You are here

Dân ca của tộc người Cơtu xứ Quảng

Tác giả: 
Văn Thu Bích

Trong đời sống văn hoá tinh thần của người Cơtu ở miền núi Quảng Nam – Đà Nẵng, dân ca và nhạc cụ truyền thống là hai loại hình văn hoá nghệ thuật đậm đà bản sắc dân gian. 

Lời của những bài dân ca Cơ tu thường được hình thành từ ca dao, tục ngữ, câu đố; cứ mỗi loại có hàng chục chủ đề khác nhau, chủ đề được đề cập nhiều nhất là cuộc sống lao động sản xuất, tình yêu đôi lứa, thiên nhiên, trời đất, con người và xã hội. Dù là ca dao, tục ngữ hay câu đố đều được thể hiện có vần điệu, lời ca lại ngắn gon nên dễ nhớ dễ thuộc. Có nhiều bài dân ca phần giai điệu và tiết tấu gần tương tự nhau. Có thể từ một làn điệu dựa trên một trục âm chủ đạo, được biến thể đôi nét hình thành dị bản đơn giản để phù hợp với từng không gian, từng chủ đề. Đồng thời, làm phong phú thêm kho tàng dân ca Cơtu.

Dân ca Cơtu chia làm 2 thể loại: dân ca sinh hoạt và dân ca nghi lễ. Phần lớn những điệu dân ca Cơ tu ra đời ngay trong các sinh hoạt đời thường, nó tồn tại phát triển được chủ yếu vẫn bằng phương thức truyền miệng và bao giờ cũng gắn liền với đời sống xã hội.

1. Dân ca sinh hoạt: Gồm các điệu hát giao duyên – đối đáp, hát lý - nói lý và hát ru.

1.1. Hát giao duyên, đối đáp.

+ Điệu Babooch và Cr’lới: là hai điệu dân ca thường được nam nữ Cơtu hát khi tham gia hát đối đáp, hát lý trong những buổi sinh hoạt hội hè, bàn bạc tập thể, ở những lễ kết giao giữa làng này với làng nọ. Điệu Babooch và Crơlới được hát theo ngẫu hứng với những âm điệu linh hoạt, trong sáng, mượt mà.

-Điệu Babooch: thường do nam giới hát lên khi nhớ người yêu đi xa, than thân trách phận hoặc để tỏ tình.

Bài dân ca Ơi Ch’ roonh (còn gọi là lướt Ch’roonh) lời cổ theo điệu Babooch:

 “Ơ...ch’tur ơi lơ blô, acu lây amay liêm đhơ kê, H’cơnh ơ bơ acu choom bơơn pénh. Ơ...X’ménh ơi lơ blô acu lây amay liêm đhơ kê, H’cơnh ơ bơ acu choom bơơn coop. Ơ...bơ kê la ơ bơ la, ơ bơ kê la ơ bơ la.”

Dịch nghĩa: Ơi ngôi sao Hôm nhấp nháy kia, anh thấy em đẹp quá, anh muốn lấy được. Ơi ngôi sao Mai nhấp nháy kia, anh thấy em đẹp quá, anh muốn bắt đem về.

(Nhà nghiên cứu Vũ Huy Hoàng sưu tầm và dịch nghĩa)

Khi nghe câu hát này thì cô gái phải hiểu là chàng trai muốn cưới cô gái làm vợ, xin hỏi cô có đồng ý không? Đây là câu hát mang tính ví von, từ nghĩa đen phải hiểu theo nghĩa bóng sâu xa, thể hiện mong muốn của chàng trai. Chàng trai mượn hình ảnh ngôi sao Hôm, sao Mai để tỏ tình, thay cho lời hỏi trực tiếp cô gái.

