You are here

Ca khúc ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh: Rộng dài một tình yêu

Tác giả: 
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long

Chẳng phải ngẫu nhiên mà ngay mở đầu ca khúc Bác Hồ một tình yêu bao la, nhạc sĩ Thuận Yến đã khẳng định: “Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất/ Trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”. Người đã dành cả cuộc đời “chăm lo cho hạnh phúc nhân dân”, “cho dân tộc Việt Nam”... Mỗi ca khúc viết về Người đều thể hiện tình cảm kính yêu chảy tràn trong trái tim người dân đất Việt.

Bác Hồ là nguyên mẫu, là nguồn cảm hứng trong nhiều sáng tác âm nhạc.

Cũng như Bác Hồ một tình yêu bao la, nhiều ca khúc viết về Bác Hồ mang tính trữ tình, mang chất tự sự, viết về cái tôi nhưng lại dành cho tất cả mọi người. Ra đời sớm và nổi bật có lẽ là tác phẩm Ca ngợi Hồ Chủ tịch của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Ca khúc này được sáng tác năm 1947, từ tấm lòng kính yêu của tác giả dành cho vị Chủ tịch nước một đời vì nước vì dân sau những tháng ngày ở chiến khu Việt Bắc, được ở gần Bác, cảm nhận rõ về Người. Năm 1951 chính nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã đề nghị nhà thơ Nguyễn Đình Thi chỉnh sửa phần lời và cho đến nay, Ca ngợi Hồ Chủ tịch vẫn là một trong những ca khúc được nhắc tới nhiều nhất ở mảng đề tài viết về Bác Hồ.

Có một câu chuyện khá thú vị, bên cạnh Ca ngợi Hồ Chủ tịch được coi là lãnh tụ ca, còn có hai bài khác cùng tên cũng rất nổi tiếng của hai tác giả đều là những tên tuổi lừng danh. Đó là Ca ngợi Hồ Chủ tịch do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1950 với lời ca: “Người về mang tới niềm vui/ Mùa thu nắng tỏa Ba Đình…”. Một năm sau đó, năm 1951, nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác Ca ngợi Hồ Chủ tịch với lời ca: “Bừng sáng ánh sao vàng trên bóng cờ, Hồ Chí Minh thân yêu của ta...”. 

Trong những ca khúc hùng tráng ca ngợi vị lãnh tụ vô cùng kính yêu còn phải kể tới Người là niềm tin tất thắng (Chu Minh), Dấu chân phía trước (Phạm Minh Tuấn, lời thơ Hồ Thi Ca), Tiếng hát từ thành phố mang tên Người (Cao Việt Bách). Rồi là Tình Bác sáng đời ta (Lưu Hữu Phước), Dâng Người tiếng hát mùa xuân (Nguyễn Văn Thương), Nhớ ơn Hồ Chí Minh (Tô Vũ), Lời ca dâng Bác (Trọng Loan), Nhớ ơn Hồ Chủ tịch (Phan Huỳnh Điểu), Tiếng hát giữa rừng Pác Bó (Nguyễn Tài Tuệ)...

Hình ảnh Bác gắn với các vùng miền, đặc biệt là quê hương Nghệ An và miền Nam, được các nhạc sĩ khai thác và sáng tác nên nhiều ca khúc bất hủ như: Miền Trung nhớ Bác (Thuận Yến), Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh (Trần Hoàn), Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác (An Thuyên), Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên (Lê Lôi), Tây Nguyên mừng đón thơ Bác (Doãn Nho), Làng Chăm ơn Bác (A Mư Nhân), Miền Nam nhớ mãi ơn Người (Lưu Cầu), Người sống mãi trong lòng miền Nam (Nguyễn Đồng Nai), Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (Trần Kiết Tường)...

