You are here

Đi tìm nàng xuân của một người tình Hà Nội

Tác giả: 
Nguyễn Thị Minh Châu

Được ví như một người tình của Hà Nội, Phú Quang khắc khoải với từng khoảnh khắc sang mùa, từ hạ (Mùa hạ còn đâu) tới thu (Đâu phải bởi mùa thu, Khúc mùa thu…), đặc biệt là đông (Hà Nội và em khi thu chớm đông sang, Nỗi nhớ mùa đông, Lãng đãng chiều đông Hà Nội…) - cứ như thể những "nóc phố mồ côi mùa đông", "gió mùa Đông Bắc se lòng", "chiều đông lạnh giá đến bơ vơ"… là biểu tượng cho nỗi nhớ Hà Nội chẳng khi nào nguôi ngoai trong anh. Ấy vậy mà không có bài nào về mùa xuân!

Phú Quang ơi, anh dấu nàng Xuân của anh ở đâu?

Thế là chơi trò ú tim với nàng Xuân của Phú Quang, tôi lục lọi lời ca, ngân nga giai điệu… Chập chờn đầy vơi ly rượu ngả nghiêng đất trời, chơi vơi đâu đó bóng ai trong nét nhạc hứ hự Đêm Ả đào. Và… eureka! Xuân đây rồi, một mùa xuân Hà Nội chính hiệu nhé:

Chắp tay lạy thánh nhân trời đất
Em khói hương thanh thản một phần đời
Thả hồn mình bồng bềnh cõi Phật
Ta khói hương để khỏi chơi vơi…
(Chiều phủ Tây Hồ - thơ: Thái Thăng Long)

Cả bài không gọi "xuân" lấy một lần, cũng không da diết "Hà Nội ơi", không hào hùng "Hà Nội đó". Song đâu đây vẫn phảng phất hương xuân, vẫn bâng khuâng sắc xuân đặc trưng đất Hà Thành. Người Hà Nội đến phủ Tây Hồ mỗi dịp Tết đến, không chỉ để được đắm chìm vào khung cảnh đầu xuân mờ ảo sương giăng mặt hồ, mà còn để dâng hương cúng lễ cầu may, bỏ lại phía sau mọi ưu tư sân si đời thường cho tâm được an hơn được đến gần hơn nơi cõi Phật.

Xuân kết nối người với người, tình với tình, lẽ thường là vậy, mà đây không hẳn vậy. Xuân ở chốn trầm mặc thâm nghiêm này kết nối thực với ảo, đời với mơ, hồn nhân thế với cõi tâm linh.

Những nỗi buồn gieo neo đời vắng
Bỗng chợt như thanh thản trước chiều nay
Hồn ta tĩnh lặng bên chùa nắng
Gió Tây Hồ thổi mãi mái rêu phong.

Như phần lớn những bài hát phổ thơ của Phú Quang, nhạc sĩ lựa ra những câu thật tâm đắc, cụ thể ở đây là 5 câu trọn vẹn và 3 nửa câu trong bài thơ 26 câu của Thái Thăng Long, rồi viết thêm hơn chục câu phát triển hồn thơ theo mạch cảm xúc âm nhạc để kể câu chuyện của riêng mình với Hà Nội.

Hà Nội với Phú Quang là tất cả: là mẹ - người đàn bà đầu tiên và mãi mãi không bao giờ phản bội, là quê hương và gia đình, là tuổi thơ và tuổi trẻ, là tình yêu và nỗi nhớ, là những điều giản dị mà vô giá… Nhạc sĩ từng bộc bạch: "Một khi ta đã yêu cái gì đó tha thiết quá thì đều có cảm giác như một người tình". Có lúc nhớ Hà Nội quay quắt, anh đã bay về ngay đêm giao thừa như trở về một góc bình yên nhất trong tâm hồn, để được tình yêu Hà Nội nạp cho năng lượng mới trước khi lại tiếp tục hành trình xa Hà Nội. Rồi sau 1/4 thế kỷ da diết nhớ nhung, anh lại quay về làm công dân Thủ đô để cuối đời được ra đi mãi mãi trong lòng Hà Nội.