+ Điệu Babooch cũng được các chàng trai Cơtu hát lên khi bày tỏ tình cảm với người yêu bằng những âm điệu trữ tình qua lời ca mộc mạc, đằm thắm có nội dung đi tìm người thương. Làn điệu này được thể hiện được với cây đàn gỗ Abel hai dây đơn sơ nhưng tạo được âm sắc khá độc đáo kết hợp với lời ca: “Đôi chân em đẹp như ngà voi, ngực em đẹp như mặt trăng. Anh thấy tóc em như sợi mây dài trên núi. Cái bụng anh thương em, cái đầu anh nhớ em”

Phổ biến hơn cả là làn điệu giao duyên Chchăp và Babooch dành cho cả nam và nữ. Lúc lên nương rẫy, khi xuống suối sông những đôi bạn tình đã hát cho nhau nghe khúc ca lãng mạn ấy, giai điệu được lặp đi lặp lại theo chu kỳ gồm những những nốt liền bậc ổn định với lời ca giản dị, chân thật:

Ơi em! Dù em có đậu trên ngọn cây cao anh cố sẽ bay lên bắt cho bằng được. Ơi anh! Nếu anh cõng em qua sông em sẽ tặng cái vòng bằng vàng, còn anh chờ đợi đưa em qua suối, em sẽ tặng cái vòng bằng bạc”

Trong các lễ hội hay sinh hoạt vui chơi, thanh niên nam nữ Cơ tu còn hát đối đáp nhau bằng làn điệu Babooch:

Liêm Boop ađhi, đhiêp mơ Pôtơbang, Ang Cơr’niêng ađhi, đhiếp mơ Pô đhlôm. Acoon  a vưch dei, đoh bóh tu chơtang. Acoon avang dei, đoh boh tu  cơđông…

(Dịch nghĩa: miệng em xinh đẹp như hoa Pôtơbang, răng em trắng xinh như đóa hoa Pô đhlôm, con chim a vưch nó đậu trên ngọn cây dang, con chim a vang nó đậu trên ngọn cây lồ ô. (Ý nói cảnh rất đẹp, rất xinh như cô gái vậy)    

+ Điệu Chchắp: Hát vui trong đám cưới, hát khuyên nhủ con cháu của người già, tính chất làn diệu nhẹ nhàng, ý nghĩa thâm thúy, đậm tính giáo huấn.

Bài dân ca lời cổ K’nọo xâng theo điệu Baboooch (Dịch nghĩa: Hãy nghe và nghĩ).

 “Clang chôc đôc, c’lang căh u lêt, Tuc đha’nuc đha’nu, đhị loom apêê tr’lin, Clang chôc đôc, c’lang căh u lế t, Tuc đha’nuc đha’nu, đhị loom apêê tr’vêy, Tahung li heep, Tahung cắh u lết, Tuc đha’nuc đha’nu, đhị loom apêê tr’tăc. Tahung li heep, Tahung cắh u lết,  Tuc đha’nuc đha’nu, đhị loom apêê tr’lêệng”.

Dịch nghĩa: Cái máng nước chảy, cái máng nước không có lỗi, mọi người tự trong lòng muốn cãi nhau. Cái máng nước chảy, cái máng nước không có lỗi, mọi người tự trong lòng muốn đánh nhau. Cái khe suối hẹp, khe suối chẳng có lỗi, mọi người tự trong lòng muốn đâm nhau. Cái khe suối hẹp, khe suối chẳng có lỗi, mọi người tự trong lòng muốn giết nhau.

(Sưu tầm và dịch nghĩa: Vũ Huy Hoàng)

Bài này cũng là một dạng hát lý, có nội dung khuyên mọi người biết ứng xử, không nên cãi nhau vì những việc nhỏ nhặt, đừng đổ lỗi cho ai mà phải biết nhường nhịn nhau, không từ chuyện nhỏ mà biến thành chuyện lớn.

+ Điệu Rajooc: là điệu hát mừng lúa mới với tiết tấu tươi vui, nhộn nhịp

Bài Déh hơnh haroo t'mêê (Mừng lúa mới)                                    

Zâp k’coong da ding bhui har haroo đâm đương tr’bang tay m’nứih, zâp bhươl vel chô xoót haroo, zâp chr'hoong bhui har pra k’chăng .

