You are here

Bản quyền âm nhạc: Nói mãi, vẫn… quên!

Tác giả: 
Thảo Dung

Thời gian gần đây, kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ về nội dung quyền tác giả, quyền liên quan theo hướng xây dựng, ban hành riêng Luật Bản quyền tác giả của Cục Bản quyền tác giả (Bộ văn hóa - thể thao và du lịch) đang thu hút sự chú ý của dư luận xã hội.

Bản quyền âm nhạc thời công nghệ số

Tại Hội nghị tập huấn phổ biến các quy định quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) và pháp luật Việt Nam do Cục Bản quyền tác giả tổ chức ở TP. HCM, ngày 16-9-2019, phần lớn các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần đảm bảo sự hợp lý xuyên suốt, tránh chồng chéo, mâu thuẫn giữa các điều, khoản.

Trong đó, nói về vấn đề vi phạm bản quyền, ông Phạm Văn Dũng, Phó Chánh Thanh tra Sở Văn hoá và Thể thao TP. HCM thừa nhận, hiện nay tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng đang tiếp tục gia tăng, gây ra những hậu quả xấu đối với xã hội.

MV ca khúc “Chạm khẽ tim anh một chút thôi” của Noo Phước Thịnh từng bị tố vi phạm vì sử dụng tác phẩm “The Way” khi chưa xin phép.

Việc thực thi các quyền liên quan trong Hiệp định CPTPP là cần thiết, tuy nhiên, nếu thực thi quá chặt chẽ và đầy đủ các điều ước quốc tế thì sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp trong nước lâm vào tình cảnh khó khăn, công chúng không được hưởng các tác phẩm văn học, nghệ thuật hợp túi tiền.

“Công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan gặp không ít khó khăn do nhiều nguyên nhân, không chỉ về nhận thức pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh có sử dụng tác phẩm âm nhạc còn hạn chế, mà còn do sự thiếu ý thức chấp hành pháp luật trong việc thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan dẫn tới nhiều nguy cơ tiềm ẩn tranh chấp có thể xảy ra”, ông Phạm Văn Dũng cho hay.

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bùi Nguyên Hùng cũng cho biết, các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định CPTPP có ý nghĩa rất quan trọng trong bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam. Xã hội càng phát triển thì vấn đề pháp luật quy định cần phải tuyệt đối tuân thủ, dần dần yêu cầu thực thi càng cao hơn.

“Chúng ta đã qua rà soát rất nhiều, đặc biệt là trong hội nhập WTO, CPTPP và sắp tới đây sẽ sửa đổi cho các quy định nhất quán hơn. Chúng tôi khẳng định là pháp luật Việt Nam hiện nay tương đối đủ để chúng ta thực hiện, nên những quy định gì hiện đang triển khai thực hiện là đang tuân thủ theo luật, đúng cam kết quốc tế. Chỉ có điều có những quy định chung chung hoặc chưa rõ, việc này cần được cập nhật sửa đổi để làm rõ hơn”, ông Hùng khẳng định.

Bảo Anh cũng đã phải bỏ ra 100 triệu để cứu MV “Sống xa anh chẳng dễ dàng”.

Ông Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cũng cho biết thêm, đơn vị đang bắt tay vào triển khai và sẽ sửa đổi phần bản quyền tác giả trong Luật Sở hữu trí tuệ.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục lấy ý kiến tại các tỉnh, các khu vực, làm sao để thực thi các cam kết của WTO và CPTPP cao hơn. Tới đây khi nào dự báo thì chúng ta sẽ có lộ trình tiếp theo, dự báo nào có lợi cho Việt Nam thì sẽ triển khai ngay, còn dự báo nào cao hơn thực tế tại Việt Nam mà chúng ta chưa thể thực thi được thì chưa quy định”, ông Bùi Nguyên Hùng nói.

Có thể thấy, ở Việt Nam chưa khi nào vấn đề bản quyền âm nhạc trở nên nhức nhối như trong thời gian qua. Đặc biệt, trong kỷ nguyên mạng xã hội, YouTube hay các kênh phát nhạc trực tuyến… trở thành sân chơi chính của các nghệ sĩ.

Ngoài việc kết nối giữa nghệ sĩ và khán giả, những nền tảng này cũng trở thành một kênh kinh doanh của nghệ sĩ, nếu có nhiều người theo dõi, ủng hộ. Nghệ sĩ có thể có được một nguồn thu nhập đáng kể dựa trên các bài quảng cáo hay trở thành đại diện thương hiệu, doanh nghiệp nào đó…

Thậm chí, hiệu quả của sản phẩm sẽ gần như được đánh giá một cách dễ dàng qua số lượng lượt view (xem), like (thích) và share (chia sẻ)… của khán giả.

