You are here

Đừng để tâm hồn trẻ thơ què quặt: Hiếm hoi bài hát mới cho thiếu nhi

Tác giả: 
Thùy Trang

Mặt bằng ca khúc thiếu nhi hiện nay so với nhu cầu sử dụng trong thực tế có một độ vênh khá lớn khiến nảy sinh tình trạng thiếu nhi toàn hát nhạc người lớn, giết chết tâm hồn thơ trẻ.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung vừa được nhận chứng nhận kỷ lục Guiness Việt Nam vì thành tích sáng tác hơn 300 ca khúc thiếu nhi. Anh còn phát hành sách ca khúc thiếu nhi và nhiều trường học sử dụng tập sách nhạc này làm giáo trình giảng dạy. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung khẳng định: "Tôi cũng sinh hoạt trong Hội Âm nhạc TP HCM nên biết có rất nhiều nhạc sĩ viết nhiều bài hát cho thiếu nhi nhưng ai quan tâm để đưa vào sản xuất, phổ biến, truyền thông và ai sử dụng?".

Khó khăn lối ra

Những câu hỏi này của Nguyễn Văn Chung cũng được đặt ra với Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM trong một buổi hội thảo về tình trạng khan hiếm ca khúc hay, do sở này tổ chức trong khuôn khổ cuộc vận động sáng tác ca khúc mới cách đây không lâu. Nhưng xem ra chưa có lời giải.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, khi quyết định thực hiện dự án ca khúc thiếu nhi, anh đã nghĩ đến và chấp nhận việc khó thu hồi vốn, dù anh may mắn có được những đồng nghiệp luôn hỗ trợ chi phí sản xuất với giá tốt nhất, được các phụ huynh và một vài công ty cùng chung chí hướng giúp đỡ ít nhiều. Thế nhưng, "chúng ta đều biết để làm một dự án lớn như vậy thì kinh phí rất lớn, trong khi mình tôi tự cáng đáng 60%-70%. Nói về mặt động lực, chỉ những nhạc sĩ có lòng với trẻ thơ mới tham gia sáng tác. Khó có nhạc sĩ nào tham gia đầu tư sản xuất, phát hành, quảng bá" - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung phân tích.

Các em thiếu nhi biểu diễn trong chương trình “Đồ Rê Mí” Ảnh: THÙY DƯƠNG

Thực tế, những sản phẩm âm nhạc dành cho lứa tuổi thiếu nhi hiện nay thường đạt hiệu quả thương mại không cao khi thiếu sân khấu chuyên biệt, thiếu đối tượng "tiêu thụ" dẫn đến việc giới sáng tác thờ ơ. Vì thiếu ca khúc hay phù hợp cho mình, thiếu nhi lại phải tìm kiếm những giá trị âm nhạc theo một cách khác, với lối cảm thụ khác.

Theo giới chuyên môn, có rất nhiều nguyên nhân khiến đời sống âm nhạc hiếm hoi ca khúc mới, hay cho thiếu nhi. Nhưng cốt lõi vẫn là thiếu quan tâm của xã hội từ các cấp quản lý đến phụ huynh, các đơn vị sản xuất và các đài phát thanh, truyền hình dành cho âm nhạc thiếu nhi!

Những cuộc vận động sáng tác ca khúc thiếu nhi từ các hội chuyên ngành vẫn diễn ra hằng năm nhưng ca khúc không đi vào đời sống. Ở vị trí sản xuất chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi, những người biên tập âm nhạc than thở rằng chúng ta quá thiếu ca khúc thiếu nhi. "Mặt bằng ca khúc thiếu nhi hiện nay so với nhu cầu sử dụng trong thực tế có một độ vênh khá lớn khiến nảy sinh hiện trạng thiếu nhi toàn hát nhạc người lớn" - nhà báo, MC Lại Văn Sâm khẳng định.

Giới chuyên môn cũng đã chỉ ra rằng các cuộc vận động sáng tác ca khúc được tổ chức nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề khan hiếm ca khúc thiếu nhi là vì những sáng tác mới cho đối tượng này hoặc vay mượn hình ảnh cũ vốn đã không còn phù hợp với đời sống hiện nay hoặc lại mang nhiều từ ngữ giáo điều, "lên gân", áp đặt, thiếu sự gần gũi, hiểu biết về cảm nhận của lứa tuổi này trong thế giới hiện nay, nhất là khi chúng tiếp cận âm nhạc nước ngoài khá dễ dàng nên đòi hỏi khác.

