You are here

Chuyện chưa kể về ca khúc “Tình ca” của Hoàng Việt

Tác giả: 
Bùi Phụ - Nguyễn Hằng

Không phải ai cũng biết về gia đình cố nhạc sỹ Hoàng Việt và đặc biệt là người con gái đã khơi nguồn cảm hứng để ông sáng tác bài "Tình ca".

Nhạc sĩ Hoàng Việt qua nét vẽ Lương Xuân Đoàn

Trải qua hơn 60 năm, “Tình ca” - tuyệt tác âm nhạc nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Việt (sáng tác năm 1957) vẫn được nhiều thế hệ người Việt Nam yêu mến. Nhưng không phải ai cũng biết về gia đình cố nhạc sỹ và đặc biệt nhân vật người con gái đã khơi nguồn cảm hứng để ông mở đầu câu hát: “Khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu quê ta…”.

Chuyện tình đẹp

Một ngày cuối tháng 5, chúng tôi tìm đến nhà cố nhạc sĩ Hoàng Việt, nằm trong khu tập thể Hội Văn học nghệ thuật TP HCM (148 Võ Văn Tần, quận 3). Mở cửa tiếp chúng tôi là một cụ bà tóc bạc trắng, khuôn mặt phúc hậu. Qua lời cụ, chúng tôi mới biết đây chính là cô gái trong bài “Tình ca” mà nhạc sỹ Hoàng Việt luôn nhớ mong, day dứt. Bà là Lâm Thị Ngọc Hạnh, vợ nhạc sỹ Hoàng Việt.

Trong căn nhà nhỏ chỉ khoảng hơn 30m2 nhưng ngăn nắp, cụ Ngọc Hạnh và người con trai út là đạo diễn Lâm Lê Dũng đã kể lại những ký ức về người chồng, người cha của mình. Cụ Hạnh nay đã 92 tuổi, không còn minh mẫn nhưng nhắc về người chồng của mình, cụ vẫn nhớ và bảo rằng, luôn “khắc dạ ghi tâm” chuyện tình hai người.

Lật từng bài nhạc của chồng sáng tác, cụ Hạnh kể: Khoảng năm 1950, khi đang là nữ giao liên nội thành tại khu Tam Tông miếu (đường Cao Thắng, quận 3) thì cụ gặp nhạc sỹ Hoàng Việt. “Ông nhà tôi hiền lành, mê sáng tác từ năm 17 tuổi. Tôi mê ổng, mê nhạc, mê sự hiền lành rồi yêu nhau. Chỉ tiếc ổng hy sinh quá sớm, khi mới 39 tuổi nên chưa viết được nhiều tác phẩm và trọn vẹn chuyện tình với mẹ con tôi…”, cụ Hạnh nói về chồng.

Cụ Lâm Thị Ngọc Hạnh, vợ cố nhạc sĩ Hoàng Việt và người con út - đạo diễn Lâm Lê Dũng

Theo lời cụ Hạnh, khi hai người có với nhau 3 người con thì ông ra Bắc tập kết. Hơn 12 năm mong mỏi đợi chồng, một mình cụ Hạnh nuôi các con. Đến năm 1966, nhạc sỹ Hoàng Việt trở lại miền Nam chiến đấu, hai người mới gặp lại nhau và sinh thêm người con trai út là đạo diễn Lâm Lê Dũng.

“Sau năm 1975, tôi có nhiều dịp được thể hiện bài “Tình ca” từ lúc còn học sinh cho đến khi trở thành ca sỹ chuyên nghiệp. “Tình ca” đã đi cùng tôi trên khắp mọi miền Tổ quốc và khắp thế giới, được khán giả năm châu yêu thích. Trong các cuộc thi tiếng hát, các thí sinh thường dùng bài hát này để khoe giọng vì “Tình ca” là một tác phẩm âm nhạc tuyệt vời, ca ngợi cái đẹp, ý nghĩa nhân văn giữa tình yêu con người, đất nước.

Nghệ sĩ nhân dân Tạ Minh Tâm, Phó giám đốc Nhạc viện TP HCM”

Anh Lâm Lê Dũng cho biết, người anh đầu là Lê Chí Dũng (SN 1950, đạo diễn quay phim), anh thứ hai là nhà văn Lê Hữu Dụng (SN 1954). “Ngày ba ra Bắc tập kết, mẹ tôi đang mang bầu chị gái Lê Thị Thanh Bình. Năm 1966, ba tôi trở về miền Nam chiến đấu rồi hy sinh trong trận Kinh Á Rặt (ngày 31/12/1967 tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), lúc đó mẹ đang mang bầu tôi. Tôi lớn lên không thấy được bóng dáng ba mình…”, anh Dũng buồn giọng.

Cũng theo lời anh Dũng, tuy không ai theo con đường âm nhạc giống ba nhưng cả bốn anh chị em đều yêu nghệ thuật. “Chúng tôi tự hào về ba mình bởi chính những gì ông để lại là tấm gương cho anh chị em tôi cố gắng sống tốt, nhân văn để làm gương cho các cháu…”, vị đạo diễn nói.

Nhà văn Lê Hữu Dụng, người con trai thứ 2 của nhạc sĩ (nay đã gần 70 tuổi) tâm sự, ông không nhớ năm nào nhưng khoảng thập niên 60 của thế kỷ trước, trong một buổi họp mặt gia đình tại Sài Gòn, một người chú họ nói: Anh Bảy (tên thường gọi của nhạc sỹ Hoàng Việt) vừa sáng tác bài “Tình ca” hay lắm. “Nghe chú kể xong, mấy mẹ con tôi tìm cách nghe lại bài hát nhưng không biết làm thế nào bởi lúc này miền Nam rất khó bắt được sóng phát thanh từ Hà Nội. Bẵng đi một thời gian rất lâu, cả nhà tình cờ nghe được ca sĩ Quốc Hương hát bài “Tình ca” qua sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Do sóng yếu nên nghe tiếng được, tiếng mất. Tuy nhiên, khi nghe xong bài hát, tôi muốn rơi nước mắt. Bài hát rất hay, da diết, cung bậc lên xuống cao trào…”, ông Dụng nói.