Tuy nhiên, điều này cũng để lại rất nhiều hệ lụy, trong đó có vấn đề bản quyền tác phẩm. Thực trạng này được thực hiện qua nhiều phương thức khác nhau như: cover (hát lại) ca khúc “hit” mà chưa xin phép tác giả hoặc ca sĩ có bản quyền sở hữu, hoặc sử dụng thủ thuật “hack nhạc” - tức lấy link có bản quyền về phối lại.

Phần nhạc được sử dụng theo cách này không phải bản gốc và sẽ bị chèn âm thanh mặc định. Tuy nhiên, chỉ giới chuyên môn mới nhận ra đâu là nhạc có bản quyền, đâu là nhạc đã được “hack”.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thừa nhận, mạng xã hội và YouTube là công cụ truyền thông quảng bá cho các sản phẩm âm nhạc hữu hiệu nhất thời điểm này. Tuy nhiên, có nhiều điều bất cập. “Đôi khi, những giá trị trong âm nhạc bị đảo lộn.

Đó là, khi chưa chắc một sản phẩm âm nhạc chất lượng lại được đón nhận bằng một sản phẩm âm nhạc gây sốc, theo trend (xu hướng), khi mà chưa chắc một ca sĩ chính thống có kỹ thuật lại “hot” hơn một ca sĩ không chuyên chỉ cover bài người khác, hay khi mà một bài hát được viết chỉn chu tâm huyết từng lời từng chữ lại chưa chắc được nghe nhiều hơn một bài hát non nớt được viết trên bàn nhậu.

Và, đó là điều chúng ta phải chấp nhận như hai mặt của một đồng xu”, nhạc sĩ “Nhật ký của mẹ” chua chát nói.

Thực tế, phía mạng xã hội và YouTube hiện nay đã có nhiều chính sách đảm bảo quyền lợi cho các chủ sở hữu sản phẩm âm nhạc. Song, vẫn còn nhiều vấn đề cần được sự quan tâm kỹ lưỡng của cơ quan quản lý, đặc biệt trong việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật để hỗ trợ bảo hộ bản quyền.

Nhạc sĩ Trần Minh Phi cho hay: “Việc quản lý bản quyền âm nhạc trên nền tảng Internet ở nước ta còn mới, nên còn nhiều sai sót và chưa nắm hết những phức tạp cũng như các biến tướng của nó. Tuy nhiên, bước đầu chúng ta cơ bản đã thu được bản quyền âm nhạc, dù cách thức là thô sơ và tượng trưng, chứ chưa mang được tính công nghệ cao và chính xác”.

Không biết hay cố tình “quên”?

Theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, tác giả của ca khúc có quyền không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc chế lại lời, giai điệu của bài hát dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Trong đó, khái niệm “tác phẩm phái sinh” là các tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.

Do đó, việc cover bài hát không vi phạm bản quyền nếu được tác giả hoặc chủ sở hữu ca khúc ấy cho phép. Trong làng nhạc trẻ nước ta, rất nhiều người trở thành “hiện tượng mạng” hay “hiện tượng âm nhạc” chỉ sau một đêm nhờ việc cover ca khúc đình đám. Chẳng hạn, Jang Mi với “Duyên phận”, Hoa Vinh với “Ngắm hoa lệ rơi”, Hương Ly - “Độ ta không độ nàng” (nhạc Hoa, lời sáng tác: Cô Độc Thi Nhân)… Song, hầu hết những bản cover này đều gặp sóng gió vì vấn đề bản quyền.

“Độ ta không độ nàng” là một ví dụ gần đây nhất. Cụ thể, sau khi “làm mưa làm gió” trên các diễn đàn, mạng xã hội, YouTube…, hàng loạt nghệ sĩ cũng bắt tay ngay vào việc cover chỉn chu, bài bản đối với ca khúc này theo phong cách và chất giọng của mình như: Phương Thanh, Trấn Thành, Khánh Phương, Hoàng Y Nhung,…

Giữa lúc ca khúc đang “nổi như cồn”, lùm xùm liên quan đến ca khúc này lại trở nên “nhuốm màu” lợi nhuận, khi một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ bản quyền mua bản quyền ca khúc từ chủ sở hữu ở Trung Quốc đã gửi công văn đến Việt Nam yêu cầu tất cả cá nhân, pháp nhân và tổ chức muốn sử dụng, sao chép, phân phối bài hát này phải trả phí tác quyền.

Chi phí cố định cho việc sử dụng, sao chép, phân phối là 5 triệu đồng, doanh thu đối soát là 33% thu được từ sản phẩm được đăng tải. Có người đồng ý với mức giá bản quyền trên, có người chấp nhận gỡ bản cover của mình trên YouTube.

Hàng loạt video cover “Độ ta không độ nàng” bị xóa bỏ trên Youtube.

