You are here

“Chân trời gọi nắng” lưu giữ những ký ức đẹp về nhạc sĩ Hồng Đăng

Tác giả: 
Thanh Nhã

Ngày 21 tháng 3 năm 2023, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ra mắt sách “Chân trời gọi nắng” nhân kỷ niệm một năm ngày mất của nhạc sĩ Hồng Đăng.

Tới dự có: PGS.TS, Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương; họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; đông đảo các nhạc sĩ, nghệ sĩ, ca sĩ, nhà báo, nhà văn, công chúng yêu nhạc, gia đình, bạn bè.

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; TS. nhạc sĩ lão thành Doãn Nho; nhạc sĩ Đinh Công Thuận - Ủy viên Ban Chấp hành, Chánh Văn phòng Hội.

“Chân trời gọi nắng” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành; người tập hợp bản thảo và thực hiện cuốn sách là bà Lê Anh Thuý – người vợ tận tụy của nhạc sĩ Hồng Đăng. Cuốn sách ra mắt dịp dỗ đầu ông là để tưởng nhớ ông, để thấy lại ông như lúc sinh thời. Tên sách lấy từ một câu hát của ông “Chân trời rất xanh gọi nắng xôn xao”.

“Chân trời gọi nắng” được chia làm 3 phần, trong đó ở phần một của cuốn sách làm sống lại và sống dậy một nhạc sĩ Hồng Đăng trong âm nhạc qua những ca khúc của ông sáng tác và những bài viết của ông về lĩnh vực và nghề nghiệp của mình. Phần này cùng bài ông viết về gia đình dòng tộc và gia đình riêng của mình, cho người biết hay cả chưa biết ông một hình dung con người Hồng Đăng trong đời và trong nghề.

Phần hai, bức chân dung đó được bổ sung sống động và chân thực bằng những bài viết của đồng nghiệp, bạn bè, các nhà báo về ông trong suốt sự nghiệp và khi ông nằm xuống, nhớ về ông, viết về ông, mọi người ghi lại những tình cảm đậm đà về Hồng Đăng. Và nói tới Hồng Đăng, thì phải nói tới tài xem tử vi đã nổi tiếng khắp nơi của ông. Xem tử vi đoán mệnh con người, đó là một vấn đề văn hóa, một bộ môn khoa học – ông khẳng định tại một kỳ họp của Ủy ban Quốc gia về Thập kỷ Quốc tế phát triển văn hóa. Phần ba, Hồng Đăng trong lòng người, câu chuyện đẹp về âm nhạc và hạnh phúc sẽ được kể mãi…

Một năm nhạc sĩ Hồng Đăng đã đi xa, nhưng lời ca tiếng nhạc ở những bài hát phổ biến quen thuộc của ông thì vẫn mãi mãi ngân nga trên các phương tiện thông tin và trong lòng người.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, xúc động chia sẻ: “Được quen biết nhạc sĩ Hồng Đăng và gia đình anh hơn 30 năm, cảm nhận rất gần gũi với anh và gia đình anh. Vinh dự được kế nghiệp vào vị trí Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ người anh đi trước và dẫn dắt, đó là một điều may mắn. Anh Hồng Đăng ngoài sáng tác ca khúc, nhạc khí và viết sách đào tạo, là người đa tài trong giới nhạc chúng tôi, anh sáng tác đến vài trăm tác phẩm nhạc phim và ca khúc rất hay, rồi viết sách đào tạo giảng dạy, giáo trình về phối khí, vẫn đang tiếp tục được giảng dạy tại các trường âm nhạc. Đặc biệt, anh Đăng có chị Lê Anh Thúy – người mà chúng tôi rất cảm phục và chứng kiến nhiều năm qua, đặc biệt là công sức của chị cho cuốn sách “Chân trời gọi nắng” và buổi ra sách ngày hôm nay có công lao của chị Thúy rất nhiều. Đây cũng là dịp để tất cả mọi người đồng nghiệp, học sinh của anh, tưởng nhớ đến anh, anh sẽ sống mãi cùng chúng ta trong những tác phẩm âm nhạc của anh”.

