You are here

Công nghiệp âm nhạc ở Hà Nội: Đang có gì và đang thiếu gì?

Tác giả: 
An Định

Sở hữu những yếu tố thuận lợi, từ truyền thống âm nhạc, khả năng hội tụ tinh hoa đến lực lượng công chúng có trình độ cao…, Hà Nội có nhiều cơ hội để trở thành “thủ phủ” ngành Công nghiệp âm nhạc của cả nước. Tuy nhiên, để cơ hội trở thành hiện thực đòi hỏi một sự tập trung cao độ hơn nữa về nhiều mặt.

Triển vọng thị trường

Âm nhạc là ngành công nghiệp hái ra tiền - không có gì phải nghi ngờ về nhận định này khi nền âm nhạc đại chúng ở các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… đã trở thành những thành tố chủ chốt của ngành Công nghiệp văn hóa, mang lại nguồn thu khổng lồ mỗi năm. 

Thị trường âm nhạc Việt Nam những năm trở lại đây cũng đang chứng kiến một sự trỗi dậy nhanh chóng của những hiện tượng, trào lưu mới, chạm tới những đỉnh cao ở cấp độ khu vực, cho thấy tương lai tươi sáng của lĩnh vực này.

Dễ nhận thấy nhất là sự bùng nổ của thị trường nhạc số với những kỷ lục liên tục được xác lập. Theo thống kê của Nielsen, năm 2017, trong 52 triệu người Việt dùng Internet thì có tới 25 triệu người nghe nhạc online. 

Năm 2017, với số lượt nghe đạt 240 triệu lượt (tính đến ngày 25-12-2017), "Em gái mưa", sáng tác của Mr Siro do nữ ca sĩ Hương Tràm thể hiện chính thức trở thành ca khúc có lượt nghe nhiều nhất trên cổng nghe nhạc trực tuyến Zing MP3 - cổng nghe nhạc trực tuyến lớn nhất của Việt Nam hiện nay - và cũng là ca khúc có lượt nghe nhiều nhất trong 10 năm phát triển của nhạc số Việt Nam. Còn trên mạng video lớn nhất thế giới hiện nay - YouTube, cuộc đua lập kỷ lục về số người nghe diễn ra căng thẳng hơn lúc nào hết.

Trong năm 2017, nhạc Việt chứng kiến một cuộc đua khá quyết liệt trên kênh giải trí này với số lượng ngày càng nhiều những "ca sĩ triệu view" (lượt xem). Thậm chí con số trăm triệu view cũng không còn là giấc mơ xa vời với nghệ sĩ Việt mà đã được nối dài với nhiều cái tên đình đám như Sơn Tùng M-TP, ca sĩ nhí Bảo An, Soobin Hoàng Sơn, Phan Mạnh Quỳnh...

Mới đây nhất, ca khúc "Chạy ngay đi" của Sơn Tùng M-TP cũng đang tạo nên cơn sốt với những kỷ lục view được xác lập không chỉ với thị trường trong nước mà còn ở cấp độ khu vực với 50 triệu lượt xem sau 1 tuần. 

Thị trường phát hành album nhạc truyền thống mặc dù suy giảm theo xu thế chung của thế giới nhưng không phải không có những điểm sáng. Điển hình như cuối tháng 1-2018, album Tâm 9 của ca sĩ Mỹ Tâm lập kỷ lục phát hành và bất ngờ lọt top 10 album phòng thu trên trang Billboard.com, hạng mục World Albums (tạm dịch: Albums thế giới, xếp hạng những album không hát bằng tiếng Anh). 

Sự kiện này được nhiều tờ báo bình luận là “không thể tin nổi”, “là cột mốc đáng tự hào của nhạc Việt”…, bởi đây là sản phẩm âm nhạc đầu tiên của nghệ sĩ Việt Nam được đứng trong bảng xếp hạng này, bên cạnh những album của các nghệ sĩ quốc tế đình đám khác.

Âm nhạc Hà Nội - cần một sức bật mới

Mặc dù thị trường có những tín hiệu tích cực như kể trên song có thể thấy phần sôi động nhất là thị trường âm nhạc giải trí hiện nay vẫn nghiêng về phía Nam. Vậy Hà Nội đang có gì và đang thiếu gì nếu muốn trở thành thủ phủ của ngành Công nghiệp âm nhạc nước nhà?

