You are here

Điệu đàn sao khuya sóng sánh

Tác giả: 
Nguyễn Trương Quý

Phòng trà ca nhạc là một hình thức sinh hoạt văn hóa ra đời tương đối muộn ở Hà Nội so với sự ra đời tân nhạc từ nửa sau thập niên 1930. Những phòng trà đầu tiên được xác nhận xuất hiện sau khi nước Việt Nam độc lập năm 1945. Trong hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy, ông đã nhắc đến những phòng trà đầu tiên ra đời quanh Hồ Gươm cuối năm ấy.

Trong vòng chưa đầy một cây số quanh Bờ Hồ, những phòng trà là nơi lưu dấu các tên tuổi của tân nhạc Việt Nam thời kỳ đầu.

Nơi khai mở tân nhạc

Hơn 80 năm trước, ở những con phố chật hẹp Hà thành quanh Hồ Gươm, đã có nhiều địa điểm ghi dấu các sự kiện văn hóa. Người ta đã ghi nhận sự ra đời chính thức của tân nhạc gắn với Hội quán Trí Tri ở 47 Hàng Quạt. Vào tháng 3.1938, tại đây đã có buổi giới thiệu một vài ca khúc tân nhạc của Nguyễn Văn Tuyên, và được báo Ngày nay đăng tải trong số các ca khúc tân nhạc được công bố đầu tiên, cùng với các bài hát của Nguyễn Xuân Khoát và các nhạc sĩ trẻ như Dương Thiệu Tước, Văn Chung, Thẩm Oánh, Lê Yên...

Hội quán Trí Tri (Société d’Enseignement Mutuel du Tonkin) có trụ sở là một ngôi nhà kiến trúc Pháp-Á, mặt tiền trang trí hoa văn Á Đông, nơi những học giả Bắc kỳ mở những lớp dạy về kiến thức với chủ trương quảng bá tân học gồm các đề tài khoa học như vệ sinh, phong tục, cùng các kiến thức mới lạ đến trí thức Việt Nam từ năm 1892 đến 1945.

Quán rượu Taverne Royale ở phố Đinh Tiên Hoàng năm 1954

Ngày 29.8.1938, cùng năm với cuộc vận động tân nhạc, nơi này ra đời Hội Truyền bá chữ quốc ngữ với Hội trưởng là học giả Nguyễn Văn Tố, ông cũng là Hội trưởng Hội Trí Tri. Hội Truyền bá chữ quốc ngữ đóng vai trò rất quan trọng trong việc xóa nạn mù chữ trong quần chúng, tiền thân của Nha Bình dân Học vụ sau Cách mạng tháng Tám. Nơi đây cũng là trụ sở của Hội Âm nhạc Bình Minh, một hội âm nhạc yêu nước trong cao trào cách mạng. Ngôi nhà ở phố Hàng Quạt, cách Hồ Gươm chỉ hơn 300m tình cờ hội tụ những dấu mốc thời gian quan trọng của những hoạt động văn hóa và tri thức của dân tộc, ngày nay là trung tâm giáo dục thường xuyên, được mang tên Nguyễn Văn Tố.

Trong những ngày tháng sau đó, các rạp chiếu bóng là nơi những bài hát được trình bày. Nằm trong trào lưu cải cách văn hóa hay còn gọi là Âu hóa, các bài hát cũng mang tên nhạc cải cách. Những sân khấu nhỏ bé tại các chợ phiên, rạp chiếu bóng, cải lương, nơi các bài hát được hát trước và giữa các giờ giải lao, thậm chí tham gia như tiết mục biểu diễn trong các vở cải lương, đã gieo một ý niệm về âm nhạc mới.

