You are here

CONCERTO PIANO SỐ 2 – BẢN NHẠC HỒI SINH CỦA RACHMANINOFF

Tác giả: 
Mai Hạnh

Bế tắc

Bị bế tắc trước một trang giấy trắng (writer’s block) là một hiện tượng khá phổ biến đối với các nghệ sỹ, dù ở bất kể hình thức nghệ thuật nào. Đã có nhiều nhạc sỹ, kể cả những cây bút sáng tạo dồi dào nhất như Beethoven hay Schubert cũng đã có những tháng ngày không cho ra đời được tác phẩm nào như ý. Một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất đã gặp phải tình huống này là Rachmaninoff. Nguồn cơn của bế tắc ý tưởng sáng tạo có lẽ xuất phát từ nhiều nguyên do, và với Rachmaninoff, đó là bởi ông đã phải đối phó với chứng trầm cảm của mình trong một thời gian dài. Quá trình Rachmaninoff vấp phải khủng hoảng tinh thần và vượt qua nó có lẽ cũng chính là hoàn cảnh sáng tác bản Concerto cho piano số 2 – một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất thế giới nhạc cổ điển. 

Tchaikovsky qua đời

Câu chuyện bắt đầu từ mốc thời gian năm 1893, khi Tchaikovsky đột ngột qua đời - đây là một sự mất mát to lớn đối với Rachmaninoff; sau đó 3 năm, bản Giao hưởng số 1 của ông phải hứng chịu chuỗi phê bình dữ dội từ công chúng (có lẽ bởi vị chỉ huy đã quá chén trước khi lên vẫy đũa đêm công diễn). Rachmaninoff đã bị suy sụp tâm lý và dẫu vẫn hoạt động biểu diễn, chỉ huy, dạy học, nhưng không thể sáng tác được gì suốt 3 năm sau đó. 

Lev Tolsoy chỉ trích

Đã có nhiều lời mời chào Rachmaninoff từ nhiều nơi trên thế giới, công chúng trông đợi bản Concerto piano tiếp theo nhưng ông chỉ có thể trình bày các tác phẩm cũ, trong đó có khúc Prelude Do thăng thứ đã làm nên tên tuổi mình từ 7 năm trước. Nhạc sỹ vẫn tiếp tục kéo dài tình trạng né tránh với các bên, ông trả lời mọi người rằng chưa viết được gì. Thậm chí, trong những tháng năm đó, Rachmaninoff còn va phải lời chê nặng nề của Lev Tolsoy – người mà ông vốn ngưỡng mộ: sau khi chơi vài tác phẩm, nhà văn nói với Rachmaninoff rằng “Nào, có ai cần thứ âm nhạc này đâu. Tôi phải nói với bạn điều này, tôi hoàn toàn không thích buổi diễn này chút nào". 

Mối tình bị cấm đoán

Trong giai đoạn này ông có tình cảm với pianist Natalia Satina, cũng là em họ của ông. Giáo hội chính thống Nga và gia đình cô gái cực lực phản đối chuyện hôn nhân của hai người, điều này càng làm Rachmaninoff trở nên phiền muộn hơn.

Bản nhạc hồi sinh

Đầu năm 1900, Rachmaninoff mới được một vị bác sỹ tâm lý giúp đỡ để vượt qua giai đoạn khó khăn. Bản thân vị bác sỹ Nikolai Dahl cũng là một người học nhạc, những cuộc chuyện trò về âm nhạc giữa hai người cũng khiến Rachmaninoff được giải toả căng thẳng. Cuối cùng, Rachmaninoff cũng có thể cầm bút viết bản Concerto cho piano thứ 2 vào năm 1901, đề tặng người bạn tâm giao Nikolai Dahl. Tác phẩm lập tức gây hiệu ứng hâm mộ nhiệt liệt trong lòng khán thính giả, với giai điệu da diết, đầy màu sắc Nga, là tiếng nói nội tâm sâu sắc của một con người trải qua biến động lớn trong đời. 

