You are here

“Cô giáo” Xẩm Mai Tuyết Hoa: Học sinh nước ngoài chăm hơn trong nước!

Tác giả: 
Nguyễn Mạnh Hà

Mai Tuyết Hoa

Mai Tuyết Hoa và học trò người Pháp Alexandre Bailly - Ảnh: NVCC

Mai Tuyết Hoa sau hai thập kỷ lăn lộn với Xẩm vừa ra mắt album đầu tay gồm 8 bài Xẩm cùng Xẩm Hà thành - nhóm Xẩm hoạt động bài bản nhất hiện nay. Chị được coi là truyền nhân hiếm hoi của “báu vật dân gian” Hà Thị Cầu. Mai Tuyết Hoa và Xẩm Hà thành là những đại diện nổi bật cho lớp nghệ sĩ hôm nay theo đuổi Xẩm trong hoàn cảnh các nghệ nhân đều đã ra đi.

Chị có nhận được tài trợ trong quá trình làm album Xẩm đầu tay?

Lúc đầu chúng tôi xác định bỏ tiền túi làm. Xong đĩa rồi lại có bạn đồng hành là quỹ Thiện Tâm. Sau đây chúng tôi sẽ kết hợp cùng quỹ này và Sở VHTT&DL tỉnh Ninh Bình tổ chức LH Hát Xẩm toàn quốc cũng như mở các lớp đào tạo Xẩm tại tỉnh.

Cho công việc biểu diễn ở đền vua Lê hàng tuần, ngoài kinh phí “xăng xe” của quận Hoàn Kiếm, chúng tôi cũng được nhân dân cũng ủng hộ, mỗi tối cũng từ 200-900 ngàn. Nhóm cũng định dùng tiền này để làm sản phẩm nhưng nghĩ lại không thể nào đủ. Nên tạm thời mỗi cá nhân tự ứng ra, sau này nếu có mới chia sẻ một tí.

Được biết các bạn trẻ nước ngoài đã tìm đến chị để học Xẩm. Chị nhận xét gì về các học sinh đặc biệt này?

Riêng người nước ngoài xác định sang đây để học nên họ chăm lắm. Âm nhạc dân gian học 1 năm chẳng ăn thua nữa là 1 tháng, nhưng ít nhất các bạn ấy hiểu thế nào là Xẩm. Tuy chưa hát được nhưng lại hơn các học sinh người Việt là các bạn ấy bước đầu chơi được nhị Xẩm.

Bạn người Pháp đánh piano cực giỏi, học nhị và Xẩm được năm rưỡi thì hết hợp đồng làm việc ở Hà Nội, tạm về Pháp mấy tháng, hẹn sẽ quay lại. Trước khi chia tay cô cứ đòi thêm bài để về nước luyện.

Bạn nữ người Mỹ biết chơi violon đang học Đại học Yale ngành Ngoại giao năm 3 phải đi thực tập rất nhiều, nhưng cũng xin nghỉ 1 tháng bay qua học. Và giờ thì xin học qua điện thoại video.

Vậy còn tình hình đạo tạo học sinh trong nước?

Đợt trước lớp đào tạo của nhóm chú trọng các em từng học Sân khấu Điện ảnh, khoa Chèo,  muốn hướng các em giữ nghề. Nhưng khi nắm được các phần cơ bản của Xẩm rồi, các em vẫn phải bươn chải cuộc sống bình thường, không thể nào cứ đi theo cô mà không có tiền được. Vẫn phải đi hát chèo, chạy sô, hát salon. Những khi nào rảnh, cô bảo ra sân khấu hát cùng cô thì các em cũng cố gắng ra, chứ nếu để theo một cách trường kỳ thì rất khó.

Trong các cuộc thi như Nhí tài năng cũng có những em được bố mẹ đưa đến xin học nhưng bảo các bạn bỏ hết thời gian theo nghệ thuật hát Xẩm thì thực sự khó vì họ không nhìn thấy tương lai thì làm sao theo được. Bản thân cô còn mù mịt  nữa là trò(!). Qua những cuộc thi, khi có thành quá nhất định, họ sẽ thấy hát văn hoặc theo showbiz sẽ hiệu quả về kinh tế hơn, thì làm sao mình níu kéo được. Nhưng nhóm vẫn cố gắng làm được gì để duy trì Xẩm thì làm.

Chị có thể kể lại kỷ niệm lần cuối gặp nghệ nhân Hà Thị Cầu?

Lần cuối cùng gặp mà cụ còn tỉnh táo là dạo tôi làm phim về cụ cho VOV. Giống như trời xui đất khiến, cả tuần liền quay cụ thời tiết rất tốt, vừa đóng máy thì trời mưa. Lúc ra về, cụ ra đúng cái cổng lần đầu tiên tôi gặp cụ, nắm tay tôi rất lâu: “Bu khổ lắm con ạ, con cố gắng nhé…”.

