You are here

Chopin: Piano Sonata số 2

Tác giả: 
Cobeo

Thông tin tác phẩm

Tác giả: Frédéric Chopin
Tác phẩm: Sonata piano số 2 giọng Si giáng thứ, Op. 35
Thời gian sáng tác: 1839. Chương III hành khúc tang lễ được sáng tác từ năm 1837.
Độ dài: Khoảng 21-25 phút.
Tác phẩm có 4 chương:
Chương I – Grave – Doppio movimento (Si giáng thứ)
Chương II – Scherzo (Mi giáng thứ)
Chương III – Marche funèbre: Lento (Si giáng thứ)
Chương IV – Finale: Presto (Si giáng thứ)

Hoàn cảnh sáng tác Piano sonata số 2

Ngày nay, bản Sonata piano số 2 của Chopin được coi là một tác phẩm nổi bật không chỉ trong số những sáng tác của nhà soạn nhạc mà còn trong kho tàng các nhạc phẩm dành cho piano. Tuy nhiên, khi mới ra đời, tác phẩm đã nhận được khá nhiều lời chỉ trích nặng nề, thậm chí cay nghiệt. Schumann, người trước đó đã chào đón Chopin bằng những lời có cánh “Hãy bỏ mũ ra các quý ông, đây là một thiên tài” đã miệt thị bản sonata: “Đây là một trò lừa đảo, nếu như không muốn dùng từ đùa cợt vì anh ta chỉ đơn thuần trói 4 đứa con ngỗ nghịch lại với nhau và dưới danh nghĩa của mình đã đưa chúng vào nơi đáng ra chúng không thể lọt vào được”, ông cho rằng Chopin đã “không thể xử lý hoàn hảo hình thức sonata”. Còn Mendelssohn thì tỏ ra “ghê tởm” chương cuối. Vậy điều gì ở tác phẩm lại khiến các tên tuổi nổi bật nhất thời bấy giờ tỏ ra ác cảm với một tác phẩm mà theo thời gian đã trở thành nổi tiếng và được yêu mến?

Bản Sonata piano số 2 của Chopin được ông sáng tác vào năm 1839 khi đang ở dinh thự Nohant, quê hương của George Sand, cách Paris khoảng 250km về phía Nam. Tuy nhiên, chương III hành khúc tang lễ nổi tiếng nhất trong toàn bộ tác phẩm được cho là đã được sáng tác trước đó vào năm 1837. Nhận định này đến từ việc tìm thấy một bản viết tay của Chopin có chữ ký ở những ô nhịp cuối cùng trong phần Trio của chương nhạc. Ngoài ra, trong bức thư gửi cho người bạn thân thiết Julian Fontana vào đầu tháng 8/1839 có đoạn: “Ở đây tôi đang viết bản Sonata giọng Si giáng thứ, sẽ bao gồm cả hành khúc mà anh biết”. Hành khúc được nhắc đến ở đây chính là hành khúc tang lễ mà ông đã biến thành chương III trong bản sonata của mình.

Nhiều nhà phê bình âm nhạc đã nghiên cứu cấu trúc của bản sonata và đưa ra nhiều giả thiết cho việc tại sao lại bị các nhà soạn nhạc chê bai nhiều như vậy, trong khi khán giả lại tỏ ra yêu thích chúng. Đầu tiên là toàn bộ 4 chương của bản sonata đều ở giọng thứ, một điều khá bất thường. Sau đó, chương I của tác phẩm, được viết ở hình thức sonata nhưng trong phần tái hiện không hề xuất hiện chủ đề 1, một điều được khẳng định là chưa từng có tiền lệ (sau này còn được Chopin tiếp tục sử dụng thủ pháp này trong hai bản sonata còn lại của mình: Sonata piano số 3 và Sonata cello). Trong chương cuối ngắn ngủi một cách khác thường, âm nhạc vang lên dường như không có giọng chủ, trong khi phong cách sáng tác vô điệu thức atonal chỉ phổ biến sau đó khoảng 60 năm vào đầu thế kỷ 20. Một tác phẩm được cho là có cấu trúc khó hiểu nhất thế kỷ 19. Rõ ràng, cách xây dựng cấu trúc bản sonata này của Chopin đã khiến những nhà soạn nhạc trung thành với truyền thống như Schumann hay Mendelssohn cảm thấy khó chấp nhận.

