You are here

Bốn nữ nghệ sĩ thay đổi thế giới âm nhạc

Tác giả: 
Minh Hoa

Cuốn sách “Quartet: How Four Women Changed the Musical World” của Leah Broad khẳng định chiến thắng của các nhà soạn nhạc nữ để khẳng định vị thế trong lịch sử âm nhạc thế giới.

Bà Ethel Smyth vừa là nhà soạn nhạc và vừa là một nhà vận động lớn cho quyền con người. Ảnh: Central Press.

Là 4 nghệ sĩ độc tấu nhưng những nhà soạn nhạc nữ Ethel Smyth, Rebecca Clarke, Dorothy Howell và Doreen Carwithen lại được cuốn Quartet: How Four Women Changed the Musical World khắc họa như một bộ tứ đầy đam mê với âm nhạc.

Sự đặc biệt của câu chuyện về Bộ tứ

Nhà bình luận Oliver Soden đã có một bài viết đánh giá cuốn sách này trên trang The Guardian. Đầu tiên, một điều đặc biệt của tác phẩm này là đã đưa Ethel Smyth vào cùng 3 nữ nghệ sĩ khác, trong khi họ không phải là bạn thân, không cộng tác với nhau và chỉ có chung 20 năm cuộc đời trong khoảng thời gian 145 năm của Bộ tứ này.

Ở phần đầu tác phẩm, độc giả có thể khó hiểu với lý do của tác giả nhưng đến trang 261, với sự ra đời của Carwithen, tất cả mảnh ghép đã khớp nhau. Cả 4 nữ nghệ sĩ này đều rèn giũa sự nghiệp trong những nghịch cảnh, vượt qua rất nhiều khó khăn và cả sự chối bỏ vì phân biệt giới tính.

Bà Smyth (1858-1944) là người phụ nữ đầu tiên có tác phẩm được nhà hát Metropolitan Opera ở New York dàn dựng. Bà Clarke (1886-1979) đã vượt lên sự ngược đãi của người cha để trở thành một trong những nữ nghệ sĩ chơi đàn đầu tiên trong dàn nhạc chuyên nghiệp và sáng tác nhiều bản nhạc cho đàn viola - nhạc cụ riêng của bà.

Bà Clarke là một trong những nữ nghệ sĩ đầu tiên chơi trong dàn nhạc chuyên nghiệp. Ảnh: Alamy.

Bà Howell (1898-1982) đã trở nên nổi tiếng với bản giao hưởng Lamia - tác phẩm thường xuyên xuất hiện tại các buổi dạ hội trong những năm 1920. Còn Carwithen (1922-2003) là một trong những phụ nữ đầu tiên sáng tác nhạc cho phim.

Tác giả Leah Broad đã đưa ra ánh sáng rất nhiều thông tin mới về 4 tên tuổi lớn này, tập hợp dữ liệu từ 14 kho lưu trữ chứa đầy bản thảo âm nhạc nằm im lìm trong những chiếc hộp ẩm ướt.

Leah Broad đã khắc họa Smyth như một nhân vật xương sống và chất kết dính của cuốn sách, nắm bắt một cách dí dỏm và linh hoạt cách bà hết mình trong cuộc sống và tình yêu, những chuyến du hành cùng nhiều mục đích chính trị lớn, những chú chó yêu quý và mối quan hệ của bà với đàn ông và phụ nữ (bao gồm cả Virginia Woolf và Emmeline Pankhurst) trong xã hội.

Tác phẩm The March of the Women (Tháng ba của Phụ nữ) của bà đã trở thành bài hát của phong trào đấu tranh cho quyền bầu cử. Bà thậm chí còn bị bỏ tù tại Holloway vì tham gia biểu tình ném đá.

Phong cách tiểu thuyết làm giảm giá trị tiểu sử

Broad, một chuyên gia âm nhạc tại Đại học Oxford, tự nhận mình là người “yêu” thứ âm nhạc “tinh tế, ngoạn mục” của những nhà soạn nhạc này. Tuy nhiên, việc tác giả né tránh sử dụng các thuật ngữ âm nhạc có thể khiến công chúng phổ thông dễ hiểu hơn về nội dung tác phẩm, nhưng lại khiến giá trị âm nhạc của các bản nhạc chưa được đánh giá đúng.

 

Ví dụ, bản opera The Wreckers của Smyth chỉ được gói gọn trong ba từ. Broad cũng chỉ chọn sử dụng một số tính từ đẹp như âm nhạc của Howell “quyến rũ, trầm bổng”; của Ravel “quyến rũ, thanh tao”; của Debussy “gợi cảm và thanh tao” hay nhạc của Clarke "ám ảnh, thanh tao".

Tại nhiều phân đoạn khác, một số cấu trúc mô tả thường được lặp đi lặp lại như: “một trong những tác phẩm gây xúc động sâu sắc mà Ethel từng sáng tác”; “một trong những tác phẩm cá nhân, dịu dàng nhất Ethel từng sáng tác”; “một trong những tác phẩm vui nhộn, sôi nổi nhất bà ấy từng có” hay "một trong những điều hấp dẫn nhất bà ấy từng viết".

Theo nhà bình luận Oliver Soden, việc phân tích và thảo luận kỹ hơn về âm nhạc của 4 nữ nghệ sĩ này cũng sẽ phù hợp hơn nhiều đoạn văn mô tả sáo rỗng như “đàn ngỗng bay lượn trên những con đường, len lỏi trong bóng râm lốm đốm của những bông hoa dày màu đỏ và trắng trên những cây dẻ…”.

Tính học thuật bị giảm giá trị với phong cách văn xuôi tiểu thuyết như đoạn mô tả Carwithen đạp xe theo tiếng “chim hót, tiếng lá mùa thu xào xạc và tiếng bánh xe đạp quen thuộc khi tăng tốc dọc theo con đường, mái tóc xoăn tung bay sau lưng trong gió…”.

Thêm vào đó, tác phẩm này cũng tạo nên sự đối lập sai lầm giữa những quan niệm thô thiển về chủ nghĩa hiện đại trong âm nhạc (giai điệu “đối lập, chói tai”) và chủ nghĩa phi hiện đại (giai điệu “đáng nhớ, có thể hát được”). Nhiều nhân vật âm nhạc lớn trong thời kỳ của 4 nữ nghệ sĩ này cũng chưa được khắc họa phù hợp, như “phong cách hung hăng” của Elisabeth Lutyens, Elizabeth Maconchy hay sự vắng mặt của nhiều nhân vật cấp tiến như Priaulx Rainier và Ruth Crawford Seeger.

Dù có những điều chưa hài hòa, cuốn Quartet: How Four Women Changed the Musical World vẫn là một trong những tác phẩm đầu tiên khắc họa tiểu sử chi tiết của 4 nữ nghệ sĩ và cung cấp thêm thông tin về bà Smyth.

Trong khi góp phần thể hiện được vị thế của nữ giới trong lịch sử âm nhạc thì tác phẩm này vẫn chưa cho thấy tầm quan trọng của họ trong một bối cảnh lớn hơn. Sự sâu sắc của tác phẩm, giống như những thống kê của Broad về mất cân bằng giới tính trong âm nhạc cổ điển, còn rất nhiều điều để nói.

(Nguồn: https://zingnews.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.