Nhạc sĩ Doãn Nho, có bài viết với nhan đề “Người nhạc sĩ có một không hai”: Các tác phẩm gồm ca khúc, ca cảnh, hợp xướng, ca kịch, thanh xướng kịch, anh đã viết khoảng hơn 600 tác phẩm; về nhạc cho phim, gồm phim truyền hình, hoạt hình, tài liệu và phim truyện anh đã viết tới gần 70 phim, đó là về số lượng, còn về chất lượng, có lẽ không chỉ “Hoa sữa”, mà một loạt tác phẩm anh rút ruột viết ra đã có tiếng vang trong công chúng, kể cả trong giới nhạc sĩ chúng tôi như: “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ”, “Biến hát chiều nay”, “Đường đi có nắng mặt trời”, “Không gian xanh”, “Tổ quốc tôi trên 10 năm đã lớn”, “Có một vùng đảo xa”, “Màu hoa”… về nhạc phim anh đã viết không chỉ đáp ứng đúng nội dung và còn kịp thời đáp ứng nhu cầu của đạo diễn, có lẽ vì vì vậy anh là nhạc sĩ đầu tiên được mời ra nhập Hội Điện ảnh Việt Nam, và có lẽ nhiều đồng nghiệp của anh cho tới giờ vẫn giữ nguyên cảm xúc của mình khi nghe vang trên sóng phát thanh những tác phẩm khí nhạc của anh: Tứ tấu đàn dây “Nắng quê hương” 1960; Cello và piano “Ước mơ tuổi trẻ” 1958; Concerto piano “Rừng Tây Nguyên” 1960… Quả thật, với khối lượng tác phẩm đồ sộ, anh đã được liệt vào hàng nhạc sĩ quý hiếm của chúng ta, ấy là chưa kể một khối lượng các bài báo anh viết khá công phu về các đồng nghiệp của mình cùng với những cuốn sách giáo khoa hiện có mặt trong nhiều giáo trình giảng dạy về âm nhạc. Tuy nhiên, điều bất ngờ lớn nhất và cũng khó tưởng tượng nổi đó là khả năng tiên tri của anh, không ít bạn bè đã được anh cứu thoát khỏi những tai nạn do số phận đã định đoạt. Nói khó tưởng tượng nổi còn là vì trong một con người mà tồn tại những dạng thức tư duy gần như hoàn toàn đối lập nhau, có khả năng triệt tiêu lẫn nhau. Tư duy tiên tri luôn đóng đinh vào cột, còn tư duy sáng tác luôn bay bổng. Một bên thuộc lý trí, một bên thuộc cảm xúc, bởi vậy, người như vậy chỉ có thể là anh. Anh sẽ sống mãi cùng thời gian, cùng các thế hệ con cháu, anh là người nhạc sĩ có một không hai...

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, cho biết: “Hôm nay là một ngày rất đặc biệt, trên chính con đường Nguyễn Du thân thuộc này, nơi mà có thể sinh ra một huyền thoại về “Hoa sữa”, hàng ngày tôi vẫn đi qua con đường này. Yêu Hồng Đăng, tôi đã đọc, nghe và thuộc những ca từ trong âm nhạc của nhạc sĩ Hồng Đăng, phần lời là vô cùng quan trọng, nó cuộn chảy cùng với giai điệu và các khúc thức trong âm nhạc vô cùng đặc biệt. Chính điều đó đã làm nên âm nhạc, giai điệu và ca từ của Hồng Đăng đã trú ngụ, đã thuyết phục và trùng phùng lên tâm hồn mỗi người yêu âm nhạc Hồng Đăng…”.

PGS.TS, Nguyễn Thế Kỷ, bày tỏ niềm vui: “Tôi thực sự đồng tình cổ vũ khi chị Lê Anh Thúy đã nảy ra ý định tổ chức Kỷ niệm một năm ngày mất của nhạc sĩ Hồng Đăng và ra mắt cuốn sách. Sau đó được sự giúp đỡ của những người em, người bạn anh Hồng Đăng và chị Thúy thì hôm nay cuốn sách “Chân trời gọi nắng” ra mắt đã thành hiện thực”. Ông cho biết: “Gia đình của nhạc sĩ Hồng Đăng là gia đình nhà Nho rất có danh tiếng ở vùng Yên Thành, của xứ Nghệ, một gia đình có truyền thống hiếu học. Ông nội ông là một nhà nho yêu nước, bác ruột là nhà chí sĩ cách mạng nổi tiếng Phan Đăng Lưu, cha của ông là nhà báo Phan Đăng Tài - người thông thạo 7 ngoại ngữ và từng giữ chức Trưởng phòng Tư liệu - Thư viện của Báo Nhân Dân. Năng khiếu âm nhạc, văn hóa, tử vi của nhạc sĩ Hồng Đăng là được thừa hưởng từ gia đình. Dù đi thoát ly nhưng tình cảm của nhạc sĩ luôn hướng về quê hương, và quê hương rất tự hào về anh”.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: “Nhạc sĩ Hồng Đăng là người ấm áp, nhân hậu. Ông rất yêu quý đồng nghiệp, bạn bè, bất kỳ ai ông cũng quan tâm với sự độ lượng, bao dung. Hình ảnh của ông gắn với “chân trời rất xanh”, gắn với “Hoa sữa”, làm cho chúng ta tiếp tục nặng lòng với anh, mà tôi nghĩ hôm nay buổi ra mắt sách chị Lê Anh Thúy đã làm tận tụy và rất nhanh, kịp ra mắt nhân một năm nhạc sĩ Hồng Đăng đi xa, tôi nghĩ không phải gia đình nào cũng làm được như thế”.

