặt trọng tâm và các hình thức và cấu trúc cổ điển. Thêm vào đó, âm nhạc dân gian trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo mới, đóng góp một phần vô cùng quan trọng trong những sáng tác sau này của Dvořák. Sự pha trộn giữa hình thức âm nhạc cổ điển và nguồn năng lượng mới đến từ âm nhạc dân gian đã thể hiện rõ trong bản concerto piano này.

Piano concerto giọng Son thứ, Op. 33

Thời gian sáng tác: Được sáng tác từ tháng 8 đến 14/9/1876. Sau đó tác phẩm đã được sửa chữa nhiều lần. Phiên bản cuối cùng được xuất bản vào năm 1883.

Công diễn lần đầu: Diễn ra vào ngày 24/3/1878 tại Prague với phần biểu diễn piano của Karel Slavkovsky dưới sự chỉ huy của Adolf Cech.

Đề tặng: Dvořák đề tặng tác phẩm này cho nhà mỹ học, phê bình âm nhạc Eduard Hanslick (1825 - 1904).

Chương I của bản piano concerto được viết ở hình thức sonata mở rộng với b chủ đề trung tâm. Tâm trạng của chương nhạc phụ thuộc chủ yếu vào sự tự nhiên của chủ đề đầu và cuối, tiêu biểu cho không khí trang nghiêm và hùng vĩ của chúng. Sự tương phản hiệu quả được tạo ra với chủ đề hai ở giọng Si giáng trưởng, mà tinh thần vô tư lự của nó gợi lên thế giới của các vũ khúc Slav. Phần phát triển có cấu trúc phức tạp là một trong những chương nhạc dài nhất trong toàn bộ các tác phẩm của Dvořák. Nó bao gồm hai phần: Phần đầu là chủ đề phụ còn phần sau là chủ đề chính. Ở cuối của phần phát triển, chúng ta bắt gặp một tia sáng le lói của một motif rất đặc biệt (đầu tiên trên horn và sau đó ngay lập tức, trên oboe), với những đường nét đầy tính nhịp điệu, gợi nhớ mạnh mẽ đến chủ đề chính trong chương I của bản giao hưởng số 9 “Từ thế giới mới” sau này của ông. Sau phần tái hiện thông thường là một đoạn cadenza cho piano độc tấu, một trong những đặc điểm bề ngoài mà Dvořák vẫn lưu giữ theo truyền thống concerto cổ điển (trong các conceto sau này, Dvořák đã loại bỏ hoàn toàn phần cadenza).

Chương II với tốc độ chậm bao gồm hai chủ đề chính, trong đó chủ đề thứ nhất khá bất thường với sự hoàn toàn thiếu vắng sự ghi chú của các yếu tố nhịp điệu; ngoại trừ một chút tăng nhẹ ở cuối của ô nhịp cuối cùng, nó gồm hoàn toàn những nốt đen. Chủ đề thứ hai, với sự trang trí du dương, các nhạc cụ nhẹ nhàng trong phần đệm của mình và trong tính chất tổng thể, gợi nhớ lại sự tự do trong các piano concerto của Chopin. Phần giữa của chương nhạc chắc chắn kịch tính hơn và được xây dựng trên cơ sở yếu tố nhịp điệu cuối cùng của chủ để chính.

Chương III bao gồm ba chủ đề, hai chủ đề đầu khá đặc trưng với các ý tưởng về nhịp điệu khá mạnh mẽ. Chủ đề đầu tiên là một toccata cách điệu, trong khi chủ đề hai có hầu như là một vũ khúc. Chủ đề ba giới thiệu một hiệu quả tương phản với một nét giai điệu trữ tình. Về cấu trúc âm nhạc, chương III là sự kết hợp của hình thức sonata và rondo.

Những đánh giá trái chiều

Phần độc tấu piano của tác phẩm này đặc biệt khó (được miêu tả là không thể chơi được hoặc là được viết “cho hai tay phải”) trong khi, dưới quan điểm của khán giả, nó không mang lại sự choáng ngợp của một bậc thầy theo phong cách các piano concerto của Liszt. Nghệ sĩ piano Leslie Howard đã nhận xét: “Không một tác phẩm piano nào của Liszt lại có độ khó như piano concerto của Dvořák – một tác phẩm tuyệt vời nhưng là một trong những bản nhạc vụng về nhất cho piano từng được xuất bản”.