Nhiều kỷ niệm lúc sinh thời thật gần gũi với Bác trở thành niềm cảm hứng để nhạc sĩ sáng tác. Hình ảnh mùa xuân là Tết trồng cây hiện lên trong Trông cây lại nhớ đến Người (Đỗ Nhuận). Hình ảnh đôi dép Bác thường sử dụng đi vào âm nhạc một cách thật độc đáo trong Đôi dép Bác Hồ (nhạc Văn An, thơ Tạ Hữu Yên), rồi Tấm áo Bác Hồ (Thuận Yến), Tấm ảnh Bác Hồ (Lưu Hữu Phước). Bến Nhà Rồng, nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước được khai thác trong ca khúc Thăm bến Nhà Rồng (Trần Hoàn), hay hoa sen thanh tao đặc trưng ở vùng sông nước Nam Bộ được ví với hình tượng Bác Hồ kính yêu trong Hoa sen Tháp Mười (Trương Quang Lục)...

Bác Hồ lúc chia xa được nhạc sĩ Trần Hoàn khắc ghi lại đầy xúc động trong Lời Bác dặn trước lúc đi xa, ở đó Bác muốn nghe một câu hò xứ Huế hay một câu hò ví dặm xứ Nghệ, rồi một câu quan họ như để dặn dò: “Rằng đã yêu Tổ quốc mình, càng yêu tha thiết những khúc hát dân ca”. Khi Người đã đi xa nhưng hình ảnh thân thương vẫn hiện hữu trong trái tim nghệ sĩ: Chúng con bên giấc ngủ của Người (Nguyễn Đăng Nước), Vầng trăng Ba Đình (Thuận Yến), Viếng Lăng Bác (Hoàng Hiệp, phổ thơ Viễn Phương), Những bông hoa trong vườn Bác (Văn Dung)... Hình ảnh Bác là điểm tựa cho người lính Trường Sơn vượt gian khổ, xuất hiện trong nhiều tác phẩm như: Đêm Trường Sơn nhớ Bác (Trần Chung), Bác đang cùng chúng cháu hành quân (Huy Thục)... Và khi đất nước được thống nhất, các nhạc sĩ cũng luôn thấy hiển hiện bóng hình Bác. Như có Bác trong ngày đại thắng được Phạm Tuyên sáng tác trong những ngày lịch sử tháng 4-1975. Cũng ngày này, Hoàng Hà sáng tác Đất nước trọn niềm vui, Xuân Hồng viết Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh...

Bác là nguồn cảm hứng trong nhiều ca khúc viết về tuổi trẻ Việt Nam: Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ (Triều Dâng), Thanh niên làm theo lời Bác (Hoàng Hà)... Ca khúc Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ được nhạc sĩ Xuân Giao sáng tác năm 1969, ngay sau thời điểm Bác Hồ mất được ít ngày với hình ảnh Bác hiện lên như một người ông hiền từ, một ông tiên trong câu chuyện cổ tích.

Bên cạnh đó, còn một lượng lớn ca khúc viết về đề tài Bác Hồ do các nhạc sĩ nước ngoài sáng tác. Từ châu Á có Hát mừng Bác Hồ vĩ đại của Suphat Mukhophathiai (Ấn Độ), Cảm ơn đường Hồ Chí Minh của Norodom Sihanouk (Campuchia); sang châu Âu có Ho Chi Minh của Kurt Demmler (Đức), Nhật ký trong tù của George Feris (Anh); đến châu Mỹ có The Right of Living in Peace (Quyền sống trong hòa bình) của Victor Jara (Chile), Teacher Uncle Ho (Thầy giáo Bác Hồ) của Pete Seeger (Mỹ)... Nổi tiếng nhất từ thời điểm ra đời và có sức sống cho đến tận hôm nay phải kể tới The Ballad of Ho Chi Minh (Bài ca Hồ Chí Minh) của nhạc sĩ người Anh Ewan MacColl, lời Việt do nhạc sĩ Phú Ân viết. 

Sinh thời, nhạc sĩ Thuận Yến từng nói: “Đề tài về Bác Hồ không bao giờ vơi cạn trong mỗi người sáng tác”. Đó cũng là lời “giải mã” rằng tại sao Bác Hồ lại là nguyên mẫu, là nguồn cảm hứng cho nhiều ca khúc đến thế. Và khối lượng những ca khúc có chất lượng viết về đề tài Bác Hồ đã ghi vào lịch sử âm nhạc Việt Nam với sức sống lâu bền.

(Nguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.