Cuối năm 1940, Đặng Thế Phong đã biểu diễn ca khúc Con thuyền không bến tại rạp Olympia (nay là rạp Hồng Hà, trước chợ Hàng Da) trong một buổi diễn kịch. Nhưng đến lúc đó, tân nhạc vẫn chưa hẳn đã chiếm lĩnh không gian văn hóa đô thị. Vào đầu thập niên 1940, thú vui của các tao nhân mặc khách vẫn là những xóm cô đầu như Khâm Thiên, Vạn Thái hay Ngã Tư Sở, thậm chí Vũ Bằng vào năm 1973 khi nhớ lại, đã gọi đây là “cái nôi của văn nghệ Hà Nội ba chục năm về trước”.

Đơn giản là ca trù (tức hát cô đầu) đã có địa chỉ riêng, còn tân nhạc vẫn là thân phận ở nhờ những sân khấu ca kịch truyền thống hay chiếu bóng. Nhà hát Lớn vẫn chỉ dành cho những sự kiện long trọng, các vở kịch nói và không mở cửa thường xuyên.

Vì thế, các phòng trà ra đời như một quy luật tất yếu, nhờ quy mô nhỏ gọn. Đi cùng việc ra đời phòng trà vào cuối năm 1945 là nhờ lứa nhạc công đã có kinh nghiệm chơi nhạc từ trước trong các quán rượu hay các dàn nhạc nhà thờ, như các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Giệp, Nguyễn Hữu Hiếu, Nguyễn Thiện Tơ... Sự lớn mạnh của tầng lớp tư sản thành thị và lòng tự tôn dân tộc được cuộc cách mạng bồi đắp đã dẫn tới nỗ lực trình bày những bản nhạc cải cách.

Một trong những giọng ca nam chính là nhạc sĩ Phạm Duy đã kể lại những chi tiết về các phòng trà đầu tiên ở Hà Nội khi phong trào đi nghe nhạc ở đây diễn ra như “Quán Nghệ Sĩ ở đường Bờ Hồ, do tay violonist số một là Nguyễn Văn Giệp điều khiển”, “ở phố Hàng Bông, có Phòng trà Thăng Long” hay “phố Thợ Nhuộm có Phòng trà Tuyết Sơn có Vũ Thành thổi sáo”. Phòng trà Thiên Thai lấy theo tên bài hát của Văn Cao ở phố Hàng Gai, nơi Phạm Duy cũng biểu diễn như một ca sĩ tại đây, và ông đã giới thiệu Thương Huyền, “giọng hát phái nữ hay nhất của lúc đó”, đưa cô trở thành ngôi sao tân nhạc.

Những giọng ca nổi bật của nước Việt Nam mới lúc này cũng biểu diễn ở các phòng trà như Mai Khanh, Kim Tiêu, Bùi Thị Thái (tức NSND Tuyết Mai sau này), hay các nhạc sĩ nổi tiếng cũng chơi đàn hoặc dẫn chương trình tại các phòng trà như Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh... Tại những phòng trà như thế này, các bài hát lãng mạn được phổ biến ra công chúng, nhưng ngay cả các bài hát cách mạng trong cao trào giải phóng dân tộc vừa thành công khi ấy cũng được vang lên.

Trong Đốt lò hương cũ,  Đinh Hùng đã kể lại câu chuyện nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát cùng Nguyễn Văn Giệp chơi đàn trong Quán Nghệ Sĩ mùa thu năm 1946, khiến cho một toán lính lê dương say rượu thôi làm loạn quán nhạc. Âm nhạc ở phòng trà như thế này vào thời gian ấy đã được chấm phá đôi nét nhiều gợi cảm trong tùy bút Một lần tới thủ đô của Trần Đăng:

Thủ đô Việt Nam được tô điểm bằng bao nhiêu mầu sắc quốc tế. Đời sống Việt Nam cũng phản chiếu được ngay cái ánh sáng phù hoa ấy. Phòng trà ở góc phố; bàng bạc một ánh sáng đều nhạt, dịu dàng. Những thanh niên tuấn tú ngồi bên những mầu áo thêu hoa. Những tiếng đàn rên rỉ ở những cung trầm. Xa chút nữa, cánh cửa của một tiệm nhảy hé mở để một võ quan ngoại quốc cao lớn lách vào cùng với một tà áo đỏ để thoáng lộ ra những cặp thướt tha cũng như chợt thoáng bay ra ngoài tiếng đàn lả lướt.

