You are here

Claude Debussy - Khúc dạo đầu Buổi chiều của thần Điền dã

Tác giả: 
Mai Hạnh

Tranh: Faun – Hugo Vogel, 1907

Có lẽ, cái tên tác phẩm Khúc dạo đầu Buổi chiều của thần Điền dã đã gây bối rối cho không ít người nghe nhạc phương Đông: tại sao chỉ là khúc dạo đầu? Thần Điền dã là ai? Trong bài viết này, hy vọng độc giả/thính giả sẽ được giải đáp phần nào những thắc mắc giản đơn đó.

Trước hết, về thần Điền dã, đây là cách gọi Việt hoá của Faun, một sinh vật huyền thoại trong thần thoại của Hy Lạp cổ đại được khắp vùng thôn quê tôn thờ vì là thần ban cho hoa trái. Faun có hình dạng thân trên là người, thân dưới mình dê. Faun cũng gắn bó với nơi rừng suối, người đời vẫn coi những âm thanh của rừng chính là tiếng giọng của chàng. Faun vốn vô tư, luôn lãng đãng, vui tươi, có phần thơ ngây và mải chơi.

Năm 1876, thi sĩ S.Mallarmé viết một bài thơ kể về chuyến phiêu lưu đuổi theo những tiên nữ, thuỷ thần của Faun trong một chiều mùa hè, đặt tên là Buổi chiều của thần Điền dã (L’Après-Midi d’un faune). Hơn hai mươi năm sau, một nhạc sĩ trẻ 32 tuổi đã được bài thơ ấy truyền cảm hứng và sáng tác khúc nhạc, để hoạ theo nội dung bài thơ. Nhạc sĩ đó là C.Debussy, người có nhiều ý tưởng cách tân táo bạo trong thủ pháp âm nhạc. Nhà soạn nhạc đã mang những đổi mới về tư duy sáng tác vào tác phẩm mới này. Ban đầu Debussy đã muốn thiết kế tác phẩm mới của mình thành ba chương gồm một khúc dạo đầu Prélude, khúc giữa Interlude và chương cuối Paraphrase finale, nhưng rồi buổi diễn dự định đã không diễn ra được, nên ông đã rút lại ý định và dồn hết ý tưởng cho hai chương sau vào một chương duy nhất, là chương Prélude đã phác thảo. Rốt cuộc, tạo phẩm âm nhạc ra đời năm 1894 ghép cả tên Prélude và tên bài thơ gốc, trở thành "Khúc dạo đầu Buổi chiều của thần Điền dã" ("Prélude à l’après-midi d’un Faune").

Vì chứa đựng cả ý đồ âm nhạc của cả tác phẩm liên chương, khúc Prélude vì vậy mang nhiều phong cách khác nhau, có tính ngẫu hứng và cấu trúc tự do, song cũng là một tổ hợp các ý nhạc, các mô-típ đầy ắp và được triển khai tỉ mỉ. 

Debussy viết: “Âm nhạc của khúc Prélude là bản khắc hoạ tự do từ bài thơ tuyệt đẹp của Mallarmé”. Dù Debussy đã ấn định vậy, không có nghĩa là phần nhạc ông sáng tác chỉ tổng hợp những gì đã có trong bài thơ. Nghe nhạc, khán giả còn cảm nhận được các cảnh sắc, những xúc cảm nồng nhiệt nối tiếp nhau liên tục: cảnh thần Điền dã thổi khi ngồi chơi nhạc một mình bên rừng chiều hè, rồi khi thấy những tiên nữ, thuỷ thần xuất hiện, chàng đuổi theo bắt họ nhưng không thành; cuối cùng thấm mệt mà ngủ thiếp, và trong mơ chàng thấy mình đã chiếm được cả cõi trần gian.

Khi biết tin bài thơ của mình được dùng làm bối cảnh cho một tác phẩm âm nhạc, Mallarmé không mấy hài lòng. Thi sĩ cho rằng bản thân âm nhạc của Debussy cứ nên là của riêng Debussy, còn dẫu nhạc hay đến cỡ nào thì việc đem thi ca hoà vào là một tội lỗi.

Tuy thế, sau khi dự buổi công diễn bản nhạc, Mallarmé viết cho Debussy: “Tôi vừa từ buổi diễn về, bị lay động sâu sắc. Tuyệt diệu! Bức khắc hoạ Buổi chiều của thần Điền dã anh tạo nên chẳng hề bất đồng với chữ nghĩa của tôi, mà còn vượt xa, thực đấy, thấy được cả nỗi hoài nhớ và cả ánh sáng, thật khéo léo, tinh tế và tráng lệ. Xin nắm tay anh khâm phục, Debussy. Mallarmé của anh”.

Cái khéo léo, tinh tế và tráng lệ Mallarmé tả có lẽ nằm ở tài phối khí vô cùng chi tiết, cùng cách xếp hoà âm tầng tầng lớp lớp của Debussy: các chủ đề chính được các loại kèn gỗ trình bày, phần hoà thanh do kèn horn, dàn dây và harp khẽ đệm. Các bè được phối khí chi tiết: giai điệu dịch chuyển từ tiếng sáo flute độc tấu sang oboe, rồi trở lại một cây flute, tiếp đến là cả hai cây flute đồng âm dày dặn hơn, sau đó lại chuyển sang clarinet…; bè đệm cũng được xếp nhạc cụ đan xen liên tục: trong khi hai cây flute chơi giai điệu theo hướng mạnh dần, tổ dây đưa phần đệm mềm mại qua các bè viola, violin.

Đây là bản nhạc nổi tiếng, đánh dấu bước ngoặt về thủ pháp cũng như thẩm mỹ sáng tác trong lịch sử âm nhạc, còn được coi là mở đầu của âm nhạc thời hiện đại. Tiếng sáo mở đầu của bản nhạc được nhận định là “tiếng sáo của thần Điền Dã đã mang hơi thở mới cho nghệ thuật âm nhạc” nói chung, và cũng là tiếng sáo dẫn dắt ý thơ của Mallarmé:

Ces nymphes, je les veux perpétuer.
Si clair,
Leur incarnat léger, qu’il voltige dans l’air
Assoupi de sommeils touffus.
Aimai-je un rêve?

Tạm dịch:

Ta muốn giữ mãi những tiên nữ ấy
Thật rõ làm sao:
Hiện thân họ nhẹ bẫng,
Bềnh bồng giữa tầng không
Miên man mơ màng trong giấc ngủ
Là ta mê đắm một giấc chiêm bao?

Khúc dạo đầu Buổi chiều của thần Điền dã của Debussy được VNSO và nhạc trưởng Honna Tetsuji trình diễn trong buổi Hoà nhạc đặt vé trước số 147, vào 20h ngày 1 tháng 10 năm 2022.

Nghe tác phẩm tại đây https://youtu.be/EvnRC7tSX50

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.