You are here

Đỗ Trí Dũng - Cháy bỏng với tình yêu âm nhạc

Tác giả: 
Xuân Tuynh

Tôi biết nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Ngày ấy, Đỗ Trí Dũng từ miền Bắc vào làm việc ở Đài Truyền hình Nha Trang, tỉnh Phú Khánh (nay là Đài Phát thanh Truyền hình Khánh Hòa). Lúc đầu, Đài Truyền hình Nha Trang mới thành lập, cán bộ biên tập, phóng viên còn ít, cả Đài vỏn vẹn vài chục người, kể cả bộ phận kỹ thuật. Trước khi về đầu quân cho Đài Truyền hình Nha Trang, nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng là biên tập viên ở Chương trình “Bông hoa nhỏ” của Đài Truyền hình Việt Nam, từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Thời điểm đó tôi là phóng viên văn xã của báo Phú Khánh (nay là báo Khánh Hòa), Đỗ Trí Dũng thường xuyên đi công tác với tôi về cơ sở. Chúng tôi quen nhau từ ấy.

Nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng (1942 – 2016)

Đỗ Trí Dũng sinh ngày 24/4/1942, quê ở Đại Lãnh, Đại Lộc, Quảng Nam. Anh hơn tôi một giáp. Vì vậy, tôi coi Đỗ Trí Dũng là bậc đàn anh. Đỗ Trí Dũng là nhạc sĩ, bất đắc dĩ phải chuyển sang làm báo vì thế anh chưa quen với công việc của một nhà báo. Khi thâm nhập thực tế khai thác lấy tư liệu, anh thường trao đổi với tôi cùng các nhà báo, có thâm niên trong nghề ở Đài để học hỏi kinh nghiệm. Đỗ Trí Dũng là người thông minh, anh tiếp thu nhanh. Chỉ trong một thời gian ngắn đi công tác cùng chúng tôi, anh đã viết được tin bài. Là nhạc sĩ, anh có lợi thế khi về cơ sở. Các bạn trẻ ở địa phương những năm đầu giải phóng rất đam mê văn nghệ, yêu thích các bài ca cách mạng. Biết Đỗ Trí Dũng là nhạc sĩ, về đến làng xã nào Đoàn thanh niên, Công đoàn, Hội phụ nữ cũng mời nhạc sĩ dạy đàn, hát. Đỗ Trí Dũng là người rất yêu nghề. Anh có thể ôm đàn ca hát suốt ba bốn giờ đồng hồ không biết mệt. Anh rất nhiệt tình với phong trào ca hát của quần chúng. Ở đâu, nơi nào yêu cầu anh cũng đều có mặt.

Suốt mười năm, từ đầu năm 1980 đến 1990, hoạt động văn hóa văn nghệ - thể thao của Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Khánh rất mạnh mẽ. Ở câu lạc bộ tổng hợp trụ sở 46 đường Trần Phú - Nha Trang (nay là Trung tâm Hội nghị tỉnh Khánh Hòa) hàng tuần đều có tổ chức hoạt động văn nghệ. Anh chị em văn nghệ sĩ chuyên và không chuyên như: Xuân An, Đỗ Trí Dũng, Xuân Anh, Bích Đào, Hồng Sơn, Hồng Nga, Bích Diệp, Ân Nam, Thanh Nam, Quốc Dũng, Ngọc Thọ, Vân Khánh, Quỳnh Giao, nhạc sĩ Văn Bình, Minh Đạo v.v... tham gia hết mình.

Từ phong trào đó đã có nhiều ca khúc mới của các nhạc sĩ ra đời, được công chúng đón nhận như: Đợi mưa ở đảo Sinh Tồn của Xuân An; Bài ca Phú Khánh của Mác Tuyên; Đến với rừng của Huy Cường; Phú Khánh một khúc ca của Tố Hải; Nguyện làm con sóng của Đỗ Trí Dũng v.v...

