You are here

Còn vang mãi ca khúc Đi học

Tác giả: 
Phạm Trọng Thanh

Nhà thơ Minh Chính, tên đầy đủ là Hoàng Minh Chính, sinh năm 1944 tại xã Yên Thành, huyện Ý Yên, Nam Định. Gia đình nhà thơ Minh Chính, bên nội bên ngoại đều có truyền thống về nghề dạy học và văn chương. Bác ruột là nhà thơ - dịch giả Nhượng Tống. Chú là nhà văn - nhà giáo Chu Thiên, nhà giáo Hoàng Trung Tích.

Năm 1948, Minh Chính theo cha mẹ lên Phú Thọ. Cha ông là Hoàng Trọng Huống, làm trưởng Ty Túc Mễ (lương thực) tỉnh Phú Thọ trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Minh Chính yêu văn chương, ca nhạc, viết bài thơ đầu từ năm mười một tuổi. Anh viết đơn tình nguyện nhập ngũ năm 1963 khi đang học lớp 9 trường Hùng Vương, Phú Thọ. Minh Chính vào chiến trường B2 năm 1966, cấp bậc thượng úy đại đội trưởng thuộc Sư đoàn 312. Nhà thơ hy sinh tháng 3 năm 1970 tại chiến trường K (Campuchia) năm 26 tuổi. Những bài thơ Minh Chính đã in: Đường về quê mẹ, Dòng sông Công, Cô gái lái đò...

Bài thơ Đi học tác giả viết năm 15 tuổi, được hoàn chỉnh bản thảo trong chùm thơ gửi về Nhà xuất bản Kim Đồng trước ngày anh vào chiến trường B2, được in trong tập Mặt trời xanh năm 1971 khi tác giả đã hy sinh dưới vòm xanh thốt nốt trên đất bạn.

Đi học được chọn vào sách giáo khoa lớp 2, được chọn in vào tập Thơ chọn với lời bình, nhà xuất bản Giáo dục năm 1996. Bài thơ nổi tiếng này của nhà thơ Minh Chính hiện diện đầy đủ cả bản thảo bút tích của tác giả với những khổ thơ viết lần đầu, được anh bổ sung thêm trong tập Đi học và những bài thơ khác do nhà thơ Trần Hòa Bình chọn và giới thiệu, nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 1997: “Đường xa em đi về/ Có chim reo trong lá/ Có nước chảy dưới khe/ Thì thào như tiếng mẹ... Mũ rơm thơm em đội/ Hương cốm chen hương rừng”...

Thơ Minh Chính trong sáng, đằm thắm tình yêu quê hương đất nước, yêu mái trường, tình bạn, tuổi thơ. Nhà thơ liệt sĩ Minh Chính là “một trong  nhiều gương mặt của một thế hệ tuyệt đẹp – những người đã sẵn sàng hy sinh tất cả: tình yêu, học hành, những say mê, ước vọng – để cầm súng ra trận... Họ đã ra đi và mãi mãi không trở về” - “Ta đi nghìn đêm gian khổ/ Chỉ mong đất nước hòa bình” (trích bài thơ Qua trường cũ của nhà thơ Minh Chính).

Ca khúc Đi học do nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ nhạc từ bài thơ Minh Chính đã trở thành “bài ca đi cùng năm tháng” gần nửa thế kỷ qua. Đi học là một trong năm mươi ca khúc được tuyển chọn xuất bản ở nước ngoài, và không ai là không thuộc một đôi câu hoặc cả bài, một trong những ca khúc hàng đầu viết cho thiếu nhi Việt Nam.

Chọn bài thơ này phổ nhạc, nhạc sĩ Bùi Đình Thảo đã vận dụng phong cách dân ca Tày Nùng - hát then - cũng là chọn một hướng triển khai hình tượng âm nhạc phù hợp với hình tượng văn học trong bài thơ Đi học, một hòa điệu không “lạc đề”, tạo sắc thái riêng không thể lẫn. Ngày ấy, năm 1971, cùng phổ nhạc bài thơ này với Bùi Đình Thảo, có nhạc sĩ không thành công.

Nhạc sĩ Bùi Đình Thảo, kể rằng, khi đọc bài thơ Minh Chính trong tập thơ thiếu nhi do nhà xuất bản Kim Đồng in lần đầu, ông có cảm tình ngay. Bắt tay vào khúc nhạc dạo đầu, ông nghĩ đến cây đàn tính của đồng bào miền núi. Ông chú ý đến mạch thơ, chủ động đảo một chút thứ tự các khổ thơ để nhập đề. Sau các ô nhạc dạo đầu, ca khúc mở ra một buổi sáng tinh khôi lung linh trong sáng tuyệt vời:

Hương rừng thơm đồi vắng
Nước suối trong thầm thì
Cọ xòe ô che nắng
Râm mát đường em đi...

Tiếp theo, giai điệu chạm vào những điều thiêng liêng, sẽ thành kỷ niệm dịu dàng tươi sáng mãi của tuổi học trò:

Hôm qua em đến trường
Mẹ dắt tay từng bước (ơ)
Hôm nay mẹ lên nương
Một mình em tới lớp...

Nét nhạc trầm ấm nghe mới tự tin sao! Bởi thế, niềm tự hào tuổi thơ lan tỏa với “chim đùa reo trong lá, cá dưới khe thì thào, hương rừng chen hương cốm, em tới trường hương theo” –  mùi hương thân thiết từ cánh rừng gần đến nương lúa xa cùng theo em bé đến trường trong buổi sáng thanh bình trong veo như ngọc. Giai điệu bài hát tiếp tục triển khai theo mạch tâm tình hồn nhiên ấy, mái trường thân yêu đang ở phía trước:

Trường của em be bé
Nằm gọn giữa rừng cây (ơ)
Cô giáo em tre trẻ
Dạy em hát rất hay...

Nét nhạc và lời ca trở về trên con đường rợp bóng mặt trời xanh “cọ xòe ô che nắng, râm mát đường em đi”

Chọn hình thức hai đoạn đơn có tái hiện, Đi học tạo nên sự uyển chuyển nhịp nhàng với những luyến láy rất sáng tạo, những nốt hoa mĩ điểm xuyết nhẹ nhàng. Nhạc sĩ đã dụng công từ một chữ “ơ” ở cuối câu nghe thật dễ thương, đến nhưng ô nhạc không lời xen giữa, một cốt cách âm nhạc dân tộc - truyền thống, làm nhiệp vụ tháp tùng, cổ xúy, khích lệ cho em bé tới trường “đi đến nơi, về đến chốn”. Cả thủ pháp trùng điệp vốn là nhu cầu tự thân của sáng tác âm nhạc, ở đây, lại tạo ra vẻ bề thế của vùng cao với đồi cây nương rẫy thấp thoáng, điệp trùng.

Có người nói: ca khúc là một bài thơ. Đúng thế. Ở đây bài thơ hay đã thành một ca khúc xuất sắc. Công lao thuộc về tấm lòng yêu trẻ của nhạc sĩ Bùi Đình Thảo, nhà thơ Minh Chính. Đi học đồng hành với thời gian, cùng tuổi thơ đất nước tiếp bước đến trường, nao nức đường các em đi.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.