Phân tích tác phẩm

Chương I được viết ở hình thức sonata và nhịp 2/2. Trong bản thảo của mình, Chopin không ghi chú tốc độ của chương nhạc. Tuy nhiên, cũng trong bức thư gửi cho Fontana vào tháng 8/1839 ở trên, Chopin có đề cập: “Bản Sonata gồm có chương Allegro, Scherzo giọng Mi giáng thứ, Hành khúc và một phần Finale ngắn”. Như vậy, có thể coi Allegro là tốc độ được Chopin chỉ định. Chương nhạc mở đầu với 4 ô nhịp chậm, được Chopin ghi chú Grave (trang nghiêm) có những nét nhạc quan trọng sẽ được ông sử dụng trong phần sau của chương cũng như trong chương cuối. Phần sau với ghi chú Doppio movimento (nhanh gấp đôi phần đầu) với chủ đề 1 tạo nên tâm trạng khá lo ngại. tiết tấu nhanh, mang đến sự kích động. Đột nhiên, không mong đợi, âm nhạc đang lao tới bỗng nhiên dừng lại, một thế giới khác mở ra. Chủ đề 2 xuất hiện, ở giọng trưởng liên quan (Rê giáng trưởng). Đây là phần duy nhất được Schumann khen trong toàn bộ tác phẩm, một giai điệu có thể hát lên được “hầu như có thể coi là được Bellini sáng tác”. Trong phần lặp lại của phần trình bày, không có ghi chú rõ ràng là chơi lại từ đoạn Doppio movimento hay cả phần Grave, dẫn đến việc có những lựa chọn khác nhau. Ngày nay, đa phần các buổi biểu diễn và bản thu âm được nghệ sĩ lựa chọn tái hiện từ phần Doppio movimento. Trong cao trào của phần phát triển, Chopin kết hợp motif của phần Grave với chủ đề đầu tiên và chủ đề phụ của chủ đề thứ hai. Việc thể hiện đồng thời 3 nét giai điệu riêng biệt này đưa đến một tâm trạng âm nhạc đầy cảm xúc mãnh liệt. Chopin đã tạo ra dấu ấn riêng của mình bằng cách bỏ qua truyền thống xưa cũ của thời kỳ cổ điển khi bỏ qua chủ đề 1, tới thẳng chủ đề 2 trong phần tái hiện. Việc lặp lại thủ pháp này trong 2 bản sonata sau đó của ông cho thấy đây không phải là cảm hứng nhất thời của nhà soạn nhạc mà Chopin cảm nhận được rằng đây có thể là một đóng góp quan trọng cho lịch sử phát triển của hình thức sonata. Nhưng phải sau đó khoảng 30 năm, mới có người tiếp bước ông khi Tchaikovsky sáng tác Giao hưởng số 4.

Chương II giọng Mi giáng thứ là một scherzo với những thách thức khủng khiếp về mặt kỹ thuật. Trong phần đầu, âm nhạc lao đi với tốc độ mạnh mẽ, những thang âm dữ dội đòi hỏi tay phải chạy những quãng 4 kép, trong khi tay trái là quãng 3 kép. Đó là chưa kể đến các quãng nhảy cách về hai đầu của bàn phím, một thách thức thật sự cho các nghệ sĩ biểu diễn. Ở phần trio, âm nhạc chuyển sang giọng Son giáng trưởng, lặp lại giai điệu hiếu chiến của chủ đề chính, nhưng được biến đổi đầy trữ tình đưa chương nhạc kết thúc trong một coda tái hiện cô đọng trio ấm áp đáng yêu. Chương nhạc chất chứa sự tương phản của cảm xúc, sự bùng nổ và lắng đọng.