Haroo t’mêê kbhêê  cha đéng haroo tơc bing zơng bing đông đơc ha zi k’bhố k’van , đơc hazi t’mông c’rêê  liêm. Ơ.. ơ.. ơ ..zâp ngai đhị bhươl . đớơh t’bêch ra dih đông xang . zâp ngai tung tung da dá , pr’hát ơng hơnh haroo t’mêê ........

Haroo t’mêê kbhêê  cha đéng, haroo tơc bing zơng bing đông ,đơc ha zi k’bhố k’van , đơc hazi t’mông c’rêê   liêm .

Haroo t’mêê kbhêê  cha đêng haroo tơc bing zơng bing đông đơc ha zi k’bhố k’van , đơc hazi t’mông c’rêê liêm. 

Dịch nghĩa:

Khắp núi rừng ngập tràn niềm vui, lúa chín vàng chờ bàn tay người, khắp thôn làng vào mùa gặt mới, cả quê hương rộn vang tiếng cười .......

Hỡi lúa mới đừng hao đi, lúa hãy đến đầy nhà đầy kho, cho chúng tôi cuộc sống ấm no, cho chúng tôi cuộc sống sum vầy .        

Hỡi buôn làng trẻ già trai gái, nhanh nhanh dọn dẹp cửa nhà , sắp vòng tân tung da dá , hát mừng đón  hạt lúa vàng . 

Hỡi lúa mới đừng hao đi, lúa hãy đến đầy nhà đầy kho, cho chúng tôi cuộc sống ấm no, cho chúng tôi cuộc sống sum vầy.

(Sưu tầm và dịch nghĩa: Bhriu Liếc -  Vũ Huy Hoàng)                                                           

1.2. Điệu hát Banooch, pr’ ma (Hát lý – nói lý)

Đây là điệu hát của các già làng, người cao tuổi hát khi đón mừng khách, mừng làng mới, mừng nhà gươl, nhà mới, hát xin dâu, hát đáp lễ.

Bài Chim sẻ chim sâu (Achim a’ih lơng) theo điệu hát lý

Achim a’ih liêm, a’ih xưl pr’hay, Ađoo cha haroo, pa hư hơn noo haroo.

Ađoo păr chô,  pa zêng ma nứih pa lúh.

Ađoo păr ch’ngai, căh ngai k’noo rơơm.

Achim chơr lit, Ađoo đhanui đha na. Ađoo cha abhô zup zooi ahêê chóh chướt.

Ađoo păr chô ahêê kiêng tbh’ lơng, Ađoo păr chô ahêê kiêng tbh’lơng,

Ađoo păr ch’ngai, zêng ngai k’noo rơơm.

Dịch nghĩa: Con chim sẻ đẹp, hót hay, nó ăn lúa phá hoại mùa màng. Nó bay về mọi người xua đuổi, nó đi rồi chẳng ai nhớ nó. Con chim sâu hiền lành, nó bắt sâu giúp ta trồng cây. Nó bay về mọi người mừng rỡ, nó bay đi xa mọi người nhớ mong.

(Sưu tầm và dịch nghĩa: Vũ Huy Hoàng)

Nội dung bài hát lý này nhằm nhắc nhở mọi người nên hiểu rằng cần giúp đỡ, gần gũi dân làng, ví như con chim sâu hiền lành chăm chỉ, đừng như con chim sẻ đẹp mã hót hay mà chẳng giúp gì cho ai.