Không thể phủ nhận rằng Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa của nghệ thuật âm nhạc, từ âm nhạc cổ đến âm nhạc bác học và âm nhạc mang phong cách hiện đại. Trong đó, âm nhạc truyền thống của Hà Nội có một sự đa dạng hiếm có, từ âm nhạc bác học mà đỉnh cao là ca trù cho tới các loại hình dân ca vô cùng đa dạng, phong phú với nhiều thể loại. 

Nhà nghiên cứu âm nhạc - Tiến sĩ Nguyễn Đình Tùng đánh giá: “Tiếp thu một bề dày lịch sử lâu dài, sự phong phú và độc đáo trong đặc trưng diễn xướng âm nhạc Hà Nội cùng với quá trình tiếp biến văn hóa âm nhạc phương Tây nửa cuối thế kỷ XIX, nửa đầu thế kỷ XX, âm nhạc Hà Nội tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Tên tuổi các nhạc sĩ như Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi… và các nhạc sĩ sau đó như Phó Đức Phương, Trương Quý Hải, Phú Quang… là minh chứng sống động cho điều đó. Toàn bộ tinh hoa của người Hà Nội, từ đặc điểm điều kiện tự nhiên cho đến danh lam, thắng cảnh, rồi nếp sống, nếp nghĩ của người Hà Nội, đều được các nhạc sĩ đưa vào tác phẩm của mình”.

Bên cạnh đó, Hà Nội hiện còn là trung tâm đào tạo âm nhạc lớn nhất cả nước với nhiều cơ sở đào tạo âm nhạc chính thống như Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương… Nhờ đó, số nghệ sĩ được đào tạo chính quy, bài bản về sáng tác, lý luận, biểu diễn khá đông đảo. Đội ngũ làm âm nhạc được trẻ hóa, nhiệt tình tham gia vào nhiều sân chơi âm nhạc để thử sức mình.

Bên cạnh đó, người yêu nhạc của Hà Nội cũng là lực lượng công chúng rất đáng mơ ước khi khởi sự làm công nghiệp âm nhạc bởi không chỉ chiếm số lượng đông đảo với mức sống cao so với các địa phương khác trong cả nước, mà họ còn có trình độ thưởng thức và gu âm nhạc tương đối đa dạng. 

Bên cạnh lực lượng khán giả trẻ chạy theo trào lưu, vẫn còn một lượng lớn công chúng tìm đến với những nhạc phẩm sáng tác từ cách đây nhiều chục năm, hay bền bỉ theo dõi những chương trình hòa nhạc kén khán giả…

Đạo diễn âm nhạc Vạn Nguyễn chia sẻ: “Hiếm có một địa phương nào có công chúng yêu nhạc như ở Hà Nội. Họ cũng là những khán giả “chịu chơi” với những đêm nhạc mà họ yêu thích”. 

Nói vậy bởi theo đánh giá chung của giới nghệ sĩ, số lượng những đêm nhạc được đầu tư công phu với giá vé từ mức trung bình đến rất cao ở Hà Nội nhiều hơn hẳn so với TP Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác. Và dù thành danh ở đâu nhưng được biểu diễn ở Hà Nội luôn là niềm mơ ước của hầu hết các nghệ sĩ. 

Tuy nhiên, âm nhạc Hà Nội dường như vẫn thiếu một sự năng động để bắt nhịp với những xu hướng mới. Trong khi hiện nay âm nhạc online đang phát triển với tốc độ chóng mặt và có sức lan tỏa cực mạnh mẽ thì những hiện tượng nhạc số xuất hiện ở Hà Nội vẫn gần như không có. Các nghệ sĩ ở Hà Nội dường như vẫn “bảo thủ” với lối sáng tác cũ, cách nghe và thưởng thức cũ. 

Thế nên, những nghệ sĩ nào muốn bứt phá thường sẽ chọn con đường Nam tiến. Đây là phong cách riêng, nhưng cũng là một thiệt thòi nếu Hà Nội không bắt nhịp được với xu hướng mới để tạo ra những đột phá cho mình. 

Nhiều vấn đề cần quyết liệt

Ngoài việc năng động bắt kịp xu thế, muốn trở thành thủ phủ, nơi “tinh hoa âm nhạc” trở thành những cỗ máy kiếm tiền, quảng bá thương hiệu cho thành phố, âm nhạc Hà Nội còn nhiều vấn đề phải giải quyết một cách quyết liệt. 

