You are here

Buổi hòa nhạc bất thường nhất trong lịch sử (Câu chuyện về bản giao hưởng số 7 của Shostakovich, phần cuối)

Tác giả: 
Ed Vulliamy (Anh Vũ dịch)

Buổi hòa nhạc tới như một giấc mơ, một điều kỳ diệu mà chỉ khi kết thúc, các nghệ sỹ mới nhận ra: bằng cách này hay cách khác, nó đã vĩnh viễn trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời họ.

Buổi biểu diễn đáng nhớ ngày 9/8/1942.

Mùa hè tới”, giáo sư Krukov kể lại. “Cuối cùng thì lá, cỏ cây cũng bừng tỉnh. Dĩ nhiên con người thì hoàn toàn khác, nhưng ít nhất là họ không bị đánh bại. Dạ dày họ trống rỗng nhưng trên đường phố đã bắt đầu có người. Dàn nhạc đã chuyển đến tập tại Philharmonic Hall và vì tháng 6, tháng có Đêm trắng, đã làm nhạt cả bầu trời đêm nên các buổi tập luyện cũng dài ra. "Chúng tôi bắt đầu chơi các đoạn nhỏ”, bà Matus nói, “ngày một nhiều thêm nhưng chưa bao giờ chơi toàn bộ bản giao hưởng cho đến một buổi tổng duyệt chính thức trước buổi hòa nhạc ba ngày - lần đầu tiên và duy nhất chúng tôi đủ sức trình diễn một mạch từ chương đầu cho đến chương cuối".

Cuối cùng, ngày 9/8 cũng đến. “Tôi thức dậy vào buổi sáng”, Koslov kể, “và nhận ra mình trở thành một người hoàn toàn khác”.

“Tôi nhớ là mình đã đến phòng hòa nhạc cùng với cây kèn oboe của mình”, bà Matus hồi tưởng, “lần đầu tiên kể từ lúc bắt đầu bị phong tỏa, tôi cảm giác hạnh phúc một cách lạ lùng”. Tờ chương trình đã được in, trích dẫn câu Shostakovich nói trên đài phát thanh. Trước 6 giờ, người ta đã phát đi câu nói của Eliasberg, dĩ nhiên được thu âm sẵn. “Những người lính thân yêu, ông hân hoan nói với thính giả, một sự kiện lớn lao trong lịch sử văn hóa của thành phố chúng ta sẽ diễn ra. Trong một vài phút nữa, lần đầu tiên, các bạn sẽ được nghe bản giao hưởng số 7 của Dmitri Shostakovich, người công dân phi thường của thành phố chúng ta. Ông đã sáng tác bản giao hưởng này trong những ngày Leningrad bị quân thù, một cách điên cuồng, cố đánh chiếm. Khi quân phát xít dội bom và nã pháo khắp châu Âu, châu Âu tin rằng Leningrad sẽ quỵ ngã. Nhưng màn trình diễn này là bằng chứng cho tinh thần, sự dũng cảm và tinh thần sẵn sàng chiến đấu của chúng ta. Hãy lắng nghe, những người lính Hồng quân!”. 

“Nó có thể là một ngày như mọi ngày khác, Parfionov kể lại. “Nhưng chúng tôi choáng váng về số người tới dự, có thể có nhiều người đói vì thiếu ăn nhưng cũng đói cả âm nhạc nữa. Một số người mặc lễ phục, một số đến từ trận tiền, còn nguyên quân phục. Phần lớn đều gầy gò và loạn dưỡng. Một số người thậm chí cùng tôi câu cá hồi trước chiến tranh... Đấy là khoảnh khắc chúng tôi quyết định sẽ chơi theo cách tốt nhất có thể”. Đôi tay ông nắm chặt khi nhớ về quá khứ.

“Tôi đã cảm thấy sợ hãi khi thấy khán phòng chật ních người”, bà Matus nói. “Những người quan trọng nhất thành phố đều có mặt ở đây; những người lãnh đạo thành phố và các vị tướng lĩnh. Loa được gài khắp mọi nơi, buổi biểu diễn của chúng tôi sẽ được phát sóng khắp thế giới. Chúng tôi lo sợ rằng mình không đủ sức biểu diễn nữa”. Bất chấp lúc đó đã vào hè, bà kể, “quần áo chúng tôi mặc tầng tầng lớp lớp như cải bắp. Những người lính mặc quân phục và những người khác mặc lễ phục. Còn tôi mặc quần dày bịch, đi tất và đeo găng không ngón”. 

