You are here

Phỏng vấn Nhạc sĩ làm nghề Bác sĩ

Tác giả: 
Trần Văn Phúc

Thế giới có không nhiều nhạc sĩ làm nghề bác sĩ bởi lẽ sáng tác âm nhạc và chữa bệnh là hai công việc vô cùng nặng nhọc. Hai nghề tưởng như trái ngược nhau nhưng lại có nhiều nét tương đồng và có mối liên quan với nhau. Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, website Hội Nhạc sĩ có cuộc trò chuyện phỏng vấn đại diện nhạc sĩ làm nghề bác sĩ. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

PV. Thưa anh! Được biết anh là một bác sĩ nhưng cũng là nhạc sĩ. Vậy tôi có thể gọi anh là Bác sĩ – Nhạc sĩ được không ạ?

Nhạc sĩ – Bác sĩ (NS - BS). Nên gọi ngược lại, bởi khởi điểm tôi hay các nhạc sĩ khác đều tìm hiểu âm nhạc từ bé, từ lúc có ý thức về bản thân, nghĩa là âm nhạc đến với chúng tôi trước khi đi học nghề y. Thế giới có duy nhất nhạc sĩ thiên tài Luouis Hector Berlioz lúc bé bị bố cấm học nhạc. Vì thế mà Berlioz không được học Piano, không biết đánh Piano. Khi 18 tuổi, Berlioz bị bố bắt đến Paris học đại học Y. Sau khi xem mổ xác người, ông sợ quá trốn sang Nhạc viện Paris học hai người thầy nổi tiếng là Lesuer và Reicha. Không kịp trở thành bác sĩ, nhưng những tháng ngày theo đuổi ngành y cũng giúp Berlioz để lại những dấu ấn đậm chất y học trong âm nhạc với nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Giao hưởng tưởng tượng – Symphonie Fantastique” và “Khúc cầu hồn – Grande Messe des Morts”.

PV. Vâng, tôi đồng ý gọi các anh là Nhạc sĩ – Bác sĩ thay vì Bác sĩ – Nhạc sĩ. Vậy theo anh chữ nhạc sĩ và chữ bác sĩ có điểm gì giống nhau và điểm gì khác nhau?

NS – BS. Câu hỏi của anh quá đơn giản, chỉ cần hỏi học sinh lớp 1 là các cháu có thể trả lời chính xác và xứng đáng để cô cho điểm 10. Chữ Nhạc sĩ và chữ Bác sĩ giống nhau bởi chữ “sĩ” đứng sau, giống thêm nữa là có âm “ac”. Khác nhau ở chỗ: chữ “Nhạc” có chữ “Nh” đứng trước âm “ac”, thêm dấu nặng dưới âm “ac”; chữ “Bác” có chữ “B” đứng trước âm “ac”, thêm dấu sắc trên đầu âm “ac” để đọc thành “ác”. Có lẽ vì thế mà bác sĩ dễ mang tiếng hơn nhạc sĩ, trong khi đáng ra phải ngược lại.

PV. Vâng, đúng thế! Tôi có cháu bé học lớp 1 nên tôi biết, tối nào cháu cũng rả rả đọc phân tích từ đúng như anh vừa nói. Nhưng ý tôi muốn hỏi là nghề nghiệp, giữa công việc của bác sĩ và công việc của nhạc sĩ có gì giống nhau và khác nhau, có gì liên quan đến nhau?

Ns – Bs. Câu hỏi này khá thú vị, theo tôi thì ta nên lấy đó làm chủ đề chính cho cuộc trò chuyện ngày hôm nay.

PV. Tôi đồng ý! Xin Nhạc sĩ – Bác sĩ cứ nói tiếp.

Ns – Bs. Sáng tác âm nhạc hay khám bệnh thì đều là hình thức lao động, nên sẽ có rất nhiều điểm giống và khác nhau mà ai cũng có thể nhận ra. Ở đây tôi muốn nói về tính chất đặc thù công việc. Sáng tác âm nhạc là một công việc nặng nhọc, tốn rất nhiều thời gian và công sức. Khi nguồn cảm xúc tuôn trào, người nghệ sĩ phải quên ăn, quên ngủ, quên tất cả mọi việc diễn ra xung quanh, để tập trung tinh lực hoàn thành tác phẩm. Nghề y cũng là một nghề lao động hết sức nặng nhọc. Ở bệnh viện, bác sĩ quá bận với người bệnh, về nhà lại phải lo đọc sách cập nhật kiến thức nên không còn thời gian rảnh rỗi. Nghề y có đặc điểm thời gian bán hủy kiến thức là 5 năm, nghĩa là sau 10 năm không cập nhật kiến thức thì anh sẽ quên gần hết, không thể thực hành khám chữa bệnh. Vì thế mà bác sĩ cứ suốt đời phải học.