1.3. Hát ru con:

Trong các bài dân ca còn có bài hát ru “bhadơơng cacoon được phát hiện ở một buôn làng Cơtu xa xôi trên đỉnh Trường Sơn. Mặc dù đây là bài hát ru con dân gian thuần khiết nhưng trong cấu trúc của nó đã thấp thoáng bóng dáng của ca khúc. Lời hát vang lên nhẹ nhàng trong âm điệu êm ái:

-Bếch ơi coon ơi.... bếch ơi,  Amóo ơi. Bếch ơi coon ơi.... bếch ơi...ơi. Prơ hêi A Pê Ama Rơ dăng lêi Anhăng Amóo ơi kaê Anhăng Amóo ơi. Achớc ơi..ơi.. bếch ơi,  Amóo ơi, bếch ơi.. Achớc ơi..ơi.. Đoong Amế vói bơơn ơi pơ Cơtu hoorơ lăng bếch ơi,  Amóo ơi.  Bếch ơi, Đhêi coon ơi...Amế vói bơơn ơi pơ coon ơi.... bếch ơi..ơi. Ru ru coon ru, bếch ru. Ru ru móo ru. Đhêi ơi.. coon ơi.... bếch ơi... móo ơi...ơi. Prơ blêc ơi, xơ tu. Prơ blêc ơi, xơ menh. Bếch ơi.. chớc ơi.. Toom ơ. Đhêi Amóo ơi ... Đhêi ơi... Achớc ơi.. Bếch ơi.. Amóo ơi. Amế vói Cơtu. Đơơng cho dếi mêi tul bếch ơi. Amế vói pa pua rơ. Đơơng cho dếi mêi hoo rơ Achớc ơi.. Đhêi ơi... coon ơi.... bếch ơi...ơi. Crêi ơi, Anhăng Amóo ơi,  Prơ hêi ơi, Amóo ơi, chớc ơi, coon ơi, bếch ơi, móo ơi, bếch ơi ơi, bếch ơi.... bếch ơi, móo ơi, bếch ơi, coon ơi. bếch ơi, móo ơi. Đhêi ơi... coon ơi.... bếch ơi...ơi.

Nội dung:  “Đây chị, đây em, đây mẹ đây cha sẽ ngủ cùng con. Con xinh con đẹp, con ngủ cho ngoan để mẹ lên rẫy, lên nương. Trong mơ con ngủ, con đẹp con xinh, ngủ đi con ơi...”.

 (Người hát: A Lăng Đinh - Sưu tầm: Văn Thu Bích)

2. Dân ca nghi lễ:

Người Cơ tu có hai điệu hát nghi lễ: Hát tế trâu và hát trong lễ tang.

2.1. Điệu hát tế trâu Nơơi tơrí (Khóc trâu)

Là một trong những điệu hát tế lễ của các tộc người miền núi sống trên dải đất miền Trung và Tây Nguyên, người Cơ tu còn gọi là khóc tế trâu, tiếng khóc trong nghệ thuật có ý nghĩa như vỗ về, gửi gắm tâm tư, nghe vừa huyền bí bi ai vừa sinh động. Đó là những câu hát chân chất, thể hiện theo điệu Cơlâu ch’lêêng – Cr’lới có dàn cồng chiêng phụ hoạ.

Đoạn 1. Hát theo làn điệu Cơlâu – ch’lêêng (chậm): Cho achâu  chêê ve  chêê ve  bhơ achâu  chêê ve za bang chêê ve. Cho achâu  chêê ve  chêê ve chêê ve. Ngai ajong amay cho mêi bhớ a hêê ve. Cho achâu chêê ve  chêê ve  Cho achâu  ma  chêê ve chêê ve rơ clức coh xa ch’bức meei châu. A dóch a jong ma ch’bức đha. Cho achâu za chêê ve. Abê mbê mbê mbê mbê mbê mbê mbê ka đú đha na bu mêi.                                                                                 

Nội dung: “Ơi trâu! Trâu thương, ơi trâu! Trâu quý, trâu của ta từng ăn cỏ trên đồi cao, dưới nắng mặt tròi. Ơi trâu, trâu của ta....”.

