You are here

Ba nhạc sĩ nổi tiếng và một nàng tiên

Tác giả: 
Trích Chuyện tình nghệ sĩ - Hà Đình Nguyên

Ca khúc Giáo đường im bóng của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ ra đời cách đây gần 75 năm ẩn hiện thấp thoáng trong bản nhạc là bóng hình một giai nhân từng làm trái tim non tơ của nhạc sĩ tài hoa lỗi nhịp. Không chỉ vậy, những nhạc sĩ cùng thời với chàng cũng đã xuyến xao khi tình cờ gặp nàng trên dòng đời xuôi ngược….

Tính từ năm 1938 đến thời điểm này thì những vì sao được cho là đã xuất hiện đầu tiên trên vòm trời âm nhạc Việt Nam như: Dương Thiệu Tước, Lê Thương, Thẩm Oánh, Văn Cao… đã lần lượt rơi rụng.

Một trong những nhạc sĩ tiền chiến còn sót lại hiếm hoi là nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ – ông vẫn còn hiện diện ngay tại ngôi nhà ông đã được sinh ra, đã sáng tác khúc đầu tiên viết cho người mình yêu dấu và có lẽ ông cũng sẽ từ giã cuộc đời ngay tại đây. Không chỉ có thế, người bạn đời của ông – cô gái năm xưa đã là nguồn cảm tác của ông, nay quấn quýt bên ông để chia ngọt sẻ bùi, chung thủy suốt ¾ thế kỷ chung sống…


Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ

Nàng Tiên trong giáo đường

Ca khúc Giáo đường im bóng của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ không tưng bừng, rộn rã như những ca khúc giáng sinh khác mà phảng phất chút hoài niệm xa vắng, chút đượm buồn vương vất: “Nhớ tới đêm đầy ánh sáng. Hương trong gió tràn mênh mang. Giây phút như ngừng thôi rơi. Tiếng kinh muôn lời. Dáng xinh xinh bao tiên kiều, quỳ ngân thánh kinh ban chiều. Trong giáo đường đêm Noel ấy, ngàn đời tôi mến yêu… Tiếng Amen đều âm u. Hòa theo gió đêm thu, làm xao xuyến tâm hồn quá. Thời khắc mơ…”.

Sở dĩ ca khúc này có “hơi nhạc” buồn buồn như vậy là bởi nó được viết cho một chuyện tình.

Câu chuyện ấy bắt đầu vào một đêm tháng 5.1938 tại thành phố Nam Định. Lúc ấy, chàng trai Hà Nội tên Nguyễn Thiện Tơ mới 17 tuổi được phong trào hướng đạo sinh (Scout) mời về thành Nam biểu diễn trong một đêm văn nghệ từ thiện quyên tiền giúp người nghèo…

Đến đây xin được “mở ngoặc” để giải thích tại sao một thanh niên mới 17 tuổi mà đã được mời biểu diễn âm nhạc: Nguyễn Thiện Tơ sinh năm 1921 tại số 22 Rue Charron, Hà Nội (nay là số 22 Mai Hắc Đế, và gia đình nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ vẫn đang cư ngụ ở đó).

12 tuổi cậu bé Nguyễn Thiện Tơ theo học guitar hawaine (Hạ Uy Cầm) với thầy Trần Đình Khuê, học được 3 tháng đã được vinh dự biểu diễn cùng thầy trên Đài phát thanh Péninière của Pháp, đặt gần trường Bưởi. Ít lâu sau, cậu chuyển sang học guitar với ông thầy người Pháp tên là Benito, cùng học đàn với cậu còn có Bạch Thái Chín (con của nhà tư bản Bạch Thái Bưởi).

Do học phí của thầy Benito quá cao nên đã cùng bạn bè lập nhóm biểu diễn nhạc Tây tại sân Quần Ngựa hoặc rạp chiếu bóng Bạch Mai, thính giả của họ hầu hết là người Pháp và họ đã nồng nhiệt tán thưởng những tiết mục của nhóm Nguyễn Thiện Tơ. Có thể nói Nguyễn Thiện Tơ là thế hệ nhạc sĩ đầu tiên của Việt Nam sử dụng điêu luyện cả guitar gỗ lẫn guitar hawaien.

Chính khả năng đó nên dù tuổi đời còn trẻ, Nguyễn Thiện Tơ vẫn được nhiều người tìm đến học đàn. Trong số những học trò thành danh sau này như nhạc sĩ Dzoãn Mẫn, Nguyễn Văn Quỳ và đặc biệt là nhạc sĩ tài hoa Đoàn Chuẩn.

Trở lại với đêm văn nghệ từ thiện ở Nam Định. Phải nói đó là “ đêm … định mệnh” gắn với cuộc đời Nguyễn Thiện Tơ, khi một người con gái đi đến bên chàng, thỏ thẻ nhờ lên hộ dây đàn. Trái tim trai tơ như muốn ngừng đập trước vẻ đẹp thanh thoát và ánh mắt “ như có sóng” của nàng.