Tiếng đàn lả lướt vẳng đưa trên trời và trong đêm Hà Nội. Những ham muốn mạnh mẽ và hồi hộp nặng sa vào trong lòng mấy chàng thanh niên bước vội trên vỉa hè. Nước Hồ Gươm rung làn ánh sáng như giục giã. Chút sương mờ trước mắt như đợi chờ.

Ký ức về phòng trà đã trở nên đáng kể trong tạo dựng hình dung về Hà Nội những năm tháng ấy. Phòng trà cho dù chỉ đáp ứng một thiểu số thị dân có điều kiện nhưng vùng âm thanh lan tỏa của chúng rộng hơn, vang hơn trong không gian và thời gian.

Giai đoạn tạm chiếm

Trong thời gian Hà Nội tạm chiếm (1947-1954), hoạt động biểu diễn âm nhạc thoạt đầu còn thưa thớt do hoàn cảnh chiến tranh. Dòng người hồi cư năm 1949-1950 kéo theo nhu cầu giải trí đô thị, tạo ra động lực cho các chương trình âm nhạc trên đài phát thanh bên cạnh chức năng tuyên truyền thông tin, các chương trình ca nhạc phụ trợ cho các buổi diễn cải lương hay chiếu bóng. Vào thời điểm đầu thập niên 1950, Hà Nội có khoảng 16 rạp chiếu bóng, 9 rạp hát. Những nơi này gần như là điểm thu hút thị dân hàng tuần đông nhất để được giải trí và tạm quên đi đời sống nhộn nhạo thời chiến. Tại các sân khấu này, vào nửa tiếng trước giờ chiếu hoặc giữa các buổi diễn sân khấu, thường có một chương trình ca nhạc ngắn độ 4-5 ca khúc tân nhạc, biểu diễn những bài hát được yêu thích lúc ấy, mà nhiều bài được sáng tác ở vùng kháng chiến.

Những giọng ca nổi bật lúc này phải kể tới ca sĩ Minh Đỗ, Ngọc Bảo, Tâm Vấn, Anh Ngọc, Đoàn Minh, Bích Thọ hay chính nhạc sĩ Hoàng Giác, được quảng cáo là “tinh hoa của âm nhạc cải cách”. Vào thời điểm chiến cuộc ở Đông Dương đi vào ngã ngũ, ở Hà Nội xuất hiện một lứa ca sĩ được giải qua các cuộc thi hát của đài phát thanh Hà Nội hay từ các cuộc hát chợ phiên như Thanh Hằng, Thanh Hiếu, Trần Ngọc, Huyền Nga, Anh Tuấn... cùng với các ca sĩ từ Hải Phòng lên hay từ Huế, Sài Gòn ra như Mộng Dung, Lệ Thu, Mộc Lan, Châu Kỳ...

Quảng cáo phòng trà Hoa Việt cuối năm 1954

Các nghệ sĩ cải lương cũng lấn sân tân nhạc như Kim Chung, Kim Xuân, hai nữ nghệ sĩ đóng vai chính trong phim Kiếp hoa, bộ phim nói tiếng Việt hoàn chỉnh đầu tiên năm 1953. Trong phim này, các nghệ sĩ đoàn Kim Chung đã hát các bài tân nhạc như Dư âm (Nguyễn Văn Tý), Làng tôi (Chung Quân) hay Cây đàn bỏ quên (Phạm Duy), góp phần đưa bộ phim trở nên ăn khách bậc nhất cũng như các bài hát được phổ biến rộng rãi. Các sân khấu tại rạp Long Biên (phố Hàng Chiếu), Hiệp Thành (Đào Duy Từ), Olympia (chợ Hàng Da) hay Mê Linh (Lò Đúc) là những địa điểm để các ca sĩ xuất hiện.