Đoạn 2. Hát theo làn điệu Cr’lới (nhanh):

Lời hát đang mộc mạc trầm buồn, gợi cho người nghe niềm tiếc thương vô hạn, thì bỗng nhiên giọng hát vút lên với tiếng hú gọi vang vọng hoà lẫn niềm vui trong lễ hội:

Abang bhớ bang bhớ bhớ bhớ bhớ bhớ. Abang bhớ dô pơrhay bhớ. Abang abố nui. A đooong bhong đóch vếy hang à. A giong bhớ ô đhơơng noom ơ nui a đha’ na bhớ coh haanh Dang a loom dang đóch A lơng ơi. coh tu jong lơng aling.

Nội dung: “Ơ ơ ơ già làng! hỡi làng buôn hãy đến đây, rựa trong tay, giáo trong ta, ta dâng trâu này cho hội làng vui hôm nay”.

(Người hát: A Tùng Vẽ - Sưu tầm: Văn Thu Bích)

2.2.  Điệu hát trong lễ tang gọi là hát khóc Cơ lâu – Ch’lêêng

Có thể là thiếu sót khi nói đến dân ca nghi lễ của tộc người Cơtu mà không kể tới điệu hát khóc Cơlâu có tiếng trống nhịp theo, dùng cho cả nam lẫn nữ hát khóc than người thân mới qua đời trong lễ tang, bài hát có nội dung ca ngợi thành tích và thương tiếc, miêu tả niềm vui và nỗi buồn lúc sinh thời của người quá cố, tưởng nhớ người đã khuất với tiếng hát bi ai đầy thương cảm, tiếc nuối. Riêng điệu Cơ liêng trong đám tang chỉ dành cho đàn ông hát hòa theo tiếng trống, không có chiêng, thanh la. Trong tang lễ, người Cơtu khóc bằng tiếng Cơtu và cũng kể lể giống như người Kinh.

Nhìn chung các bài dân ca đề cập tới những nội dung trong đời sống thường ngày như ru con, hẹn hò giao duyên, đám cưới hoặc sinh hoạt cộng đồng theo mùa như lễ hội truyền thống, hát trong tế lễ như tế trâu, đám tang. Trong đó có một số bài hát theo dạng ngẫu hứng nên phần mở đầu thường có các âm ô, ê, i… ngân dài tự do, có bài lại xuất hiện nhiều âm ngân vang khắc hoạ tiếng hú gọi, tiếng vọng đáp do ảnh hưởng địa hình có nhiều rẻo cao, vách núi, đại ngàn trùng điệp, thung lũng chập chùng.

Một nét khác biệt dễ nhận biết là những điệu hát trong lễ hội chủ yếu phô diễn phần tiết tấu mạnh mẽ với dàn cồng chiêng qui mô nên giai điệu bị mờ nhạt, hơn nữa chúng có âm vực rộng vì hát ngoài trời, không gian rộng lớn với tiếng nhạc cồng chiêng vang xa. Ngược lại có những bài hát mang tính cá nhân riêng lẽ như ru con, giao duyên, đối đáp... thì tầm âm hẹp diễn tả tình cảm thầm kín trong một không gian thu nhỏ hơn.

Đáng lưu ý, có một ít làn điệu dân ca Cơtu có phảng phất âm điệu dân ca Chăm, điều này chứng tỏ hệ quả tất yếu của quá trình giao lưu- tiếp biến văn hoá giữa người Cơtu và người Chăm theo lịch sử đã ghi nhận: trước thế kỷ 15, vùng Quảng Nam - Đà Nẵng còn là một bộ phận của vương quốc Champa… Cùng với gần 20 làn điệu dân ca và khoảng gần 20 loại nhạc cụ dân gian Cơtu phần nào đã phản ánh cuộc sống tinh thần phong phú của tộc người Cơtu, và chúng ta luôn xem đó là di sản quý giá trong nền văn nghệ dân gian cần được giữ gìn và kế thừa.                                                                             

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.