“Ánh sáng điện chói lòa trên sân khấu”, Koslov hồi tưởng, “Tôi sẽ không bao giờ quên được điều này – điện dường như chưa bao giờ có ở đây; tôi đã quên mất là ánh đèn điện thì như thế nào. Nó có vẻ giống như một buổi lễ chào mừng hơn là một buổi hòa nhạc”.

“Lần đầu tiên sau nhiều tháng, không gian thực sự im ắng”, bà Matus kể, “Eliasberg nâng chiếc đũa nhạc trưởng lên, và chúng tôi bắt đầu”…

Một chiến sĩ Hồng quân Xô viết mua vé buổi hòa nhạc lịch sử này.

Những mảnh ký ức 

Eliasberg, sau đó nói với Krukov về “sự im lặng sâu lắng, kỳ lạ bao trùm khán phòng khi tôi bước tới bên dàn nhạc. Không gian bên ngoài cũng im ắng bởi pháo binh Đức đã dừng nã pháo. Khắp mọi nơi đều có thể nghe thấy phần mở đầu của bản giao hưởng vì chúng tôi đã đắm chìm hoàn toàn trong âm nhạc. Lần thứ hai, tôi thấy sự im lặng trong khán phòng, đoạn pianissimo của tác phẩm – trước lúc chủ đề quân địch tiến vào thành phố. Và tại khoảnh khắc ấy, tôi thậm chí còn nghe thấy cả tiếng cử động của ai đó trong số khán giả”.

Chương đầu tiên kết thúc trong cao trào. “Đó là một cơn giận dữ bùng phát”, một trong số những người có mặt trong khán phòng ghi trong nhật ký, “giống như trận pháo kích trong phòng hòa nhạc; các cây cột giống như những khẩu đại bác”. Trong khi đó, trong các căn hộ vươn lên trên đường phố vắng tanh, và dọc các chiến hào trước vòng vây quân thù, những người dân và người lính túm tụm quanh các chiếc đài. Thậm chí, những người lính Đức cũng lắng nghe. Savkov, một lính pháo binh viết: “Vào đêm ngày 9/8/1942, trung đoàn pháo binh của tôi và những người ở phòng tuyến vĩ đại của thành phố đã nghe bản giao hưởng của Shostakovich với đôi mắt nhắm nghiền. Dường như bầu trời cao thoáng đãng đột nhiên bùng nổ bão tố với âm nhạc khi thành phố vang lên bản giao hưởng của những người anh hùng và sự nguôi ngoai chiến tranh chứ không phải vì chiến tranh bao phủ.

Bản giao hưởng của Shostakovich cuồn cuộn hướng tới phần kết trong cơn bão của thách thức và hy vọng, một lời hứa cho ngày giải phóng và chiến thắng, dẫu nó chỉ là ước mơ xa vời và gần như phi hiện thực trong mùa hè năm 1942 – trong những vòng vây khốc liệt – và phần âm nhạc xuất sắc một cách khác thường.

Bản giao hưởng của Shostakovich cuồn cuộn hướng tới phần kết trong cơn bão của thách thức và hy vọng, một lời hứa cho ngày giải phóng và chiến thắng, dẫu nó chỉ là ước mơ xa vời và gần như phi hiện thực trong mùa hè năm 1942 – trong những vòng vây khốc liệt – và phần âm nhạc xuất sắc một cách khác thường. “Phần kết rền vang và mạnh mẽ đến mức tôi nghĩ rằng chúng tôi đã chạm đến giới hạn và tất cả có thể sụp đổ và tan thành từng mảnh”, Parfionov kể. “Chỉ đến khi đó tôi mới nhận ra những gì chúng tôi đã làm, và nghe thấy vẻ đẹp lớn lao của bản giao hưởng này”. “Khi tác phẩm kết thúc”, bà Matus kể, “không có bất cứ một thanh âm nào trong khán phòng – chỉ có sự im lặng. Sau đó có ai đó vỗ tay, sau đó là người tiếp theo, sau đó là những tràng sấm dậy. Thật không phải lúc thích hợp để ôm nhau nhưng đúng là chúng tôi chỉ muốn vậy”. Eliasberg được những tràng pháo tay mời trở lại bục chỉ huy vô số kể; một cô gái tên là Jakova Luboka mang một bó hoa tặng ông.

