You are here

Biểu diễn các tác phẩm hàn lâm lớn cho công chúng Việt: Giấc mơ đang thành hiện thực

Tác giả: 
Yên Nga

Ở nước ta, nghệ thuật hàn lâm luôn kén khán giả và việc đầu tư dàn dựng những chương trình hòa nhạc giao hưởng, vở nhạc kịch, vở ballet tầm cỡ là giấc mơ của giới nghệ thuật Việt Nam. Song, gần đây, liên tục những tác phẩm nghệ thuật hàn lâm lớn trên thế giới được các nghệ sĩ trong nước biểu diễn, tạo sự “bùng nổ” cho sân khấu nước nhà, đã cho thấy giấc mơ này đang được hiện thực hóa và là hướng đi cho nghệ thuật Việt Nam.

Một cảnh trong vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.

Từ sức hút những tác phẩm kinh điển...

Bốn đêm công diễn vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, từ ngày 21 đến 24-11 tại Nhà hát lớn Hà Nội vừa qua, đều "cháy" vé. Tiểu thuyết “Những người khốn khổ” của đại văn hào Victor Hugo đã quá quen thuộc với công chúng trong và ngoài nước. Bản chuyển thể tác phẩm thành nhạc kịch cũng được biết đến rộng rãi. Song, đây là lần đầu tiên, công chúng Việt Nam được thưởng thức “Những người khốn khổ” trên sân khấu bằng hình thức nhạc kịch trọn vẹn, sống động như vậy.

Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cho biết, ý tưởng thực hiện tác phẩm kinh điển này hình thành từ năm 2019. Dù dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tất cả mọi lĩnh vực, nhưng nhà hát vẫn quyết tâm dàn dựng. Bởi, đây là một tác phẩm đề cao tình đoàn kết, tính nhân văn và niềm tin vào tương lai của người dân trên toàn thế giới. Suốt 6 tháng qua, hàng trăm nghệ sĩ Đoàn nhạc kịch, Dàn nhạc giao hưởng của nhà hát và Dàn hợp xướng quốc tế Hà Nội đã hăng say cùng nhau xây dựng tác phẩm.

Không giấu cảm xúc sau khi thưởng thức vở nhạc kịch, chị Nguyễn Phương Thảo (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Giống như vở ballet “Hồ thiên nga” mà nhà hát biểu diễn năm trước, vở nhạc kịch này thật hấp dẫn, giúp tôi cảm nhận những trang viết của Hugo theo một cách mới”. Được sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã quyết định mở thêm 4 đêm diễn vào tháng 1-2021.

Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam cũng đang tích cực chuẩn bị công diễn Bản giao hưởng số 9 vĩ đại của nhà soạn nhạc người Đức Beethoven liên tiếp trong 3 đêm 16, 17 và 18-12 tới. Nhạc trưởng Kim Xuân Hiếu, Phó Giám đốc Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam cho biết, đây là chương trình khép lại chuỗi hòa nhạc “Beethoven Cycle” mà dàn nhạc đã thực hiện trong 2 năm qua. Theo ý tưởng của nhạc trưởng Honna Tetsuji, Giám đốc Âm nhạc của dàn nhạc, chương trình biểu diễn lần này đặc biệt hoành tráng, với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Dàn hợp xướng Hà Nội, Dàn hợp xướng Freude Hà Nội, Dàn hợp xướng Zion Hà Nội... và đặc biệt là sự xuất hiện của các nghệ sĩ Nhà hát giao hưởng Nhạc vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh, nhằm thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của tác phẩm mang tinh thần bác ái, đoàn kết nhân loại, hướng tới tương lai. Vé của cả ba đêm hòa nhạc đã được đặt gần hết…

Các nghệ sĩ Việt Nam nỗ lực xây dựng những chương trình hấp dẫn để thu hút khán giả đến với nghệ thuật hàn lâm. Trong ảnh: Chương trình hòa nhạc “Chúng tôi đã trở lại” do nhiều đơn vị phối hợp tổ chức tháng 6-2020.

... tới một hướng đi cho nghệ thuật biểu diễn

Thể hiện những tác phẩm hàn lâm lớn trên sân khấu Việt luôn là mơ ước của nghệ sĩ Việt Nam. Nhạc trưởng Kim Xuân Hiếu, Phó Giám đốc Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam cho biết, các tác phẩm đồ sộ đòi hỏi một lực lượng lớn nghệ sĩ có chuyên môn cao biểu diễn sẽ mang lại hiệu ứng âm nhạc, hình ảnh, cảm xúc mạnh mẽ, sâu đậm cho khán giả, kéo họ đến với nghệ thuật hàn lâm. Vì vậy, nhiều năm qua, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, với sự đóng góp tâm huyết của nhạc trưởng Honna Tetsuji, đã xây dựng nhiều chương trình lớn và chuỗi hòa nhạc biểu diễn tác phẩm của những nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới, như Mahler, Beethoven, Mozart, Brahms, Schubert…, nhằm đưa nghệ thuật hàn lâm Việt Nam lên tầm cao mới. Gần đây, nhiều chương trình nghệ thuật hàn lâm được thực hiện thành công, nhận được sự ủng hộ của khán giả với những đêm “cháy vé”, cho thấy việc đầu tư xây dựng tác phẩm lớn là quyết định sáng suốt, đồng thời gợi mở hướng đi và thúc đẩy chuyển động của các đơn vị nghệ thuật khác.

Tuy nhiên, để thực hiện những tác phẩm lớn trên sân khấu Việt không dễ dàng. Chẳng hạn, với vở nhạc kịch “Những người khốn khổ”, theo đạo diễn Nguyễn Triều Dương, các nghệ sĩ Việt Nam hát opera rất tốt, nhưng thiếu kỹ năng diễn xuất, nên cả ê kíp đã phải nỗ lực nhiều để khắc phục. Nghệ sĩ Bùi Thị Trang - vai Fantine trong vở nhạc kịch này cũng chia sẻ, nghệ sĩ Việt quen hát bằng tiếng Pháp và Italia, lần này phải thể hiện hoàn toàn bằng tiếng Anh là một thách thức lớn. Còn theo Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, để dàn dựng một tác phẩm lớn đủ sức lay động đòi hỏi nhân lực, vật lực, trí tuệ, thời gian và sự đoàn kết. Chúng tôi nỗ lực thực hiện vì công chúng Việt Nam xứng đáng được thường xuyên thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật hàn lâm kinh điển thế giới.

Sau vở nhạc kịch này, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam nung nấu thực hiện vở ballet kinh điển “Romeo & Juliet”. Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và các đơn vị nghệ thuật hàn lâm khác cũng đang chuẩn bị những tác phẩm đặc sắc cho mùa diễn năm 2021…

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng, việc các đơn vị nghệ thuật đầu tư xây dựng những tác phẩm hàn lâm được công chúng đón nhận là rất đáng biểu dương, cần lan tỏa, nhằm nâng cao trình độ biểu diễn của nghệ sĩ và thưởng thức nghệ thuật cho công chúng. Bộ sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị nghệ thuật thông qua việc kết nối lực lượng sáng tạo, mời nghệ sĩ quốc tế hay hỗ trợ địa điểm biểu diễn... để hiện thực hóa "giấc mơ" của nghệ thuật Việt Nam.

(Nguồn: http://hanoimoi.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.