You are here

Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Nghị quyết kỳ họp thứ 9

Ngày 27 tháng 6 năm 2019, Hội nghị Ban Chấp hành khóa IX kỳ họp thứ 9, đã được tổ chức tại TP. Cà Mau, kết hợp với việc tổ chức Liên hoan Âm nhạc khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Hội nghị nghe các báo cáo Tổng kết 6 tháng đầu năm 2019 và Phương hướng nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2019, Báo cáo của Trung tâm Bản quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam; Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, Báo cáo của Phòng công tác hội viên về công tác quản lý chi hội, hội viên,  Website, tạp chí Âm nhạc Việt Nam; báo cáo hoạt động và một số kiến nghị của các chi hội địa phương; báo cáo của các ủy viên Ban Chấp hành về công tác chi hội, hoạt động âm nhạc ở các địa phương, vùng miền... Các Ủy viên Ban Chấp hành đã thảo luận, góp ý kiến, bổ sung vào các báo cáo.

I. Hội nghị đã thống nhất các nội dung:

1. Hội nghị nhất trí với Báo cáo hoạt động 6 tháng đầu năm 2019 và đánh giá cao kết quả đạt được với nhiều hoạt động thiết thực, có nhiều đóng góp tích cực và bám sát thực tế đời sống chính trị, âm nhạc của đất nước; có những chuyển biến mới, cách làm mới, tập trung hướng về cơ sở, khẳng định tính chuyên nghiệp trong sáng tác và hoạt động biểu diễn âm nhạc như việc tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn tại các khu vực, tổ chức các trại sáng tác, định hướng đề tài sáng tác, đưa hoạt động về các địa phương khác nhau, tạo điều kiện cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ giao lưu với nhiều mầu sắc âm nhạc vùng miền, phong phú đa dạng. Ban Chấp hành ghi nhận các hoạt động, ý kiến đóng góp, đề xuất và kiến nghị của các Chi hội, Ban chấp hành sẽ quan tâm và chỉ đạo để hoạt động tại các Chi hội được phát triển tốt hơn. 

2. Thông qua phương thức tổ chức Đại hội cơ sở theo từng Chi hội (dự kiến bắt đầu từ tháng 1 năm 2020 đến hết tháng 4 năm 2020) để tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X (nhiệm kỳ 2020 - 2025), tháng 6/2020 tại thủ đô Hà Nội như sau:

- Số đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam không quá 30% tổng số Hội viên toàn quốc, bao gồm các đại biểu đương nhiên là các nhạc sĩ được Giải thưởng Hồ Chí Minh, NSND, NGND, các Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký các nhiệm kỳ, các Ủy viên Ban Chấp hành đương nhiệm, các Chi hội trưởng và các đại biểu chính thức được bầu từ các đại hội cơ sở.

- Văn phòng Hội gửi công văn đến các tỉnh, thành phố thông báo về việc tổ chức Đại hội cơ sở, hướng dẫn bằng văn bản cho từng Chi hội phương thức tổ chức Đại hội, bầu đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc.

- Các Chi hội chủ động đăng ký thời gian tổ chức đại hội cơ sở với Văn phòng Hội.

- Đối với các tỉnh chưa thành lập Chi hội (Đoàn Nhạc sĩ), Văn phòng Hội sẽ trực tiếp hướng dẫn thực hiện.

- Phân công các ủy viên Ban Chấp hành phụ trách khu vực theo dõi Đại hội  cơ sở như sau:

NS Đức Trịnh: Khối Quân đội + Khu vực Đồng bằng Duyên Hải Bắc Bộ

NS Vũ Duy Cương: Khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc.

NS Lê Xuân Hoan: Khu vực Tây Nguyên

NS Trần Ái Nghĩa: Khu vực Nam Trung Bộ, Đà Nẵng

NS Lê Phùng: Khu vực Bắc Trung Bộ

NS Trần Gia Cường: Khối Công An

NS Phạm Ngọc Khôi: Khối Bộ Văn hóa, các trường, Học viện ở Hà Nội.

NS Trần Nhật Dương: Khối Đài Phát thanh – Truyền hình.

NS Trần Long Ẩn, Nguyễn Ngọc Thiện, Trần Vương Thạch, Tôn Thất Lập, Trần Mạnh Hùng: Khu vực thành phố HCM và Đông Nam bộ.

NS Lê Nghiệp: Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

3. Công tác Văn phòng:

- Phân công cụ thể các công việc, đẩy mạnh hoạt động trong Văn phòng Hội. Hoạt động của Ban Truyền thông, Phòng Công tác Hội viên cần sớm ổn định phương thức làm việc.

- Để công tác tổ chức Đại hội được thực hiện tốt, Văn phòng Hội  xây dựng các văn bản, tài liệu phục vụ cho Đại hội cơ sở (trình Ban Chấp hành thông qua trong tháng 12).

4. Tạp chí Âm nhạc:

- Về nhân sự: Ban Chấp hành nhất trí bổ nhiệm bà Trần Thị Lệ Chiến giữ chức vụ Phó Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc kể từ ngày 1/7/2019.

