You are here

Duke Ellington: Một người da đen mới

Tác giả: 
Hiền Trang

Trong một lần biểu diễn một bản concerto viết cho piano của Mozart, nghệ sĩ piano cổ điển Robert Levin đã gọi "Mozart là Duke Ellington của thế kỷ 18". Không phải Duke Ellington là Mozart của thế kỷ 20, mà Mozart là Duke Ellington của thế kỷ 18...

Nhà Trắng, ngày 29 tháng 4 năm 1969, Tổng thống Nixon ngồi trước cây đại dương cầm, và dù ông thừa nhận là trước đó chưa từng bao giờ chơi nhạc ở đây, ông cuối cùng vẫn dạo bản Chúc mừng sinh nhật thể theo yêu cầu của một người.

Người đó là Duke Ellington, và hôm đó là kỷ niệm sinh nhật tuổi 70 của ngài "Công tước" (Duke trong tiếng Anh nghĩa là Công tước), cũng là ngày mà ông được trao Huân chương Tự do Tổng thống. Khi nhìn lại lịch sử, có lẽ đây là một trong những phút giây hiếm hoi mà Nixon đã làm điều gì đó đúng đắn trên cương vị của mình.

Trong một lần biểu diễn một bản concerto viết cho piano của Mozart, nghệ sĩ piano cổ điển Robert Levin đã gọi "Mozart là Duke Ellington của thế kỷ 18". Không phải Duke Ellington là Mozart của thế kỷ 20, mà Mozart là Duke Ellington của thế kỷ 18. Đây không phải câu chuyện so cao thấp, mà chỉ là một sự nhìn nhận rằng vai trò của Ellington trong lịch sử âm nhạc xếp ngang hàng với những bậc thầy.

Bernard Shaw viết rằng âm nhạc của Mozart "là thứ âm nhạc duy nhất không hề lạc quẻ nếu đặt vào miệng Chúa". Âm nhạc của Duke Ellington thì không như vậy. Nó không phải thứ âm nhạc của lòng lành và cũng không mang nét đẹp thần thánh như âm vọng từ thiên đường. 

Hoàn toàn ngược lại, người ta vẫn gọi thứ âm thanh mà Duke tạo nên là những âm thanh rừng rú - "bị vặn xoắn và hành hình, nhưng biểu cảm đầy đau đớn… khác xa so với mọi hiểu biết của tôi về jazz", theo một nhà phê bình đương thời.

Và làm sao khác được? Duke Ellington là một người Mỹ gốc Phi. Chỉ riêng cụm từ này thôi đã nói lên rất nhiều điều, một cụm từ mang chứa trong nó quá nhiều lịch sử, quá nhiều nước mắt, quá nhiều máu, quá nhiều những những cơn giận dữ, quá nhiều những sự oằn mình vì nỗi đau.

Thời Duke Ellington khởi nghiệp, những nghệ sĩ da màu chơi nhạc cho dân da trắng nhưng không được ra vào bằng cổng chính. Còn vào những năm tháng đỉnh cao sự nghiệp, khi Ellington tới miền Nam, ông phải thuê một chiếc xe riêng được trang bị như một ngôi nhà di động, bởi nhiều khách sạn và nhà hàng vẫn từ chối phục vụ người da màu, dù người đó có là Duke Ellington đi chăng nữa.

Nhưng như Duke Ellington từng nói, rằng âm nhạc chỉ có hai loại, loại hay và loại dở. Tôi cho rằng trên đời cũng chỉ có hai loại, loại hay và loại dở. Ta không thể không biết về Duke mà thờ ơ với bối cảnh lịch sử của người da màu, nhưng mặt khác, không thể ghim Duke vào cuộc đời một người da màu. 

Nếu bạn gọi Mozart là một trong những nhạc sĩ vĩ đại nhất, vậy cũng hãy gọi Duke như thế, chứ không phải một trong những nhạc sĩ da màu vĩ đại nhất. Nghệ thuật không thể và không bao giờ mang một dòng máu thuần chủng, nó luôn "tạp nham", luôn là một "nồi lẩu" sôi sùng sục của rất nhiều nền văn hóa. Việc là một người Argentina cũng không ngăn cản Borge chịu ảnh hưởng từ Kafka - một nhà văn người Czech. 

Việc là một người da màu cũng không thể ngăn cản Duke Ellington kế thừa Chopin rồi truyền cảm hứng cho Elvis Presley - hai người đàn ông da trắng vĩ đại. Cũng như cây đàn piano được tạo nên bởi những phím đen và những phím trắng, âm nhạc luôn quá thiêng liêng để có thể bị phân tách theo các "màu".

Tôi luôn sững sờ mỗi khi nghe Black and tan fantasy , một trong những giai điệu kinh điển do Duke Ellington và Bubber Miley - một nghệ sĩ trumpet, người cộng sự trong dàn nhạc của Duke - đồng sáng tác. 

Bản nhạc gồm hai "dòng" trumpet, một ảo não và rên rỉ, một tươi sáng và dịu êm, rồi những hợp âm piano bất quy tắc nổi lên, xen lẫn với tiếng trombone ù ù - tất cả đều hoàn toàn là thứ blues của người da màu, để rồi vào chính đoạn kết, một cách trơn tru, bản nhạc kết thúc bằng một đoạn được lấy từ Hành khúc tang lễ của Chopin. 

Black and tan fantasy là một trong những bản nhạc đầu tiên trên thế giới mà từ "black" (đen) được đưa vào tựa đề, thế nhưng, thay vì kiêu hãnh tôn vinh âm nhạc của dân tộc mình, Duke khép lại nó trong giai điệu của một người da trắng,  không sợ hãi và không mặc cảm. Đó chẳng phải là biểu hiện cao nhất của sự hòa hợp sắc tộc?