Sự mâu thuẫn này dẫn các nghệ sĩ piano coi việc trình diễn tác phẩm thật khó nhằn: phải bỏ ra nỗ lực rất lớn để nghiên cứu và chơi nó trong khi không có “hiệu ứng” nào phù hợp để tạo ra sự cân bằng. Thầy giáo và nghệ sĩ piano tài năng người Czech Vilem Kurz vì vậy đã quyết định sửa đổi phần piano (không động chạm gì đến phần dành cho dàn nhạc) theo hướng phù hợp hơn với ý tưởng thông thường về việc bố trí làm thế nào để có thể chơi piano một cách “thoải mái” hơn. Ở một số chỗ, Kurz đã đơn giản hóa những chỗ quá khó về mặt kỹ thuật; ngược lại, một số chỗ khác, ông lại thêm vào các quãng 8 và hợp âm để phần piano độc tấu nổi lên so với dàn nhạc. Theo cách sửa đổi này, bản concerto lần đầu được trình diễn tại Prague vào năm 1919 với con gái của Kurz, nghệ sĩ piano Ilona Kurzova, nhạc trưởng Vaclav Talich và Czech Philharmonic. Phiên bản của Kurz sớm được đưa vào danh mục biểu diễn thường xuyên và học trò ông Rudolf Firkusny đã mang tác phẩm đi trình diễn khắp thế giới và khiến khán giả yêu thích nó (dù vậy, khi ở cuối sự nghiệp, Firkusny trở lại với phiên bản gốc của Dvořák). Trong nhiều thập kỷ, phiên bản của Kurz đã thúc đẩy việc trình diễn tác phẩm này. Tuy nhiên, việc sửa chữa này được nhiều người đánh giá là đã mang quá nhiều chủ nghĩa Liszt áp đặt cho tác phẩm và làm mất đi màu sắc đặc trưng của âm nhạc Dvořák.

Nghệ sĩ piano đầu tiên có hứng thú với phiên bản gốc là Sviatoslav Richter. Richter yêu tác phẩm này một cách lạ thường, ông kiên định tôn trọng các ghi chú của nhà soạn nhạc và thường xuyên biểu diễn tác phẩm này. Một trong những bản thu âm bản pinao concerto này rất đáng chú ý của Richter là với nhạc trưởng huyền thoại Carlos Kleiber và Bavarian Radio Symphony Orchestra (hãng thu âm EMI Classics). Cách diễn giải tác phẩm của Richter thuyết phục đến nỗi hoàn toàn không phóng đại mà nhận xét rằng chính ông đã hồi sinh lại bản gốc tác phẩm. Gần đây hơn, trách nhiệm bảo vệ phiên bản gốc được chuyển sang cho Andras Schiff, người đã khởi xướng và ủng hộ tài chính cho việc xuất bản bản sao từ bản thảo viết tay của nhà soạn nhạc (Schiff cũng có một bản thu âm khá nổi tiếng tác phẩm này cùng với Christoff von Dohnányi và Vienna Philharmonic do Decca thực hiện). Ngoài ra, nhiều nghệ sĩ piano chọn cách kết hợp cả hai phiên bản. Garrick Ohlsson là nghệ sĩ đứng sau sự thỏa hiệp này.

Trên thực tế, khi mới công diễn, tác phẩm nhận được nhiều lời chê bai hơn là khen ngợi bởi không khí mà bản concerto tạo ra khác biệt với đa phần các tác phẩm cùng thể loại ở thời kỳ này như Các concerto của Moscheles, Alkan và Litolff được sáng tác với phong cách rực rỡ và tươi sáng hơn. Dù vậy, theo thời gian, càng ngày bản piano concerto này càng nhận được nhiều đánh giá tích cực hơn.

(Nguồn: https://tiasang.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.