You are here

Các nhạc sĩ Tây Nguyên đồng hành cùng các nhạc sĩ cả nước

Tác giả: 
Lê Xuân Hoan

Tham luận tại Đại hội đại biểu Hội Nhạc sĩ Việt Nam

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Tây Nguyên là địa bàn hành chính của 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng. Ở đây có trên dưới 20 thành phần dân tộc bản địa thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Á (Mon Khơme) và Nam Đảo (Malayo Polisian). Đến nay, Tây Nguyên đã có hơn 40 thành phần dân tộc anh em sinh sống, trong đó có cả người  Kinh, H’Mông. Tày, Thái, Mường, Dao, Hoa, Chu Ru, Khơme… Tây Nguyên không chỉ là địa bàn chiến lược về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng mà còn là mảnh đất có truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời - vùng văn hoá dân gian đa dạng và độc đáo của Việt Nam, hiếm thấy nơi nào có được.

Được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, sự quan tâm giúp đỡ có hiệu quả của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự nuôi dưỡng, đùm bọc và chở che của quần chúng nhân dân..., hơn 60 năm qua, cùng với các nhạc sĩ của cả nước, các thế hệ nhạc sĩ Tây Nguyên đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay bằng những tác phẩm âm nhạc hòa cùng dòng chảy của nền âm nhạc Việt Nam.  

Về đội ngũ những người làm âm nhạc: là lực lượng trực tiếp hoạt động và sáng tạo, nghiên cứu – sưu tầm, đào tạo và biểu diễn âm nhạc nhằm góp phần nâng cao chất lượng sống cho mọi người trong mọi thời đại. Hoặc nói khác đi, đội ngũ những người làm công tác âm nhạc là những người “luôn luôn nhào nặn vật chất theo quy luật của cái đẹp”. Mà cái đẹp là ánh hào quang luôn luôn vẫy gọi con người hướng tới các giá trị nhân văn: Chân – Thiện – Mỹ.

II. NHỮNG KẾT QUẢ ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC

Được thừa hưởng truyền thống thương người, mến khách, đam mê hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật và biết nâng niu, giữ gìn, phát huy những giá trị của văn học nghệ thuật của tổ tiên, đồng thời được soi sáng bằng đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng ta, các nhạc sĩ Tây Nguyên có quyền tự hào về mảnh đất giàu tiềm năng kinh tế, văn hóa, lịch sử này. Phần lớn các nhạc sĩ Tây Nguyên được sinh ra ở nhiều miền quê khác nhau, được đào tạo từ nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học nghệ thuật khác nhau, tuổi đời và hoàn cảnh gia đình mỗi người mỗi khác…Nhưng, mọi người đều có một điểm chung, đó là, luôn coi mình như một phương án chưa hoàn thành để từ đó lao vào tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo nên những tác phẩm, những công trình vượt lên cả chính mình. Và, hầu như ai cũng coi Tây Nguyên là quê hương thứ hai của mình, từ đó, vượt lên những khó khăn gian khổ của cuộc các cuộc kháng chiến chống thực dân trước đây, và ngày nay là “vật lộn” với dòng xoáy của cơ chế thị trường để hoạt động, sáng tạo và dâng hiến tất cả những gì cao đẹp của đời mình cho Tây Nguyên, sống chết với mảnh đất thân yêu này.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, thống nhất nước nhà, cùng với việc khắc phục hậu quả chiến tranh, các tỉnh Tây Nguyên đã khẩn trương củng cố và thành lập các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, các hội văn học nghệ thuật, các trường văn hóa nghệ thuật, và nhiều cuộc hội thi, hội diễn nghệ thuật chuyên, không chuyên nghiệp được tổ chức hàng năm...., đã tạo điều kiện thuận lợi cho âm nhạc Tây Nguyên được vang lên rộn ràng hơn thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Và lực lượng những người làm âm nhạc chuyên nghiệp các tỉnh Tây Nguyên ngày càng tăng trên tất cả các lĩnh vực: Sáng tác, Nghiên cứu – Lý luận, Biểu diễn và Đào tạo.

