You are here

Giai điệu Nga đi suốt cuộc đời

Tác giả: 
Đàn Sinh

Con người ta, bao nhiêu sự kiện có thể quên đi nhưng những kỷ niệm tâm hồn thì sẽ nhớ mãi, có khi ám ảnh suốt cuộc đời.

Tôi còn nhớ như in, đó là những năm 60-61 của thế kỷ trước. Khi ấy tôi mới là một cậu bé ở tuổi vị thành niên, nhưng trái tim đã biết rung động trước một đôi mắt có “rặng mi dài xao động ánh dương vui” (Xuân Diệu).

Một lần, tôi rủ bạn nữ cùng đi xem chiếu bóng ở Rạp Long Biên tại phố Hàng Chiếu (bây giờ rạp đã biến thành một kho chứa hàng, không còn chiếu phim nữa). Ngày ấy mà rủ được bạn nữ đi xem riêng với mình kể như đã là một “chiến tích” oanh liệt, khiến đám con trai trong lớp phải lác mắt rồi.

Lần đó, rạp chiếu bộ phim Liên Xô có tên là Khát khá hay, được giới trẻ lúc đó rất ưa thích. Nhân vật chính của phim là Masha - cô gái xinh đẹp có một tình yêu rất say đắm và lãng mạn. Nội dung tình tiết phim tôi không còn nhớ rõ, nhưng có một bài hát do Masha hát trong phim thì ngay sau khi xem xong đã để lại ấn tựơng thật đặc biệt cho khán giả. Và cô bạn tôi khi ấy đã vô cùng thích thú bài hát này, đến nỗi sau đó tôi phải mua vé vào xem bộ phim một lần nữa chỉ cốt nghe lại bài hát cho thuộc, để sẽ hát cho cô nghe (hồi ấy tôi là một cậu bé hát khá hay).

Đó là bài Đôi bờ. Rất may là sau đó một thời gian, bài hát này bỗng trở nên nổi tiếng và có ai đó đã dịch ra tiếng Việt mà lúc xem dĩ nhiên là nhân vật Masha hát bằng tiếng Nga. Bài hát cực kỳ ngắn gọn, đựợc tổ chức ở thể một đoạn với 4 câu nhạc khá vuông vức, âm vực lại được khống chế trong quãng 10 là quãng lý tưởng để bất cứ ai cũng có thể hát đựơc dễ dàng. Và giai điệu thì rất lôi cuốn. Chỉ nghe qua một lần người ta có thể nhập tâm và thuộc ngay:

“Đêm dài qua dưới mưa rơi, em mong chờ anh tới. Cây cỏ hoa như nói nên lời, em hạnh phúc nhất đời. Lòng em tin thắm thiết yêu anh với tình yêu thiết tha. Một dòng sông sóng nước long lanh đôi bờ đâu cách xa”.

Tất nhiên lời bài hát hay hơn phần dịch ở trên nhiều. Dễ hiểu vì người dịch phải tuân thủ thanh điệu (các dấu) của tiếng Việt nên chỉ có thể dịch ý mà không thể chuẩn xác từng từ.

Và cô bạn gái của tôi khi ấy quá mê bài hát này. Cứ ở bên tôi là lại yêu cầu tôi hát. Khi giai điệu bài hát này vẫn còn đang lan truyền khắp nơi thì tuổi trẻ Việt Nam lúc ấy lại được biết một bài hát Nga khác cũng rất quyến rũ. Đó là bài Chiều ngoại ô Matxcơva của Soloviov Sedoi và Mikhail Matusovsky:

“Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào. Rừng cây chim muông lắng suốt canh thâu. Ôi thân thiết những chiều ngoại thành bao trìu mến, Matxcơva bao lời hát ân tình...”.

Thủy thủ Nga hát 

Có thể nói đó là 2 bài tình ca Nga đã in đậm dấu ấn rất sâu sắc trong tâm khảm người Việt Nam lúc bấy giờ. Ai yêu âm nhạc không thể không thuộc lòng. Rồi hàng loạt các bài hát Nga nổi tiếng khác đã lần lượt đến với công chúng Việt Nam: Cuộc sống ơi ta mến yêu người ( E.Kônmanốpsky và K.Vansenkin), Xibêri nở hoa (V.Murađeli và E. Sốtcốpsky), Hắc Hải của tôi (Ô.Phensman và M.Matuxốpxki), và rất nhiều bài hát khác: Tiếng hát trái timThời thanh niên sôi nổiCa chiu saNghệ sĩ với cây đànĐỉnh núi Lê NinNụ cườiChiều hải cảngTriệu bông hồngCuộc sống ơi ta mến yêu ngườiCây thùy dương, Hắc Hải của tôiĐàn sếu, Tình ca du mụcXibêri nở hoa

Đặc điểm của các bài hát Nga là luôn ngắn gọn, khúc triết, có cấu trúc âm điệu giản dị, âm hình tiết tấu không rắc rối, âm vực không rộng. Ca khúc nghệ thuật nhưng mang tính đại chúng rõ rệt, dễ vào lòng người, phổ cập khiến bất cứ ai cũng dễ dàng hát được. Chủ đề nội dung thì luôn làm nổi rõ sứ mạng công dân của người Nga đối với Tổ quốc, đất nước ngay cả những bài đề cập đến tình yêu lứa đôi.

Những bài tình ca thì đằm thắm, nổi rõ một tính cách Nga nhất quán: Nồng nhiệt, đôn hậu, cởi mở, chân thành, luôn lạc quan. Có lẽ những yếu tố này đã rất gần gũi với tâm hồn người Việt Nam nên chúng ta nhanh chóng trở nên yêu thích và cảm thấy rất gần gũi, thân quen, gắn bó với những bài hát Nga.