Còn nhớ, năm 2017, MV “Chạm khẽ tim anh một chút thôi” của Noo Phước Thịnh từng bị gỡ khỏi YouTube và được thay bằng một bản mới vì sử dụng trái phép một đoạn nhạc trong tác phẩm “The way” của nhạc sĩ người Mỹ Zack Hemsey. Ngoài ra, phía Noo Phước Thịnh còn phải công khai xin lỗi và bồi thường 850 triệu đồng.

Cũng trong năm đó, ca sĩ Bảo Anh gặp phải rắc rối tương tự khi số hóa đoạn nhạc nền trong MV “Sống xa anh chẳng dễ dàng” sử dụng hai bản hoà âm “Icarus” và “Glimmer of hope” của Ivan Torrent mà chưa mua bản quyền.

Sau khi nhận được thư từ đại diện của Ivan Torrent, ê-kíp Bảo Anh cũng phải gửi thư xin lỗi đồng thời bổ sung thêm lời cảm ơn đến tác giả Ivan Torrent bên dưới MV “Sống xa anh chẳng dễ dàng”. Trước động thái của Bảo Anh, Ivan Torrent quyết định chỉ lấy tiền bản quyền của 2 ca khúc trên với giá 100 triệu đồng mà không yêu cầu cô đóng phạt 270 triệu như thông báo ban đầu.

Câu chuyện tác quyền âm nhạc đã “nóng” lên từ nhiều năm trước, nhất là khi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) được thành lập, đứng ra đại diện quyền lợi cho các nhạc sĩ.

Tuy nhiên, VCPMC đã đi vào hoạt động nhiều năm, nhưng không ít nhạc sĩ vẫn coi việc vi phạm bản quyền là… “chuyện thường ngày ở huyện”, đặc biệt trong tình trạng vấn đề bản quyền lỏng lẻo như ở Việt Nam. Sự thiếu hiểu biết, giữa “tranh tối tranh sáng” không nắm rõ luật bản quyền càng khiến cho câu chuyện bản quyền kéo dài không có hồi kết.

Nhạc sĩ Trần Minh Phi cho rằng có hai lý do khiến khán giả “dị ứng” với bản quyền. “Thứ nhất, là thói quen “xài chùa” đã trở thành nếp suy nghĩ khó thay đổi. Thứ hai là, việc chưa hiểu đúng về luật bản quyền, họ ngộ nhận cho rằng việc thu tiền bản quyền là tận thu và chỉ là một cách làm khó các doanh nghiệp có kinh doanh liên quan đến âm nhạc nên có phản ứng ít nhiều.

Việc này khiến cơ quan quản lý nhiều khi đưa ra các quyết sách nghiêng về cảm tính hơn là làm đúng luật bản quyền vì họ nghĩ làm như vậy để nhu cầu thưởng thức nghệ thuật và giải trí của khán giả được đáp ứng một cách thuận lợi cho đa số, nhất là người có thu nhập thấp”, nhạc sĩ “Hôn môi xa” nói.

Đồng quan điểm với nhạc sĩ Minh Phi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thẳng thắn cho rằng về vấn đề bản quyền, chúng ta “chưa làm được gì đáng kể”.

Chẳng hạn, mỗi lần có vụ xâm phạm tác quyền là chỉ có nhạc sĩ lên tiếng một cách bức xúc trên trang cá nhân, lên tiếng cùng báo chí, hoặc cùng lắm là gửi khiếu nại lên VCPMC nhờ can thiệp. Hầu hết, các trường hợp này đều phải cố gắng giải quyết mọi chuyện theo lối “dĩ hoà vi quý”.

Thực tế, chưa hề có một cơ quan nào dám đứng ra nghiêm túc, nhằm bảo vệ cho quyền tác giả và đưa ra mức chế tài nặng và mức bồi thường cho hành vi xâm phạm quyền tác giả của những đơn vị sản xuất, của những trang web âm nhạc, của các nơi kinh doanh, thậm chí đôi khi là của đài truyền hình.

Âm nhạc Việt Nam ngày một phát triển. Vấn đề tôn trọng quyền sở hữu cũng nên được các nghệ sĩ làm nghề tôn trọng và thực thi một cách nghiêm túc để nền âm nhạc Việt Nam ngày một phát triển văn minh hơn. Để làm được điều này, việc quản lý và thực thi bản quyền âm nhạc tại Việt Nam cần có các điều khoản rõ ràng, hợp lý, cùng những chế tài đủ mạnh để xử lý triệt để vấn đề vi phạm bản quyền.

Nói như nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: “Khi mà luật còn chưa chặt chẽ và nghiêm khắc, chúng ta khó có thể yêu cầu, đòi hỏi người dân tôn trọng Quyền tác giả. Bởi, luật là để phân định đúng sai, để chế tài các hành vi xài “chùa”, xâm phạm, để giáo dục người dân và khán giả tôn trọng quyền tác giả, để bảo vệ các tác giả và tác phẩm của mình”.

(Nguồn: http://antg.cand.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.