You are here

Giải thích những ca từ khó hiểu trong 10 bài hát nổi tiếng của Trịnh Công Sơn

Tác giả: 
Niệm Quân

Nhạc Trịnh Công Sơn, đặc biệt là dòng ca khúc viết về tình yêu và thân phận, hầu như ca khúc nào cũng có những ca từ lạ lùng, khó hiểu, làm cho người nghe nhạc phải hao tốn nhiều công sức nếu muốn hiểu hết từng câu chữ. Âm nhạc của Trịnh tuy đơn giản về nhạc lý, trình diễn mộc mạc, dễ khiến người nghe đồng cảm và rung động, nhưng để hiểu thấu được lại là một hành trình dường như không có hồi kết, bởi sự đa tầng đa nghĩa của lời ca, sự lồng ghép khéo léo các triết lý thâm sâu và sự kết hợp “lạ đời” của ngôn từ đôi khi bộc phát từ tiềm thức, mà chính bản thân nhạc sĩ cũng cảm thấy khó để giải thích cho cặn kẽ. Trong một lần được hỏi về ý nghĩa ca từ trong ca khúc “Một Cõi Đi Về”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói:

“Đây là một bài hát rất lạ, thực sự không dễ hiểu vì có những câu trong bài hát bản thân tôi cũng thấy khó giải thích. Viết thì viết vậy nhưng để giải thích thật rõ ràng thật khó. Khi tôi gặp không ít người dù họ học ít nhưng họ lại thích, hỏi họ có hiểu không, họ trả lời là không hiểu nhưng cảm nhận được có một cái gì đó ở bên trong. Khi nghe, khi hát lên có một điều gì đó chạm đến trái tim mình. Tôi nghĩ trong nghệ thuật điều quan trọng nhất là làm thế nào để mở ra một con đường ngắn nhất đi từ trái tim đến trái tim của người khác mà không cần cắt nghĩa gì thêm.”

Nhiều lần khác, khi những bạn bè xung quanh hỏi về một ca từ ẩn mật nào đó trong các ca khúc, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chỉ mỉm cười không trả lời hoặc thoái thác một cách bí hiểm. Dường như để cắt nghĩa cho rõ ca từ đó, nhạc sĩ sẽ phải kể lại những câu chuyện riêng tư cá nhân mà bản thân ông muốn giữ kín cho riêng mình. Trong số này, có thể kể đến những ca khúc viết cho nàng Dao Ánh. Phải đến tận 10 năm sau ngày mất của Trịnh Công Sơn, khi 300 bức tình của ông gửi người đẹp này được công bố, công chúng yêu nhạc Trịnh mới hiểu rõ “nguồn gốc” của những ca từ bí hiểm đó.

Trong khuôn khổ bài viết này, xin phép được ghi lại một vài câu chuyện thú vị xoay quanh những ca từ “bí hiểm” trong nhạc Trịnh:

1. Dấu Chân Địa Đàng: “Loài sâu ngủ quên trong tóc chiều” & “lời ca dạ lan”

Trong ca khúc Dấu Chân Địa Đàng, có 2 hình ảnh rất lạ được nhạc sĩ đặt vào là “loài sâu ngủ quên trong tóc chiều” & “lời ca dạ lan như ngại ngùng”. Trong đó hình ảnh “loài sâu” xuất hiện khá nhiều lần:

– Mùa xanh lá loài sâu ngủ quên trong tóc chiều

– Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng

– Rồi từ đó loài sâu nửa đêm quên đi ưu phiền

Hẳn là đã có nhiều sự cắt nghĩa, suy đoán khác nhau về hình ảnh “loài sâu” này, cho đến khi những bức thư tình gửi Dao Ánh được công bố thì “loài sâu” đã lộ diện rõ ràng. Có thể thấy “loài sâu” này đã ám ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhiều đến thế nào, khi ông liên tục nhắc đến trong hàng loạt những bức thư gửi cho Giao Ánh từ cuối năm 1964 – 1965:

“Cả buổi chiều nay, anh đã dùng lại ngôn ngữ của anh với bạn bè. Thấy thoải mái vô cùng, vô cùng. Ngôn ngữ đã mất đi với những ngày nằm co ro như một loài – sâu – chiếu ở Blao. Blao. Nhưng anh sẽ về đó ôn lại thứ tự – do – sương – muối – kèn – đồng của anh. Như một khắc nghiệt. Và cũng Ánh thích như thế.

