You are here

Ca khúc nhạc phim Việt một thời làm lay động khán giả

Tác giả: 
Châu Mỹ

Nhiều bộ phim đóng máy đã hơn mười năm nhưng dư âm của nó vẫn còn qua mỗi ca khúc chạm đến trái tim của nhiều thế hệ khán giả.

"Mùa hè đã qua" trong phim "12A 4H"

Năm 1995, khi bộ phim 12A 4H của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên lên sóng, rất nhiều thế hệ học trò khi đó đã thuộc lòng bài hát được chọn làm nhạc phim - Mùa hè đã qua.

Mùa hè đã qua nguyên gốc là bản nhạc Nga có tên Не повторяется такое никогда (Không bao giờ trở lại) được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phổ lời. Cũng như bộ phim, bài hát nhiều năm sau sau vẫn được yêu thích như là một trong những hình ảnh đẹp nhất về thầy cô và mái trường, về tuổi học trò hồn nhiên với những rung động ban đầu trong sáng. Có thời, bài hát thường được biểu diễn tập thể trong những buổi lễ ra trường của học sinh, sinh viên.


Poster phim 12A 4H.

"Bài hát này và bộ phim 12A 4H, thời của tôi, bất cứ học sinh nào cũng mê thích. Có lẽ bởi vì cái ấm áp chia xa. Cuộc đời mỗi người chỉ có một lần mà thôi nhưng có một lần để nhận ra... đã đi bên cạnh tình yêu từ lâu rồi mà không biết", một thành viên trong câu lạc bộ Guitar Cần Thơ chia sẻ.

Bài hát Mùa hè đã qua

“Chị tôi” trong phim “Người Hà Nội”

Năm 1996, bộ phim Người Hà Nội phát sóng trên truyền hình. Mở đầu phim là hình ảnh nghệ sĩ Lê Khanh – người đóng vai Thảo – bước đi giữa khu vườn, khi giai điệu ca khúc Chị tôi vang lên qua giọng hát Mỹ Linh.


Diễn viên Lê Khanh trong phim "Người Hà Nội".

"Thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo/ Ô hay, trời không nín gió cho ngày chị sinh/... Ngày chị sinh trời cho làm thơ/ Vấn vương với sợi tơ trời/ Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan"

Bài hát được nhạc sĩ Trọng Đài phổ nhạc từ bài thơ Cho một ngày sinh của Đoàn Thị Tảo, được nhà thơ viết năm 20 tuổi tặng người chị của mình. Câu hát vấn vương, day dứt, gợi lên sự đa đoan, lận đận của cuộc đời người phụ nữ. Từ phim, bài hát vụt sáng với đời sống riêng, được xem là một trong các tác phẩm viết về con người thủ đô hay nhất. Đây cũng là ca khúc góp phần mang lại danh tiếng cho ca sĩ Mỹ Linh vào giai đoạn đầu đi hát.

Bài hát Chị tôi

"Những nẻo đường phù sa" trong bộ phim cùng tên

Năm 1997, khi bộ phim truyền hình nhiều tập Những nẻo đường phù sa của đạo diễn Châu Huế lên sóng, ca khúc cùng tên trong phim ngay lập tức được yêu mến. Phần lời bài hát mô tả khái quát nội dung của phim, ghi lại tinh thần không khuất phục số phận của những người nông dân Nam bộ. Với ca từ xúc động nhưng đầy hào hùng, bài hát được coi là sự tiếp nối nhịp nhàng của dòng nhạc Cách mạng.


Quyền Linh (phải) trong phim "Những nẻo đường phù sa".

Dựa trên ý thơ Vũ Tấn Bảo, cố nhạc sĩ Bảo Phúc đã sáng tác và trình bày ca khúc Những nẻo đường phù sa trong phim. Giọng hát trầm ấm, ngọt ngào của ông cũng là một trong những yếu tố làm nên sức lan tỏa của bài hát. Bước ra khỏi bộ phim, Những nẻo đường phù sa có mặt thường xuyên trong top 10 bảng xếp hạng Làn sóng xanh. Tác giả bài hát từng chia sẻ sở dĩ ca từ được nhớ lâu nhờ được gắn liền với những hình ảnh đẹp về người nông dân Nam bộ, và vang lên ở mỗi đầu và cuối suốt 31 tập phim.

Bài hát Những nẻo đường phù sa

"Bài ca đất Phương Nam" trong phim "Đất phương Nam"

Đất phương Nam là bộ phim dài 11 tập sản xuất vào năm 1997. Phim nói về cuộc sống đoàn kết, đấu tranh trong gian khó của những ngưới nông dân miền Nam bộ. Trên nền những hình ảnh rừng tràm bạt ngàn, con sông nặng phù sa... giọng hát đẫm chất miền Tây của ca sĩ Tô Thanh Phương khiến Bài ca đất phương Nam làm bao thế hệ khán giả rung động.


Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ lấy "Bài ca đất phương Nam" làm ca khúc
chủ đề cho tuyển tập âm nhạc của mình.