Nhạc sĩ có những hoạt động âm nhạc năng suất nhất giai đoạn này có lẽ là Thẩm Oánh. Bên cạnh việc dạy nhạc, ông xuất bản rất nhiều bài hát và cộng tác với đài phát thanh Hà Nội, tham gia Ban Việt Nhạc, nơi đã biểu diễn và phát sóng hàng trăm ca khúc của 120 tác giả, cả ở vùng kháng chiến lẫn những người hồi cư. Nhiều bài hát mới sáng tác cho kháng chiến như Tiến về Hà Nội, Ngày mùa, Nương chiều, Tiếng hát sông Lô, Mơ đời chiến sĩ, Người Hà Nội... được phát sóng thời gian này.

Điều này một mặt cho thấy sự nới lỏng kiểm duyệt để tranh thủ tình cảm đồng bào hồi cư, những người đã quen với không gian âm nhạc kháng chiến, mặt khác cho thấy sự cởi mở tương đối của người chủ trì nhạc mục phát thanh này. Vào giai đoạn này, vợ nhạc sĩ Thẩm Oánh là bà Tô Anh Đào, một nghệ sĩ dương cầm, mở một salon nghệ thuật ở 164 phố Huế. Những salon nghệ thuật như thế mọc lên trong thành phố, thay thế các xóm cô đầu ngày trước. Các nhạc sư cũng góp phần khiến nam thanh nữ tú say mê việc đàn hát như Nguyễn Thiện Tơ, Nguyễn Văn Khánh, William Chấn...

Các nghệ sĩ Việt thời này vẫn ôm ấp những khát vọng học hỏi Liszt, Schubert hay Chopin, những đại biểu của âm nhạc cổ điển lãng mạn. 

Thời kỳ chuyển hóa

Giai đoạn sau khi tiếp quản Hà Nội, các hoạt động âm nhạc của thành phố mau chóng trở lại náo nhiệt. Nhiều rạp hát đã hội tụ các nguồn lực âm nhạc Hà Nội cũ cũng như từ vùng kháng chiến về, tạo ra một không khí khá hân hoan đón chào một đời sống mới. Các rạp Majestic (Tháng Tám), Eden (Công Nhân) hay nhiều rạp quanh khu phố cổ tưng bừng các chương trình chào mừng chiến thắng mà trong đó vẫn biểu diễn những bài hát lãng mạn. Ca sĩ Trần Ngọc trước khi di cư vào Nam đã biểu diễn một thời gian tại rạp Eden cuối năm 1954, khi vào Sài Gòn ông chuyển sang sáng tác với bút danh Tuấn Khanh mà nhiều người biết.

Giai đoạn này đời sống âm nhạc được sôi động là nhờ các ban nhạc của các nhạc sĩ danh tiếng như Tu My, Tạ Tấn, Hoàng Dương, Huy Cẩn, Đỗ Liên. Các ban nhạc Lúa Vàng, Sóng Vàng, Tự Do, các ban hợp ca Zota (Tháng Mười) hay Bình Minh lôi cuốn nhiều thanh niên yêu văn nghệ tìm đến. Nếu trước đây âm nhạc là phương thức giải sầu thì giờ đây, là lĩnh vực để thể hiện bản thân và sự hòa nhập cộng đồng.

Ban Việt Nhạc của đài phát thanh Hà Nội tại trụ sở 58 Quán Sứ vào năm 1949. Hàng đứng từ trái: Canh Thân, Nghĩa, Nguyễn Hách Hiển, Bùi Ngọc Bảo, Nguyễn Văn Sợi, Nguyễn Đại, Vũ Thành, Nguyễn Thường, Nguyễn Thái Quy, Trần Văn Nhơn, Nguyễn Trí Nhượng, Nguyễn Thiện Tơ, Huy Thư. Hàng trước: các ca sĩ Minh Đỗ, Minh Phương, Tâm Vấn. (Ảnh trong bài là tư liệu Nguyễn Trần Dũng)

