You are here

Bartok: Âm nhạc cho dàn dây, bộ gõ và celesta

Tác giả: 
Ngọc Tú (tổng hợp)

Tác giả: Béla Bartók.
Tác phẩm: Âm nhạc cho dàn dây, bộ gõ và celesta, Sz. 106, BB 114
Thời gian sáng tác: Hoàn thành ngày 7/9/1936
Công diễn lần đầu: Paul Sacher chỉ huy Basler Kammerorchester tại Basel vào ngày 21/1/1937.
Độ dài: Khoảng 28 phút.
Tác phẩm có 4 chương:
Chương I – Andante tranquillo
Chương II – Allegro
Chương III – Adagio
Chương IV – Allegro molto
Thành phần dàn nhạc: dàn dây: violin 1, violin 2, viola, cello, double bass và harp được chia thành 2 nhóm được đặt ở 2 phía đối diện trên sâu khấu; bộ gõ: xylophone, snare drum, cymbals, tam-tam, bass drum, timpani và piano; celesta.

Nhạc trưởng và nhà bảo trợ âm nhạc người Thuỵ Sĩ Paul Sacher là một người rất giàu có vào thời điểm đó. Ông yêu thích các tác phẩm âm nhạc đương đại và năm 1926 ông thành lập dàn nhạc Basler Kammerorchester đồng thời thường xuyên đặt những nhà soạn nhạc sáng tác các tác phẩm để biểu diễn cho thoả mãn niềm đam mê của mình. Các khách hàng của Sacher có thể kể đến như Igor Stravinsky (Concerto giọng Rê trưởng), Arthur Honegger (các giao hưởng số 2, số 4), Witold Lutosławski (Concerto double) và một số tên tuổi khác. Đầu năm 1936, Sacher tiếp cận Bartók, lúc này đã rất nổi tiếng để đề nghị nhà soạn nhạc sáng tác một tác phẩm nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Basler Kammerorchester.

Bartók không dư dả về mặt tài chính, ông không kiếm được nhiều tiền từ các tác phẩm của mình. Công việc đem lại thu nhập lớn nhất cho ông là làm việc tại Học viện khoa học Budapest. Bên cạnh đó là dạy piano cũng như thỉnh thoảng biểu diễn trên sân khấu. Tuy nhiên, với bối cảnh hỗn loạn tại châu Âu thời bấy giờ đã tạo ra thách thức đáng kể đối với sự nghiệp sáng tác và biểu diễn của Bartók. Trên thực tế, các chính phủ cánh hữu ngày một kiểm duyệt khắt khe hơn với chủ nghĩa hiện đại trong nghệ thuật. Trong bối cảnh đó, lời đề nghị của Sacher đã được Bartók nhanh chóng nhận lời.

Sacher đề nghị tác phẩm không được có bộ hơi do dàn nhạc của ông chủ yếu là những nhạc công nghiệp dư, có trình độ biểu diễn khá khiêm tốn và gợi ý nhạc cụ thay thế có thể là piano hoặc harpsichord (đóng vai trò như bass continuo) bởi Sacher là người rất yêu thích âm nhạc Baroque thế kỷ 18. Trên cơ sở đó, tác phẩm mà Bartók lựa chọn là Âm nhạc cho dàn dây, bộ gõ và celesta, được công nhận là một trong những kiệt tác vĩ đại nhất của ông. Đó là sự chắt lọc tinh khiết và hoàn hảo nhất của phong cách Bartók trưởng thành, tổng hợp của tất cả những gì là tinh hoa của nhà soạn nhạc. Tác phẩm là hiện thân chính những mâu thuẫn giúp cho nghệ thuật của Bartók trở nên hấp dẫn: đó là sự xuất hiện đồng thời của hoang sơ và phức tạp; hoang dã và được kiểm soát; thanh bình và đáng sợ; nghiêm túc và đùa cợt. Một trong những đặc điểm nổi bật dễ nhận biết ngay lập tức của tác phẩm là cách phối khí độc đáo của nó: Bartók yêu cầu hai dàn dây được bố trí ở hai phía đối diện trên sân khấu – mỗi dàn là hình ảnh phản chiếu của dàn nhạc còn lại. Ở giữa và về phía sau là một loạt các nhạc cụ gõ và bàn phím: xylophone, snare drum, cymbals, tam-tam, bass drum, timpani, piano và celesta. Celesta là một nhạc cụ có bàn phím – trông giống như một cây piano đứng thu nhỏ – được phát minh vào giữa thế kỷ 19. (Tchaikovsky là nhà soạn nhạc nổi tiếng đầu tiên sử dụng nó trong vở ballet The Nutcracker). Những chiếc búa của nó không đánh vào dây như ở piano mà là những tấm kim loại, tạo ra âm thanh sáng và leng keng như tiếng chuông (celesta còn một tên gọi khác là bell piano). Bartók đã chỉ định vị trí cố định của các nhạc cụ trên sân khấu bằng một sơ đồ trong tổng phổ. Sự thiết lập bất thường này cho phép tạo ra các hiệu ứng “hát đối” từ hai dàn dây khi các ý tưởng âm nhạc được truyền đi truyền lại khắp phòng hoà nhạc.

