You are here

Daniel Barenboim “bất khả xâm phạm” hiện đang bị cáo buộc ngược đãi đồng nghiệp

Tác giả: 
Alex Marshall và Christopher F. Schuetze (Trịnh Minh Cường dịch, Trần Hà Tiên hiệu đính)

Daniel Barenboim, 76 tuổi, một trong những nhạc trưởng lừng danh nhất thế giới, nổi tiếng là người thực hiện bất cứ điều gì ông muốn.

Ông thành lập một dàn nhạc (dàn nhạc West-Eastern Divan, một nhóm hoà tấu của các nhạc công trẻ ở vùng Trung Đông), một nhạc viện (học viện Barenboim-Said) và một phòng hoà nhạc (khán phòng Pierre Boulez).

Năm 2001, ông phá một lệnh cấm bất thành văn lâu đời ở Israel khi chỉ huy dàn nhạc biểu diễn một tác phẩm của Richard Wagner, một người yêu chủ nghĩa bài Do Thái của đảng Quốc xã. Ông tạo ra một kiểu tuyên bố chính trị mà hầu hết các nhạc sĩ tránh né.

Ông Barenboim từ lâu đã được coi là bất khả xâm phạm ở Berlin, nơi ông là giám đốc âm nhạc của Staatsoper – nhà hát opera hàng đầu thành phố –  và là nhạc trưởng chính suốt đời của dàn nhạc nhà hát, Staatskapelle. Ông thân thiết với các chính trị gia thành phố và sử dụng ảnh hưởng của mình để đảm bảo đoàn opera nhận được khoản trợ cấp đáng kể hàng năm 50,4 triệu euro (57,4 triệu USD) từ chính quyền Berlin.

Nhưng các vết rạn đã bắt đầu xuất hiện trong hình ảnh của nhạc trưởng khi Barenboim bị cáo buộc ngược đãi và làm nhục các thành viên của dàn nhạc Staatskapelle. Các cáo buộc đã được tường thuật rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Đức, và đã có những lời kêu gọi các chính trị gia can thiệp. Người phát ngôn của Klaus Lederer nói rằng ông Lederer đã yêu cầu đoàn opera chỉ định một bên thứ ba xem xét vấn đề. Ông Lederer là quan chức văn hoá cấp cao nhất của Berlin, người quản lý các bộ phận cung cấp phần lớn tài trợ cho Staatsoper.

“Một tác phẩm nghệ thuật không phải lúc nào cũng có thể mang tính dân chủ, nhưng bất kỳ một tổ chức công nào cũng không được phép trở thành chốn pháp đình,” một bài báo mới đây trên Der Tagesspiegel nhận xét. Thời báo New York đã liên lạc với bảy thành viên cũ hoặc đang làm tại Staatskapelle. Theo lời kể của họ, tất cả các ví dụ nổi bật về cách cư xử của ông Barenboim đều mang tính ngược đãi và vượt xa những gì bình thường đối với một nhạc trưởng.

Ông Barenboim bác bỏ các cáo buộc. “Tôi sinh ra ở Argentina, nên trong huyết quản tôi cũng có chút máu Latin, và thi thoảng tôi cũng nóng nảy”, ông nói với RBB, một đài truyền hình Đức.

Trong một email trao đổi với tờ The Times, ông đã phủ nhận việc ngược đãi bất cứ ai. “Ngược đãi và làm nhục một ai đó”, ông viết, “nhất là việc có ý định muốn làm tổn thương người khác, thậm chí thích thú trong việc đó. Đó không phải là tính cách của tôi”.

Cư xử hách dịch kiểu bề trên cũng phổ biến trong giới nhạc trưởng của thế kỷ trước, các bậc thầy như Arturo Toscanini và Georg Solti có tiếng là những “đốc công” cay nghiệt. Một trong những biệt danh của Ngài Solti là “Cái Đầu lâu hò hét”, bởi cái đầu hói và nóng như lửa của ông. Nhưng cuộc tranh luận xung quanh ông Barenboim nảy sinh vấn đề liệu cách cư xử đó có còn chấp nhận được hay không.

Trong một bình luận, Martin Reinhardt, một nhạc công trombone của dàn Copenhagen Philharmonic, người đã từng chơi trong dàn nhạc Staatskapelle và cũng là người công khai chỉ trích hành vi của Barenboim, nói: “Đây không phải là một vấn đề cá nhân mà là một lời chất vấn về việc các dàn nhạc được chỉ huy như thế nào trong thế kỷ 21”.

Willi Hilgers, cựu nhạc công timpani của dàn nhạc Staatskapelle, tố trong một loạt tin nhắn trên Facebook rằng ông Barenboim liên tục làm bẽ mặt ông trước các đồng nghiệp bằng cách làm mọi người chú ý vào cách ông chơi timpani. Hậu quả là ông bị “tăng huyết áp, trầm cảm, cảm thấy bạn không còn chơi được nhạc cụ của bạn, mất ngủ nhiều đêm, gia đình tôi cũng phải chịu đựng theo, không thể biểu diễn nếu thiếu thuốc chống cao huyết áp và thuốc chống trầm cảm”.