Cuối năm 1954, quán rượu Taverne Royale cũ ở đường Bờ Hồ (tức Đinh Tiên Hoàng) được đổi tên là Phòng trà Hoa Việt. Đây có lẽ là địa chỉ hiếm hoi định danh là một phòng trà, nhưng dường như cũng chỉ tồn tại một thời gian ngắn. Vào ngày đầu năm 1955, rạp Đại Đồng khai trương với giám đốc Đoàn Chuẩn và phó giám đốc Từ Linh, cặp tác giả của những tình khúc mùa thu nổi tiếng. Tại sân khấu số 46 Hàng Cót này, các danh ca Minh Đỗ, Thanh Hằng, Thanh Hiếu hàng đêm chinh phục khán giả Hà thành. Thanh Hằng là ngôi sao thủ khoa cuộc thi hát hè 1953 của đài phát thanh Hà Nội, giờ đây là nàng thơ cho Đoàn Chuẩn, tạo cảm hứng cho ông sáng tác những bài tình ca đặc sắc sau 1954 như Lá đổ muôn chiều, Tà áo xanh, Vàng phai mấy lá…

Ngày nay, khi các phòng trà đã quay trở lại với đời sống đô thị, khán giả vẫn có xu hướng hồi cố bóng dáng của phòng trà hay sân khấu xưa, nơi các tao nhân mặc khách tụ hội, định hình một phong cách thẩm mỹ Hà Nội gây ảnh hưởng đến bây giờ.

Rạp Đại Đồng duy trì sân khấu ca nhạc sôi nổi, giống như một phòng trà quen thuộc bên cạnh chiếu phim suốt năm 1955, rồi hoạt động âm nhạc cũng chấm dứt khi Đoàn Chuẩn thôi không sở hữu rạp và chuyển sang dạy đàn ở trường Âm nhạc phổ thông vào năm 1956.

Sân khấu ca nhạc từ thời điểm này chuyển dần sang các sân khấu ngoài trời cũng như tại các nhà văn hóa do nhà nước quản lý. Các ca sĩ cũng sinh hoạt trong các đoàn thể, hình thức biểu diễn tự do nhường chỗ cho các chương trình trong kế hoạch. Đời sống giải trí thị dân cũng chuyển hướng sang hệ thống thẩm mỹ xã hội chủ nghĩa. Nhưng tự thăm thẳm trí nhớ, vẫn còn những dư âm. Trong một đêm đông thời chiến tranh, Văn Cao đã thốt lên: “Nhớ một điệu đàn. Vũng sao khuya sóng sánh” (Một đêm Hà Nội). 

Ngày nay, khi các phòng trà đã quay trở lại với đời sống đô thị, khán giả vẫn có xu hướng hồi cố bóng dáng của phòng trà hay sân khấu xưa, nơi các tao nhân mặc khách tụ hội, định hình một phong cách thẩm mỹ Hà Nội gây ảnh hưởng đến bây giờ. Trong ca khúc cuối đời của mình, Đoàn Chuẩn đã nhớ lại không khí phòng trà, rạp hát thời ghi dấu những cuộc tình và sự thăng hoa nghệ thuật của mình: 

Một gói nho khô, một cánh pensée
Một áo nhung đen, lấp lánh ánh đèn, đèn quay màu tím
... Tim cũng không ngờ, làm nên lời thơ
Tim cũng không ngờ, làm nên lời ca
(Một gói nho khô, một cánh pensée - 1988)

Những chất liệu nhỏ bé như áo nhung đen, ánh đèn quay màu tím, đã đi vào ký ức và trở thành nguồn cơn cho những mỹ cảm không phai. Như Đoàn Chuẩn đã đúc kết, tim cũng không ngờ làm nên lời ca, những thứ như phòng trà, sân khấu, ánh đèn... đã được không gian hóa và chứa đựng hồn vía cả một thời đoạn, một tuyên ngôn nghệ thuật và một cá tính đô thị. 

(Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.