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội đánh giá: “Hơn chục năm qua, thị trường tự do đã đưa âm nhạc Việt Nam đi theo khá nhiều lối rẽ khác nhau. Nhưng điều mà nhiều người có thể thấy nền âm nhạc Việt Nam hiện nay là một thị trường còn thả lỏng; năng động, sôi nổi với nhiều sáng tạo mới mẻ, đa dạng nhưng trào lưu âm nhạc hiện nay vẫn còn lúng túng, nếu không nói là mất phương hướng; hầu hết các thần tượng ca nhạc "ăn khách", được công chúng biết đến nhờ những yếu tố “ngoài âm nhạc” nhiều hơn là tài năng thực… Điều đó đã làm ảnh hưởng lớn đến giới trẻ, làm công chúng trẻ tiếp nhận văn hóa nghệ thuật bằng cảm tính bản năng, thiếu định hướng thẩm mỹ đúng đắn. Nhạc trên mạng đang lấn át nhạc chính thống, kể cả thứ nhạc gây sốc kiểu nhạc nhái, nhạc chế, nhạc thảm họa…”.

Từ thực tế này, để tiến tới xây dựng công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh đề xuất hệ thống giải pháp cùng 8 kiến nghị, vừa để tạo điều kiện cho giới nghệ sĩ sáng tác cả về môi trường làm nghề lẫn kinh phí, vừa giảm thiểu những bất hợp lý của thị trường âm nhạc thông qua chính sách và định hướng phát triển công nghiệp âm nhạc hiệu quả… 

Đề án “Đánh giá, đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” cũng đưa ra nhiều giải pháp như: Xác định công chúng của công nghiệp âm nhạc là công chúng trẻ; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; thiết lập các công cụ phát triển âm nhạc trực tuyến; tăng cường mở rộng giao lưu quốc tế…, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc nghiên cứu xây dựng quy hoạch chiến lược tổng thể phát triển ngành Công nghiệp âm nhạc đáp ứng hội nhập quốc tế cần tìm ra lĩnh vực mũi nhọn mà chúng ta có ưu thế nhằm tạo đột phá cho ngành Công nghiệp âm nhạc.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia:

Âm nhạc là một lĩnh vực quan trọng trong công nghiệp sáng tạo. Ngành Công nghiệp âm nhạc đem lại lợi nhuận lớn, và hơn hết, nó tạo ra dấu ấn cho một xã hội đô thị hiện đại, từ đó tạo ra sự kiện quảng bá thương hiệu một thành phố, thu hút được du khách, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực có liên quan. Ví dụ như "Lễ hội âm nhạc Gió mùa" (Monsoon) là một sự kiện âm nhạc đặc sắc, thể hiện nhiều dấu ấn sáng tạo. Sự kiện này đóng góp quan trọng vào sự phát triển của âm nhạc Việt Nam, giúp quảng bá hình ảnh của cả Việt Nam và Hà Nội. Điểm mạnh quan trọng của sự kiện này là đáp ứng nhu cầu của một bộ phận khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ và khách quốc tế, đi theo đúng trào lưu tổ chức các sự kiện âm nhạc trên thế giới. Sự kiện âm nhạc này có thể giúp thể hiện một bộ mặt mới, đầy tính năng động và sáng tạo của âm nhạc Việt Nam, góp phần định hướng cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam hiện đại.

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh - Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội:

Đối tượng cần hướng đến của công nghiệp âm nhạc hiện nay là giới trẻ. Đây là lực lượng khán giả lớn, có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động phát triển văn hóa nghệ thuật, đến tư duy, khuynh hướng sáng tác, sáng tạo nghệ thuật của những người sáng tác, nghệ sĩ biểu diễn. Đồng thời, qua môi trường mạng, thế hệ trẻ trong mọi lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, đào tạo và lý luận không những được tiếp cận với tinh hoa thế giới dễ dàng, mà còn có cơ hội quảng bá tác phẩm mới ở phạm vi không chỉ trong nước. Các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật cần có định hướng, chiến lược lâu dài giúp lớp trẻ có được thẩm mỹ âm nhạc tốt hơn.

(Nguồn: http://hanoimoi.com.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.