“Mọi người đứng dậy và khóc”, Eliasberg kể lại. “Họ biết rằng, đây không phải là sự kết thúc của một giai đoạn mà là một cái gì đó mới bắt đầu. Phòng hòa nhạc, những ngôi nhà, ngoài mặt trận, toàn bộ thành phố như một con người đang nắm bắt cơ hội chiến thắng của mình trước cỗ máy chiến tranh vô hồn. Và chúng tôi đã có điều đó, trong tác phẩm âm nhạc này. Khi chúng tôi ngừng chơi, mọi người đều cảm thấy mãn nguyện. Còn tôi? Tôi như vỡ ra thành từng mảnh, đó là tất cả những gì tôi cảm thấy”. 

Shostakovich và Karl Eliasberg (thứ 3 và 4 từ phải sang) cùng các nghệ sỹ từng biểu diễn bản giao hưởng số 7 năm 1942 chụp ảnh nhân buổi hòa nhạc kỷ niệm ngày 27/1/1964. 

“Sau đó”, bà Matus hồi tưởng, “chúng tôi ôm lấy nhau, hôn lên má và cảm thấy thật hạnh phúc. Chúng tôi được chính Zhdanov mời dự một buổi tiệc chiêu đãi, ông ấy nói là ông ấy tự hào về chúng tôi, chúc mừng từng người một và trên bàn tiệc thì toàn thịt bò bít tết - ồ, tất cả mọi món đều vô cùng thơm ngon! Đây là lần đầu tiên kể từ khi bị phong tỏa, chúng tôi được ăn thịt, miếng thịt sao quá lớn”. 

Tướng Gorolov bước đến bên Eliasberg và nói: “Trong bản giao hưởng này, chúng tôi cũng chơi ‘nhạc cụ’ của mình, anh có biết không”. Câu nói của ông mang hàm ý: pháo binh Xô viết trong đêm trước đã tung một màn tấn công hỏa lực - với lượng pháo bắn vượt mức thông thường, dữ dội đến mức làm câm nín cả các cỗ súng máy Đức, ít nhất đủ để cho những khán giả tới nhà hát để lắng nghe và ra về một cách an toàn, và để cho bản giao hưởng được trình tấu một cách liền mạch. Và điều quan trọng nhất là để cho chính những người lính Đức cũng có thể được nghe nhạc qua các chiếc loa được bố trí chĩa về phía họ với một âm lượng lớn.

Không phải ai cũng được mời ăn bít tết của Zhdanov. Sau khi kết thúc màn biểu diễn, Koslov ngay lập tức phải tham gia “tuần tra để phát hiện gián điệp”, những kẻ được gọi là “bệ phóng tên lửa” với nhiệm vụ bắn pháo sáng từ các mái nhà để hướng dẫn không quân Đức ném bom. Còn Parfionov thì đi thẳng từ phòng hòa nhạc tới đại lộ Nevsky Prospekt để làm nhiệm vụ canh gác. 

Tên của Eliasberg xuất hiện trên một tấm thẻ khác của Leningrad Philharmonic từ năm 1945 và 1964 ghi ngày 28/12/1961, thời điểm ông chỉ huy duy nhất chương một của bản giao hưởng số 7, với dàn nhạc dự bị. Và sau đó, ông chỉ huy thêm một lần nữa vào ngày 9/5/1975 bản số 7 của Shostakovich cùng dàn nhạc thứ hai. Không lâu sau khi chiến tranh kết thúc và những người xuất sắc trở về từ nơi sơ tán, Eliasberg đột nhiên nhận ra là mình rơi vào một trạng thái lạnh lẽo khác như thể mùa đông năm 1941 trở lại.