Tính đến nay, 5 tỉnh Tây Nguyên đều đã có Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam. Số lượng: 53 hội viên. Cụ thể:

  • Chi hội Kon Tum:  4 hội viên
  • Chi hội Gia Lai: 12 hội viên
  • Chi hội Đắk Lắk: 15 hội viên
  • Chi hội Đắk Nông: 5 hội viên
  • Chi hội Lâm Đồng: 17 hội viên

Được thừa hưởng những giá trị văn hoá của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và những sáng tác của các nhạc sĩ đi trước, đồng thời được sự quan tâm giúp đỡ về nhiều mặt của các cấp chính quyền địa phương, sự cưu mang của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên..., các nhạc sĩ của các Chi hội Nhạc sĩ Tây Nguyên đã vượt qua biết bao khó khăn vắt vả của “cơ chế thị trường” để sáng tạo nhiều công trình, tác phẩm nghệ thuật đáp ứng nhu cầu tinh thần của công chúng khu vực Tây Nguyên và cả nước. Nhiều tác phẩm của anh chị em chẳng những đạt giải thưởng cao trong các kỳ thi, hội diễn của Bộ Văn hóa Thể thao – Du lịch và Hội Nhạc sĩ Việt Nam mà còn công chúng yêu nhạc trong khu vực và cả nước đón nhận một cách tích cực và vợt biên giới Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Nhắc đến âm nhạc đương đại Tây Nguyên, công chúng âm nhạc cả nước thường nhắc đến tên tuổi và tác phẩm của các nhạc sĩ:

1. Về Sáng tác:

Ở Kon Tum có các tác phẩm của các nhạc sĩ: Đêm trăng Tây Nguyên, Hoa Pơ lang nở giữa rừng Tây Bắc của cố nhạc sĩ Phạm Cao Đạt; Mùa xuân Kon Tum, Mùa Ning Nơng của nhạc sĩ A Duh.

Ở Gia Lai có tác phâm của các nhạc sĩ: Tháng ba mùa say, Nắng gió cao nguyên của nhạc sĩ Lê Xuân Hoan; Tìm về đêm hội làng, Tiếng hát đêm nhà rông của Nhạc sĩ Ngọc Tường; Uống rượu cần, Chăn trâu của nhạc sĩ Phi Ưng; Tiếng cồng chiêng Tây Nguyên, Tượng mồ của nhạc sĩ Thảo Nam Giang.

Ở Đăk Lăk có các tác phẩm của các nhạc sĩ: Mưa cao nguyên, Tiếng chim Tlang pút của nữ nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam; Đi tím lời ru nữ thần mặt trời, Bay về cội nguồn của Y Phôn Ksor; Giao hưởng thơ Bản trường ca Đam San, hợp xướng Ban Mê một bài ca của nhạc sĩ Mạnh Trí, các tác phẩm viết cho đàn guitar độc tấu: Cô gái vót chông, Tiếng đàn Bro đêm trăng của nhạc sĩ Quang Dũng; Hợp xướng Bài ca Đak Lăk, Ơi em Kon Hring của nhạc sĩ Sỹ Hùng, Tây Nguyên ơn Bác đời đời, Ngây ngất đêm xoang của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hạnh, Đến bên em miền đất Tây Nguyên, Hành khúc người chiến sĩ Cảnh sát tuần tra của nhạc sĩ Dương Tấn Bình, Gọi nắng về chơi, Chim ơi bay đi – những ca khúc thiếu nhi của Huỳnh Ngọc La Sơn...