- Duy trì Tạp chí 3 tháng 1 kỳ. Cần cải tiến nội dung và hình thức của Tạp chí, tăng cường, đa dạng hóa phương thức phát hành.

- BCH thống nhất gửi Tạp chí biếu cho hội viên trên 70 tuổi, và các Chi hội trưởng, còn lại các hội viên có nhu cầu cần đăng ký mua theo số hoặc theo năm.

- Hội viên đăng ký mua Tạp chí, giá bán: 60.000đ/số. Nếu đăng ký cả năm, 4 số sẽ là 200.000 đồng/một năm.

  5. Website của Hội: Nâng cấp Website trên cơ sở các hạng mục đã có để phục vụ cho công tác truyền tải tác phẩm âm nhạc và các hoạt động của Hội.

6. Công tác Chi hội:

- Các chi hội chưa tổ chức Đại hội chi hội theo nhiệm kỳ (có danh sách kèm theo). Đề nghị các Chi hội khẩn trương tiến hành Đại hội trong năm 2019.

- Số lượng hội viên không đóng hội phí từ 2 năm đến 5 năm chiếm tỷ lệ lớn  (có danh sách cụ thể).

- Quyết định làm lại thẻ hội viên theo hình thức mới. Các hội viên gửi thông tin về Hội trong tháng 7 để tổng hợp và tiến hành làm thẻ mới. Hội viên nào không đáp ứng nhu cầu sẽ không có thẻ trong đợt này. Giao Phòng công tác hội viên thực hiện.

- 9 tỉnh chưa có Chi hội là: Hà Nam (2 hội viên); Hưng Yên (3); Hải Dương (5); Ninh Bình (6); Bắc Kan (2); Cao Bằng (3); Tuyên Quang (5); Điện Biên (4); Quảng Nam (7). Đề nghị hội viên tại các tỉnh Hải Dương, Ninh Bình, Tuyên Quang, Quảng Nam đã đủ điều kiện (5 hội viên trở lên) khẩn trương tiến hành thủ tục thành lập Chi hội.

7. Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam:

- Củng cố và kiện toàn tổ chức, hoạt động của Trung tâm đạt hiệu quả tốt.

- Đẩy mạnh các công tác: Đối ngoại, hợp tác song phương; Phát triển hội viên; Cấp phép, thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc...

- Hoàn thiện nội dung website mới của Trung tâm (http://www.vcpmc.org).

8. Trung tâm phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam:

- Tích cực, chủ động triển khai một số hoạt động biểu diễn, giao lưu, liên hoan âm nhạc có hiệu quả tốt, góp phần phát huy và tôn vinh giá trị âm nhạc cổ truyền trong xã hội.

- Việc đề nghị đổi tên Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam thành Trung tâm Âm nhạc Truyền thống Việt Nam chưa được Ban Chấp hành thông qua do một số quy định mới của Nhà nước.

II. Phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2019

1. Phối hợp với Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đưa nhạc kịch “Lá Đỏ” tham gia Liên hoan “Tiếng hát Đường 9 xanh – 2019” từ ngày 20 đến 29 tháng 7, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Trị do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch – Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức; kết hợp công diễn vở Opera “Lá Đỏ” tại Quảng Bình tối 25, 26 tháng 7.

2. Tổ chức Liên hoan Âm nhạc Khu vực phía Nam từ ngày 26 đến 29 tháng 8 tại Thành phố Hồ Chí Minh gồm các Chi hội và các Đoàn nhạc sĩ từ Đà Nẵng trở vào (19 đoàn) kỷ niệm 50 năm Di chúc của Hồ Chủ tịch.

3. Phối hợp với Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng và biểu diễn vở Opera “Người tạc tượng” của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, sẽ công diễn vào ngày 3/9/2019 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, kỷ niệm 10 năm Ngày Âm nhạc Việt Nam.

4. Phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tạo (Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch) tổ chức Trại sáng tác Âm nhạc cho các nhạc sĩ khu vực miền Trung và Tây Nguyên, từ ngày 15 đến 30 tháng 10 tại TP. Nha Trang.

5. Tổ chức Hội nghị các Chi hội trưởng toàn quốc vào tháng 12 tại Hà Nội.

6. Hội Nhạc sĩ Việt Nam chính thức mời Dàn nhạc Giao hưởng lực lượng Cận vệ quốc gia Liên bang Nga sang biểu diễn từ ngày 5 đến 9 tháng 12 năm 2019. Đoàn sẽ biểu diễn 2 tối tại Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh.

7. Triển khai kế hoạch tổ chức “Festival quốc tế Âm nhạc Mới Á - Âu lần thứ IV tại Việt Nam” vào tháng 10 năm 2020 tại Hà Nội và thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đề án đã được Ban Bí thư và các Ban, Bộ, Ngành ủng hộ, đồng ý cho phép thực hiện.

Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam mong muốn toàn thể Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam tích cực hoạt động, sáng tạo âm nhạc, đoàn kết xây dựng Hội ngày càng vững mạnh.

 

CHỦ TỊCH

(đã ký)

PGS.TS Đỗ Hồng Quân

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.