…Ở đây cũng có loài sâu đất reo đêm” (thư Đà Lạt, 19.9.1964). “Đêm sáng mờ bên ngoài. Sâu đất reo rất trong ở bãi cỏ” (thư Blao, 23.10.1964). “Đêm đã lạnh và đã buồn. Cây cỏ lao xao. Anh chỉ còn nghe rõ tiếng sâu đất và tiếng dế reo…” (thư Blao, 29.12.1964). “Anh vừa ra phố uống một tách cà phê về. Đồi núi bây giờ đã yên nghỉ. Chỉ còn dế mèn hát xẩm và loài sâu đất reo đêm” (Blao, ngày 17/9/1964). “Đêm rất dày đen. Sâu đất của núi rừng cũng đã reo lên âm thanh rất nhọn” (thư Blao, 23.9.1965). 

Trong những ngày tháng buồn bã, chán nản ở B’lao (Bảo Lộc), nhạc sĩ đã tự ví mình như “loài sâu” reo đêm, thường reo lên những “âm thanh rất nhọn” khi đêm xuống. Những tiếng reo đầy ưu phiền của một kẻ lạc lõng, bị mất đi ngôn ngữ, mất đi bè bạn nơi vùng đất hoang vu. Loài sâu này cũng chính là một phiên bản khác của phận người, cuộn mình trong chiếc kén buồn vui của nhân sinh nhưng vẫn miệt mài hát lên những khúc ca của riêng mình những mong quên đi ưu phiền.

Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần

Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng

Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng

Một đời bỏ ngỏ đêm hồng

Ngoài trời còn dâng nước lên mắt em (ca khúc Dấu Chân Địa Đàng)

Khánh Ly hát Dấu Chân Địa Đàng

Ở đoạn hát này, “lời ca dạ lan như ngại ngùng” là một cụm từ thật khó hiểu. Hãy thử đọc những bức thư tình của Trịnh Công Sơn gửi Dao Anh để xem “dạ lan” là gì?

“Dạ lan giờ này chắc đã ngạt ngào cả một vùng tối đó rồi, đã cài lên từng sợi tóc của Ánh” (thư Blao, 31.12.1964). “Anh ao ước bây giờ mở cửa ra bỗng dưng có chiếc cầu bắc qua dòng sông và anh bước qua cầu rồi rẽ về phía tay phải đi đến căn nhà có mùi thơm dạ lan và đứng đó gọi tên Ánh thật thầm để chỉ vừa đủ Ánh nghe” (thư Blao, 26.9.1965).

Đọc thư của Trịnh, chúng ta mới hiểu được thì ra “dạ lan” chính là tên một loài hoa được trồng trong vườn nhà nàng Dao Ánh ở Huế. Loài hoa thơm ngát nồng nàn trong những kỷ niệm của mối tình Trịnh Công Sơn – Dao Ánh. Loài hoa gắn liền với cô gái mà Trịnh Công Sơn yêu thương, ngày đêm nhung nhớ. Nhưng dường như “dạ lan” cũng là sự lấn cấn, rối bời của Trịnh trên bước đường đời của mình như trong bức thư dưới đây ông viết:

“Mưa đã trở về cùng với đêm. Như một ngày nào Ánh rời xa anh để trở về với nếp sống bình thường, ở đó Ánh đi trên lối đi quen thuộc của những người đã đi trước mà không cần phải nhìn những bảng số hai bên đường. Sẽ bình thường và thản nhiên quên đã một lần dẫm chân qua một vực – thẳm địa đàng mà anh đã linh cảm trước từ lâu, như “địa đàng còn in dấu chân bước quên” của một thời anh đã âm thầm nghĩ rằng biết đâu Ánh không lớn lên từ một loài dạ lan nào đó” (thư Blao, 27.10.1964). “Bây giờ là tiếng nói đêm của anh với Ánh. Với Ánh dạ lan… ” (thư Blao, 22.11.1964).