Nhiều giọng ca trưởng thành từ Câu lạc bộ Công đoàn Phú Khánh ngày ấy như: Ngọc Diệp, Tấn Hồng, Hồng Nga, Khánh Phương, Thanh Nam, Vân Khánh, Thanh Trúc, Tịnh Tâm, Anh Đào...

Trở lại với nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng, anh say mê âm nhạc, nhiệt tình với phong trào văn nghệ ở cơ sở, nhiệt thành với bạn bè đồng nghiệp, đó là những nét đặc trưng nổi bật đáng yêu của Đỗ Trí Dũng.

Nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng sáng tác khá đều, có thể nói tháng nào anh cũng cho ra tác phẩm mới. Mảng đề tài anh viết nhiều là ca khúc dành cho thiếu nhi. Anh đã cho ra đời tập ca khúc cho thiếu nhi khá dầy, mang tên: “Những đám mây sẽ kể”. Ở mảng đề tài này, anh gặt hái khá thành công với một số giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, của tỉnh Khánh Hòa... Tiêu biểu như: Ca khúc Những đám mây sẽ kể, Bài ca vá áo, Theo cánh chim quyên, Nguyện làm con sóng, Như cầu vồng bảy sắc.

Bạn bè, những người thân gần gũi với Đỗ Trí Dũng, tất cả đều có chung một nhận xét: “Đỗ Trí Dũng rất yêu nghề, si mê âm nhạc. Có thể nói không ngày nào anh rời cây đàn ghi ta cũ kỹ, nó gắn bó với anh trọn cả cuộc đời”. Trong khoảng thời gian chừng sáu bảy năm, từ năm 2014 trở lại đây, Đỗ Trí Dũng lâm bệnh trọng, sức khỏe suy giảm, có năm anh đi nằm viện cả tháng trời. Vốn là một người to khỏe như một võ sĩ, cưỡi chiếc mô tô phân khối lớn chạy băng băng khắp mọi nơi trong tỉnh Khánh Hòa, nhiều khi anh cùng với ca sĩ Ân Nam chở nhau đi lên Đắc Lắc, Gia Lai... giao lưu  hát với bạn bè đồng nghiệp. Vậy mà khi lâm bệnh người anh ốm yếu gầy guộc, làm nhiều người nhìn thấy anh bàng hoàng.

Tuy bệnh như vậy, có thời điểm không ăn cả tuần liền, nhưng có bạn đến thăm nói về âm nhạc, hoặc hát lên một ca khúc thân quen nào đó là mắt anh tỉnh táo lạ thường, đôi bàn tay còn vỗ nhịp theo tiếng hát. Một người bạn đã xúc động trước tình yêu âm nhạc của Đỗ Trí Dũng, đã viết thơ tặng Đỗ Trí Dũng: “Cuộc đời vẫn đẹp sao/ Tình yêu vẫn đẹp sao/ Đôi mắt anh sáng lung linh / Đôi môi sáng nụ cười / Như nụ hồng nở mỗi sớm mai / Câu hát như nhiệm màu / Người nhạc sĩ già trên giường bệnh / Thấy hồn mình bay bay / Giữa khoảng trời cao rộng”.

Vào những ngày nằm điều trị ở Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa, tuy rất đau mỗi khi cơn bệnh hành hạ, nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng vẫn lạc quan, và mấp máy miệng hát thầm. Âm nhạc là liều thuốc giúp anh vượt qua nỗi đau về thể xác. Hiểu được tấm lòng của anh dành cho âm nhạc, Bệnh viện nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa nơi anh điều trị cùng gia đình, bạn bè đã tổ chức cho anh một đêm nhạc tại hội trường bệnh viện. Đêm nhạc có đông bạn bè, người thân và tập thể cán bộ, bác sĩ, công nhân viên của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tới dự. Đêm nhạc diễn ra rất xúc động.

Nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng đã đi vào cõi vĩnh hằng trong sự tiếc thương của gia đình, bạn bè đồng nghiệp.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.