Ở Đăk Nông có các tác phẩm của các nhạc sĩ: Hợp xướng Trên đinh Nâm Nung ta hát, Lời ru Bu Noong của nhạc sĩ Võ Cường. Nhạc sĩ Võ Đức Tuấn với sách nghiên cứu và sưu tầm văn hóa âm nhạc dân gian M’nông và một số chuyên đề về âm nhạc dân tộc, Những nẻo đường thời gian, Bên bờ sóng reo của nhạc sĩ Lê Khắc Ghi, Đêm huyền thoại của nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Hổ, Rừng gọi của nhạc sĩ Phan Quốc Vinh và một số sách nghiên cứu và sưu tầm văn hóa âm nhạc dân gian M’nông của nhạc sĩ Võ Đức Trí..

Ở Lâm Đồng có các tác phẩm của các nhạc sĩ: Nam Tây Nguyên nhớ Bác của nhạc sĩ Hà Huy Hiền, Hoa Lang Biang, Say trăng của nhạc sĩ Đình Nghĩ; Chào Lang Biang mùa xuân, Chim tuc nao mùa xuân của nhạc sĩ Dương Toàn Thiên; Nồng nàn cao nguyên, Cư Yang Sin hồn núi tình đời của nhạc sĩ Kra Zan Đick; Giữ ấm bếp hồng, K’Bring ơi của nhạc sĩ Kra Zan Plin, Chiều Đà Lạt, Nửa vần trăng của nhạc sĩ Nguyễn Tánh và các ca khúc Nguyễn Cao Nguyễn, Trần Nam Khánh....

2. Về Nghiên cứu - Lý luận:

So với lực lượng sáng tác thì những người làm công tác nghiên cứu  - lý luận âm nhạc ở Tây Nguyên hiện nay quá khiêm tốn nếu không muốn nói là rất ít, chỉ có 3 nhạc sĩ. Điều đặc biệt là trong số 3 nhạc sĩ ấy thì có 2 nhạc sĩ vừa làm công tác nghiên cứu – lý luận vừa sáng tác và làm công tác giảng dạy âm nhạc. Đó là nhạc sĩ Lê Xuân Hoan và nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam. Là nhạc sĩ người Kinh nhưng gắn liền sự nghiệp âm nhạc của mình với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên gần 40 năm nay, nhạc sĩ Lê Xuân Hoan đã không quản khó khăn vất vả, lặng lẽ và bền bỉ về các buôn làng với phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng học, cùng làm” với đồng bào các dân tộc Jrai, Bahnar... để sưu tầm nghiên cứu dân gian các dân tộc nơi đây. Kết quả, hàng trăm bài dân ca Bahnar, Jrai đã được sưu tầm biên soạn, nhiều công trình nghiên cứu âm nhạc dân gian Bahnar, Jrai đã được công bố và trở thành tài liệu quý cho những người làm công tác âm nhạc nói chung, nghiên cứu và sáng tác nói riêng khi muốn tìm hiểu nét đặc trưng trong âm nhạc dân gian của các dân tộc Tây Nguyên. Tiêu biểu là các chuyên khảo: Nét đặc trưng cơ bản trong âm nhạc dân gian Jrai; Tìm hiểu thang âm điệu thức trong âm nhạc dân gian Bahnar; Thang âm điệu thức trong âm nhạc dân gian Jrai...

Cùng với nhạc sĩ Lê Xuân Hoan là nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam ở Đăk LăK. Phải nói rằng, nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam là một nữ sĩ người Ê đê đa tài. Chị là nhà văn, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu và thậm chí là đạo diễn, nhà biên kịch... từng là ủy viên ban chấp hành của các hội: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Phó Tổng thư ký Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.... Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi xin giới thiệu một số chuyên khảo về âm nhạc có giá trị đã được chị công bố, đó là: Âm nhạc trong không gian cồng chiêng, Âm nhạc trong đời sống văn hóa truyền thống Tây Nguyên, Một số nhạc cụ truyền thống được cải biên ở Đak Lak...