Âm nhạc cho dàn dây, bộ gõ và celesta gồm 4 chương có nhịp độ chậm-nhanh-chậm-nhanh với cấu trúc đối xứng tràn ngập cả về mặt hình thức lẫn hoà thanh.

Chương I là một fugue đầy thê lương. Chủ đề chính của fugue là một giai điệu ảm đạm, mông lung trên bè viola của cả hai dàn nhạc mà từ đó không chỉ chi phối toàn bộ chương nhạc mà còn ảnh hưởng quan trọng đến các chương sau đó, mang đến một bầu không khí bí ẩn. Mở đầu với nốt La, các nốt nhạc sau đó chậm rãi tiến lên hoặc lùi lại nửa cung, đạt đến cao trào ở một chuỗi các nốt Mi giáng được lặp lại – nốt xa nhất trong cấu trúc, đồng thời chia quãng 8 làm đôi, dẫn đến việc khi đảo ngược chủ đề, nó sẽ lấp đầy một nửa quãng 8 còn lại. Với số lượng dàn dây được chia thành hai nhóm dẫn đến việc tạo ra một số hiệu ứng đối âm ấn tượng. Fugue nhẹ nhàng tan biến dần với những hợp âm rải của celesta, quay trở lại điểm khởi đầu ở nốt La.

Chương II là sự kết hợp giữa nhịp điệu sôi động của các vũ khúc Hungary và một cấu trúc cổ điển mà Mozart và Beethoven đã sử dụng. Sau một vài ô nhịp giới thiệu trên pizzicato của dàn dây, chủ đề chính đầy năng động của chương nhạc xuất hiện. Nó có nguồn gốc từ một đoạn tăng tốc trong fugue của chương I, tạo cho tác phẩm một sự liên kết hữu cơ với những gì xảy ra trước đó. Sau một vài tiếng timpani cuộn lên, dàn nhạc bước vào chủ đề hai, một giai điệu nhẹ nhàng, tươi vui hơn với phần đệm cao vút và réo rắt. Lần đầu tiên piano và harp xuất hiện trong tác phẩm. Một ý tưởng âm nhạc thứ ba xuất hiện, trên những nốt nhạc được lặp lại liên tục của piano trước khi âm nhạc tạm dừng. Phần phát triển theo sau đó với pizzicato trên dàn dây và tiếng piano được lặp lại. Khi dàn dây bắt đầu sử dụng vĩ để kéo, âm nhạc tạo ra sự trở lại mạnh mẽ của chủ đề đầu tiên. Các chủ đề đều được tái hiện, dẫn đến sự kết thúc của chương nhạc trong một coda mạnh mẽ như một cơn lốc.