18 tháng vây hãm Leningrad chỉ kết thúc khi các binh đoàn thiết giáp của Hồng quân trở lại và chuyến tàu hỏa đầu tiên từ sân ga Phần Lan tới với những toa chở đầy bánh mì, thịt, sữa, thuốc men, vodka và các nhu yếu phẩm khác. Thành phố được giải phóng và mỗi nghệ sỹ được trao một tấm huy chương đặc biệt, nhưng điều này chỉ diễn ra hơn 20 năm sau đó, khi họ tái hợp trên sân khấu Leningrad trong buổi hòa nhạc đặc biệt.

Một chỗ đứng xứng đáng trong lịch sử

Buổi hòa nhạc ngày 9/8 diễn ra một cách thành công nhưng thật kỳ lạ, ít có thông tin chính thức về buổi hòa nhạc, ngay cả sau chiến tranh. “Không hề có phản hồi, cho mãi tận năm 1945”, Koslov cay đắng kể, “khi chiến tranh đã kết thúc cũng vậy”…

Đằng sau phòng hòa nhạc Philharmonic là nơi St Petersburg (năm 1991, thành phố trở về với tên gọi ban đầu) cất giữ những báu vật âm nhạc và lịch sử của mình: kho lưu trữ của dàn nhạc, nơi kể từ năm 1956 được chăm chút, giữ gìn bằng nỗ lực của một nhân chứng đặc biệt, bà Gallina Retrovskaya. Câu chuyện bi hùng của âm nhạc Nga được cất giữ trong không gian này, trên các kệ đầy những hiện vật và những tấm thẻ ghi số xếp đầy những ngăn kéo bằng gỗ với những tay nắm bằng đồng – mọi nơi tràn ứ những giấy tờ ghi chép, những thẻ vàng như những viên đá trong nhà thờ cổ và phảng phất mùi vị khó tả của bụi bặm và thời gian.

Bà Gallina Retrovskaya, người phụ trách kho lưu trữ của dàn nhạc, giới thiệu về những kỷ vật từ buổi hòa nhạc lịch sử. 

Câu chuyện về những gì diễn ra với nhạc trưởng Karl Eliasberg và buổi hòa nhạc lịch sử mà ông chỉ huy nằm trong những tập tài liệu này. Chúng tôi đi vào căn phòng mà chính Eliasberg và những người nhạc công còn sống sót của năm 1942 đó đã tới, tới để dự một bữa tiệc do chính bà Retrovskaya tổ chức vào năm 1964, trước khi bước vào buổi trình tấu với sự hiện diện của Dmitri Shostakovich trên hàng ghế khán giả. “Chỉ còn 16 người trong số dàn nhạc năm đó, vì thế chúng tôi đã phải cất đi một chiếc bàn. Đấy cũng là lần đầu tiên họ trở lại cùng nhau sau 22 năm, hầu như họ chỉ khóc; đó là những xúc cảm hết sức chân thật”.

Bà Retrovskaya hối hả đến bên một tủ gỗ cao, lướt qua hàng trăm tấm thẻ đánh số và rút ra một tấm: “Ngày 27/1/1964. Bản giao hưởng số 7 của Shostakovich. Nhạc trưởng, Karl Eliasberg”. Đây là đêm hòa nhạc tái hợp; những nhạc công sống sót ngồi trên chiếc ghế ở đúng vị trí mà họ đã chơi hai chục năm trước. Khi đó, Eliasberg nói rằng buổi hòa nhạc này là để dành tặng những người đã từng trình diễn tác phẩm, những khán giả đã từng đứng dậy vỗ tay trong khán phòng năm đó mà nay không còn nữa. Ông ghi lại cảm xúc của mình: “Những khoảnh khắc đó không phải lúc nào cũng tới. Tôi không thể giải thích được cái cảm giác lạ lùng đang xâm chiếm tâm can mình. Cái vinh quang của danh vọng và nỗi đau mất mát, và cả ý nghĩ có thể những khoảnh khắc sáng chói trong cuộc đời thật ra đã qua. Thành phố giờ giờ đã sống trong thanh bình… nhưng không ai có quyền quên đi quá khứ”. 