3. Về Biểu diễn:

Tây Nguyên là đèo cao, vực sâu, là mây trời gió núi nhưng cũng rất nên thơ. Đồng bào các dân tộc nói chung, những người làm công tác văn học, nghệ thuật ở Tây Nguyên nói riêng luôn tự hào về mảnh đất đã sinh ra nhiều tài năng văn học, nghệ thuật, trong đó, nhiều nghệ sĩ đã trở thành “huyền thoại”. Công chúng yêu nhạc trong cả nước hẳn còn nhớ: cố NSUT. A Đam Đài Son, NSUT. Măng Thị Hội, NSUT. Đinh Kim Nhớ, NSUT. Nay Phar, NSUT. Thảo Giang (Y Nhếch), ca sĩ Siu Phích, cố NSND. Y Mon, ca sĩ Siu Back, NSUT. Rơ Chăm Phiang, NSUT. A Đuh, NSUT. Y Phôn Ksor. NSUT, Y Joel Knul, NSUT. Kra Zan Đick, NSUT. Đinh Xuân Đề...Và, người dân Tây Nguyên cũng luôn tự hào về mảnh đất đã nuôi dưỡng, chở che cho nhiều tài năng nghệ thuật từ các miền quê khác đến đây lập nghiệp. Đó là các nghệ sĩ: NSUT. Đình Nghĩ, NSUT. Võ Cường, NSUT. Trương Đức Hà, NSUT. A Li Việt (Trần Duy Việt), NSUT. Chu Thúy Hà. Tiếng hát, tiếng đàn của họ không những vang lên khắp mọi miền của Tổ quốc mà còn vang lên trên sân khấu của nhiều nước trên thế giới, góp phần tuyên truyền, quảng bá những giá trị âm nhạc Tây Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung đến với bạn bè quốc tế.

4. Về Đào tạo:

Sau ngày đất nước thống nhất, để kịp thời bổ sung lực lượng những người làm công tác văn hóa nói chung, âm nhạc nói riêng cho các tỉnh Tây Nguyên và huyện miền núi các tỉnh duyên hải miền Trung, Bộ Văn hóa đã thành lập Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Tây Nguyên (ngày 14 tháng 10 năm 1978). Năm 1988 được sự đồng ý của Bộ Giáo dục - Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Lăk đã nâng cấp Trường Văn hóa Nghệ thuật Đăk Lăk thành Trường Trung cấp VHNT Đăk Lăk (nay là Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đăk Lăk). Chính 2 mái trường này đã đào tạo được hàng ngàn cán bộ văn hóa cho các tỉnh Tây Nguyên và nhiều tỉnh thành trong cả nước, trong đó có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Để có thành quả ấy, chúng ta không thể không kể đến công lao to lớn của các thầy cô giáo đã không quản khó khăn vất vả để “chuyền lửa” cho các thế hệ học sinh thân yêu. Tiêu biểu là các nhà giáo: NGUT. Măng Ngọc, thạc sĩ Lê Xuân Hoan, Hà Quang Minh, H’Mai, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, Linh Nga Niê Kdam, Mạnh Trí, Nguyễn Văn Phước, Trương Hữu An và Nguyễn Hưng Thành... Điều đặc biệt đối với các nhạc sĩ làm công tác đào tạo ở Tây Nguyên là vừa làm công tác đào tạo vừa làm công tác nghiên cứu, sáng tác và biểu diễn nhạc, ở lĩnh vực nào cũng đạt được những kết quả đáng nghi nhận và được nhiều thế hệ học sinh, sinh viên kính trọng, yêu mến...