Đêm đó, nàng ôm đàn Banjo hát nhạc Pháp, còn chàng thì độc tấu Tây Ban cầm và Hạ Uy cầm… Dọ hỏi, chàng biết tên nàng là Vũ Hà Tiên, mới 16 tuổi mà sắc đẹp và tài năng cầm ca của nàng nổi tiếng khắp thành Nam. Từ đó thỉnh thoảng họ có gặp nhau hoặc viết thư thăm hỏi. Nguyễn Thiện Tơ yêu thầm mà không dám nói, bởi giữa hai người có “bức tường” tôn giáo ngăn cách. Gia đình nàng theo đạo Thiên Chúa, còn chàng bên lương.

Tuy thế dù kẻ ở Hà Nội, người ở thành Nam nhưng Nguyễn Thiện Tơ luôn tranh thủ thời gian, hễ có dịp là vù về Nam Định. Chàng thường đưa nàng đi lễ chiều còn mình đứng bên cửa sổ nhà thờ nghe hát thánh ca. Chính những điều tưởng như vụn vặt ấy đã đưa tình yêu đến với hai tâm hồn thơ trẻ...

Tuy nhiên cha mẹ nàng cương quyết không gả con gái cho người ngoại đạo, lại là một “nhạc sĩ lênh đênh”. Trong những tháng ngày tuyệt vọng ấy, Nguyễn Thiện Tơ đã sáng tác ca khúc Giáo đường im bóng, phần ca từ đã được người bạn thân là thi sĩ Phi Tâm Yến trau chuốt thêm để bản nhạc đầu tay của chàng thanh niên 17 tuổi thêm chất chứa tâm sự.

Ở đó có một không gian u uẩn và “đôi mắt huyền” của Vũ Hà Tiên luôn là nỗi ám ảnh khôn nguôi: “… Lá êm êm rơi trên gương hồ. Hình như mối tơ duyên xa mờ. Sóng rung rinh hồ xưa đây. Hồn tôi nhớ nàng mê say, ngày xưa ấy u trầm quá… Và sóng mắt huyền còn biết đâu tìm”.

Họ yêu nhau “lận đận” đến những 6 năm. Trong 6 năm đó, với ngổn ngang tâm sự Nguyễn Thiện Tơ đã sáng tác thêm ca khúc Nhắn gió chiều, Trên đường về, Đêm trăng xưa, Chiều quê, Ngày vui đã qua, Cung đàn xuân xưa…

Cảm được cái tình sâu nặng của chàng, nàng hoa khôi xứ đạo thành Nam bỗng trở nên cương quyết: “Mẹ bảo lấy anh thì không cho vàng bạc, nữ trang. Em trả lời rằng con có thể sống mà không có vàng bạc nhưng không thể sống thiếu anh ấy!”. Và rồi họ cùng nhau vượt qua nghịch cảnh để có một đám cưới vào năm 1944…


Vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ

Cũng cần nói thêm là họ đã yêu nhau trong giai đoạn chiến tranh Pháp – Nhật loạn lạc. Gia đình nàng từ Nam Định tản cư vào tận Nghệ An. Chàng cũng theo nàng vào tận trong ấy và một lễ cưới đơn sơ nhưng thật hạnh phúc đã được tổ chức tại nhà thờ làng Mỹ Dụ (Vinh).

Hiện nay, ông bà Nguyễn Thiện Tơ vẫn sống ở căn nhà số 22 Mai Hắc Đế, Hà Nội (căn nhà là nơi ra đời của nhạc sĩ và cũng là nơi ra đời của Giáo đường im bóng). Năm nay ông đã 94 tuổi (bà kém ông một tuổi), họ có 8 người con và cháu chắt đầy nhà. Quả là một mối tình hết sức keo sơn…

Một nàng tiên, ba nhạc sĩ

Trở về khoảng thời gian “6 năm tình lận đận” của Nguyễn Thiện Tơ – Vũ Hà Tiên, thì trong giai đoạn ấy, Nguyễn Thiện Tơ đã (có thể nói là) “so kiếm” với những “địch thủ” hết sức nặng ký. Đó là nhạc sĩ Lê Thương và cả nhạc sĩ Phạm Duy!