PV. Có phải vì thế mà lịch sử âm nhạc thế giới có rất ít bác sĩ làm nhạc sĩ?

Ns – Bs. Ít người có thể làm hai công việc nặng nhọc cùng một lúc. Đấy cũng là một khía cạnh để giải thích lịch sử âm nhạc thế giới có không nhiều nhạc sĩ làm bác sĩ. Âm nhạc đương đại Mĩ có tiến sĩ Y khoa James Cross được mệnh danh là “Nhà soạn nhạc hành nghề y”. Có một điều trong nghề y làm ông thất vọng, đó là công việc choán hết thời gian không để cho ông sáng tác. Đồng nghiệp của ông có ngày nghỉ, còn ông thì không. Nhạc sĩ có thể sáng tác bất cứ khi nào có cảm hứng, James Cross chỉ sáng tác vào ngày chủ nhật, ông tự nhận là nhạc sĩ trong ngày chủ nhật, những ngày còn lại ông là bác sĩ.

PV. Vậy nhạc sĩ làm nghề bác sĩ sẽ khó mà đóng góp được nhiều thành tựu cho cả hai lĩnh vực.

Ns – Bs. Về số lượng có vẻ đúng, về chất lượng thì chưa hẳn. Các nhạc sĩ làm nghề bác sĩ sẽ có ít tác phẩm sáng tác trong cuộc đời. Nhưng ai cũng có những cống hiến y khoa vượt trội so với đồng nghiệp trong cùng điều kiện, đồng thời họ cũng để lại những dấu ấn sâu đậm trong âm nhạc.

PV. Ví dụ?

Ns – Bs. Ví dụ như nhà soạn nhạc thiên tài người Nga Alexander Borodin, ông là tiến sĩ ngoại khoa và là một chuyên gia y tế hàng đầu, đồng thời ông cũng là nhà hóa học, nhà xã hội học. Trong âm nhạc, Borodin là người sáng lập ra dòng giao hưởng anh hùng Nga. Ông có tác phẩm Opera nổi tiếng mà ai cũng biết là “Hoàng đế Igor”.

PV. Y học là một ngành khoa học, có phải vì thế mà nhạc sĩ làm ngành y sẽ bị ảnh hưởng của tư duy khoa học nên có óc sáng tạo giống như Borodin?

Ns – Bs. Soạn nhạc chính là công việc của sáng tạo, sáng tạo trên từng nốt nhạc. Y học giúp cho nhạc sĩ có cái nhìn rất riêng, rất độc đáo về âm nhạc. Giáo sư chuyên ngành truyền nhiễm Juan Max Boettner, một nghệ sĩ biểu diễn Piano và cũng là nhà soạn nhạc nổi tiếng trên đất nước Paraguay, trong lĩnh vực lí luận phê bình, ông đã đưa ra nhiều cách giải thích về nhạc cổ điển mà giới lí luận phê bình phải sửng sốt.

PV. Nhưng y học là khoa học, trong y học không có yếu tố nghệ thuật, không có chỗ dành cho âm nhạc.

Ns – Bs. Nói trong y học không có yếu tố nghệ thuật là chưa đúng. Y học là sự tổng hợp của 3 lĩnh vực giống như 3 vòng tròn ôm lấy nhau. Vòng tròn trong cùng, nhỏ nhất, nhưng lại cốt lõi nhất, đó là các môn khoa học từ cơ bản đến đặc thù chuyên ngành, bao gồm các môn như toán, lí, hóa, sinh, giải phẫu, sinh lí… Vòng tròn thứ 2 là khoa học xã hội, bao quanh lấy vòng tròn khoa học tự nhiên. Và vòng tròn thứ 3 là nghệ thuật của khoa học, nó ôm trọn hai vòng tròn kia, có thể nói là bao trùm lên tất cả.

PV. Nhưng nói gì thì nói, công việc của nhạc sĩ khác hẳn công việc của bác sĩ.