Trong những năm qua, bằng tài năng và trí sáng tạo của mình, các nhạc sĩ, nghệ sĩ Tây Nguyên đã sáng tạo được nhiều tác phẩm âm nhạc tiêu biểu, thể hiện rõ phong cách Tây Nguyên. Số lượng tác giả và tác phẩm nêu trên chưa nhiều nhưng cũng đủ để một lần nữa khẳng định vai trò của các nhạc sĩ Tây Nguyên trong “sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Dù trong hoàn cảnh nào các nhạc sĩ Tây Nguyên cũng đã đồng hành cùng đội ngũ các nhạc sĩ Việt Nam góp phần làm nên vẻ đẹp của con người và mảnh đất bazan đầy nắng gió. Họ đã, đang và sẽ tiếp tục hoạt động, sáng tạo bằng trái tim và khối óc để dâng hiến cho đời những “ trái ngọt, hoa thơm” như biển ngoài khơi vẫn reo, ánh mặt trời vẫn tỏa sáng.

III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Trong những năm qua, dưới ánh sáng của đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, được sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và sự động viên khích lệ của đồng bào các dân tộc cùng công chúng yêu nhạc khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là sự năng động, sáng tạo của các nhạc sĩ..., các Chi hội nhạc sĩ các tỉnh Tây Nguyên ngày càng được củng cố và phát triển, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển nền âm nhạc nước nhà và là cấu nối giữa các nhạc sĩ với Hội Nhạc sĩ Việt Nam và các cơ quan lãnh đạo đảng, chính quyền cũng như văn nghệ sĩ cả nước.

Tuy nhiên, trong điều kiện của cơ chế thị trường hiện nay, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nên các Chi hội Nhạc sĩ các tỉnh Tây Nguyên chưa phát triển ngang tầm với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên.

Để tiếp tục triển khai Nghị quyết 23 –NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2008, của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, với cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, khóa IX, phụ trách các tỉnh Tây Nguyên, sau khi thạm dự Đại hội cơ sở tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020 – 2025 ở các Chi hội Tây Nguyên và một số Chi hội ở Nam Trung Bộ, xin đề xuất với Hội Nhạc sĩ Việt Nam một số kiến nghị như sau:

1. Đề xuất với Đảng và Nhà nước có chế độ, chính sách ưu tiên cho những người làm công tác văn học nghệ thuật trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, các tỉnh Tây Nguyên nói riêng. Việc sát nhập Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai với Trường Trung cấp Y tế Gia Lai và Trường Cao đẳng nghề Gia Lai thành Trường Cao đẳng nghề Gia Lai là không phụ hợp với đặc trưng đào tạo “nghề” của trường văn hóa nghệ thuật. Việc sát nhập các đoàn nghệ thuật chuyện nghiệp với trung tâm văn hóa, thông tin triển lãm cấp tỉnh thành Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật của tỉnh là hoàn toàn không phù hợp với chức năng nhiệm vụ của một thiết chế văn hóa đặc trưng là đoàn/nhà hát nghệ thuật chuyên nghiệp.

2. Mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhạc sĩ Tây Nguyên cập nhật những kiến thức mới;

3. Tăng cường tổ chức Liên hoan và Hội thảo Âm nhạc để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhạc sĩ được giao lưu học tập kinh nghiệm lẫn nhau, đồng thời giới thiệu quảng bá các tác phẩm mới phục vụ nhu cấu thưởng thức âm nhạc của công chúng;

4. Tạo điều kiện cho các nhạc sĩ được tham dự các trại sáng tác âm nhạc trong và ngoài khu vực Tây Nguyên

5. Hàng năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam nên dành một số kinh phí để xuất bản những tác phẩm mới của hội viên, đặc biệt là ca khúc thiếu nhi. Được biết, hiện nay nhiều nhạc sĩ Tây Nguyên muốn công bố tác phẩm nhưng không có kinh phí

6. Cần tăng mức đầu tư tác phẩm cho thể loại lớn, như: giao hưởng, hợp xướng, nhạc không lời, các công trình nghiên cứu…

7. Các chi hội phải có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản.

Có như vậy mới thiết thực thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; đồng thời thiết thực động viên các nhạc sĩ Tây Nguyên gắn bó với mảnh đất mà mình đã chọn làm quê hương thứ 2 để sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị hơn nữa, góp phần xây dựng các tỉnh Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.