Từ những dòng thư, có thể thấy ngay khi tình yêu vừa chớm nở, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã linh cảm rằng Dao Ánh mà ông yêu thương – “Ánh dạ lan”, rồi sẽ phải rời xa ông, trở về “đi trên lối đi quen thuộc của những người đã đi trước mà không cần phải nhìn những bảng số hai bên đường”. Để đồng hành cùng nhau trên con đường đó, nhạc sĩ sẽ phải từ bỏ “ngôn ngữ” của mình, làm “loài sâu” thu mình trong chiếc kén, chỉ có thể hát lên những khúc hát của mình khi màn đêm buông xuống, bởi “Ánh thích như thế”, như trong bức thư gửi từ Đà Lạt, ngày 19.9.1964 đã được trích dẫn phía trên. Sự dằn vặt, lấn cấn, những định kiến khác biệt khiến cho những ưu phiền càng thêm trĩu nặng trong mối tình của họ.

2. Mưa Hồng

Em đi về cầu mưa ướt áo

Đường phượng bay mù không lối vào

Khánh Ly hát Mưa Hồng

Mưa Hồng là ca khúc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết cho “những ngày tháng Ánh giận anh ở Huế” (Thư Tình Gửi Một Người). Trong đó, chi tiết “đường phượng bay” đã tiêu tốn không ít công sức, tìm tòi tranh luận của người yêu nhạc. Bởi ở Huế có đến mấy con đường có trồng phượng, trong đó nổi bật nhất là đường Đoàn Thị Điểm. Có người lại bảo đường phượng bay chỉ là một hình ảnh ẩn dụ mà nhạc sĩ tự nghĩ ra chứ không có con đường nào tên như vậy ở Huế. Tuy nhiên, theo một nguồn tin trên báo, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng xác nhận đường phượng bay là con đường có thực ở Huế trong một cuộc trò chuyện và phỏng vấn nhanh với hai phóng viên HTV là Đình Hiếu và Nguyên Hương, cùng nữ nhiếp ảnh gia Đào Hoa Nữ ngay tại nhà ông trên đường Phạm Ngọc Thạch ở Sài Gòn.

Theo như lời nhạc sĩ, đường phượng bay chính là tên gọi xưa của đường Lê Duẩn ngày nay. Trước năm 1975, con đường này từng có một tên gọi khác là đường Trịnh Minh Thế, kéo dài từ cửa ngăn cho đến cầu Bạch Hổ, ngang qua trước Phú Văn Lâu. Con đường khi đó tuy nhỏ hẹp nhưng trồng rất nhiều phượng. Những cây phượng hai bên đường thường đan vào nhau, toả bóng mát xuống lòng đường, và nghiêng mình bên dòng sông Hương thơ mộng. Năm 1966, trong bài thơ Con Đường Phượng Bay, nhà thơ Anh Phan đã viết về con đường này như sau: “Con đường Phượng Bay nằm dọc bờ bắc sông Hương, từ cầu Trường Tiền lên cầu Bạch Hổ. Đi trên con đường Phượng Bay nắng hoa vàng rơi lỗ chỗ…”

Câu hát “em đi về cầu mưa ướt áo” cũng gây ra ra những tranh luận khá thú vị trong giới thưởng nhạc. Cô gái bước đi dưới cơn mưa ướt sũng, lớp áo mỏng bỗng trở nên trong hơn, dính sát vào cơ thể làm lộ ra những đường nét thanh xuân đầy gợi cảm. Thật may mắn cho chàng trai nào có dịp được chiêm ngưỡng vẻ đẹp đó. Vậy thì ắt hẳn người thầm “cầu mưa ướt áo” ở đây là chàng trai rồi. Nhưng vẫn còn một ý kiến khá thú vị khác. Bà Đặng Tuyết Mai trong một lần trò chuyện đã kể lại cuộc đàm luận thú vị của mình và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về câu hát này tại một buổi tiệc mà hai người có dịp ngồi chung. Nguyên văn lời kể của bà như sau: “Riêng tôi (bà Tuyết Mai) thì cho rằng chính cô gái mới là người cầu mong cho mình bị mưa ướt. Bởi lẽ người xứ Huế rất coi trọng gia phong lễ nghĩa, nhất là trong cách ăn mặc – lúc nào cũng phải thật kín đáo, không bao giờ dám để lộ thân thể dù chỉ là một chút xíu. Cô gái trong bài hát tự biết mình có hình dáng đẹp, muốn khoe nhưng không biết làm cách nào nên chỉ dám cầu mưa cho mình bị ướt áo để khoe vẻ đẹp cơ thể một cách tự nhiên mà vẫn giữ được sự ngượng ngùng, e ấp… Khi nghe tôi giải thích như thế, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đứng dậy, với tay qua bàn tiệc bắt tay tôi kèm theo một nụ cười mãn nguyện”.

