You are here

Ennio Morricone thay đổi âm nhạc trong điện ảnh ra sao

Tác giả: 
Phương Hà

Đạo diễn Sergio Leone nhiều lần không cắt cảnh, để đoạn nhạc nền của Ennio Morricone có thể chạy hết trong các phim cao bồi.

Khi nhà soạn nhạc Ennio Morricone mất ở tuổi 91 ngày 6/7, thủ tướng Italy Giuseppe Conte viết: "Âm nhạc của ông khiến chúng ta mơ mộng, cảm xúc, suy tư, những nốt nhạc ấy sẽ không bao giờ bị xóa nhòa trong lịch sử âm nhạc và điện ảnh". Buổi lễ trao giải điện ảnh Nastro d'Argento tối 7/7 được dành để vinh danh ông. Nam diễn viên Robert Benigni tặng giải thưởng của mình cho Morricone, cảm ơn nhà soạn nhạc đã "khiến Italy ngân vang trên thế giới".

Ennio Morricone được đánh giá là một trong những nhà soạn nhạc phim nổi tiếng nhất - từng tham gia 520 dự án phim và truyền hình. Ảnh: Muthmedia GmbH.

Trong giới làm phim ngoài Italy, đạo diễn Edgar Wright là một trong những người đầu tiên tri ân Ennio Morricone trên Twitter: "Ông ấy có thể biến một phim trung bình thành một phim phải xem, một bộ phim hay thành phim nghệ thuật và một bộ phim tuyệt vời thành huyền thoại. Âm nhạc của ông chưa từng biến mất khỏi dàn loa của tôi". Diễn viên Antonio Banderas, nhà soạn nhạc Daniel Pemberton, ca sĩ Chance the Rapper... cũng dành lời tri ân tới ông.

Đối với những người đam mê điện ảnh, Morricone là cái tên danh giá không kém đạo diễn hay diễn viên hàng đầu. Bắt đầu sáng tác từ năm 1946, ông hợp tác nhiều đạo diễn gạo cội như Bernardo Bertolucci, Pier Paolo Pasolini, Terrence Malick, Brian De Palma, Mike Nichols, John Carpenter, Quentin Tarantino. Những bộ phim nổi tiếng từng được ông soạn nhạc có Once Upon a Time in the West (1968), The Untouchables (1987), Cinema Paradiso (1988), The Hateful Eight (2015)...

Đỉnh cao của Morricone là những bản nhạc sáng tác cho dòng phim Spaghetti Westerns (phim cao bồi do người Italy sản xuất) thập niên 1960. Vốn là bạn học, đạo diễn Sergio Leone nhờ Morricone viết nhạc cho A Fistful of Dollars, phần đầu trong bộ ba phim Dollars có tài tử Clint Eastwood đóng chính. Thay vì tiếng guitar truyền thống như các phim cao bồi xưa, Morricone kết hợp nhiều nhạc cụ bộ hơi như sáo ocarina và đàn hạc của người Do Thái, xen tiếng guitar điện tử cùng những âm thanh như tiếng huýt sáo và giọng nói con người. BBC nhận xét sự kết hợp những âm thanh đó nhấn mạnh sự trống rỗng của cảnh quan xung quanh và thực tế tàn bạo được miêu tả trong phim.

Ennio Morricone từng kể với The Guardian sau khi ấn tượng với phong cách mới này, đạo diễn Sergio Leone yêu cầu ông tiếp tục sử dụng nó trong các phim sau - For a Few Dollars More và The Good, the Bad and the Ugly. Đạo diễn nhiều khi không cắt cảnh để đoạn nhạc có thể chạy tới hết. Điều này góp phần tạo nên nhịp chậm đặc trưng cho các phim cao bồi của Leone, theo New York Times.

Bài nhạc chủ đề cho The Good, the Bad and the Ugly năm 1966 của Morricone với tiếng chó sói, tiếng trống dồn dập, tiếng guitar điện cùng giọng ca của ca sĩ Edda Dell'Orso, nhanh chóng trở thành một bản nhạc ăn khách trên toàn thế giới, đạt vị trí số một ở Anh năm 1968. Nhà phê bình của tờ The New York Times Jon Parele viết: "Trong các bộ phim Spaghetti Westerns của Leone, âm nhạc của Morricone không hề chịu làm nền. Nó đôi khi là một âm mưu, đôi khi là một lời chỉ trích, với những giai điệu sống động hiện rõ không kém khuôn mặt của các diễn viên".

Nhạc phim "The Good, the Bad and the Ugly". Video: Youtube.

Dù nổi tiếng với các bản nhạc cho dòng phim Spaghetti Western, Morricone lại ghét thuật ngữ này, theo tờ Independent. Ông không muốn mọi người chỉ nhớ tới các tác phẩm ở dòng phim Viễn Tây, nói đó chỉ là một phần trăm trong tổng số sáng tác của ông cho màn ảnh. Ông viết nhạc cho nhiều thể loại phim, phong cách nhạc cũng biến hóa đa dạng.

