You are here

Đêm nhạc “Dưới lá quân kỳ” của nhạc sĩ Doãn Nho

Tác giả: 
Thanh Nhã

Tối 28 tháng 12 năm 2019, tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội đã diễn ra chương trình nghệ thuật “Dưới lá Quân kỳ” tôn vinh Đại tá, Tiến sĩ, nhạc sĩ Doãn Nho – Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức, nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 30 năm Ngày Quốc phòng toàn dân.

Tới dự có: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Thượng tướng Đỗ Căn – Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Thiếu tướng Nguyễn Kim Tôn – Giám đốc Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội Nhân dân Việt Nam; đồng chí Nguyễn Minh Nhựt – Vụ trưởng Vụ Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương.

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Đức Trịnh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội; nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Trần Nhật Dương - Trưởng Ban Kiểm tra; và các nhạc sĩ trong Ban Chấp hành Hội, các nhạc sĩ lão thành, cùng đông đảo các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ Thủ đô…

Chương trình nghệ thuật đặc sắc đã giới thiệu một số tác phẩm Âm nhạc tiêu biểu của Đại tá-TS, Nhạc sĩ Doãn Nho, tôn vinh đóng góp của người chiến sĩ nhạc sĩ Quân đội nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng dân tộc.

Chỉ đạo nội dung: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ; Chỉ đạo nghệ thuật: PGS. TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; Kịch bản và lời bình: TS, nhà báo Trần Đăng Tuấn; Giám đốc âm nhạc: Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh; Tổng đạo diễn: NSƯT, nhà báo Lê Thụy; Đơn vị thực hiện: Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trung tâm phát thanh -Truyền hình Quân đội, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và Công ty Cổ phần Truyền thông Người Sài Gòn. Biểu diễn: Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, Dàn Hợp xướng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và các Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú và các ca sĩ, đã mang đến cho công chúng một đêm nhạc đỉnh cao về nghệ thuật, khán giả đồng hành với những giai điệu tự hào, hùng tráng, hào hùng đầy cảm xúc, được thấy tình yêu lứa đôi đan cài trong tình yêu quê hương đất nước…

Phần I, với các tác phẩm khí nhạc

1. Thơ giao hưởng số 1 “Tháng Tám lịch sử”, biểu diễn: Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, chỉ huy: Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân;

2. “Khúc tưởng niệm”cho giọng Soprano và Dàn nhạc, biểu diễn: ca sĩ Mai Phương, và Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, chỉ huy: Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

3. Chương 1, trích từ Giao hưởng 3 chương “Chiến thắng”, biểu diễn: Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, chỉ huy: Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

Phần 2, là các tác phẩm thanh nhạc:

1. Ca khúc “Chiếc khăn Piêu”, biểu diễn: ca sĩ Đinh Mạnh Ninh, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, Hòa âm, phối khí: Nhạc sĩ Đức Tân, chỉ huy: NSƯT Doãn Nguyên

2. Ca khúc “Người con gái Sông La”, nhạc: Doãn Nho, thơ: Phương Thúy, biểu diễn: ca sĩ Đinh Trang và Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam; hòa âm, phối khí: Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, chỉ huy: NSƯT Doãn Nguyên

3. Ca khúc “Quả bom câm”, nhạc: Doãn Nho, lời: Nghiêm Đa Văn và Doãn Nho, biểu diễn: NSƯT Mạnh Dũng và tốp ca nam, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam; hòa âm, phối khí: Nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, chỉ huy: NSƯT Doãn Nguyên

4. Romance “ Người lính mùa xuân về”, nhạc: Doãn Nho, thơ: Nguyễn Thụy Kha, biểu diễn: ca sĩ Phúc Tiệp và Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam; hòa âm, phối khí: Nhạc sĩ Doãn Nguyên

5. Ca khúc “Làng lính trên đảo”, biểu diễn: Nhóm “Tình Bạn” và Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam; hòa âm, phối khí: Nhạc sĩ Đức Trịnh, chỉ huy: NSƯT Doãn Nguyên

6. Romance “Bài ca tình yêu”, biểu diễn: NSƯT Mạnh Dũng – ca sĩ Đào Tố Loan và Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam; hòa âm, phối khí: Nhạc sĩ Trần Đức Minh, chỉ huy: NSƯT Doãn Nguyên

7. Ca khúc “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, nhạc: Doãn Nho, thơ: Hữu Thỉnh, biểu diễn: Nhóm “Ngũ Lão”: NSND Quang Thọ - NSND Quang Huy – NSƯT  Dương Minh Đức – NSƯT Thanh Vinh và NSƯT Mạnh Chung, cùng Hợp xướng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam; hòa âm, phối khí: Nhạc sĩ Đức Tân, chỉ huy: NSƯT Doãn Nguyên

8. Hành khúc “Tiến bước dưới quân kỳ”, biểu diễn: Toàn thể các ca sĩ và Hợp xướng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, và Dàn nhạc Kèn Đoàn Nghi lễ Quân đội; hòa âm, phối khí: Nhạc sĩ Doãn Nguyên, chỉ huy: NSƯT Doãn Nguyên.

Vợ chồng nhạc sĩ Doãn Nho – ca sĩ Nguyệt Ánh cùng xuất hiện trên sân khấu hoà giọng trong ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ”, minh chứng cho mối tình đẹp thủy chung son sắt của ông bà trong suốt 60 năm qua, và luôn đồng hành cùng những tác phẩm âm nhạc cách mạng Việt Nam của ông.