Sau buổi ra mắt chương hai và chương ba vào tháng 12 năm 1900 Rachmaninoff chơi phần piano độc tấu, toàn bộ tác phẩm được trình diễn lần đầu tiên vào năm 1901 và được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Tác phẩm đã mang về cho nhà soạn nhạc giải thưởng Glinka.

Giữa quãng thành công trong sự nghiệp, Rachmaninoff kết hôn với Natalia Satina vào ngày 12 tháng 5 năm 1902.

Cái khó trong nghệ thuật

Cả hai bản Concerto piano số 2 và số 3 sau đó của Rachmaninoff đều là những thách thức khổng lồ đối với bất cứ nghệ sỹ piano nào trên thế giới. Độ khó của những tác phẩm ấy trước hết nằm ở những yêu cầu kỹ thuật rất cao, từ các nét chạy dào dạt, tốc độ nhanh, cho tới những hợp âm có thể bấm gần như không thể thực hiện, bởi khoảng cách giữa các nốt trong đó quá rộng đối với tay người bình thường (Rachmaninoff còn có lợi thế khổ người cao lớn, ông cao 1m98, bàn tay ông có thể với đến quãng 13 trên piano).

Dù các nghệ sỹ có than thở bao nhiêu, đó mới chỉ là nấc thang đầu tiên mà họ phải vượt qua, bởi vấn đề kỹ thuật luôn có thể giải quyết bằng kỹ thuật – là thứ đòi hỏi sự chuyên tâm luyện tập. Từ khi bản nhạc ấy ra đời, đến nay cũng đã có nhiều người tự nhận mình chơi được, thậm chí có tay đàn còn hình dung các concerto của Rachmaninoff tựa “quái vật” – một cách so sánh có lẽ chưa phù hợp khi nói về âm nhạc – để tự hào rằng mình chinh phục được tác phẩm. Nhưng ngưỡng khó thực sự lại nằm ở khả năng cân đối về mặt nhạc cảm, sức biểu đạt tinh thần, cái “hồn” của tác phẩm. Đối với khán giả, được trầm trồ xem một nhạc công trổ tài thể hiện những đoạn chạy ngón hoành tráng là một trải nghiệm thú vị, nhưng nếu chỉ dừng lại ở mức độ ấy thì chưa xứng với không gian trình diễn tại sân khấu nghệ thuật nghiêm túc. Chỉ khi nghệ sỹ truyền đạt được đúng những gì tác giả gửi gắm, thì khán giả mới thực sự rung động. Làm được điều ấy, cần nghệ sỹ có độ thấu cảm nhất định với tác giả. Rachmaninoff đã viết nên Concerto số 2 sau một thời kỳ gian khó, có lẽ cần người thể hiện được phần nào những trăn trở nội tâm, và cả cảm xúc tươi mới khi tác giả tìm lại bình yên cùng vẻ đẹp của cuộc sống. Cái đẹp trong âm nhạc Rachmaninoff là tổng hoà của cái đẹp trong tâm hồn một con người duy mỹ cùng cái đẹp của thiên nhiên, cảnh sắc nước Nga. Nghe Rachmaninoff, người thưởng thức cần thấy rất nhiều hình ảnh sống động hiện ra trước mắt: những hợp âm mô phỏng tiếng chuông nhà thờ - đòi hỏi nghệ sỹ vừa phải chơi chắc tay để để lớn tiếng, vừa tính toán đến độ vang phản hồi mà không chỉ là bổ phím ầm ỹ; những đoạn chạy ngón như tiếng gió tuyết thổi - yêu cầu pianist xử lý sao cho các nốt trong chuỗi chạy được rõ nét; hay những đường giai điệu mềm mại ngọt ngào như tiếng hát của những con chiên đi lễ ngày Chúa nhật – cần nghệ sỹ chơi sao cho mỗi nốt đều liên kết với nhau và tự nhiên như hơi thở…

Biết rằng làm được như vậy là rất khó, nhưng đó chính là Nghệ thuật.

…..

Bản Concerto số 2 của Rachmaninoff sẽ được pianist Phạm Lê Phương trình diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Trần Vương Thạch, trong chương trình Hoà nhạc đặt vé trước số 144 vào 20h ngày 24 tháng 7 năm 2022 tại Nhà hát lớn Hà Nội.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.