You are here

Việt Nam quê hương tôi: ca khúc của nỗi khát khao hòa bình

Tác giả: 
Trần Văn Phúc

Một vị khách nước ngoài hỏi tôi: Tại sao Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, thế mà một nhạc sĩ tiên phong trong dòng nhạc cách mạng như Đỗ Nhuận lại viết nên ca khúc “Việt Nam quê hương tôi” thanh bình và lãng mạn đến vậy? Câu trả lời có thể là: Lòng khao khát hòa bình.

Tôi nhớ mãi buổi chiều cuối thu ấy, tôi cùng vị khách người nước ngoài đi dạo trên đường Thanh Niên ngắm cảnh Hồ Tây, ngắm đền Quán Thánh và ngắm chùa Trấn Quốc. Một ông lão mù cùng đứa trẻ đi bán sáo Trúc rong, ông thổi bài “Việt Nam quê hương tôi” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Thấy vị khách tò mò, tôi mua tặng anh cây sáo. Trong nắng chiều Hà Nội hanh hao, nghe tôi kể qua về bài hát và thổi tặng anh nét giai điệu “Việt Nam quê hương tôi”, anh đã không cầm được những giọt nước mắt vì xúc động…

Tây Bắc (Ảnh: Orient Sea - Nguồn Flickr)

Chiều cuối thu, thoảng mùi hương hoa sữa nở muộn, phía trước chúng tôi là mặt nước Hồ Tây mênh mông sóng gợn, thấp thoáng bóng sâm cầm đang bay tìm về tổ. Sau lưng chúng tôi là Hồ Trúc Bạch được ngăn cách với Hồ Tây bởi con đường rợp bóng liễu vàng mà xưa kia gọi là đường Cổ Ngư còn hôm nay mang tên đường Thanh Niên. Gần nửa thế kỉ trước, cũng vào mùa thu, nơi đây John McCain trong một phi vụ lái máy bay oanh tạc Hà Nội đã bị bắn rơi xuống lòng Hồ Trúc Bạch. Chiến tranh khi đó càng ngày càng leo thang để rồi 1 năm sau ngày McCain bị bắn rơi là Cuộc tổng tiến công tết Mậu Thân lịch sử. Bài hát “Việt Nam quê hương tôi” ra đời trong những ngày khói bom ác liệt đó, đúng vào năm 1968.

Tôi kể cho anh bạn nghe về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, về nhạc sĩ Đỗ Nhuận, về hoàn cảnh ra đời bài hát, về nội dung ca từ. Rồi tôi cầm cây sáo Trúc thổi lại giai điệu “Việt Nam quê hương tôi” mà ông già mù bán sáo rong vừa thổi. Anh bạn xúc động bảo rằng nét giai điệu mang âm hưởng đồng quê: giản dị, dễ nghe, dễ nhớ và dễ đi vào lòng người. Tôi cũng có chung suy nghĩ ấy. Cho dù ca khúc không sử dụng chất liệu dân gian nhưng rõ ràng âm hưởng đồng quê đã vang lên trong từng nốt nhạc, từng lời ca. Như chính cuộc đời nhạc sĩ Đỗ Nhuận, trước khi đến với các nhạc khí phương Tây, ông đã từng học nhiều nhạc cụ dân tộc như sáo Trúc, sáo Tiêu, đàn Nguyệt, đàn Tứ, đàn Bầu. Có lẽ vì thế mà ở ca khúc này nhạc sĩ không có chủ ý sử dụng chất liệu dân gian nhưng nét nhạc vẫn đưa tâm hồn người nghe về với cội nguồn của dân gian? Cũng có thể một phần lí do chất dân gian luôn thấm đẫm trong tâm hồn người Việt bởi một quốc gia có bốn nghìn năm lịch sử với nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc mà nhạc sĩ Đỗ Nhuận cũng chính là người chịu chung sự ảnh hưởng đó.

