You are here

Chuyện tình như mơ của một nhạc sĩ đại thượng thọ

Tác giả: 
Nguyễn Đình San

Ai có dịp đến nhà số 22, phố Mai Hắc Đế (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sẽ biết trong một căn phòng nhỏ của ngôi nhà này hiện đang có một cụ già, rất già đang còn sống. Cụ không còn khả năng giao tiếp do các tri giác đã tê liệt. Cụ được sinh ra tại nơi đây, hơn 100 năm qua chỉ sống ở đây và đặc biệt là viết nên ca khúc trứ danh vừa nhắc ở trên cũng tại ngôi nhà này. Quả là hiếm có trường hợp cả đời không hề "xê dịch", thay đổi chỗ ở như vậy.

Chuyện tình như mơ của một nhạc sĩ đại thượng thọ -0

 

Nguyễn Thiện Tơ sớm nổi danh trong lớp nhạc sĩ gọi là "tiền chiến" với ca khúc trứ danh "Giáo đường im bóng", cùng thời với các nhạc sĩ tên tuổi như Văn Cao, Hoàng Quý, Tô Vũ, Lê Yên, Phạm Duy, Lê Thương, Văn Chung, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh… Ông có người cha mê dân ca và hát trống quân rất hay nên sớm yêu thích và phát triển năng khiếu âm nhạc. Năm 14 tuổi, Nguyễn Thiện Tơ bắt đầu học nhạc lý rồi đánh thạo đàn ghi-ta và Hawai. 15 tuổi, học trung học ở Trường Thăng Long (Hà Nội), được học trực tiếp các thầy Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp.

Vừa học văn hóa, Nguyễn Thiện Tơ vừa lao vào tu luyện hai loại đàn trên nên ông sớm trở thành một tay đàn giỏi, được mời đi biểu diễn ở nhiều nơi. Và chuyện tình của ông bắt đầu từ đây - vào một đêm tháng 5/1938 khi mới 17 tuổi. Biết ở Hà Nội có một chàng trai chơi giỏi hai loại đàn khá thịnh hành lúc bấy giờ, người phụ trách phong trào Hướng đạo sinh đã mời ông về Nam Định biểu diễn để lấy tiền gây quỹ từ thiện giúp đỡ những người nghèo. Nguyễn Thiên Tơ lúc này có khá đông khách mời đi đánh đàn ở nhiều nơi nên nếu ở xa mời, ông không mấy mặn mà. Nhưng không hiểu vì sao riêng lần này, mặc dù về tận Nam Định, lại biểu diễn từ thiện, nghĩa là không có "cát-sê" như mọi cuộc khác, ông lại rất thích thú và sốt sắng. Liệu có phải là báo trước một điềm may mắn nào chăng?

Tại cuộc diễn này, ngoài Nguyễn Thiện Tơ được mời từ Hà Nội về, còn có nhiều tay đàn, giọng hát sở tại. Trong khi chờ đến lượt mình biểu diễn thì bỗng nhiên, một cô gái xuất hiện, nhờ ông lên dây đàn hộ. Cô cũng là một giọng hát có tiếng ở thành Nam, tự giới thiệu mình là Hà Tiên, sẽ vừa hát, vừa tự đệm đàn băng-jô an-tô. Nhưng Nguyễn Thiện Tơ không mấy để ý cô gái biểu diễn tiết mục gì mà bị cuốn hút ngay vào nhan sắc "chim sa, cá lặn" của cô. Cô có khuôn mặt đầy đặn, bầu bĩnh, đôi mắt sáng long lanh, nụ cười có lúm đồng tiền thật duyên dáng.

Đêm biểu diễn đó, Hà Tiên vừa tự đệm đàn, hát nhạc Pháp. Còn Nguyễn Thiện Tơ thì vừa độc tấu ghi-ta gỗ, vừa chơi Hawai. Cô thực sự ngưỡng mộ tiếng đàn lả lướt, quyến rũ của chàng nghệ sĩ trẻ. Chàng thì vừa nghe nàng hát, vừa ngắm dung nhan tuyệt mỹ của nàng. Thế là một "tiếng sét ái tình" đã nổ ra. Từ đó, họ thường xuyên thư từ, gặp gỡ mặc dù ở hai thành phố cách nhau 80 cây số. Khi thì Hà Tiên lên Hà Nội. Nhưng chàng nghệ sĩ về Nam Định nhiều hơn. Mỗi lần về, Nguyễn Thiện Tơ lại đưa Hà Tiên đi lễ nhà thờ. Nàng vào lễ. Chàng ở ngoài nghe tiếng đọc kinh thánh và tiếng hát du dương.

Tình yêu đầu của hai người quá đẹp như vậy nhưng gia đình Hà Tiên không đồng ý cho con gái lấy Nguyễn Thiện Tơ bởi nhà cô theo Công giáo và chàng lại theo nghề cầm ca mà theo quan niệm xưa, đó là nghề "xướng ca vô loài". Tuy nhiên, cô đã trấn an người yêu bằng một thái độ cương quyết, dứt khoát: "Mẹ em bảo lấy anh thì không cho vàng, bạc, nữ trang. Em nói với mẹ rằng con có thể sống mà không có vàng bạc nhưng không thể sống thiếu anh ấy".

