You are here

Đêm nhạc Chu Minh “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam”

Tác giả: 
Thanh Nhã

Đêm nhạc “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam” của GS, nhạc sĩ Chu Minh – Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật - người thầy của nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt Nam, đã diễn ra vào tối 20 tháng 11 năm 2019, tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông Người Sài Gòn thực hiện, nhằm tôn vinh, ghi nhận và tiếp tục quảng bá những đóng góp lớn lao của ông đối với sự nghiệp âm nhạc của đất nước cũng như với công chúng yêu nhạc.

Đến dự có các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương và Hà Nội, các nhạc sĩ trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đồng nghiệp, bạn bè, gia đình và đông đảo các thế hệ học trò của ông…

Chương trình đã trình diễn các tác phẩm nổi tiếng của GS, nhạc sĩ Chu Minh, các tác phẩm đạt Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh, với sự tham gia của các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng cùng với Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam. Chỉ đạo nghệ thuật: GS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; Giám đốc âm nhạc: Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh; Kịch bản và lời bình: TS, nhà báo Trần Đăng Tuấn; Đạo điễn, Giám đốc sản xuất: NSND, nhà báo Lê Thụy; Chỉ huy - dàn dựng: GS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, NSND Phạm Ngọc Khôi; Hoà âm, phối khí: NSND Ngọc Khôi, nhạc sĩ Minh Đạo, nhạc sĩ Mai Kiên, nhạc sĩ Đức Tân… đã làm nên một chương trình nghệ thuật đặc biệt, hoành tráng mang lại cảm xúc dạt dào trong lòng mỗi khán giả.

GS Chu Minh đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho nền âm nhạc của nước nhà, các tác phẩm khí nhạc của ông đã đặt nền tảng cho nền âm nhạc khí nhạc, người có công lớn trong việc đào tạo nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt Nam. Tên tuổi của ông gắn liền với những ca khúc đã trở thành biểu tượng cho một giai đoạn hào hùng của Đất nước:

Concerto Piano và dàn nhạc “Tuổi trẻ”, Piano: Lâm Đức Chính, chỉ huy dàn nhạc: nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

Tổ khúc giao hưởng 3 chương “Miền Nam tuyến đầu", Chỉ huy dàn nhạc: nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

Đường Trường Sơn chiến công gọi chiến công”, phối khí: Đức Tân, biểu diễn: ca sĩ Viết Danh, Chỉ huy dàn nhạc: NSND Phạm Ngọc Khôi

Người là niềm tin tất thắng”, biểu diễn: NSƯT Kim Ngân, ca sĩ Ngô Hương Diệp, Phương Mai, Chỉ huy dàn nhạc: NSND Phạm Ngọc Khôi

Em xa có nhớ”, biểu diễn: NSƯT Tấn Minh, piano: Đỗ Bảo

Trái tim đỏ trên đất mỏ Vàng Danh”, phối khí: Minh Đạo, biểu diễn: NSND Quang Thọ, Chỉ huy dàn nhạc: NSND Phạm Ngọc Khôi

Tên em đẹp mãi Bến Tre”, phối khí: Minh Đạo, biểu diễn: ca sĩ Đào Tố Loan, Chỉ huy dàn nhạc: NSND Phạm Ngọc Khôi

Thành phố tôi nơi tâm hồn lộng gió”, phối khí: Mai Kiên, biểu diễn: ca sĩ Trọng Tấn, Chỉ huy dàn nhạc: NSND Phạm Ngọc Khôi

Ru lời tôi ru ngàn năm không lời”, lời: Dương Thụ, biểu diễn: NSƯT Thanh Lam, Chỉ huy dàn nhạc: NSND Phạm Ngọc Khôi

Nhặt tiếng đàn rơi”, phỏng thơ Thế Hùng, biểu diễn: ca sĩ Lê Anh Dũng, Chỉ huy dàn nhạc: NSND Phạm Ngọc Khôi

Hà Nội chiều mây”, phỏng thơ Thảo Vy, biểu diễn: ca sĩ Vũ Thắng Lợi

Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam!”, lời thơ Hoàng Trung Thông, biểu diễn NSND Quang Thọ và các nghệ sĩ, ca sĩ: NSƯT Kim Ngân, Trọng Tấn, Vũ Thắng Lợi, Lê Anh Dũng, Phương Mai, Ngô Hương Diệp, Viết Danh và dàn Hợp xướng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Tại Lễ khai mạc chương trình, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã có những chia sẻ chân tình:

“Đây là một chương trình nghệ thuật đặc biệt để giới thiệu một phần trong tài sản đồ sộ của nhạc sĩ Chu Minh đã làm việc để sáng tác trong cuộc đời gần 90 mùa Xuân của mình. Chúng tôi hy vọng trong một buổi biểu diễn không thể giới thiệu được hết các tác phẩm của nhạc sĩ, nhưng chọn lọc được một số tác phẩm thuộc thể loại khí nhạc và thanh nhạc để khẳng định vị trí giá trị sáng tạo người nhạc sĩ tài ba – một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, một trong những cánh chim đầu đàn của nền âm nhạc mới Việt Nam. Ông chính là người đã đặt nền tảng cho nền khí nhạc, nền giao hưởng của Việt Nam và cùng với thế hệ của ông thì các nhạc sĩ đã dấn thân vào cuộc trường chinh kháng chiến của đất nước và để lại rất nhiều tác phẩm đi cùng với thời gian và sống mãi trong lòng dân tộc, trong lòng nhân dân.

Nhạc sĩ Chu Minh ngoài là một nhạc sĩ sáng tác, ông còn là người thầy rất đáng kính của nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt Nam. Có được một đội ngũ nhạc sĩ, nghệ sĩ hôm nay lớn mạnh dưới mái nhà chung âm nhạc Việt Nam, trong đó chúng tôi luôn luôn tự hào và biết ơn người thầy của mình, một trong những thầy giáo đã từng giảng dậy và đạo tạo rất nhiều các thế hệ nhạc sĩ trưởng thành cho tới ngày hôm nay để chúng ta có một đội ngũ các nhạc sĩ trong đội ngũ văn nghệ sĩ của cả nước, góp phần vào xây dựng cuộc sống mới, xây dựng đất nước ta ngày một phồn vinh giàu mạnh”.
*
*      *

Nhạc sĩ Chu Minh (tên thật là Triệu Đạt Hiền), sinh ngày 5 tháng 1 năm 1931 tại Hà Nội. Ông bắt đầu tham gia kháng chiến trong những năm đầu chiến tranh Đông Dương. Lúc đầu làm nhiệm vụ liên lạc, sau rồi làm công tác tuyên truyền rồi chuyển sang văn nghệ. Ông được cử đi học tại Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh. Về nước, ông là một trong những người xây dựng Đoàn ca múa Nhân dân Trung ương. Những năm 1950, ông viết những ca khúc đầu tiên như “Chiến thắng biên giới” (1951), “Hoa sen” (1951), “Ta yêu Cụ Hồ” (1952)…

Hòa bình lập lại, ông lại có những sáng tác: “Lúa hợp tác” (1957), “Lớp người công nhân” (1957)... Năm 1960, ông lại sang học tại Bắc Kinh lần thứ 2 và tốt nghiệp năm 1965. Chu Minh đã đi vào chiến trường và viết những ca khúc được những người lính Quân giải phóng yêu thích như: “Lời ca mở tuyến” (1966), “Lời ca trăm nẻo” (1966)...

Năm 1969, ông viết ca khúc “Người là niềm tin tất thắng”. Ca khúc được viết ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần và đã được chọn là ca khúc phát trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam trong lễ tưởng niệm. Ca khúc đã được ca sĩ Bích Liên thể hiện thành công và sau này được nhiều ca sĩ khác biểu diễn.

Khi đất nước thống nhất, ông viết tiếp ca khúc “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam!”. Ca khúc được dàn nhạc Nhà hát Giao hưởng Việt Nam biểu diễn tại Sài Gòn trong những ngày đầu sau sự kiện 30 tháng 4.

Bên cạnh lĩnh vực sáng tác, nhạc sĩ Chu Minh còn sở hữu một sự nghiệp đồ sộ, dành nhiều công sức và tâm huyết của ông. Đó là sự nghiệp trồng người. Ông giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội, làm Chủ nhiệm khoa Sáng tác - Lý luận - Chỉ huy từ năm 1965 đến 1994 và đã nhận học hàm Phó giáo sư. Hơn nửa thế kỷ qua, thầy Chu Minh miệt mài truyền dạy cho các lớp nhạc sĩ, mà nhiều người trong số họ nay đã thành danh.

Nhạc sĩ Chu Minh đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật, và nhiều Huân, Huy chương, Giải thưởng âm nhạc khác...

Một số hình ảnh tại Đêm nhạc:

 

Nhạc sĩ Chu Minh giữa học trò nhạc sĩ, ca sĩ, và rừng hoa

 

 

 

 

 

 

 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.