Một điều rất dễ nhận thấy ở những bài hát Nga là không có sự cố gắng lên gân, hô hét, tạo sự hùng mạnh một cách thiếu tự nhiên mà ngay cả những ca khúc ra đời trong đạn lửa như cuộc chiến tranh vệ quốc chống phát xít trong Đại chiến thế giới lần thứ 2 (1939-1945) cũng dạt dào âm hưởng trữ tình, dịu dàng. Và chủ yếu vẫn là tình ca.

Một trong những bài hát tiêu biểu nhất cho điều này là Chiều hải cảng của nhạc sĩ Vasily Solovyov-Sedoy, lời của Alexander Churkin. Đây là một trong những bài hát hay nhất, có sức lan tỏa rộng rãi nhất ở Nga từ sau khi ra đời. Bài hát là lời tâm sự, những tình cảm sâu nặng của các chiến sĩ hải quân Nga trước khi từ biệt thành phố cảng Leningrad để ngay ngày mai bước vào cuộc chiến đấu sinh tử với phát xít Đức mà khả năng hy sinh tính mạng là rất nhiều. Vậy nên cũng có thể coi đây là lời vĩnh biệt quê hương của họ. Nhưng họ vẫn đầy lạc quan để cất lời hát: “Tiền tuyến chờ đợi ta/Cùng cất ngàn lời ca/Chúng ta sẽ nhổ neo lên đường mai này/Đồng chí quý mến ơi/Cùng nhau hãy hát ca/Hát lên bài chiến thắng để biệt ly…”.

Về sự ra đời của bài hát này, nhạc sĩ Solovyov kể: Tháng 8 năm 1941, lúc này phát xít Đức đã tấn công và chiếm đóng nhiều thành phố lớn của Liên Xô. Ông có mặt ở cảng của thành phố Leningrad. Một buổi chiều, chứng kiến một nhóm thủy thủ ngồi quanh một chiến sĩ đệm đàn ác-cooc-đê-ong cùng nhau ca hát trên một con tàu rất vui. Ông cũng được biết ngay ngày mai, các chiến sĩ này sẽ lên đường để bước vào một trận chiến đấu cực kỳ ác liệt với quân thù.

Bỗng nhiên, ông nảy ý định sáng tác một bài hát về họ. Lúc này, có mặt bên ông còn có nhà thơ Alexander Churkin. Nhạc sĩ nói với nhà thơ ý định viết một ca khúc của mình: “Tôi sẽ viết một bài hát về sự lên đường đi chiến đấu của họ, không hẹn ngày trở về. Coi như một khúc hát từ biệt quê hương”. Và nhờ nhà thơ soạn ca từ với ý đó. Ngay ngày hôm sau, Churkin trao cho Sedoy phần lời ca và 3 ngày sau, nhạc sĩ hoàn thành ca khúc.

Lúc mới ra đời, một số quan chức trong ngành văn hóa Liên Xô lúc ấy đề nghị không phổ biến bài hát vì cho rằng nghe ủy mị, yếu ớt. Nhưng bộ đội và nhân dân lại rất ưa thích. Văn công Nhà nước Xô viết dàn dựng thành hợp xướng, đi biểu diễn ở khắp nơi khiến bài hát có sức lan tỏa nhanh chóng và rộng khắp. Solovyov Sedoy là nhạc sĩ tài năng, nổi tiếng của Liên Xô. Ông đồng thời là tác giả bài Chiều ngoại ô Matxcơva cũng rất quen biết với người yêu nhạc của Việt Nam như đã nói ở trên.

Có điều đặc biệt thú vị là có rất nhiều người Việt Nam chúng ta dẫu chưa một lần được đặt chân tới nước Nga nhưng luôn cảm thấy xứ sở này thân quen như quê hương mình vậy. Đó chính là một phần đáng kể nhờ ở sức sống của những bài hát vừa nhắc tới đã trú ngụ lâu bền trong tâm khảm công chúng Việt Nam.

Tôi có một người bạn Nga tên là Lútmila Côpsêlôpna. Chị đã nhiều lần sang Việt Nam, nói sõi tiếng Việt và khá am tường văn hoá dân tộc ta. Chị đặc biệt yêu thích âm nhạc Việt Nam, thuộc khá nhiều dân ca, đặc biệt là quan họ Bắc Ninh. Ngoài ra, chị cũng hát được một số ca khúc mới. Chị đã có một so sánh giữa âm nhạc Nga và Việt Nam như sau: Âm nhạc Việt Nam thì điệu đà, bóng bẩy, nghe rất thích nhưng khó hát, tập lâu mới được vì giai điệu lên xuống quá uốn lượn, nhiều khi lắt léo, cầu kỳ. Còn nhạc Nga thì dung dị, chất phác rất dễ hát, càng hát càng thấy thích thú...”.

Giờ đây, hằng năm cứ vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười là những người Việt Nam đã từng học tập, công tác, làm việc ở Nga lại tụ họp để cùng nhau nhớ lại những năm tháng êm đềm được sống ở đất nước bạch dương. Trong những cuộc như thế, họ lại cùng nhau hát vang những bài ca Nga như sự tìm về những năm tháng sôi nổi, đáng nhớ của đời mình, không bao giờ có thể phai mờ trong tâm khảm.

Với riêng tôi, những âm điệu Nga là cả một thế giới kỳ thú, luôn làm rung động trong tôi những xao xuyến, êm đềm gắn với bao kỷ niệm tâm hồn của một thời hoa niên dẫu đã lùi xa vào dĩ vãng nhưng đến hôm nay vẫn còn nguyên vẹn sức hấp dẫn và chắc chắn sẽ còn đi theo suốt cuộc đời.

(Nguồn: https://arttimes.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.