Ns – Bs. Trong chừng mực nào đó, công việc của hai nghề vẫn có sự giống nhau. Bác sĩ phải là người thích nghe toàn bộ câu chuyện của bệnh nhân, phải lắng nghe người bệnh một cách cẩn thận, chú ý đến từng chi tiết nhỏ, để hiểu được người bệnh, có cái nhìn toàn cảnh về người bệnh mới chẩn đoán được đúng và kê đơn đúng. Nhạc sĩ muốn tìm hiểu, phân tích, phê bình hay sáng tác một tác phẩm âm nhạc cũng thế, nghĩa là để tìm được những âm thanh đẹp, để tạo ra những tác phẩm hay thì công việc của nhạc sĩ chẳng khác gì một bác sĩ khám bệnh. Có thể nói, sáng tác âm nhạc cũng phải hoàn hảo như việc khám bệnh hay kê đơn thuốc, đó là một quá trình lao động nghiêm túc và khắc nghiệt. Bác sĩ đứng trước bệnh nhân là đang đối diện với số phận một con người, đối diện với niềm vui nỗi buồn, đối diện với nỗi đau thể xác và tinh thần, đối diện với sự nghiệt ngã của tạo hóa. Âm nhạc cũng vậy: nó có đủ mọi cung bậc hỉ, nộ, ái, ố; nó mang lại cho con người cái đẹp, mang lại niềm hi vọng và nỗi sợ hãi; nó tiếp thêm sức mạnh và nhắc nhở con người vui với niềm vui đang có và cảm thấy dù ở trong hoàn cảnh khó khăn đến thế nào chăng nữa thì cuộc đời này vẫn luôn có ý nghĩa và đáng sống.

PV. Vậy trong đời người, lúc nào đó chỉ cần đến nghề y, lúc nào đó chỉ cần đến âm nhạc?

Ns – Bs. Đứa trẻ lúc lọt lòng mẹ không cần âm nhạc, chỉ cần bàn tay trợ giúp của nhân viên y tế. Người già lúc đã chết rồi không cần bác sĩ, mà chỉ cần ban nhạc hiếu cử hành đưa linh cữu về thế giới bên kia.

PV. Giữa sự sống và cái chết, ngành y và âm nhạc có vai trò đặc trưng gì?

Ns – Bs. Ngành y tiếp cận trực tiếp với cái chết, cố gắng giành giật lại sự sống khỏi cái chết. Âm nhạc tiếp cận gián tiếp với cái chết, thực hiện việc gắn kết cái chết với sự sống.

PV. Vậy âm nhạc và y học hỗ trợ gì cho nhau?

Ns – Bs. Âm nhạc giúp bác sĩ khám bệnh trở nên nghệ thuật. Nghề y giúp nhạc sĩ sáng tác có trách nhiệm hơn với xã hội.

PV. Lại nói đến trách nhiệm, xin được hỏi anh, là một nhạc sĩ hành nghề bác sĩ, vậy anh có cảm thấy mình có trách nhiệm sáng tác bài hát truyền thống cho ngành y?

Ns – Bs. Nhạc sĩ làm bác sĩ nên sẽ có rất ít thời gian dành cho âm nhạc. Bởi vậy mà hơn ai hết, bác sĩ phải có lòng đam mê âm nhạc đặc biệt, có chủ nghĩa cá nhân rất rõ ràng trong lĩnh vực âm nhạc. Vì không thoải mái thời gian để sáng tác được thật nhiều tác phẩm, nên nhạc sĩ làm nghề bác sĩ chỉ chú trọng sáng tác cho riêng mình, viết những gì mình thích, không đề cao việc sáng tạo nghệ thuật nhắm tới đám đông. Không riêng gì tôi, mà ngay cả các nhạc sĩ làm nghề bác sĩ khác sẽ không chủ trương chạy theo phong trào viết ca khúc cổ động cho ngành y, trừ khi bác sĩ đó không còn phải lo làm công việc chuyên môn nữa.

PV. Vậy anh có lời khuyên gì với các nhạc sĩ đang tham gia phong trào sáng tác ca khúc về ngành y?