Chính bởi tình yêu của mình bị cản trở nên Nguyễn Thiện Tơ mới viết nên ca khúc "Giáo đường im bóng" với giai điệu đượm buồn: "Nhớ tới đêm đầy ánh sáng. Hương trong gió tràn mênh mang. Giây phút như ngừng thôi rơi. Tiếng kinh muôn lời. Dáng xinh xinh bao tiên kiều quỳ ngân Thánh kinh ban chiều. Trong giáo đường đêm Nô-en ấy, ngàn đời tôi mến yêu…". Thời gian này, nhờ men tình yêu, Nguyễn Thiện Tơ còn sáng tác được mấy bài khác đều hay: "Nhắn gió chiều", "Trên đường về", "Đêm trăng xưa", "Chiều quê", "Ngày vui đã qua", "Cung đàn xuân xưa"…

Với quyết tâm sắt đá và tình yêu chung thuỷ của Hà Tiên, qua 6 năm lận đận thác ghềnh, đến năm 1944, gia đình cô phải chấp nhận cho con gái lấy người cô yêu. Rất nhiều người khi ấy ngưỡng mộ mối tình son sắt và bản lĩnh của người con gái đẹp nổi tiếng ở thành Nam.

Thời kỳ này, quân Pháp và Nhật ở Việt Nam thường giao tranh khiến dân tình loạn lạc. Gia đình Hà Tiên phải tản cư vào Nghệ An. Nguyễn Thiện Tơ cũng theo người yêu vào trong đó. Đám cưới đã được tổ chức ở nhà thờ làng Mỹ Dụ tại thành phố Vinh giản dị, đạm bạc nhưng rất vui và cảm động. Cặp vợ chồng nghệ sĩ đã sống với nhau hạnh phúc thật trọn vẹn suốt gần 100 năm, cho mãi tới gần đây mới phải xa nhau do bà Hà Tiên lên cõi Tiên trước.

vc ntt.jpg -0

Vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ – Vũ Hà Tiên ở tuổi ngoài 80 tuổi.

Thiên hạ đã rất ngưỡng mộ mối tình đẹp, thuỷ chung của họ. Nhưng sẽ càng ngưỡng mộ hơn nếu biết rõ trong 6 năm (1938-1944), tình yêu của họ gặp muôn vàn khó khăn như ta đã thấy. Nhất là giữa lúc này còn có hai chàng nhạc sĩ khác cũng rất tài ba, danh tiếng "nhòm ngó", để mắt tới Hà Tiên. Không có họ, chỉ riêng việc thuyết phục, vượt lên sự ngăn cản của gia đình "nhà gái" đã rất mệt. Đằng này lại có thêm hai "tình địch" vào loại "nặng ký". Nhưng tác giả "Giáo đường im bóng" vẫn rất tự tin ở người tình, không một chút nao núng. Hai nhạc sĩ tiếng tăm đó là Phạm Duy và Lê Thương.

Số là khi Hà Tiên cùng gia đình tản cư vào Nghệ An từ trước năm 1945, Phạm Duy đang ở nơi này và tình cờ quen biết cô. Lúc này Phạm Duy đã rất nổi tiếng với những bài hát quen thuộc như "Thằng Cuội", "Cô hái mơ". Hai người quen nhau. Hà Tiên nể phục tài năng của Phạm Duy, coi ông như một người anh, người thầy trong lĩnh vực âm nhạc. Cô cũng đã từng mến giọng hát của Phạm Duy khi nghe ông hát trong gánh hát của Đức Huy khi đó. Cô đã mời ông đến nhà mình chơi. Tại đây, cô khoe với Phạm Duy một ca khúc do một nhạc sĩ có tên Lê Thương sáng tác tặng mình. Bài hát có tên "Nàng Hà Tiên". Nhạc sĩ họ Phạm từng được nghe bài hát này và có biết chút ít về tác giả (nhưng chưa quen). Nay được tiếp xúc với người con gái mà từ nàng, Lê Thương viết nên được bài hát hay thì đã hiểu ra "vấn đề".

Phạm Duy rất trân trọng và phục tài của tác giả bài hát, đã nói: "Bài hát "Nàng Hà Tiên" là một truyện ca huyền ảo. Tôi cho rằng trong làng tân nhạc, sau 50 năm sinh hoạt vẫn chưa có ai kể chuyện bằng âm nhạc hay bằng Lê Thương. Truyện ca xinh xắn này đã báo hiệu cái vĩ đại của bộ 3 "Hòn Vọng Phu". (Lê Thương là tác giả ba bài hát nổi tiếng có tên "Hòn Vọng Phu 1,2,3"). Phạm Duy cũng không giấu giếm khi nói: "Chẳng lẽ bậc đàn anh Lê Thương yêu một cô gái đẹp đã viết nên một bài ca hay thế mà mình lại bó tay sao? Nhưng tôi rốt cuộc đã chẳng viết nổi một nốt nhạc nào về nàng cả".

Nghe câu chuyện trên, một lần, khi Nguyễn Thiện Tơ ở tuổi 80 còn khoẻ, trong lúc vui chuyện khá thân mật, tôi đã hỏi ông:

- Lúc đó, anh có biết hai chàng nhạc sĩ tài danh kia cũng lui tới, tán tỉnh vợ mình không?

Với nụ cười rất hiền, ông nói:

- Khi ấy, chúng mình chưa cưới nhau. Minh biết chứ. Nhưng đó chỉ là tình cảm đơn phương từ phía hai nhạc sĩ họ Lê và họ Phạm. Vấn đề là ở bà ấy. Điều này thì mình rất tin vì dẫu sao cũng đã qua nhiều năm thử thách. Bà ấy đâu chỉ có hai nhạc sĩ đó mà còn rất nhiều người khác giàu sang, quyền quý nhòm ngó.

Nguyễn Thiện Tơ có nhiều năm làm việc ở Đoàn nhạc giao hưởng, hợp xướng Việt Nam (tiền thân của Nhà hát Nhạc vũ kịch hiện nay) rồi chuyển sang ngồi dàn nhạc Xưởng Phim truyện Hà Nội. Về hưu, ông tiếp tục dạy đàn và sống hạnh phúc, êm đềm bên người vợ thuỷ chung, gắn bó gần trọn cả một đời.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.