Có cảm giác cụ không nói được rõ ràng, nhưng tôi hiểu trong thâm tâm cụ cảm thấy như sắp sửa mất một cái gì đó. Và cụ muốn tôi cố gắng thêm để làm gì đấy cho Xẩm - tâm huyết trọn đời của cụ. Khi tôi nắm tay cụ cả đoàn chờ trong ôtô, rồi sau đó về thành phố Ninh Bình để ăn, nhưng tôi không ăn được một cái gì. Tôi cảm giác như có một cái gì day dứt, không biết nói thế nào. Đạo diễn NSƯT Phùng Biển cố vấn cho phim thấy tôi như thế cũng không ăn. Những lần sau cụ ốm rồi, về không thể nói được gì nữa.

Nhìn lại những nhạc cụ hồi xưa, bao đàn cụ khâu tay bằng vải pha ni-lông rất cứng, tôi bảo: “Thôi bu cứ giữ làm kỷ niệm, con mua cho bu bao khác…” Cái nhị của cụ, anh Lới, con rể, phải lấy sợi dây phanh xe đạp làm dây đàn. Tôi dặn anh Lới, chị Mận, người ta trả bao nhiêu tiền cũng không được bán đàn trống, sênh… của cụ, mà phải để đưa lên để thờ cụ… “Còn ai muốn mua, trả giá nào thì bảo em em sẽ trả gấp đôi!”.

Vì đã có lần tôi được biết Viện Âm nhạc lấy đàn của cụ để trưng bày, giả cho cụ một cái đàn mới, cụ ốm cả tháng, cứ kêu nhớ cái đàn. Phải giả lại đàn cũ, cụ mới hết ốm.

Tôi mong muốn căn nhà trên mảnh đất cụ dành dụm tiền mua của ông trùm Xẩm sẽ thành nhà lưu niệm. Tỉnh Ninh Bình nên đứng ra làm, vừa gìn giữ di sản lại thu hút khách du lịch. Tôi sang Áo vào tận nhà Mozart để được tham quan đàn piano, giá nhạc… thì ở đây mình cũng làm được thế chứ sao, vấn đề là cách thức mình làm. Nếu được như thế tôi tin cụ sẽ rất thích.

Còn lần đầu chị đến với bà Cầu có gì đặc biệt?

Về nhà bu lần đầu cùng thầy Thao Giang, GS Nguyễn Thuyết Phong, tròn 20 năm trước. Lúc đấy tôi đã học theo bu qua băng đĩa rồi, về để lấy tư liệu cho khóa luận. Hồi đấy đi lại còn khó khăn, mãi mới có xe để đi nhờ.  Gặp bu nói chuyện một lúc, hát một vài bài. Bu nghe tiếng Xẩm thích luôn, thế là bu hát từ đầu đến cuối. Có lẽ lâu rồi bu không có ai hát Xẩm cùng, tự nhiên lại thấy con bé đến kéo lưu không Xẩm Thập ân giống mình quá, cũng gõ phách được một chút… như kiểu khuấy lại được cảm hứng trong cụ. Lúc đó hầu như cụ đã không đi hát Xẩm, chỉ ở nhà chị Mận nuôi. Tôi xuống bếp thấy chiếc lồng bàn rách đậy cái mâm có mấy con cá kho mặn, nồi cơm rang toàn cháy… Càng thương cụ vất vả.

Do đâu chị lại tự học hát Xẩm từ sớm như vậy?

Vì hồi đó tôi làm ở Viện Nghiên cứu Âm nhạc, nghe băng đĩa tư liệu nhiều. Khi bà Cầu đến viện thu hồi còn ở 32 Nguyễn Thái Học, tôi mới về Viện với tư cách sinh viên thực tập. Bà không ăn gì, chỉ uống rượu thôi. Nên mọi người phải cho hai quả trứng vào để bà ăn rồi thu. Lúc đấy còn chú Năng, chú Hòa - là hai người được bà dạy chơi trống để đi diễn cùng bà. Hiện chú Năng vẫn ra cái trống của bà cực hay, không ai bắt chước được. Tôi cũng rất muốn về học lại chú.

Tôi được giao cho nghe chính đĩa đấy cùng với các thể loại Quan họ, Ca trù, hát Xoan, kể cả nhạc cúng của đạo Cao Đài… để ký âm, bóc lời. Nhưng thấy Xẩm là hợp với mình nhất, mình lại biết chơi nhị. Lúc đấy Viện phó Đặng Hoành Loan muốn những người làm ở phòng trưng bày nhạc cụ có thể biểu diễn một vài tiết mục, tôi chọn luôn Xẩm, ngồi ghi âm bài Công cha ngãi mẹ sinh thành ra để tập. Như vậy cái duyên ban đầu với Xẩm vừa là yêu thích, vừa thích vừa là nhiệm vụ. Đúng là cái duyên. Đáng ra học đàn nhị phải về các đoàn để biển diễn thì lại được viện Âm nhạc mời về cộng tác từ năm thứ hai đại học.

Như vậy Mai Tuyết Hoa nắm giữ được bao nhiêu % trong kho tàng sư mẫu Hà Thị Cầu?

Tôi chả biết nữa. Không ước lượng được kho tàng của bà. Khi về làm phim, tôi đưa bà ra chùa để quay bài khác. Thấy khung cảnh chùa bà lại hứng lên hát bài Vào chùa. Lúc đấy tôi mới biết có bài đấy.

(Theo Tiền Phong)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.