Ns – Bs. Tôi chỉ khuyên họ là không nên chạy theo phong trào để sáng tác lấy được, cho dù thời gian của họ đang rất rỗi rãi. Thực tế ai cũng thấy, sau một đợt phát động cuộc thi viết ca khúc ngành y, kết quả tới nửa triệu ca khúc ra đời mà vẫn chả được ca khúc nào nghe ra chất y tế trong đó. Người ta lại tiếp tục phát động lần thứ hai với hi vọng thêm nửa triệu ca khúc nữa may ra tìm được một bài để hát nhân dịp 27/2 mỗi năm. Những cuộc thi kiểu này lãng phí tiền của không hề nhỏ và dù có tổ chức qui mô lớn thế nào đi nữa thì kết quả cũng sẽ chả đâu vào đâu. Tôi dám chắc rằng, nếu mang mấy bài đạt giải cao trong cả hai cuộc thi viết về ngành y, chỗ nào có chữ “bác sĩ” cứ thay bằng “liệt sĩ”, chỗ nào có chữ “bệnh nhân” thay bằng “bệnh binh”, chỗ nào có chữ “tử vong” thay bằng “tử thương” thì ngay lập tức ca khúc hát cho Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2 sẽ trở nên phù hợp với Ngày thương binh liệt sĩ 27/7.

PV. Vâng! Xin được hỏi câu cuối cùng: Thưa Nhạc sĩ – Bác sĩ, cùng một chủ đề cụ thể, như viết về “trái tim” chẳng hạn, nếu chỉ là nhạc sĩ thì cách viết sẽ khác gì một nhạc sĩ kiêm thêm nghề bác sĩ?

Ns – Bs. Câu trả lời rất đơn giản! Người chỉ làm nhạc sĩ khi viết về “trái tim” thì họ viết theo trí tưởng tượng; nhạc sĩ làm nghề bác sĩ họ được nhìn thấy quả tim thật, họ mổ xẻ nó ra và xem từng cấu trúc nhỏ bên trong, họ biết khi trái tim khỏe mạnh sẽ đập thế nào, biết khi trái tim bệnh tật thoi thóp ra sao, biết rõ cơ chế tại sao trái tim lại có lúc rung động, có lúc quằn quại, có lúc đớn đau, hay tại sao nó lại ngừng đập…

PV. Vâng! Xin cám ơn Nhạc sĩ – Bác sĩ về cuộc trò chuyện thú vị này!

 

BÌNH LUẬN

Nên nhớ: Berlioz sinh 1803, đến năm 16 tuổi (1819) ông đã có những tác phẩm viết cho giọng hát và Piano, vì vậy ông đã phải nắm rất vững về cây đàn piano tuy có thể ông không chơi giỏi như chơi guitare  1819 Accompaniment to Fleuve du Tage (H5) Guitar accompaniment, music by J.-J.-B. Pollet  1819 Le Dépit de la bergère (H7) Romance for voice and piano See Self-borrowings 1819-1821 Le Maure jaloux (H9) Romance for voice and piano Version I (H9A): L’Arabe jaloux – autograph survives Version II (H9B): published 1822 ca.1819-1821 Amitié reprends ton empire (H10) Romance for 3 voices and piano Version I (H10A): autograph survives Version II (H10B): published 1823

Nhà soạn nhạc thì phải nắm vững tính năng của các nhạc cụ thì mới có thể sáng tác được cho các nhạc cụ ấy. Nắm vững tính năng nhạc cụ khác với biết chơi nhạc cụ. Berlioz nắm rất vững tính năng của Piano nhưng ngay chính ông cũng phải thừa nhận mình không biết chơi Piano và đó cũng là nỗi buồn đồng thời cũng là điều may mắn cho ông. Giống như ns Đặng Hữu Phúc biết chơi Piano nhưng lại không biết chơi các nhạc cụ khác, nhưng ông vẫn viết Pizzicato Việt Nam cho đàn dây.

Tôi có ca khúc mà nếu NS-BS TVP thay các từ "bác sĩ" bằng"liệt sĩ" hay "bệnh nhân' bằng "bệnh binh" là không thể thay được nội dung và chủ đề ca khúc về ngành y.

 Vậy xin ns Yên Khang hãy giới thiệu cho bạn đọc biết ca khúc, đặc biệt là cho ngành y tế phổ biến rộng rãi. Trân trọng cám ơn!

Cảm ơn anh Phạm Minh Long đã quan tâm chia sẻ. Khi phối khí và thu âm xong tôi sẽ giới thiệu cùng bạn đọc. Trân trọng kính chào!

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.