Chương III bắt đầu với một trong những đoạn độc tấu xylophone nổi tiếng trong nhạc cổ điển. Chỉ với một nốt nhạc, âm nhạc được tăng tốc từ nốt đen lên móc đơn rồi móc kép và rồi chậm dần lại. Sự phân chia của nhịp được thực hiện một cách nhịp nhàng theo chuỗi Fibonacci (một nốt trên một nhịp, sau đó 2, 3, 5 8, 5, 3, 2 và 1 một lần nữa). Về cơ bản, chương nhạc có cấu trúc rondo (ABCBA) nhưng được Bartók biến đổi theo cách mà ông ưa thích (ABCC’B’A’). Đây là một palindrome – sự sắp xếp đối xứng với sáu phần, nửa sau là một tấm gương phản chiếu của phần đầu. Các phần được tách biệt và nhận biết bằng sự xuất hiện đáng lo ngại của các mảnh ghép từ fugue trong chương I, xuyên suốt với những tiếng xylophone và timpani. Chương nhạc mang không khí đặc trưng của cái gọi là “nhạc đêm” của Bartók, với âm thanh du dương và những nốt trầm kéo dài gợi ra sự tĩnh lặng của đêm tối, thông thường không bao gồm một giai điệu rõ ràng theo nghĩa truyền thống. Phần đầu tiên (A) bắt nguồn từ âm nhạc dân gian với những giai điệu rời rạc, dần dần đầy đặn và mạnh mẽ nhưng không phát triển tới cao trào và rồi lặng lẽ tan biến đi; phần (B) là một giai điệu như đến từ thế giới khác xuất hiện với phần độc tấu do bè violin và celesta đảm nhiệm; phần (C) là một đoạn nhạc có cường độ tăng dần đáng sợ, với những giai điệu đẹp một cách kỳ lạ được xây dựng lên nhờ piano, harp và celesta dẫn tới một cao trào trong tiếng cymbal loảng xoảng. Tiếng staccato dẫn đến sự thay đổi (C’) và dàn nhạc tiếp tục mang lại những phần trước đó (B’) và (A’) được sửa đổi chút ít. Chương nhạc khép lại trong tiếng xylophone.

Chương IV đưa không khí u sầu trở nên tươi sáng hơn với những vũ điệu dân gian, mở đầu bằng tiếng pizzicato trên violin, trước khi tung ra một giai điệu sôi động. Không chỉ bắt nguồn từ Hungary mà đây là nơi hội tụ của các điệu nhảy Đông Âu: Slovakia, Bulgaria và Ukraine. Ngoài ra, chương cuối này như một sự tổng kết và giải quyết tất cả những gì đã trải qua trước đó. Các ý tưởng chủ đề từ ba chương nhạc trước xuất hiện một cách mới mẻ và tạo sự thoả mãn. Chủ đề fugue mở đầu, đóng vai trò kết nối toàn bộ tác phẩm trở lại trong phần giữa chương nhạc, chậm rãi nhưng nhiều màu sắc phong phú hơn. Một đoạn độc tấu trên cello xuất hiện rồi tan biến, nhường chỗ cho những vũ điệu sôi động trở lại. Chương nhạc kết thúc với một phiên bản đầy bay bổng và hoa mỹ của chủ đề chính ban đầu, vừa bất ngờ nhưng cũng hoàn toàn hợp lý.

Ba năm sau khi hoàn thành tác phẩm, Bartók cho biết mục tiêu chính của mình khi trở thành một nhà soạn nhạc: “Tôi muốn tạo ra một tổng hợp của Đông và Tây. Vì chủng tộc và vị trí địa lý của đất nước chúng tôi, nơi có lúc là điểm cực Đông và là pháo đài phòng thủ của phía Tây, chúng tôi cảm thấy đây là một nhiệm vụ mà chúng tôi có đủ khả năng để đảm nhận”. Bằng cách tích hợp thành công các đặc tính hài hoà và nhịp điệu của âm nhạc dân gian Đông Âu với các hình thức chuẩn chỉ của âm nhạc cổ điển Tây Âu, Bartók đã chứng tỏ mình hoàn thành tốt nhiệm vụ đó trong Âm nhạc cho dàn dây, bộ gõ và celesta. Sacher tỏ ra rất hài lòng với tác phẩm này và mở ra một tình bạn khăng khít giữa hai người. Sau này Bartók còn sáng tác thêm một số bản nhạc theo đề nghị của Sacher như Divertimento cho dàn dây và Sonata dành cho 2 piano và bộ gõ.

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.