Sương giăng đỉnh núi mờ xa
Phủ Tây Hồ bâng khuâng huyền thoại
Xa xanh hạc trắng bay về
Chiều như cơn mơ vỗ về hồn ta bơ vơ…

Chiều xuân của Phú Quang đẹp trầm tư và buồn man mác. Giọng "rê thứ tự nhiên" (d-moll) đượm vẻ u hoài của bài Xuân nữ pha trộn với màu sắc thứ phương Tây là điệu tính ưa thích của các nhạc sĩ thời đầu Tân nhạc. Điệu tính này được nhấn nhá bởi hai nhân tố chính: f-e-d (ứng với: ư-ư-ừ, Tây Hồ, hồn mình, tĩnh lặng) và f-e-a (ứng với: chậm rơi, đỉnh núi mờ xa). Không chỉ giai điệu, mà cả lời ca cũng có sự lặp lại với các từ "chậm rơi", 'bồng bềnh", như níu thời gian vào không gian, níu chiều xuân dập dềnh trên sóng nước.

Chiều Tây Hồ an lành thanh tịnh với đường nét giai điệu mượt mà bình ổn. Song ẩn dưới vẻ ngoài yên tĩnh ngâm ngợi là những xao động ngầm với các chùm ba (triolet) và tiết tấu liên tiếp đảo phách (syncope), với nhiều bước nhảy các quãng 7 và 8 cùng các nốt luyến và lướt, đặc biệt là nét vuốt lên quen thuộc của lối hát Ả đào, ma mị và quyến rũ đến gai người.

Cũng cần ghi nhận chất phiêu linh của Ả đào còn được cộng hưởng từ cách hát, cách nhả chữ rung nhấn đặc thù, mà các nghệ sĩ thế hệ khác nhau đều góp phần chuyển tải theo tinh thần tác giả. Chiều phủ Tây Hồ đã gắn với giọng hát Lê Dung, Ái Vân, Thanh Lam, Tấn Minh, Khánh Linh, Tùng Dương…

Các nhạc sĩ thường khai thác chất liệu Ca trù trong những tác phẩm về Hà Nội, cứ như đây là đặc sản của riêng đất Hà Thành. Quả là không gì gợi lại thú chơi tao nhã ngày xuân của thi nhân mặc khách xưa hiệu quả bằng Ca trù. Song đó là chuyện sau này, còn đầu những năm 90, khi Chiều phủ Tây Hồ ra đời (1993), Ca trù chỉ vừa thoát khỏi cảnh cấm đoán triệt để và phục hồi vẫn chưa được bao nhiêu. Các nhà nghiên cứu sưu tầm âm nhạc còn đang loay hoay vớt vát những mảnh vỡ ký ức trong nhân gian để hơn thập niên sau nữa mới hoàn thành hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh Ca trù là di sản phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp (2007).

Chiều phủ Tây Hồ không "hơi hơi Tây" như phần lớn giai điệu của Phú Quang. Có lẽ đây là một trong số ít ca khúc mang âm điệu cổ truyền ở anh. Với cấu trúc tự do, không vuông vắn, không cân đối, giai điệu liên tục phát triển cho đến coda mới tái hiện 6 nhịp mở đầu ("chiều như chầm chậm rơi"), trước khi đay đi đay lại một lời cầu khấn trên những nét nhạc khác nhau: "Hóa vàng đi em".

"Hóa vàng đi em…". Hóa vàng là gạch nối giữa hai thế giới âm dương. Giá mà có thể hóa vàng những dòng này gửi về nơi xa lắm, nơi anh đã bắt đầu mùa xuân mới trong cõi nhớ.

Chiều phủ Tây Hồ qua tiếng hát Lê Dung: https://youtu.be/69wY4craPeo

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.