Nếu có tâm, mọi chuyện sẽ khác

Thực tế, có những ca khúc thiếu nhi đoạt giải từ nhiều cuộc vận động sáng tác có thể sản xuất thành sản phẩm âm nhạc để phổ biến nhưng đều nằm trên giấy, vì không ai đầu tư để đưa tác phẩm đến với khán thính giả. Giới nhạc sĩ sáng tác nói rằng họ chỉ có khả năng sáng tác. Còn những khâu khác phải là do những người chuyên trách đảm nhận. Nói "khan hiếm nhạc thiếu nhi" nhưng có ai thực sự đi tìm chưa? Hay chỉ nhìn quanh quẩn các bảng xếp hạng nhạc trẻ trên internet và YouTube rồi nhận định khan hiếm!

Mới đây, đoạn clip "Chú voi con ở bản Đôn" do một giọng ca thiếu nhi biểu diễn cùng ban nhạc trên đường phố được đưa lên mạng và được chia sẻ tràn ngập trên các nền tảng mạng xã hội từ YouTube, Tiktok đến Facebook, Instagram… Vẫn là bản nhạc thiếu nhi cũ, quen thuộc với nhiều thế hệ nhưng khi cô bé này hát lại theo một cách khác, pop rock hiện đại và mang tính xu hướng, người nghe có cảm giác đang nghe một bản nhạc mới nhưng rất thân thuộc qua cách cách hát quá đỗi thông minh và sáng tạo.

Đây không phải lần đầu tiên những phiên bản ca khúc thiếu nhi Việt quen thuộc được sản xuất mới gây sốt công chúng yêu nhạc nhiều như vậy. Trước đây, ca khúc "Chú ếch con" với phiên bản dàn đồng ca thiếu nhi nước ngoài trình diễn theo kiểu reggae pha lẫn jazz blue khiến khán thính giả Việt Nam bất ngờ, sửng sốt.

Điều này cho thấy làm mới ca khúc thiếu nhi là một cách để giải quyết tình trạng khan hiếm ca khúc mới hiện nay nhưng những người sản xuất âm nhạc, những đơn vị sản xuất chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi không chịu tìm tòi sáng tạo khi sử dụng kho nhạc thiếu nhi sẵn có. Thay vào đó, hướng dẫn cho các em thể hiện những bản nhạc quá tuổi, thậm chí nội dung về chuyện tình yêu lứa đôi của người lớn, giết chết sự ngây thơ, trong sáng của trẻ nhỏ.

"Tất nhiên, nhạc thiếu nhi cũng cần phải mới và thực tế. Nhưng điều đó không có nghĩa, chúng ta chối bỏ những giá trị cũ trong khi những giá trị đó quá đổi xuất sắc. Chỉ cần biết cách làm mới nó" - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói. 

Cần chung tay của xã hội

Trước đây, nhạc thiếu nhi phát triển rực rỡ là vì có sự chung tay của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt là các trung tâm sản xuất băng nhạc, các chương trình phát thanh truyền hình. Vì vậy, theo các nhà chuyên môn, để phát triển sản phẩm âm nhạc cho thiếu nhi cần có sự chung tay của xã hội, chủ xướng là các cơ quan quản lý, hội chuyên ngành cần hoạch định chính sách, vận động sáng tác, tài trợ cho sản phẩm âm nhạc thiếu nhi. Các đài truyền hình, đài phát thanh phải dùng giờ thích hợp để phát nhạc thiếu nhi. Các trường sẽ chọn để đưa những bài nhạc thiếu nhi mới vào học đường. Các chương trình, game show cho thiếu nhi bắt buộc phải dùng nhạc thiếu nhi đúng nghĩa chứ không phải nhạc trẻ hoặc nhạc ngoại rồi viết lời Việt, tổ chức hàng loạt sân khấu ca nhạc, sân chơi cho các bé thiếu nhi được tài trợ, hỗ trợ định kỳ hằng tuần, hằng tháng, hằng năm... phải làm mạnh mẽ và liên tục trong thời gian 3-5 năm mới có thể hình thành khuôn nếp và thói quen nghe nhạc thiếu nhi cũng như tạo cơ hội và niềm hứng thú sáng tác nhạc thiếu nhi cho giới sáng tác.

(Nguồn: https://nld.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.