Tại Lễ khai mạc chương trình, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ đã phát biểu:

“Chương trình “Dưới lá Quân kỳ” tôn vinh một nghệ sĩ – chiến sĩ tiêu biểu xuất sắc của quân đội ta, nền âm nhạc cách mạng vẻ vang của chúng ta -TS, Đại tác Quân đội, nhạc sĩ Doãn Nho.

Văn học nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc có vai trò rất quan trong đối với đời sống lao động, học tập, chiến đấu, rèn luyện của con người. Âm nhạc giúp xây dựng bồi đắp nhân cách, trí tuệ, tâm hồn mỗi con người từ lúc tuổi còn thơ đến khi về với cát bụi, nâng con người tới những giá trị Chân – Thiện – Mỹ. Âm nhạc là vũ khí tinh thần mạnh mẽ giúp cả dân tộc bảo vệ bản sắc văn hóa, chống mọi kẻ thù xâm lược, góp phần đắc lực trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Nhìn trong lịch sử dân tộc ta, gần đây là 2 cuộc kháng chiến thần thánh chống xâm lược Pháp và đế quốc Mỹ và các cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc, âm nhạc luôn là binh chủng đi đầu vừa dịu dàng nhân văn nhân bản, vừa hùng đanh thép, khơi dậy hào dùng, hào khí hàng ngàn năm của dân tộc “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Tiếng hát át tiếng bom”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”… Khi nói đến nền âm nhạc cách mạng của chúng ta mấy chục năm qua, nhắc nhớ và ghi ơn các nhạc sĩ nổi tiếng có công đóng góp to lớn cho cách mạng, không thể không nói đến nhạc sĩ, Đại tá, Tiến sĩ Doãn Nho. Ông là một nhạc sĩ xuất sắc tiêu biểu của Quân đội ta và đất nước ta, cả cuộc đời ông gắn bó với cuộc sống binh nghiệp. Ông tham gia Cách mạng rất sớm, từ thập niên 40 của thế kỷ trước. Hơn ai hết, ông là người hiểu sâu sắc cuộc sống gian lao, vất vả, anh dũng và nhiều hy sinh mất mát của người lính, của nhân dân mình. Tác phẩm của ông luôn phản ánh chân thật sinh động cuộc chiến đấu, lao động, rèn luyện rất đỗi gần gũi, thân thương, hào hùng của quân và dân ta. Nhiều tác phẩm thanh nhạc, khí nhạc của ông được các thế hệ nghệ sĩ, ca sĩ của cả nước, trong đó có các nghệ sĩ, ca sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam thể hiện thành công, đã, đang vang vọng, lan tỏa trên sóng Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, các nhà hát, các sân khấu nghệ thuật… đến với đông đảo khán thính giả, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài.

Xin trân trọng cảm ơn nhạc sĩ Doãn Nho về những cống hiến của ông cho Đất nước. Kính chúc ông luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, dồi dào năng lượng sáng tạo, tiếp tục có thêm những đóng góp quý báu cho âm nhạc nước nhà”.

*

Nhạc sĩ Doãn Nho sinh năm 1933 tại làng Cót, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội. Ông đã được tiếp xúc với âm nhạc từ rất sớm và bắt đầu học Violon từ năm 10 tuổi. Đại tá, Nhạc sĩ Doãn Nho đã sáng tác ca khúc đầu tiên “Bài hát đào than” và “Bà mẹ nuôi” khi ông là quản ca của Đại đội 5, tiểu đoàn 3, Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam khoá 6 (năm 1950 – 1951). Bài hát “Bà mẹ nuôi” trở thành nhạc vũ cảnh phục vụ chiến sĩ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Hợp xướng “Sóng Cửa Tùng” được ông sáng tác năm 1955 về chủ đề đấu tranh thống nhất đất nước – hai bên bờ Hiền Lương. Đây cũng là một trong những tác phẩm hợp xướng đầu tiên của Việt Nam.

Cả cuộc đời gắn bó với binh nghiệp, Đại tá, Nhạc sĩ Doãn Nho đã có nhiều tác phẩm trở thành biểu tượng cho một  giai đoạn hào hùng của đất nước như “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Người con gái sông La”, “Chiếc khăn Piêu”… và đặc biệt “Tiến bưới dưới Quân kỳ” là một trong những bài hát quy định của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhạc sĩ Doãn Nho vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Giải thưởng cao quý - Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2017; Huân chương Độc Lập hạng 3, Huân chương Lao Động hạng 3, Huân chương Chiến Công hạng 3,  Huân chương Kháng Chiến hạng 1, Huân chương Quân Công hạng 1, và nhiều Giải thưởng Âm nhạc.

Một số hình ảnh tại Đêm nhạc:

Vợ chồng nhạc sĩ Doãn Nho – ca sĩ Nguyệt Ánh bên gia đình và các đồng nghiệp, đồng chí

Hai cha con nhạc sĩ: TS, Nhạc sĩ Doàn Nho – NSƯT Doãn Nguyên

Vợ chồng nhạc sĩ Doàn Nho – ca sĩ Nguyệt Ánh

 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.