4. Cát Bụi

Ca khúc này được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác vào khoảng năm 1965 khi mới chỉ 26 tuổi nhưng những chiêm nghiệm, suy tư của ông về cuộc đời, về thân phận con người đã chín mùi và già dặn. Theo lời kể của nhạc sĩ, khởi nguồn của ca khúc bắt đầu từ việc ông đi xem một bộ phim:

Vào một buổi chiều ngày tháng không còn nhớ, tôi một mình đến rạp Casino xem phim “Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm” tập 6 . Đây là bộ phim nhiều tập, đã xem tập này thì không thể không chờ xem tập khác. Nói chung là tập nào cũng hấp dẫn. Trong 6 tập có đoạn hiệp sĩ mù xuất kiếm giải cứu cho một nàng Kiều xinh đẹp. Cứ mỗi tuyệt chiêu xuất ra là nghe có một tiếng nói bình giả ca ngợi. Đường kiếm như có thêm sức mạnh, mỗi lúc một uyển chuyển huy hoàng hơn. Sau khi cứu được nàng Kiều, hiệp sĩ mù quay về phía tiếng nói vái tay chào hỏi. Hoá ra bên vệ đường dưới gốc cây to có một người mù khác đang ngồi xếp bàn, trên hai chân có cây đàn bọc trong bao vải gác ngang. Người nghệ sĩ mù có nhã ý chơi một bản đàn tặng hiệp sĩ mù. Hai người bèn kéo nhau vào một khu rừng gần đấy. Hình như rừng vào thu nên các cành đều trơ lá, chỉ thấy một đám lá vàng đỏ trải dài trên mặt đất. Hai người ngồi tựa vào hai gốc cây đối diện nhau. Tiếng đàn cất lên như một lời than thở ngậm ngùi về đất trời, về kiếp người. Tiếng đàn nửa chừng bỗng đứt giây. Người nghệ sĩ mù nói: có kẻ bất thiện đang nghe lén. Quả đúng như vậy, có một tên gian đang rình rập hiệp sĩ mù. Thế là hai người lặng lẽ chia tay. Hết phim, tôi tản bộ ngang trên đường phố. Không hiểu sao cái đoạn phim ngắn ngủi ấy khiến tôi buồn buồn. Chiều tôi về nhà, sau khi ăn, tôi ngồi đọc lại cuốn “Zorba le Grec”. Đến đoạn Zorba than thở: “Chim đa đa ơi thôi đừng hót nữa, tiếng hót mày làm tan nát tim ta”, tôi bỗng gập sách lại và không đọc nữa. Có một cái gì đó thật trùng hợp trong cùng một buổi chiều. Một nỗi buồn hay một điều gì đó gần với sự rời xa ly biệt đang cựa mình thức dậy trong tôi. Tôi lại ra đường tìm một góc quán quen thuộc ngồi. Trên đường trở về nhà, trong đầu bỗng vang lên một tiếng hát. Tôi lập đi lập lại nhiều lần trong đầu, hát thành tiếng khe khẽ. Đến khi về nhà ghi lại thì bài hát đã gần như hoàn chỉnh. Sáng hôm sau mang hát cho một số bạn bè nghe, hầu như ai cũng thích. Đó là câu chuyện sự ra đời của bài “Cát Bụi”. Mỗi bài hát đều bắt nguồn từ một duyên cớ nào đó. Có khi từ một câu chuyện không đâu. Bây giờ thì người hiệp sĩ mù kia đã không còn rồi. Khoảng hai năm nay. Người viết Zorba đã qua đời, và dĩ nhiên cả con chim đa đa kia nữa. Và nếu Zorba là một con người có thật được Nikos Kazantzakits tiểu thuyết hoá thì nay ông cũng mất rồi:

“Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi…”

Rồi ca khúc kết lại bằng hai câu hát cũng thật lạ:

Ôi cát bụi phận này

Vết mực nào xóa bỏ không hay

Khánh Ly hát Cát Bụi

Câu hát này thoạt nghe, tưởng như chỉ là một ý tưởng mông lung về phận người nhỏ bé và nhạt nhoà như một vết mực. Thực ra, nguồn cơn của câu hát bắt đầu từ một câu chuyện có thực. Theo lời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thời xưa ở Huế, khi một người được sinh ra, người quản lý hộ tịch sẽ viết tên họ người đó vào cuốn sổ theo dõi nhân khẩu. Và khi họ mất đi, người ta sẽ gạch tên người đó ra khỏi cuốn sổ, đặt dấu chấm hết cho một phận người.