Hình ảnh câu lạc bộ Cotton, nơi lập danh của Duke Ellington và dàn nhạc của ông. Những buổi diễn của Duke tại đây đã thay đổi bộ mặt của âm nhạc mãi mãi. Câu lạc bộ Cotton cũng được coi là một di tích mang tính lịch sử của khu vực Harlem nói riêng và New York nói chung.

Sự nổi lên của Duke Ellington tại những câu lạc bộ âm nhạc ở khu Harlem vào thập niên 20, thời đại mà F.Scott Fitzgerald gọi là "thời đại jazz", đánh dấu một giai đoạn mà sau này được gọi là Sự Phục Hưng của Harlem. 

Thời đại này gắn liền với phong trào ‘Người da đen mới” cái tên dựa theo một bài tiểu luận của triết gia Alain Locke. Trong bài tiểu luận ấy, Locke khẳng định rằng "cái thời của những dì (1), những bác (2), những vú em (3) đã hết. 

Bác Tom hay Sambo (4) đã qua rồi", và trong quá khứ, một người da đen không được nhìn nhận như một con người cá nhân, mà bị quy giản về những công thức và định kiến: một người da đen chỉ có thể là "một cái gì đó để tranh luận, để phỉ báng hay để bênh vực, để đàn áp hay để nâng đỡ, để quấy rối hay để bảo trợ, một ông kẹ hay một gánh nặng". 

Một người da đen nếu không đau khổ thì phải căm thù, nếu không khát khao tự do thì phải có cuộc đời đầy ắp bi kịch, họ như những con rối hay những hình nộm nhào nặn bởi suy nghĩ của người da trắng, đôi khi là cả những những người da trắng tử tế.

Nhưng, một “người da đen mới” từ chối những áp đặt đó. Và, theo cách đó, ta có thể gọi Duke Ellington là một trong những “người da đen mới” đầu tiên. Ông đã từng là một người rửa bát trước khi vươn lên trở thành một nhân vật lịch sử, nhưng không mấy ai nói xoáy sâu vào điều đó khi nói về cuộc đời Duke Ellington.

Ta không thể phân loại ông, và ông cũng không cho phép ta phân loại. Ông gọi âm nhạc của mình "vượt ra ngoài thể loại", nó chẳng thuộc thể loại nào cả, nó không có giới hạn cho sự tưởng tượng. 

Ông mượn Chopin và ông chơi cả nhạc của The Beatles. Và chi tiết này rất đáng giá, Duke Ellington và dàn nhạc của ông biến tấu nhạc The Beatles vào năm 1970, khi ấy Duke cũng đã 70 tuổi và chỉ 4 năm sau thì ông mất. 

Ở độ tuổi đó, ông vẫn thức thời, vẫn bắt kịp thời đại, vẫn biết ở ngoài kia đám thanh niên đang phát cuồng lên vì cái gì! Có lẽ đó là lí do mà Duke Ellington đã xây dựng được một trong những dàn nhạc hoạt động dài lâu nhất trong lịch sử. 

Hay một ví dụ khác, album Such Sweet Thunder (Thật là một tiếng sấm ngọt ngào) của Ellington ra mắt năm 1956. "Thật là một tiếng sấm ngọt ngào" là một cụm từ trong vở Giấc mộng đêm hè của nhà soạn kịch William Shakespeare, và trong album đó, phần lớn các bản nhạc đều lấy cảm hứng từ những nhân vật của Shakespeare: từ Caesar đến phu nhân Macbeth, từ Hamlet đến Romeo và Juliet,  từ Cleopatra đến Othello, từ ba mụ phù thủy trong vở Vua Lear đến Henry đệ ngũ. 

Nếu nghĩ về việc chúng ta vẫn thường lên án Murakami là nhà văn Nhật mất gốc chỉ vì ông này lấy cảm hứng từ Raymond Chandler và để các nhân vật ăn pizza, ta chợt nhận ra Duke Ellington vẫn cấp tiến ngay cả khi so với những con người của thế kỷ mới (thật chẳng sai khi Nat King Cole nhận xét Duke luôn đi trước thời đại 25 năm). 

Duke không cần viết nhạc về những huyền thoại châu Phi để chứng minh sự giàu có của nền văn hóa của người da màu, ông chọn hẳn Shakespeare, đỉnh cao của văn chương châu Âu. 

Sự vĩ đại của Duke nằm ở chỗ ông không phủ nhận những gì làm nên con người mình, một người da đen cũng đồng cảm với Shakespeare cũng như một người châu Á có thể kết nối với tâm hồn của Chopin. Tầm vóc của một con người không nằm ở sự tự tôn cực đoan hay sự chối bỏ mọi ảnh hưởng của những dân tộc khác. Không màu da nào có thể lớn hơn âm nhạc hay nghệ thuật.

Trắng hay đen, sự phân biệt đó chẳng có gì là quan trọng cả, chẳng có nghĩa lí gì cả, như tên một ca khúc của Duke Ellington, It don't mean a thing, if it ain't got that swing. Chẳng có nghĩa lí gì cả nếu không có một giai điệu swing. Thứ còn lại cuối cùng chỉ có âm nhạc mà thôi.

--------------------------------

(1), (2), (3) Cách gọi những người hầu da đen trong quá khứ
(4) Các nhân vật trong tiểu thuyết “Túp lều bác Tom”, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng về chế độ nô lệ ở miền Nam nước Mỹ.

(Nguồn: http://antgct.cand.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.