Theo Independent, tài năng Morricone nằm ở khả năng viết những bản nhạc giúp soi sáng bộ phim ở một góc kỳ lạ. Ví dụ trong Once Upon a Time in America (1984), Morricone khéo léo nối từ điệu nhạc pha âm hưởng kèn saxophone sang tiếng guitar đệm bài Yesterday của The Beatles, báo hiệu sự chuyển dịch thời gian đầy tinh tế. Cảnh quay và cách chuyển nhạc này đã gây ấn tượng mạnh với nhà soạn nhạc Hans Zimmer - người tuyên bố trên Gramophone Morricone và Leone đã khiến ông quyết định theo nghề soạn nhạc phim.

Trong Days of Heaven (1978), tiếng nhạc du dương tô đậm tình yêu tay ba. Bản nhạc mang lại cho Ennio Morricone đề cử Oscar đầu tiên. Với The Mission (1986) lấy bối cảnh rừng nhiệt đới ở Brazil, ông sử dụng tiếng kèn dân tộc của người bản địa cùng nhạc cụ châu Âu để làm rõ xung đột giữa hai nền văn hóa. Nhà soạn nhạc dùng tiếng trống đều đặn xen những nốt piano kịch tính trong The Untouchables (1987) để đẩy cao cuộc đụng độ giữa đặc vụ Eliot Ness (Kevin Costner) và ông trùm Al Capone (Robert De Niro) tại Chicago thập niên 1930. Cả hai bộ phim mang về cho ông đề cử Oscar, cùng các giải Grammy và Quả Cầu Vàng.

Với The Hateful Eight (2015) - bộ phim của Quentin Tarantino mang về cho ông giải Oscar "Nhạc phim xuất sắc", Ennio Morricone đẩy cao tính bạo lực qua việc đưa mọi nhạc cụ đến giới hạn của nó. Ông nói với The Guardian chìa khóa để viết nhạc nền cho đoạn phim bạo lực là đẩy chính nhạc sĩ đến giới hạn về thể chất và tinh thần. Bởi vì sự đau khổ của nhạc sĩ khi phải chơi theo cách đó cũng giống sự đau khổ của các nạn nhân trong cảnh bạo lực. Bản nhạc chứng minh Morricone là lựa chọn chuẩn xác cho bất cứ nhà làm phim nào, Pitchfork viết.

Ennio Morricone nói: "Hợp tác với điện ảnh là trải nghiệm quý báu vì nó cho tôi cơ hội thử nghiệm các ý tưởng". Không chỉ biến hóa giữa các thể loại, Ennio Morricone kết hợp nhiều nhạc cụ khác nhau. The Independent chỉ ra có rất ít nhạc cụ chưa từng xuất hiện trong các tác phẩm của Ennio Morricone.

Biến hóa trong tác phẩm nhưng nhà soạn nhạc vẫn là người theo chủ nghĩa truyền thống. Khi sáng tác, Ennio Morricone không ngồi bên đàn piano mà ngồi ở bàn làm việc với giấy bút. Ông chia sẻ có thể nghe thấy âm nhạc trong tâm trí và sẽ viết lại nó trên giấy.

Dù có sự hiện diện không thể chối bỏ trong điện ảnh Mỹ, Ennio Morricone chưa từng có ý định rời bỏ quê nhà Italy. "Tôi đã được đề nghị một biệt thự miễn phí ở Hollywood. Nhưng tôi đã nói: ‘Không, cảm ơn, tôi thích sống ở Rome'", ông nói với BBC. Ông thích tự nhốt mình trong ngôi nhà ở Rome để sáng tác, có khi viết 20 bản nhạc một năm.

Cùng di sản âm nhạc phi thường, ông cũng truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ âm nhạc ở các thể loại rock, hip-hop, heavy metal và electronica. Rapper Jay-Z đã lấy nhạc nền The Ecstasy of Gold từ phim The Good, the Bad and the Ugly cho ca khúc Blueprint 2 của anh, trong khi các ban nhạc Muse, Massive Attack, Avenged Sevenfold thừa nhận tầm ảnh hưởng của ông lên âm nhạc của họ. Nhóm Metallica đã mở màn mọi buổi diễn bằng nhạc của ông từ năm 1983, trong khi nhóm Ramones từng dùng nó để kết show.

Theo cây bút Tim Jonze của The Guardian, âm nhạc của Ennio Morricone không chỉ góp phần làm nên hàng trăm bộ phim vĩ đại mà còn thành nhạc nền cho vô số cuộc đời thật qua những giai điệu bất hủ.

(Nguồn: https://vnexpress.net/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.