Karl Eliasberg đã bị lãng quên và những khoảnh khắc sáng chói trong cuộc đời ông cũng vậy, gần như không ai biết tới. Có một chi tiết phía bên trái tấm thẻ ghi của bà Retrovskaya cho thấy điều đó: thậm chí cả buổi hòa nhạc lịch sử này cũng được ghi là do dàn nhạc hạng hai của Philharmonic chơi. Điều này có thể phù hợp vào thời điểm buổi biểu diễn được diễn ra vào năm 1942, khi dàn nhạc Lenindgrad Philharmonic đã sơ tán tới Siberie. 

Với sự giúp đỡ của Anatoly Sobchak, thị trưởng mới của thành phố, nắm tro của người nhạc trưởng ấy đã được chuyển từ chỗ dành cho những người dân thường ở Piskayorsky sang Volkovo, “nghĩa trang cổ nhất và trang trọng nhất thành phố, nơi yên nghỉ của những người con ưu tú về văn hóa của thành phố”.

Tôi tò mò thấy tên của Eliasberg xuất hiện trên một tấm thẻ khác của Leningrad Philharmonic từ năm 1945 và 1964 – ghi ngày 28/12/1961, thời điểm ông chỉ huy duy nhất chương một của bản giao hưởng số 7, với dàn nhạc dự bị. Và sau đó, ông chỉ huy tại thành phố này thêm một lần nữa, vào ngày 9/5/1975 – một lần nữa với bản số 7 của Shostakovich, và một lần nữa với dàn nhạc thứ hai. Không lâu sau khi chiến tranh kết thúc và những người xuất sắc trở về từ nơi sơ tán, Eliasberg đột nhiên nhận ra là mình rơi vào một trạng thái lạnh lẽo khác như thể mùa đông năm 1941 trở lại.

Mọi người ở St Petersburg thường rụt rè khi đề cập đến số phận người anh hùng sau chiến tranh. Có thể số phận của Eliasberg là một trong những chủ đề mà mỗi một lần trò chuyện lại được bóc tách ra một phần sự thật, hết lớp này đến lớp khác xếp lớp như thể những con búp bê gỗ Nga. “Tôi không rõ những gì đã xảy ra và tôi không muốn biết tại sao”, bà Matus từ chối. “Anh biết những điều này ở Nga như thế nào rồi đấy. Khi ai đó làm nên điều phi thường, anh ta có thể đã đi quá xa khỏi vị trí của mình. Vì thế khi những người có quyền lực trở lại thì có thể là Eliasberg có cả một đống những ‘kẻ thù’ ghen tị vinh quang của ông”.

Giáo sư Krukov thì nói một cách đơn giản: “Eliasberg không còn là nhân vật số một nữa, và không có một căn phòng đủ sức chứa cho hai người cùng dẫn dắt Leningrad Philharmonic”. Ở St Peterburg mà nói xấu về Mravinsky thì khác nào bôi bẩn tòa thánh St Isaac. Tuy vậy ai cũng biết tình bạn thân thiết của Mravinsky với Shostakovich, cái thấu suốt và sâu sắc của ông với âm nhạc cũng được “gia cố” bằng tính độc đoán và sự không khoan nhượng.

Bà Matus vẫn tiếp tục nói về Eliasberg: “Ở nhà, ông luôn chờ một cú điện thoại mời ông chỉ huy. Khi ở phố trở về, ông vẫn hỏi với vợ mình ‘họ có gọi không?’, và vợ ông chỉ có thể trả lời ‘không anh ạ’. Vợ ông thường kể rằng điều đó cũng làm trái tim mình tan nát. Rút cục thay vì ở Leningrad thì ông được trao cơ hội chỉ huy các buổi hòa nhạc khắp nước Nga…” 

“Ông ấy có thể giả bộ coi những buổi hòa nhạc đó là hết sức quan trọng với mình”, Koslov trầm ngâm, “nhưng thực chất thì không phải như vậy. Tôi đã chạm trán ông ấy hai lần ở chính đại lộ Nevsky Prospekt. Chúng tôi lặng lẽ ôm nhau, đó không phải là những gì tôi chờ đợi từ con người mà tôi đã biết trong chiến tranh. Ông ấy gần như không nói gì và tôi cũng không nghĩ là ông muốn nói điều gì nữa”. 