5. Nghe Những Tàn Phai

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu từng nói rằng không có bài nào của Trịnh từ đầu đến cuối đều là nỗi buồn hoặc niềm vui. Sự đối lập luôn tồn tại trong lời hát như “đen và trắng”, “ngày và đêm”, “tốt và xấu”, “tỉnh và mê”. Tuy nhiên, ý nghĩa bài hát không mẫu thuẫn mà quy về một mối: “Hướng đến cái đẹp tích cực trong cảm xúc”. “Buồn, thương, đẹp” là ba từ khoá để đi vào thế giới ca từ của Trịnh. Ca khúc Nghe Những Tàn Phai của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng không nằm ngoài ngoại lệ đó. Một ca khúc hội tụ đủ 3 yếu tố: Buồn – Thương – Đẹp:

Chiều nay em ra phố về

Thấy đời mình là những chuyến xe

Còn đây âm vang não nề

Ngày đi đêm tới trăm tiếng mơ hồ

Chiều nay em ra phố về

Thấy đời mình là những đám đông

Người chia tay nhau cuối đường

Ngày đi đêm tới nghe tiếng hư không

Có ai đang về giữa đêm khuya

Rượu tàn phai dưới chân đi ơ hờ

Vòng tay quen hơi băng giá

Nhớ một người tình nào cũ

Khóc lại một đời người quá ê chề

Chiều nay em ra phố về

Thấy đời mình là những quán không

Bàn in hơi bên ghế ngồi

Ngày đi đêm tới đã vắng bóng người

Chiều nay em ra phố về

Thấy đời mình là con nước trôi

Đèn soi trên vai rã rời

Ngày đi đêm tới còn chút hao gầy

Thái Thanh hát Nghe Những Tàn Phai

Nếu chỉ nghe lời bài hát mà không hiểu cơ duyên ra đời của nó, người ta sẽ chỉ thấy một nỗi buồn mang mang, trống rỗng và đầy phiền muộn xuyên thấu khắp ca từ. Và đâu đó trong lời hát, trong ca từ người ta sẽ bắt gặp bản thân trong một thời khắc nào đó. Ví dụ như câu hát “thấy đời mình là những chuyến xe” được nhiều người trích dẫn lại để bày tỏ tâm trạng. Thật may, trong một lần trả lời phỏng vấn, ca sĩ Khánh Ly đã hé lộ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một lần tập hát cho bà đã giải thích rõ, nhân vật chính trong ca khúc thực chất là một cô gái làng chơi hết thời, thất nghiệp, đang trở về nhà sau một ngày dài rã rời. Từ những thông tin hiếm hoi đó, có thể hiểu căn nguyên của câu hát “chiều nay em ra phố về”. Các cô gái làng chơi thường ra khỏi nhà từ buổi chiều và làm việc đến khuya mới trở về, nhưng cô gái này vì đã hết thời nên trở về nhà vào buổi chiều. Và trong những bước chân trở về nhà khi “ngày đi đêm tới” đó, cô cảm nhận sự tàn phai, trống rỗng và bèo bọt của thân phận mình.

6. Có Một Dòng Sông Đã Qua Đời

Trong ca khúc này, câu hát “có một dòng sông đã qua đời” là câu hát gây ra nhiều tranh luận và thắc mắc nhất. Để hiểu hơn về câu hát này xin hãy đọc đoạn trả lời phỏng vấn dưới đây của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

“PV: Anh Sơn thân mến! một trong những bài hát về tình cảm, tình yêu và có một cái tựa rất lạ “Có một dòng sông đã qua đời”, anh có thể nói thêm về sáng tác này với khán giả.

– Nhạc sĩ TCS: Uhm,giải thích là thế này. Có nhiều cách đau khổ vì tình yêu. Khi yêu người này thì đau khổ kiểu này, yêu người kia đau khổ kiểu kia. Thì “có một dòng sông đã qua đời” là câu chuyện tình có thật…

PV: Nhân vật có thật luôn hả anh? Cụ thể luôn đi anh. (cười).