Ca khúc được sáng tác bởi nhạc sĩ Lư Nhất Vũ phổ thơ Lê Giang. Giai điệu Bài ca đất phương Nam đặc biệt khi được xây dựng trên điệu thức Oán - một điệu thức vọng cổ được coi là đặc trưng của vùng đất Nam bộ thủa mới khai hoang. Diễn viên Nguyễn Hậu kể khi đó ông làm chủ nhiệm cho bộ phim, đạo diễn Vinh Sơn đã rất ưng ca từ, nhạc điệu của Bài ca đất phương Nam. "Khi nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đem nhạc điệu Nam bộ vào bài hát, mọi tinh thần về đất và người nơi đây đều được chuyển tải một cách da diết, tinh tế và thấm thía", Nguyễn Hậu nói.

Diễn viên Lê Quang - người đóng vai Võ Tòng trong phim cho biết Bài ca đất phương Nam cũng là bài hát anh biểu diễn thường xuyên trên các sân khấu dù bộ phim đã kết thúc 18 năm. "Nhắc đến Lê Quang không ai biết tôi là ai nhưng nhắc Lê Quang Võ Tòng, khán giả vỗ tay rào rào và yêu cầu tôi hát bài hát trong phim", anh chia sẻ.

Ca khúc Bài ca đất phương Nam

"Giã từ dĩ vãng" trong bộ phim cùng tên

Giã từ dĩ vãng (nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung) là ca khúc chính trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Đinh Đức Liêm. Bài hát lần đầu được biết đến vào năm 1997 khi được cất lên cùng hình ảnh người phụ nữ miền Trung lam lũ, chân bới khoai trên mảnh đất khô cằn đầy xương rồng, mắt nhìn theo đoàn tàu chở những ước mơ của mình về nơi có cuộc sống khác hạnh phúc hơn. Đạo diễn Đinh Đức Liêm khi đó nhờ bạn bè tìm một người nữ có chất giọng lạ, nhiều nội lực để hát bài hát chủ đề của phim. Cơ duyên này đưa Phương Thanh đến với bộ phim qua vai trò ca sĩ thể hiện bài hát.


Năm 2013, ca sĩ Phương Thanh khóc trên sân khấu khi thể hiện ca khúc "Giã từ dĩ vãng".

Nhờ thông điệp nhân văn và diễn xuất chân thực của dàn diễn viên, bộ phim có sức lan tỏa lớn thời điểm cuối những năm 1990. Bài hát Giã từ dĩ vãng với chất giọng khàn, da diết của Phương Thanh cũng được khán giả yêu thích. Nữ ca sĩ thừa nhận đó là ca khúc giúp làm nên tên tuổi và phong cách Phương Thanh những năm cuối 1990 đầu 2000. Giã từ dĩ vãng sau đó liên tục lọt vào top 10 Làn sóng xanh trong nhiều năm. Nhiều năm sau, khi hát ca khúc này trên sân khấu, ca sĩ vẫn không giấu nổi những giọt nước mắt.

"Phải mười năm sau tôi mới được xem phim và giật mình nhận thấy sao hoàn cảnh của nhân vật giống hệt nhà mình vậy. Cũng tan tác sau một trận bão, cả nhà gom góp đồ đạc vào Sài Gòn lập nghiệp với bao khó khăn, bất trắc thủa ban đầu. Sau này, mỗi khi hát lại tôi đều ngậm ngùi", Phương Thanh chia sẻ.

Bài hát Giã từ dĩ vãng

"Mong ước kỷ niệm xưa" trong phim "Xin hãy tin em"

Bộ phim Xin hãy tin em chiếu năm 1997 trong chương trình Điện ảnh chiều thứ Bảy đã tạo nên cơn sốt ở cả hai miền Nam, Bắc. Phim tái hiện cuộc sống sinh viên nhiều buồn vui, khiến khản giả day dứt trước mối tình của Hoài "Thát-chơ" và Thắng "công tử". Ca khúc chủ đề của phim - Mong ước kỷ niệm xưa - qua sự thể hiện Tam ca 3A sau đó trở thành bài hát yêu thích của giới học sinh, sinh viên. Đây cũng là bản hit của nhóm trong suốt thời gian hoạt động.


Hình ảnh một thời của phim "Xin hãy tin em".

Nhạc sĩ Xuân Phương - tác giả bài hát - chia sẻ Mong ước kỷ niệm xưa là một trong những ca khúc khiến anh ấn tượng nhất trong sự nghiệp sáng tác của mình. "Khi sáng tác bài hát này tôi còn rất trẻ, khoảng 23-24 tuổi. Hồi ấy, tôi mới tốt nghiệp ra trường nên có rất nhiều cảm xúc và kỷ niệm. Tất cả những ca từ và giai điệu trong bài hát dường như có sẵn trong đầu, tôi chỉ làm nhiệm vụ duy nhất là ghi chúng ra thành bài hoàn chỉnh"

Ca khúc Mong ước kỷ niệm xưa

(Nguồn: giaitri.vnexpress.net)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.