Gallina Retrovskaya “thường đưa cho ông ấy những bản tổng phổ mà ông cần từ kho lưu trữ. Tôi đưa cho ông ấy bất cứ thứ gì mà ông cần, ngay cả những bản thảo quý hiếm nhất mà chưa ai từng động đến”. Vào năm 1978, ở tuổi 71, “ông qua đời trong nghèo đói và cô đơn, không có vợ ở bên”, bà kể. Nắm tro tàn của Eliasberg được chôn cất tại một góc nhỏ ở đằng sau nghĩa trang Piskayorsky, nơi dành cho những người dân thường. “Mộ phần của ông ấy ít được chú ý”, Koslov cho biết thêm.

Nhưng vào đầu những năm 1990, bà Retrovskaya và Yuri Temirkanov, nhạc trưởng chính của dàn nhạc Leningrad, đã nỗ lực phục hồi danh tiếng của Eliasberg. Năm 1992, họ có được một đồng minh đầy quyền lực: thị trưởng mới của thành phố, ông Anatoly Sobchak - một trong những người dẫn dắt cải cách thời kỳ minh bạch hóa hoạt động của các tổ chức nhà nước (Glasnost) và là người đỡ đầu của một đại úy KGB trẻ đầy tham vọng, Vladimir Putin. Sobchak là “một người yêu âm nhạc, đến gặp chúng tôi ngay trong tháng đầu tiên đảm nhiệm chức vụ”, bà Retrovskaya kể, và với sự giúp đỡ của ông, nắm tro của người nhạc trưởng ấy đã được chuyển từ chỗ dành cho những người dân thường ở Piskayorsky sang Volkovo, “nghĩa trang cổ nhất và trang trọng nhất thành phố, nơi yên nghỉ của những người con ưu tú về văn hoa của thành phố” (Literatorskie Mostki). 

Bà Matus tiếp tục chơi oboe và sĩ quan Parfionov tiếp tục ở lại quân đội. Koslov trở lại Nhà hát Kirov và sau khi nghỉ hưu thì bắt đầu một sự nghiệp khác, đóng phim. Trong vòng 15 năm kể từ năm 1982, ông đóng vai khách mời trong nhiều bộ phim hạng B của Nga, và thậm chí từng đóng phim Hollywood: râu dài, tóc bờm xờm, Koslov vào vai một trong những người hộ tống nhân vật huyền thoại tự phong Rasputin trong một bộ phim của hãng Paramount Pictures năm 1996. 

Sau đêm đó, dù thành phố vẫn trong vòng phong tỏa nhưng tôi biết nó sẽ sống đến ngày giải phóng. “Chính thứ âm nhạc mà chúng tôi chơi đã chứng minh rằng thành phố này sẽ trở lại với cuộc sống sau khi bị mất mát và chết chóc bủa vây” (Edith Katya Matus).

***

Bà Matus châm một điếu Sobrane trước khi nói với tôi trong buổi gặp gỡ cuối cùng. “Hút thuốc ư?”, bà nói với điệu bộ như một nữ sinh lén hút trong giờ giải lao. “Ôi, tất cả các cô gái đều bắt đầu hút thuốc trong suốt thời kỳ bị vây hãm, trước đó, tôi cũng không biết hút. Sau thì ai nấy cũng hút mỗi khi có thể; những người mê tôi trong dàn nhạc thường đưa thuốc cho tôi”. Bà chợt ngừng lại. “Vì nhiều năm đã qua kể từ ngày đó và ký ức có thể chỉ là điều gì đó thật hài hước, như một vệt màu đã khô. Khi khô thì màu sắc hay thay đổi. Nhưng bản giao hưởng vẫn còn ở lại với tôi theo đúng cái cách âm nhạc đã diễn ra. Sau đêm đó, dù thành phố vẫn trong vòng phong tỏa nhưng tôi biết nó sẽ sống đến ngày giải phóng. “Chính thứ âm nhạc mà chúng tôi chơi đã chứng minh rằng thành phố này sẽ trở lại với cuộc sống sau khi bị mất mát và chết chóc bủa vây”. □

(Nguồn: http://www.tiasang.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.