You are here

Bản giao hưởng tiễn biệt

Tác giả: 
Lê Trọng Hà

Khi nói về âm nhạc cổ điển châu Âu, ai cũng biết và có thể nhắc tên 2 đại diện ưu tú nhất của Trường phái âm nhạc cổ điển Viên là W. Mozart và L.V. Beethoven.

Nhưng trong bài giảng sắp tới đây, tôi lại dành thời gian chủ yếu kể cho các bạn sinh viên yêu quý của tôi về “cha đẻ của giao hưởng” và là thầy dạy cả Mozart và Beethoven. Đó là nhà soạn nhạc xuất chúng người Áo Franz Joseph Haydn.

Haydn đang luyện tập cùng các nghệ sĩ khác (Tranh qua wikiwand.com)

Tchaikovsky: “Haydn là một mắt xích vô cùng vững chắc và quan trọng trong lịch sử phát triển của âm nhạc. Không có Haydn thì cũng không có Mozart và Beethoven.”

Cha của Haydn là chủ một tiệm sửa xe kéo, mẹ thì làm đầu bếp. Thế nhưng Haydn lại bộc lộ năng khiếu âm nhạc rất sớm. Năm 6 tuổi, Haydn được cha mẹ đưa đến nhà người bà con là hiệu trưởng của một nhạc viện tại Hainburg. Ông mau chóng sử dụng được violon và hát trong dàn hợp xướng của nhà thờ.

Một giám đốc âm nhạc của nhà thờ Thánh Stephen tại Viên trong chuyến đi về các vùng quê của nước Áo đã phát hiện ra Haydn. Ông đưa Haydn về Viên, và tại đây, Haydn đã làm việc liên tục 13 năm, trở thành một nhà soạn nhạc xuất sắc.

Bản giao hưởng số 45 Fa thăng thứ của Haydn có tên gọi “Farewell Symphony” (Bản giao hưởng Tiễn biệt) là bản giao hưởng đầu tiên và duy nhất được sáng tác ở cung Fa thăng thứ vào thế kỷ 18. Câu chuyện thú vị về bản giao hưởng độc đáo này đã được chính Haydn kể lại cho người viết tiểu sử của mình:

Năm 30 tuổi, Haydn là người phục vụ sáng tác âm nhạc cho hoàng tử Nikolaus Esterházy. Vào thời điểm đó, hoàng tử tới sống tại cung điện mùa hè Eszterháza ở vùng ngoại ô Hungary, nơi nghỉ dưỡng yêu thích của hoàng tử. Haydn cùng các nhạc sỹ nổi tiếng khác cũng tới đó phục vụ âm nhạc.

Tuy nhiên, thời gian lưu trú tại cung điện Eszterháza dài hơn dự kiến, trong khi các nhạc sĩ lại buộc phải để vợ con ở thành phố Eisenstadt, cách cung điện một ngày đường. Các nhạc sĩ nhớ nhà nên bắt đầu than phiền và nhờ Haydn giúp đỡ. Ông nhận lời, nhưng không đề xuất trực tiếp vấn đề với hoàng tử, mà lại thể hiện tâm ý của mọi người bằng việc sáng tác một bản giao hưởng mang tên Farewell Symphony.

Các nghệ sĩ biểu diễn cho hoàng tử Nikolaus Esterházy và các khán giả khác tại cung điện mùa hè Eszterháza. (Tranh qua shefelmanbooks.blogspot.com)

Bản giao hưởng Tiễn biệt của Haydn sáng tác ở cung Fa thăng thứ. Đó không phải là một lựa chọn thông thường vì đây là bản giao hưởng duy nhất vào thế kỷ 18 được sáng tác ở cung Fa thăng thứ. Nó không thể được trình diễn nếu thiếu một vài dụng cụ đặc biệt được thiết kế riêng dành cho kèn thời bấy giờ.

Điều độc đáo nhất của bản nhạc nằm ở đoạn kết. Khi biểu diễn đến đoạn này, các nhạc công sẽ lần lượt dừng lại, thổi tắt ngọn nến trên giá nhạc của mình và rời khỏi sân khấu, cho đến khi chỉ còn lại hai người là tác giả và nhạc trưởng, họ chơi những nốt nhạc buồn bã cuối cùng trên hai cây đàn violon. Rồi chính họ cũng rời sân khấu…

Hoàng tử Esterházy đã hiểu hoàn toàn thông điệp của Haydn gửi gắm trong bản nhạc tuyệt vời. Một ngày sau buổi biểu diễn, hoàng tử cho dàn nhạc rời vùng ngoại ô để trở lại Eisenstadt với người thân và gia đình của họ.

Trong một ngày chủ nhật nhiều niềm vui cũng như không ít điều lo lắng, tôi mời sinh viên của tôi cùng bạn bè thưởng thức bản giao hưởng Tiễn biệt của Haydn. Vì trên lớp chúng ta chỉ có vài phút nghe chủ đề của bản nhạc mà thôi. Bạn nào không có thời gian thì lướt qua để xem một phút cuối cùng của bản nhạc.

Thông điệp của tôi hơi khác với nhạc sĩ Haydn: Nếu còn được nhìn thấy nhau, gặp mặt nhau thì hãy mở rộng vòng tay và nhìn nhau trìu mến, bởi vì bản nhạc cuộc đời đang đi đến đoạn kết, từng nhạc công sẽ chơi những nốt nhạc cuối của đời mình và rời sân khấu.

(Nguồn: http://vanhien.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.