Nghe đi nghe lại vài lần, anh bạn người nước ngoài đã có thể huýt sáo điệu nhạc. Bắt đầu từ chỗ có lời ca, ngay ô nhịp đầu là nốt Si giáng, ô nhịp thứ 5 cũng là nốt Si giáng, đến ô nhịp thứ 15 chuyển sang nốt La giáng. Ca khúc viết ở giọng Đô trưởng đơn giản, mộc mạc mà khỏe khoắn như bản tính vốn có của người Việt Nam. Sự xuất hiện của nốt Si giáng ngay từ đầu lời ca giống như giọng thứ làm cho giai điệu trở nên đằm thắm, tha thiết. Một điểm đặc biệt nữa là trong toàn nét giai điệu của lời ca không hề có mặt nốt Fa bậc bốn và nốt Si bình nên dù là gam Đô trưởng của điệu thức phương Tây nhưng lại phảng phất điệu thức 5 âm của nhạc truyền thống Việt Nam. Chỉ cần đúng 3 nốt giáng với sự vắng mặt của nốt Fa bậc 4 và nốt Si bình cũng đủ làm cho ca khúc mang nét đặc trưng của âm nhạc đồng quê vừa thân quen, vừa gần gũi, song toàn bài vẫn toát lên sự sang trọng và hào hoa. Bởi vậy cho nên bất kể người Việt nào cũng biết đến ca khúc. Đa số người dân quê không hiểu gì về nhạc lí nhưng họ có thể ngân nga theo nét giai điệu, có thể hát thành bài, có thể huýt sáo, hay có thể tấu lên bằng một nhạc cụ nào đó. Và sẽ không có gì lạ mỗi khi về các làng quê thấy thấp thoáng sau lũy tre làng vang lên giai điệu của ca khúc “Việt Nam quê hương tôi”. Đó là những trưa hè oi ả với tiếng mẹ ru con, là những buổi chiều trẻ mục đồng chăn trâu thổi sáo, là những đêm hè gió mát trăng thanh ngân nga giai điệu tiếng đàn Bầu... Và cũng gần nửa thế kỉ nay, trên các sân khấu ca nhạc, trên làn sóng các đài phát thanh và truyền hình, liên tục vang lên giai điệu “Việt Nam quê hương tôi”. Cứ thế, ca khúc bằng cách này cách khác, đã đi vào sâu thẳm cõi lòng, vào con tim khối óc mỗi người dân đất Việt.

Có một điều lạ mà anh bạn người nước ngoài nhận ra rằng, ông già mù thổi sáo ở ô nhịp thứ 15 là nốt Re đen luyến lên Sol, trong khi tôi thổi từ nốt Re đen luyến lên La giáng. Đây chính là cách thức hòa thanh cổ điển phương Tây, với quãng 5 giảm là quãng nghịch nên cần phải giải quyết triệt để, nghĩa là khẳng định lại giọng Đô trưởng một cách chắc chắn chứ không phải là sự chuyển điệu hay li điệu. Đây là một điểm nhấn quan trọng của ca khúc mà chắc chắn nhạc sĩ có ý đồ rõ ràng khi sáng tác. Có lẽ khởi điểm của sự lạ này là do kĩ thuật đàn Bầu, từ nốt Re đen luyến lên La giáng khó hơn là dừng ở nốt Sol; và ngay sau đó phải trở về nốt Mi bình với quãng rộng lại nhấn trái chiều nên kĩ thuật càng khó, vì thế mà các nghệ sĩ hay dừng ở nốt Sol dây buông thay vì luyến lên tận nốt La giáng. Dần dà các nhạc cụ khác cũng bắt chước đàn Bầu chới với ở nốt Sol. Nghệ sĩ còn vậy, sao có thể trách ông già mù bán sáo rong thổi sai mất một nốt…

Anh bạn người nước ngoài dường như bị ám ảnh bởi câu chuyện phi công John McCain bị bắn hạ giữa Hồ Trúc Bạch. Không ám ảnh sao được khi chiến tranh với sức hủy diệt khủng khiếp đã đẩy cả một dân tộc ngập chìm trong bao nhiêu đau thương tang tóc. Điều ngạc nhiên là giữa cái sống và cái chết cận kề, thì sứ mệnh của nhạc sĩ là viết lên những bản hùng ca thúc giục tinh thần đấu tranh anh dũng của chiến sĩ, vậy mà tại sao người nhạc sĩ cách mạng như Đỗ Nhuận lại viết được một ca khúc thanh bình và lãng mạn đến thế? Phải chăng Đỗ Nhuận được “lựa chọn” để nói lên tiếng nói của con dân đất Việt từ ngàn xưa đến nay, rằng dân tộc Việt Nam luôn mong mỏi hòa bình, càng trong những hoàn cảnh phải đối diện với sự sống và cái chết thì sự mong mỏi ấy lại càng khát khao, càng mãnh liệt hơn bao giờ hết?

Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỉ, hôm nay người dân Việt đã chìa bàn tay thân ái đón chào nhân dân Mỹ, ca khúc “Việt Nam quê hương tôi” không chỉ như liều thuốc làm khép miệng vết thương năm xưa giữa hai dân tộc Việt Mỹ, mà ca khúc còn là lời mời gọi bạn bè năm châu hãy đến với Việt Nam, đến với một dân tộc khát khao hòa bình. Những năm qua, hình ảnh nhiều người dân và chính khách Mỹ đến thăm đất nước Việt Nam, trong đó có vợ của Thượng nghị sĩ John McCain, đó là minh chứng hùng hồn cho tinh thần khát khao và yêu chuộng hòa bình của người dân đất Việt.

NGHE CA KHÚC "VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG TÔI" TẠI ĐÂY.

BÌNH LUẬN

Bài viết nhẹ nhàng mà sâu sắc. Cảm xúc mến yêu và tự hào về quê hương đất nước Việt Nam. Thật đặc biệt là ca khúc “Việt Nam quê hương tôi” đã được tác giả bài viết cảm nhận trong khung cảnh đổi mới, và thời kỳ Hội nhập của Đất nước. tác giả bài viết đã làm cho Ca khúc mang thêm những nét thời sự. Không chỉ yêu mến mà người viết bài còn đang quảng bá cho người bạn nước ngoài hiểu thêm về đất nước Việt Nam. Đây là việc làm rất cần thiết và đáng được ghi nhận, tuyên dương. Xin cảm ơn tác giả Trần Vă Phúc!

 Yêu quê hương đát nước hơn khi đọc bài viết và nghe ca khúc. Cám ơn nhạc sĩ Trần Văn Phúc về bài viết!

 Tôi ở nước ngoài nên hay nghe bài hát Việt Nam quê hương tôi. Nay đọc bài viết tôi càng hiểu thêm ca khúc, càng trân trọng, càng xúc động và tự hào về đất nước mình. Tôi đã in bài viết để dễ đọc, giới thiệu với gia đình, giới thiệu với bạn bè của tôi. Cám ơn tác giả nhạc sĩ Trần Văn Phúc. Thúy

 Bài hát hay quá !

Toi thich bai viet cua ns tran van phuc. Doc bai viet thay yeu thuong que huong dat nuoc minh.

 Tôi đọc bài viết và nghe bài hát mà muốn khóc. Tự hào vì dân tộc VN.

Rất cảm ơn Nhạc sĩ Trần Văn Phúc. Cuối năm 1968, sau 3 tháng đi bộ vượt Trường Sơn, BTL ra đến Hà Nội và lần đầu tiên được nghe bài hát này tại Trạm đón tiếp T64 Đống Đa Hà Nội. Ca khúc "Việt Nam quê hương tôi" đã thấm vào  BTL ngay từ dạo ấy, hành trang mang theo vào các Trường Học Sinh Miền Nam trên đất Bắc, cho đến tận bây giờ. Những năm học ở trường sư phạm, một cô bạn hát bài này rất hay, nói rằng  "hát tặng cho anh cán bộ miền Nám". Thỉnh thoảng buồn tình BTL lại hát. Nhưng rất đáng buồn là BTL  thuộc loại hát dỡ nhất thế giới, nên "đành hát thầm như đã yêu thầm tiếng hát ngày xưa"!

 Bài viết và bài hát đều hay, liệu có cách nào  để bài viết này đến được với nhiều bạn đọc trẻ tuổi để dòng nhạc Cách mạng này sống mãi với thời gian.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.