Chương III giọng Si giáng thứ ở nhịp 4/4 là trọng tâm cảm xúc của toàn bộ tác phẩm. Theo những gì còn sót lại, chương nhạc được sáng tác vào ngày 28/11/1837, đó là một ngày trước của lễ kỷ niệm Cuộc nổi dậy tháng 11, ngày mà cộng đồng người Do Thái Ba Lan ở Paris coi là thảm hoạ quốc gia. Trên cơ sở này, chương nhạc được coi như một lời khóc thương của Chopin về quê hương yêu dấu. Chương nhạc theo thời gian đã trở nên nổi tiếng theo cách tương tự bản hành khúc tang lễ trong giao hưởng “Eroica” của Beethoven. Âm nhạc mở đầu với một giai điệu mà chúng sẽ thấy quen thuộc vì đã được dùng là xương sống cho chương II và một phần coda của chương I trước đó. Phần giữa của chương nhạc là một trio giọng Rê giáng trưởng mang không khí đồng quê, điền viên với một giai điệu trầm lắng với những nốt móc đơn trên bè đệm tay trái. Âm nhạc của hành khúc trở lại, từ thì thầm thành tiếng la hét, từ than thở thành phản đối và nổi dậy.

Chương IV Finale ngắn, được ghi chú Presto, ở nhịp 2/2. Chỉ gồm 75 ô nhịp, chương nhạc hầu như chỉ diễn ra với số giây tương tự. Âm nhạc là một chuỗi chuyển động liên tục với những quãng 8 song song khiến Anton Rubinstein gợi nhớ đến “những cơn gió đêm quét qua các ngôi mộ trong nghĩa địa”, một hình ảnh thường xuyên được lấy ra để miêu tả cho chương nhạc. Nó hầu như không có giọng chủ đạo và được chơi sotto voce (thì thầm) suốt chương nhạc cho tới khi xuất hiện hợp âm fortissimo (mạnh) ở giọng Si giáng thứ kết thúc tác phẩm. Âm nhạc phảng phất đường nét của đoạn mở đầu phần giới thiệu Grave trong chương đầu tiên. Schumann và Mendelssohn chê bai nó nhưng những con người của thế kỷ 20 quen thuộc với những sự cách tân trong âm nhạc thì khen ngợi và yêu mến. Garrick Ohlsohn đã nhận xét: “Thật phi thường, bởi vì ông đã viết một chương nhạc kỳ cục nhất cuộc đời mình, một thứ gì đó hoàn toàn giống với thế kỷ 20, hậu lãng mạn và vô điệu tính”.

Hiển nhiên, chương III Hành khúc tang lễ là trung tâm của tác phẩm, các chương nhạc khác phát triển xoay xung quanh nó, đóng vai trò là điểm tựa. Hai chương nhạc đầu tiên tiến về phía nó còn chương cuối chỉ đóng vai trò đoạn kết, là “đoạn tán gẫu sau cuộc diễu hành”, như chính Chopin nhận xét. Trên thực tế, cái tên Hành khúc tang lễ mặc dù xuất hiện trong ấn bản lần đầu, nhưng sau đó trong phiên bản sửa chữa, ông đã bỏ đi 2 từ tang lễ và trong tất cả những lần đề cập đến nó, ông đều chỉ dùng từ Hành khúc. Có thể việc ông bỏ đi từ tang lễ được hiểu là ông khinh thường với các từ ngữ miêu tả âm nhạc của mình.

Trên thực tế hành khúc tang lễ chưa bao giờ chơi tại bất kỳ đám tang nào trong suốt cuộc đời của Chopin. Trớ trêu thay, cơ hội đầu tiên của nó là ở tang lễ của chính nhà soạn nhạc, tại nhà thờ Madeleine vào ngày 30/10/1849, trong một bản phối khí cho dàn nhạc của Henri Reber. Năm 1933, Edward Elgar cũng đã soạn một phiên bản khác cho dàn nhạc mà sau này được sử dụng tại đám tang của chính ông.

Bản Sonata piano số 2 này đã trở thành tác phẩm gây tranh cãi nhất của Chopin. Vấp phải sự phản đối của các nhà phê bình ngay khi mới ra đời, theo thời gian “bản sonata có hình thức không được xử lý hoàn hảo này” được coi là có sự thống nhất sâu rộng về nội dung giữa các chương nhạc “không tương thích” và là hiện thân của “nguyên tắc tuần hoàn” xuất hiện trước đó trong Fantasy “Người lang thang” của Schubert và trở nên phổ biến sau đó với các tác phẩm của Liszt và Franck. Theo thời gian, tác phẩm đã vượt qua được những lời chê bai của các nhà phê bình và trở thành một bản nhạc quen thuộc, được những nghệ sĩ piano tài năng hàng đầu biểu diễn và thu âm thường xuyên.

Nghe tác phẩm: https://youtu.be/gHZHy2B6MCc

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.