Nhạc sĩ Phạm Duy viết trong hồi ký: “Tại thành phố Vinh tôi được làm quen – một cách không trực tiếp – với một người tôi rất phục tài là nhạc sĩ Lê Thương, qua một con gái tên là Hà Tiên… Bây giờ tôi biết chắc chắn khi soạn ra bài hát nhan đề Nàng Hà Tiên, quả thực rằng nhạc sĩ Lê Thương có yêu một người con gái có xương có thịt mang tên Hà Tiên. Hà Tiên có gương mặt tròn như trăng, có đôi mắt sáng như ánh sao, có đôi môi như chùm hoa chín, có đôi má lúm như quả táo ngon (xin lỗi, đọc đoạn này, trộm nghĩ nhạc sĩ Phạm Duy phải nhà văn mới đúng! – NV), tính tình nhanh nhẹn, cởi mở. Cùng với cô chị xinh đẹp không kém nhưng tính tình khép kín hơn, hai cô gái thành Vinh này rất thích những bài ca mới, nhất là bài Buồn tàn thu (của Văn Cao – NV) đã được nghe tôi hát ở gánh hát Đức Huy.

Sau đó hai cô mời tôi tới tham dự buổi văn nghệ salon ở nhà mình. Câu chuyện về âm nhạc nổ như pháo ran trong căn nhà một tầng ở giữa thành phố Vinh. Hai chị em hát rất hay, nhất là Hà Tiên.

Trong câu chuyện, hai cô nhắc đến Lê Thương. Trước đây tôi chỉ biết qua loa nhạc sĩ Lê Thương có tên thật là Ngô Đình Hộ, cởi áo thầy dòng để làm nghề dạy học ở Hải Phòng, rồi lại bỏ Hải Phòng đi tuốt vào Bến Tre làm việc cho một đồn điền của Pháp. Nhạc sĩ họ Lê có soạn hai bài hát nhan đề Một ngày xanh và Nàng Hà Tiên. Bây giờ được một cô bé mang tên Hà Tiên ở thành Vinh hát cho nghe thì rất khoái!...

Nàng Hà Tiên là một truyện ca huyền ảo. Tôi vẫn cho rằng trong làng Tân nhạc, sau 50 năm sinh hoạt, vẫn chưa có ai kể truyện hay cho bằng nhạc sĩ Lê Thương. Truyện ca bé bỏng Nàng Hà Tiên này đã báo trước cái vĩ đại của bộ ba Hòn Vọng phu

Ngay từ đầu thập niên 40, ta đã thấy Lê Thương cho ta những câu nhạc dài hơi bằng chứng của óc sáng tạo, khác với những tài năng yếu kém chỉ viết nổi những câu nhạc cụt thùn lủn. Có ai trong đám chúng tôi có được đầu óc phong phú như chàng Lê, tạo ra một câu chuyện hư hư thực thực, chuyện người đẻ ra tiên, rồi nàng tiên biến thành một bến nước?

Nhưng khởi sự ra câu chuyện này, chắc chắn đã có một động lực là cô con gái má lúm đồng tiền mang tên Hà Tiên…Chẳng lẽ một người đàn anh mà mình kính phục là Lê Thương đã yêu một cô gái đẹp và viết ra một truyện ca tuyệt vời mà mình lại có thể dửng dưng trước cô ta hay sao? Tôi bèn bắt chước ông anh nhưng dở hơn chàng Lê, tôi chẳng soạn nổi một câu nhạc nào cho nàng tiên này cả! Sau này được gặp anh Lê Thương yêu quý ở Sài Gòn, hai anh em nhắc tới chuyện cùng yêu Hà Tiên thì cả hai người cùng tồ tồ như hai con vịt đực…

Cô bé Hà Tiên cũng không tránh khỏi số phận được Trời ban cho là ban phát hạnh phúc cho những chàng nhạc sĩ. Nàng Tiên kết duyên cùng một nhạc sĩ có hạng ở Hà Nội là Nguyễn Thiện Tơ, tác giả bài Giáo đường im bóng…Tôi có cơ hội gặp lại ông bà Nguyễn Thiện Tơ vào năm 2000 tại Hà Nội”.


Dù đã bước vào tuổi U...100, hai vợ chồng nhạc sĩ vẫn một mực son sắt và hạnh phúc

Thật thú vị! Quả thực hai anh chàng “ rắp tăm bắn sẻ” này “ võ công” đầy mình. Nếu như nàng tiên ( hay con “chim sẻ”) này mà không trung trinh, kiên định với tình yêu của mình là họ bắn … “rụng” ngay! Thế mới biết chàng Nguyễn Thiện Tơ được nàng yêu chừng nào…

Những người trong cuộc, trừ nhạc sĩ Lê Thương đã khuất bóng vào năm (1996), nhạc sĩ Phạm Duy (2013) thì ba người còn lại (Ông bà Nguyễn Thiện Tơ) giờ đã bước vào lứa tuổi “U …100”! Thật tuyệt vời, khó tìm thấy những trường hợp thượng thọ như thế, và câu chuyện của họ quả là hi hữu và đầy thi vị trong làng văn nghệ Việt Nam.

(Nguồn: http://motthegioi.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.