– Nhạc sĩ TCS: Chắc không… nói ra rất là bất tiện… Nhưng mà có một dòng sông đã qua đời… Là hôm đó mình ở Đà Lạt đi qua cầu, bắt qua cầu Hồ Xuân Hương thì gặp người tình cũ đi với người yêu qua cầu. Mình nhìn thấy mình cảm thấy sự mất mát quá lớn trong cuộc đời này… Bên cạnh đó khi đi qua cây cầu mình nhìn xuống thấy dòng nước chảy, mình nghĩ không chỉ mất người đó thôi mà mất cả dòng sông, dòng nước… mất hết cả. Cho nên cái mất mát tưởng là nhỏ nhưng cuối cùng lại lớn. Cho nên có một dòng sông đã qua đời không phải chỉ là mình ví von người tình của mình là dòng sông, nhưng mà nàng đi qua một dòng sông, và mình mất nàng và mất luôn dòng sông. Lúc đó dòng sông nó không còn ý nghĩa gì nữa, trước đó đẹp vô cùng tận nhưng mà từ phút đó trở đi thì không có ý nghĩa gì cả. Nó cũng là mang đến cho mình một nỗi buồn giống như sự mất mát kia. Cho nên vì vậy mới có bài có một dòng sông đã qua đời. Mình nghĩ như thế này, khi ta đi qua một nơi trốn nào đó, tình cờ bạn đi qua một cái núi, bạn gặp người tình của bạn cùng đi với một người khác, thì cái núi đó cũng qua đời rồi chứ không phải dòng sông đã qua đời, núi cũng qua đời luôn.”

Khánh Ly hát Có Một Dòng Sông Đã Qua Đời

7. Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ

Ở ca khúc này, tựa đề bài hát “đêm thấy ta là thác đổ” cũng là câu hát bí hiểm và khó hiểu nhất khiến người nghe tốn nhiều thời gian luận bàn và suy tư. Thấy ta là thác đổ là thứ cảm giác như thế nào? Đầu tiên hẳn là ai nghe lời ca cũng sẽ nghĩ tới những thác nước đổ ầm ào, tung bọt trắng xoá, chấn động cả một khoảng không gian rộng lớn. Nhưng rút cuộc thì trạng thái cảm giác đó “thấy” như thế nào? Thật khó để đoán định.

Nhiều đêm, thấy ta là thác đổ

Tỉnh ra có khi còn nghe

Những câu hát đẹp và thơ, tưởng chừng như chẳng thể nào có thể mơ hồ hơn được nữa, thật bất ngờ, lại là một câu chuyện có thật mà theo như lời một vị thiền sư thì chỉ những vị thiền sư đắc đạo mới “chứng nhận” được: “Trịnh Công Sơn phải là sư tổ môn thiền học mới ‘đạt’ được cái trạng thái ‘thác đổ’ này”. Những ai theo thiền môn lâu năm đều biết, mỗi khi thiền xong, khi mở mắt ra là nghe thấy trong đầu còn có “âm vang như có tiếng thác đổ”. Không ai rõ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã “đạt” được cái trạng thái thác đổ này chưa, hay ông chỉ mượn một ý thiền để chuyển tải nhân sinh quan của mình. Nhưng chắc hẳn, ông phải là một người rất am hiểu về thiền để có thể nhẹ nhàng đem thiền vào nhạc.

Tuấn Ngọc hát

8. Chiều Một Mình Qua Phố

Ca khúc Chiều Một Mình Qua Phố được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác vào khoảng năm 1965, khi đang dạy học ở B’lao (nay là Bảo Lộc). Ca khúc này có hai câu hát thường bị nhiều người hiểu sai ý và hát sai lời:

Có khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím…

Câu này thường bị hát sai thành: Có khi nắng mưa chưa lên… Bởi theo logic thông thường thì đêm khuya làm gì có nắng mà “nắng khuya”. Bởi vậy, một số ca sĩ khi hát đã đổi lại thành “nắng mưa” cho có logic hơn, nhưng khi nghe lại thấy khá khiên cưỡng. Tuy nhiên, trong một lần đàm luận về âm nhạc Trịnh Công Sơn, ca sĩ Nguyễn Hữu Thái Hoà, một người em khá thân cận với nhạc sĩ và gia đình ông đã kể một câu chuyện liên quan đến những ca từ này như sau. Theo ca sĩ Nguyễn Hữu Thái Hoà, ca khúc này được nhạc sĩ viết cho mối tình với nàng Dao Ánh. Thời điểm hai người bắt đầu hẹn hò, Dao Ánh chỉ mới 15-16 tuổi, còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn là một chàng nghệ sĩ lang thang chưa có sự nghiệp ổn định. Dao Ánh lại sinh ra trong một gia đình nghiêm khắc và gia giáo, di cư từ Bắc vào Huế. Chính vì vậy, mối tình của họ hoàn toàn là một mối tình bí mật. Dao Ánh thường thức chờ tới tận khuya khi cha đã đi ngủ mới dám ra ngoài gặp gỡ Trịnh Công Sơn, khi đó đang đứng chờ nàng ở một góc vườn gần nhà. Một lần, hai người hẹn hò nhưng cha của Dao Ánh tối đó lại uống một loại trà mới nên bị mất ngủ, ông thức tới tận 1h sáng mới đi ngủ. Trong khi đó, ở một góc vườn, Trịnh Công Sơn không hề biết rằng người yêu không thể đi ra ngoài, vẫn mòn mỏi ngồi chờ Dao Ánh tới nơi hẹn. Thời đó, Huế không có đèn đường, trời đêm tối đen như mực. Người Huế đi ra ngoài sẽ xách theo một chiếc đèn nhỏ gọi là đèn hột vịt. Trịnh Công Sơn ngồi trên bụi cỏ ven đường, căng mắt nhìn về hướng nhà người yêu, khấp khởi mong chờ mỗi khi thấy ánh đèn dầu leo lét đi tới gần rồi lại bần thần thất vọng. Chính trong lúc đó, ý tưởng về một ánh “nắng khuya” hình thành trong đầu nhạc sĩ. Ánh đèn của Dao Ánh, ánh sáng lấp lánh bừng lên trong tim mỗi khi hai người gặp gỡ chính là “nắng khuya”. Một hình ảnh ẩn dụ rất đặc sắc và tinh tế.

Khánh Ly hát Chiều Một Mình Qua Phố

9. Một Cõi Đi Về

Đây là một nhạc phẩm nằm ở tầng “rất khó hiểu” trong gia tài âm nhạc của Trịnh Công Sơn, được ông sáng tác vào khoảng năm 1974, nhưng mãi đến tận năm 1980 mới được phổ biến. Tuy nhiên, có một chi tiết rất thú vị ở ca khúc này, nhưng lại hay bị nhiều người hiểu sai và hát sai, đó là câu hát:

Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi

Lại thấy trong ta hiện bóng con người

Nhiều người không hiểu nghĩa đã đổi từ “con tinh” thành “con tim”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời đã có lần giải thích về cái chất Huế độc đáo của từ “con tinh” này. Ở Huế khi xưa, các cô gái nhỏ, xinh đẹp nhưng nghịch ngợm trong gia đình thường được mắng yêu là “đồ yêu tinh” hay “con tinh”. Từ đó có thể thấy, trong ca khúc này, nhạc sĩ dùng từ “con tinh” để nói đến người yêu. Một cách dùng từ rất riêng và độc đáo có lẽ chỉ có ở Trịnh Công Sơn.

Trịnh Công Sơn hát Một Cõi Đi Về

10. Hạ Trắng

Đây là một ca khúc rất nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được ông sáng tác vào năm 1961. Ca khúc có lời ca tuyệt đẹp này bắt nguồn từ một mùa hè đổ lửa của Huế, Trịnh Công Sơn nằm sốt mê man trên giường bệnh, chập chờn tỉnh thức giữa những giấc mơ hoa trắng óng ánh kỳ lạ, kết hợp với câu chuyện cảm động của một đôi vợ chồng già, là cha mẹ của một người bạn vừa cùng nhau qua đời sau những năm dài sống hạnh phúc bên nhau. Những câu chuyện được nhạc sĩ kể lại như sau:

“Ở Huế mùa hạ, ve kêu râm ran trên những tàn cây như một dàn hợp xướng và nắng nóng oi bức như địa ngục. Thêm vào đó lại còn có gió Lào. Vừa tắm xong là người đã ướt đẫm mồ hôi. Bao nhiêu nhiên liệu tích lũy trong cơ thể đều tan ra thành nước. Những đồ vật và quần áo sờ vào cũng có cảm giác như vừa rút trong lò lửa ra. Những mặt đường gần như bốc khói với nhiệt độ 42-43 độ C. Có một mùa hạ năm ấy, tôi bị một số cơn sốt nặng, nhiệt độ trong người và bên ngoài gần nhau. Tôi nằm sốt mê man trên giường không còn biết gì. Và bỗng có một lúc nào đó tôi cảm thấy có một hương thơm phủ ngập cả căn phòng và tôi chìm đắm vào một giấc mơ như một cơn mê sảng. Tôi thấy mình lạc vào một rừng hoa trắng thơm ngào ngạt, bay bổng trong không gian đó. Đến lúc tỉnh người ướt đẫm mồ hôi và tôi nhìn thấy bên cạnh giường có một người con gái nào đó đã đến cầm một bó hoa dạ lý hương trắng rất lớn. Chính cái mùi thơm của dạ lý hương đã đưa tôi vào giấc mơ kia. Giấc mơ trong một mùa hạ nóng bức. Trong vùng tôi ở đó, quanh đó chỉ có một nhà duy nhất trồng dạ lý hương nên tôi biết ngay người mang hoa đến là ai. Sau một tuần lễ tôi hết bệnh. Nghe tin bố người bạn đang hấp hối tôi vội vàng đến thăm. Ông chẳng có bệnh gì ngoài bệnh nhớ thương và buồn rầu. Câu chuyện rất đơn giản. Hai ông bà đã lớn tuổi thường nằm chung trên một sập gụ xưa. Cứ mỗi sáng bà cụ thức dậy và xuống bếp nấu nước sôi để pha trà cho ông cụ uống. Một buổi sáng nọ, cũng theo thường lệ, bà cụ xuống bếp bị gió ngã xuống bất tỉnh và mất. Mấy người con ở gần đó tình cờ phát hiện ra và đưa bà cụ về nhà một người để tẩm liệm. Sau đó chôn cất và giấu ông cụ. Khi ông cụ thức dậy hỏi con, mẹ các con đi đâu rồi, thì họ trả lời là mẹ sang nhà chúng con để chăm sóc mấy cháu vì chúng bị bệnh. Vài ngày sau vẫn chưa thấy bà về ông mới trầm ngâm hỏi các con có phải mẹ các con đã mất rồi phải không. Lúc ấy mọi người mới khóc òa lên. Từ đó, ông nằm trên sập gu một mình cơm không ăn, trà không uống cho đến lúc kiệt sức và đi theo cụ bà luôn. Câu chuyện ám ảnh tôi một thời gian. Và sau đó tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình già keo sơn này như ‘áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau’ để viết nên bài Hạ Trắng.” Theo lời kể của nhạc sĩ thì người con gái cùng bó hoa dạ lý hương được đem tới trong cơn mê chính là chất xúc tác quan trọng làm nên hồn cốt của ca khúc và không cần hỏi ai, khi tỉnh dậy nhạc sĩ cũng biết chính xác người đã mang hoa đến cho mình vì trong vùng ông ở chỉ duy nhất có một nhà trồng loài hoa này. Và cô gái có lẽ không ai khác chính là Lê Vũ Bích Diễm của “Diễm Xưa”. Điều này đã được thể hiện qua lời tâm sự của bà trong một cuộc giao lưu: “Lần đầu tôi gặp anh Sơn ngay tại nhà tôi. Anh đi theo anh Đinh Cường đến thăm Nguyễn Việt Hằng, một người bạn thân của tôi lúc đó đang ở lại nhà tôi để học hè. Sau đó thấy anh Sơn một mình quay trở lại. Anh viết nhạc và có tặng tôi mấy bài. Hồi đó còn trẻ lắm nên cũng biết lơ mơ vậy thôi… Sau này tôi mới biết thông qua hai người em của anh Sơn về câu chuyện nhánh dạ lan hương mà tôi tặng anh đã gây một chấn động mạnh nơi anh. Đó là một kỷ niệm thật đẹp, thật liêu trai…!”

Khánh Ly hát Hạ Trắng

Điều thú vị là loài hoa “dạ lý hương” này còn xuất hiện trong một ca khúc khác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là bài Dấu Chân Địa Đàng với cái tên “dạ lan”. Dạ lan hương hay dạ lai hương là tên gọi khác của dạ lý hương. Và ca khúc đó lại được viết tặng cho em gái của Diễm là nàng Dao Ánh, cô em đến sau nhưng đã có một mối tình sâu đậm và ở mãi trong tim chàng nhạc sĩ họ Trịnh đến tận cuối đời.

(Nguồn: chuyenxua.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.