Nhạc sĩ Thụy Kha: “Phải nói rằng giữa tôi và anh Đăng có một cái duyên, khi mà tôi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh đã là người thầy dạy tôi xướng âm. Anh em gắn bó với nhau nhiều năm, anh Đăng đã đưa tôi về làm Tạp chí Âm nhạc năm 1991, với chức danh Thư ký Tòa soạn. Năm 1991, Tạp chí Âm nhạc đã phát hàng 1 vạn số, đến năm 1992, đã có nhiều thư viện nước ngoài mua để lưu giữ. Anh Đăng là người có phẩm chất lãnh đạo và quyết đoán, vì thế anh Đăng đã làm được rất nhiều việc, như chương trình “Nửa thế kỷ âm nhạc Việt Nam”, làm sách về Nhạc sĩ Việt Nam nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, xin tài trợ in băng đĩa cho các nhạc sĩ… Tôi ghi nhớ mãi một thập kỷ được làm việc với anh ở sân 51. Thật ấm áp”.

Tại buổi lễ đã có một chương trình nghệ thuật đặc biệt, biểu diễn một số ca khúc của nhạc sĩ Hồng Đăng:

Biển hát chiều nay, biểu diễn: Đào Tố Loan

Hoa sữa, biểu diễn: Thanh Tâm

Ký ức đêm, biểu diễn: Vũ Thắng Lợi

Đường về hoàng hôn, biểu diễn: Quỳnh Hoa

* Nhạc sĩ Hồng Đăng (Phan Đăng Hồng), sinh năm 1936 tại xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông mất ngày 21 tháng 3 năm 2022 tại Hà Nội.

- Nhạc sĩ Hồng Đăng có nhiều năm làm Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Khóa IV, V, VI (1989 – 2005).

- Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Quản lý Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam.

- Ủy viên Ban Thư ký trung ương Hội Giao lưu văn hóa Việt – Nhật.

- Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc và Thế Giới Âm Nhạc (1990 – 2000).

- Ủy viên Ủy ban quốc gia về Thập kỷ Quốc tế phát triển văn hóa (1993 – 1997).

- Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Giám khảo của nhiều cuộc thi sáng tác và biểu diễn Quốc gia.

- Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

- Hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam.

- Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Tác phẩm:

- Tác giả của nhiều cuốn sách giáo khoa âm nhạc quan trọng như Các nhạc cụ trong dàn nhạc Giao hưởng, Bài tập xướng âm, Hòa Thanh…

- Tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, lý luận, nhiều bài báo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

- Tác giả của hơn 700 tác phẩm thanh nhạc, trong đó có nhiều ca khúc nổi tiếng như: Tổ quốc tôi trên 10 năm đã lớn; Đường đi có nắng mặt trời; Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận; Biển hát chiều nay; Quà tháng 5; Hoa sữa; Lênh đênh; Kỷ niệm thành phố tuổi thơ; Đường về hoàng hôn…

- Tác giả của 70 tác phẩm âm nhạc cho điện ảnh.

- Tác giả của những tác phẩm thanh nhạc lớn: Hợp xướng Lửa rực cháy (1960); Hợp xướng Trận địa gang thép (1967); Hợp xướng Đêm Trường Sơn (1972); Thanh xướng kịch (oratori) Sông Hồng ngàn năm reo hát (kịch bản và lời ca Dương Viết Á) 1964.

-Tác giả của những tác phẩm nhạc không lời: Ước mơ tuổi trẻ (cho violoncelle và piano);Tứ tấu đàn dây Nắng quê hương; Concerto cho piano Rừng Tây Nguyên.

Giải thưởng:

- Giải thưởng Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam các năm 1993, 1998, 2018.

- Giải thưởng Lớn ở Nhật Bản 1993 với tác phẩm “Gửi một câu hát cho Tokyo”.

- Huân chương Lao động hạng nhất 1997.

- Giải thưởng Lớn – Bùi Xuân Phái Vì tình yêu Hà Nội, 2021.

- Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, cho các tác phẩm “Biển hát chiều nay”, “Hoa sữa”, “Quà tháng năm”, “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ” và hợp xướng “Lửa rực cháy”, năm 2001.

- Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, cho các tác phẩm “Lênh đênh”, “Đêm hành hương về huyền thoại”, “Buổi tối, chuyện một căn nhà nhỏ”, “Khao khát”, “Gửi một câu hát cho Tokyo”, truy tặng năm 2022.

Một số hình ảnh tại buổi ra mắt sách:

Bà Lê Anh Thúy ký tặng sách cho các bạn đọc mến mộ nhạc sĩ Hồng Đăng

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.