Cụ Ngọc Hạnh tâm sự, lần đầu nghe được lời bài hát cất lên, bản thân đã cảm nhận như bức thư tình mà người chồng nhạc sỹ gửi riêng cho mình, động viên vợ cố gắng nuôi con, chờ ngày chồng về. Nhất là đoạn: “Ta hát chung tiếng ca vang dội từ nghìn phương xa/ Xua kẻ thù đi mau, dập tắt chiến tranh đẫm máu/ Đập tan ngay bao đau khổ và chia ly/ Giữ lấy đức tin bền vững em ơi! Giữ lấy trái tim đời sống yêu đời/ Làm một bài tình ca của đôi lứa ta dâng cả bao người”.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Hội âm nhạc TP HCM nhận định: “Hoàng Việt là một nhạc sĩ đầy tài năng. Nếu ông không hy sinh sớm, khi sự nghiệp âm nhạc đang ở độ chín thì chắc chắn các tác phẩm ông để lại cho đời sẽ nhiều hơn”.

Chuyện người cháu ngoại mang tên Tình Ca

Nguyễn Thụy Tình Ca, cháu ngoại cố nhạc sĩ Hoàng Việt

Anh Lâm Lê Dũng tâm sự, cả bốn anh chị em đều có nhà cửa đàng hoàng và muốn đón mẹ về ở nhưng cụ Hạnh nhất quyết không chịu. “Mẹ tôi muốn ở lại căn nhà này bởi nơi đây gắn với nhiều kỷ niệm của ba. Anh chị em chúng tôi tôn trọng quyết định của mẹ nên cùng nhau thay phiên chăm sóc mẹ thật tốt để mẹ an vui tuổi già…”, anh chia sẻ.

Anh Dũng cho biết thêm, ba mẹ anh hiện có 6 cháu nội, ngoại. Cháu nào cũng ngoan, học giỏi và đều đã trưởng thành. Trong số này có cô cháu ngoại sinh năm 1983 được gia đình đặt tên là Nguyễn Thụy Tình Ca để gợi nhớ nhạc sỹ Hoàng Việt.

Không biết có phải do được đặt tên theo tác phẩm nổi tiếng của ông ngoại hay không nhưng Nguyễn Thụy Tình Ca rất xinh đẹp và học giỏi. Cô lấy bằng thạc sỹ hạng ưu khoa Quản trị dự án - Đại học RMIT và nhận được học bổng toàn phần. Năm 2007, Tình Ca là sinh viên Việt Nam duy nhất được chọn làm việc tại Nike Singapore trong chương trình Đào tạo Quản lý do Nike tổ chức thi tuyển tại các trường đại học TP HCM. Hiện tại, Tình Ca là Trưởng đại diện, chịu trách nhiệm phát triển thị trường Việt Nam của Resort World Sentosa Singapore.

Chị Nguyễn Thụy Tình Ca chia sẻ, bản thân rất hạnh phúc và tự hào khi được ba mẹ đặt tên theo tên ca khúc của ông ngoại. “Mang tên tác phẩm nổi tiếng của ông ngoại, tôi luôn luôn tự dặn mình phải cố gắng học giỏi, sống đàng hoàng, làm việc gương mẫu. Có một lần qua cửa sân bay, mấy anh an ninh thắc mắc về cái tên của tôi. Tôi giải thích thì họ trêu đùa, yêu cầu tôi hát một câu trong bài “Tình ca” mới cho qua…”, Tình Ca vui giọng.

Nhạc sĩ Hoàng Việt tên thật là Lê Chí Trực (SN 1928, tại Chợ Lớn - Sài Gòn), quê xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ông là một trong những nhạc sĩ đi đầu trong việc phát triển nhạc giao hưởng của Việt Nam với bản giao hưởng số 1 “Quê hương”, được sáng tác trong thập niên 1960 sau khi nhạc sĩ đi học ở Bulgaria.

Ông sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng như: “Lá xanh”, “Nhạc rừng”, “Tiếng còi trong sương đêm”… (bút danh Lê Trực).

Nhạc sĩ Hoàng Việt được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996 và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2011. Tên ông được đặt cho một tuyến đường ở TP HCM.

Ông tự học âm nhạc từ tuổi 16 và sau đó có những bài đã được phát thanh trên Đài Sài Gòn. Khi theo cách mạng, ông được phiên về Tổ Quân nhạc khu Tám (Đồng Tháp Mười) và cái tên Hoàng Việt bắt đầu xuất hiện từ bài hát binh vận “Về đi anh”, sau đó là “Lá xanh”, “Nhạc rừng”…

Năm 1954, chia tay người vợ trẻ đang mang thai đứa con thứ ba, Hoàng Việt lên tàu từ Đất Mũi Cà Mau tập kết ra Bắc học chính quy tại khóa sáng tác đầu tiên tại Trường Âm nhạc Việt Nam.

Xa quê hương, trong nỗi nhớ và những đêm thao thức hướng về miền Nam nơi có người vợ hiền, con thơ, nơi quê nhà với bãi mía, nương dâu, bến nước Cửu Long… ông đã gửi nỗi lòng qua tác phẩm “Tình ca” với câu mở đầu: “Khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu quê ta/ Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba/ Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra...”.

(Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.