Ông Barenboim nói rằng những cáo buộc này là một phần trong chiến dịch ngăn không cho ông tiếp tục làm giám đốc âm nhạc của Staatsoper. “Thực sự là những luận điệu này mới nổi lên, ngay khi tôi đang đàm phán gia hạn hợp đồng đến sau 2022” , ông viết qua trao đổi email, “tôi tự hỏi: nếu mọi người thực sự bị tổn thương như họ tố, sao đúng lúc này họ mới nói?”. Ông nói thêm: “Tôi biết rằng trong những thời điểm căng thẳng, tôi đã có một giọng điệu gay gắt mà tôi hối hận, nhưng tất cả chỉ có vậy. Tôi không phải là một con cừu nhút nhát, nhưng tôi cũng không phải là một kẻ côn đồ”.

Trong một tuyên bố, hội đồng dàn nhạc Staatskapelle cho biết họ đã đạt được “những thành công nghệ thuật tuyệt vời thông qua sự sự hợp tác chặt chẽ và tin tưởng lẫn nhau” với ông Barenboim và “lòng tin này vẫn chưa hề bị sứt mẻ”.

Những lời buộc tội chống lại ông Barenboim lần đầu tiên xuất hiện vào ngày 6/2 trên VAN, một tạp chí âm nhạc cổ điển trực tuyến. Họ đã phỏng vấn hơn một chục nhân viên và cựu nhân viên của Staatsoper và trích lời họ dưới dạng ẩn danh. Bài báo mô tả một người lãnh đạo “có thể truyền cảm hứng và hào phóng, nhưng cũng độc đoán, đồng bóng và đáng sợ”.

Ông Hilgers 56 tuổi, viết trên tin nhắn Facebook rằng những vấn đề của ông với ông Barenboim bắt đầu vào mùa diễn 2001-02 của Staatsoper, trong buổi diễn vở Götterdämmerung của Wagner. Trong lần giải lao đầu tiên, ông Hilgers viết rằng ông nói với ông Barenboim: ông bị đau nửa đầu, có thể ông sẽ mất tập trung trong suốt phần còn lại của vở opera. Trong màn tiếp theo, ông Barenboim đập nhịp phần độc tấu timpani bằng một tay và một chân, như thể hướng dẫn một đứa trẻ, ông Hilgers kể và thêm rằng ông cảm thấy bị sỉ nhục: “Sau đó, các đợt công kích của ông ta đổ ập vào tôi ”. 

Ông Barenboim cho biết trong một email: “Nghệ sĩ timpani mà các anh nhắc đến có âm thanh rất hay và tạo ra những âm sắc đẹp, nhưng ông ta có những điểm yếu về nhịp điệu, rất khó chữa“. Ông Barenboim nói thêm rằng hai người họ đã có một số bất đồng, nhưng đó là điều bình thường khi các nhạc sĩ đang cố gắng để có được kết quả tốt nhất.

Leo Siberski, 49 tuổi, hiện là giám đốc âm nhạc của Nhà hát Plauen-Zwickau ở Đức. Ông chơi trumpet ở Staatskapelle dưới thời ông Barenboim từ năm 1992 đến 2003. Ông kể rằng ông đã chứng kiến những cơn giận bùng nổ từ ông Barenboim nhằm vào các nhạc công, và chính ông bắt đầu nếm mùi những cơn giận đó sau khi xin một kỳ nghỉ phép vào năm 1996.

 “Ông Barenboim từ chối yêu cầu” - ông Siberski kể - “Ông ta đã thấy ngay một cơ hội để làm tôi bẽ mặt, và cũng phạt tôi để làm gương”. Hành vi này chủ yêu liên quan đến việc làm mọi người chú ý đến ông Siberski và bắt ông lặp lại các phần biểu diễn của mình trước dàn nhạc.

Ông Barenboim cho biết ông không nhớ bất kỳ một đề nghị xin nghỉ phép nào. Ông bổ sung rằng “việc đòi hỏi các nhạc công của một dàn nhạc đẳng cấp thế giới chơi một mình các bè của họ là một thông lệ không có gì khuất tất”.

Ông Siberski cho biết cuối cùng ông đã rời khỏi vị trí bè trưởng bè trumpet của dàn nhạc để “thoát  khỏi tầm ngắm bắn”. Hiện tại chính ông là một nhạc trưởng, ông nói ông đã áp dụng cách tiếp cận khác với các nhạc công làm việc cùng:

“Nếu một giám đốc nghệ thuật có tinh thần trách nhiệm muốn đưa dàn nhạc của mình lên một tầm cao mới về chất lượng, điều này sẽ luôn gây ra một số phiền hà. Nhưng có một sự khác biệt vô cùng lớn giữa nỗi đau thể chất và vết thương tinh thần sâu sắc do bị tấn công nhân phẩm”.

Ông Barenboim thừa nhận rằng thế giới đang thay đổi: “Nói chung, đó là một điều tốt, nhưng, một dàn nhạc không thể hoạt động nếu mọi nhịp độ, mọi sắc thái của bản nhạc đều được đưa ra để bỏ phiếu dân chủ. Phải có ai đó lãnh đạo, đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm cuối cùng”.

(Nguồn: https://www.nytimes.com/2019/02/26/arts/music/daniel-barenboim-conductor-bullying-berlin.html?fbclid=IwAR29c9xVgZakdwf3QICOPEbfFNfczf6ghAglmdjAPFCA5gMyqYJ5uxJe3TA)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.