You are here

Giao hưởng Scottish: Cuộc viễn du về quá khứ

Tác giả: 
Ngọc Tú

Ngay sau khi ra đời, bản giao hưởng số 3 “Scottish” được Mendelssohn viết dựa trên trải nghiệm của chuyến du lịch Scotland đã trở thành một tác phẩm quen thuộc, được trình diễn thường xuyên tại hầu hết các dàn nhạc trên toàn thế giới. Ngày nay, nó được coi là một trong những đỉnh cao nhất trong các sáng tác của Mendelssohn.

Nhà soạn nhạc Felix Mendelssohn. Nguồn: mendelssohninscotland.com

Tháng 4/1829, chàng trai 20 tuổi Felix Mendelssohn rời gia đình ở Berlin để đến nước Anh. Đó là chuyến xa gia đình dài nhất trong đời ông tính đến lúc đó. Bỏ lại những tác phẩm thiên tài được sáng tác trong lứa tuổi thiếu niên sau lưng – Octet và Overture Giấc mộng đêm hè – đây là thời điểm để ông dấn thân vào Chuyến du lịch vĩ đại mà bất cứ người thanh niên nào đầu thế kỷ 19 cũng mơ ước. Bất thường ở chỗ, thay vì Pháp và Ý là những điểm đến truyền thống ở đầu hành trình, Mendelssohn đã ở London trong bốn tháng và sau đó là Scotland.

Có hai lý do để chọn Scotland. Lý do đầu tiên là gia đình Mendelssohn rất thích đọc các tiểu thuyết của Sir Walter Scott và những bài thơ sử thi của nhà thơ Scotland Ossian vào thế kỷ thứ 3, người mà gia đình Mendelssohn lúc đó vẫn chưa biết là giả (trên thực tế là những tác phẩm của nhà thơ người Scoland thế kỷ thứ 18 James Macpherson). Vì vậy việc Felix đến vùng đất đã truyền cảm hứng cho cả hai nhà văn mà họ vô cùng ngưỡng mộ này dường như là một lựa chọn tự nhiên và hi vọng rằng Felix sẽ có một cuộc gặp gỡ với Walter Scott vĩ đại khi ở Scotland. Lý do thứ hai để lựa chọn Scotland là Karl Klingemann, người bạn thân của gia đình Mendelssohn ở London với tư cách là thành viên ngoại giao đoàn của Hanover. Klingemann có vẻ là người bạn đồng hành lý tưởng cho Felix trong chuyến du lịch tới Scotland; ông là một nhà thơ và nhạc sĩ nghiệp dư và từ những bức thư họ cùng gửi về nhà cho thấy ông ấy là người thích gây cười, có khiếu hài hước và đã thích Mendelssohn từ hồi còn ở Berlin, chắc chắn sẽ khiến Felix thoải mái khi đi du lịch ở Scotland.

Trên thực tế bản giao hưởng Scottish không được hoàn thành cho đến tận 13 năm sau chuyến du lịch Scotland, mặc dù nó được đánh số ba nhưng lại là bản giao hưởng cuối cùng trong số năm bản giao hưởng của Mendelssohn. Ông đã quay trở lại tác phẩm này trong suốt những năm 1830 nhưng gặp khó khăn vì không tái hiện được “tâm trạng Scotland” và chỉ đến năm 1832 mới được biểu diễn lần đầu tại Leipzig và sau đó được chơi tại London cùng năm với khán giả là nữ hoàng trẻ Victoria, người mà Mendelssohn đã đề tặng bản giao hưởng này.

Chuyến thăm thú Scotland của họ bắt đầu ở Edinburg và kết thúc ở Glasgow. Giữa đó, họ đến Melrose (nơi hai người bạn đồng hành cố gắng gặp gỡ Walter Scott tại nhà riêng ở Abbotsford là một thất bại – họ “tìm thấy Sir Walter khi cố gắng rời Abbotsford, nhìn chằm chằm vào ông như những thằng đần, đi 80 dặm và mất một ngày để có được nửa giờ cho một cuộc trò chuyện hời hợt”), Stirling, Perth, Blair Atholl, Pass of Killiecrankie, Aberfeldy, qua bờ hồ Loch Tay, từ Glen Coe tới pháo đài William, trên một chiếc tàu hơi nước xuống Loch Linnhie tới Oban và sau đó tới Mull, Staffa nơi động Fingal tạo cho họ ấn tượng rất mạnh, quay trở về qua Inveraray và trên một chiếc tàu hơi nước qua Clyde để tới Glasgow mà họ sử dụng làm cơ sở để khám phá xa hơn tới Lomond và Trossachs. Lý do chuyến du lịch chi tiết như vậy là Mendelssohn đã có hơn 30 phác thảo cho chuyến du lịch của họ mà ông đã cẩn thận ghi chép lại ngày tháng.

Rất rõ ràng khi từ những lá thư của Mendelssohn cho thấy ông đã có ý định viết một bản giao hưởng dựa trên những trải nghiệm của chuyến du lịch Scotland và khởi đầu của câu chuyện là vào ngày 31/7/1829 khi “Vào buổi tối chạng vạng chúng tôi tới lâu đài nơi Nữ hoàng Mary từng sống và yêu; một căn phòng nhỏ ở đó được một chiếc cầu thang uốn lượn dẫn đến cửa; theo con đường đó họ đến và bắt gặp Rizzio trong căn phòng đó, kéo ông ta ra và kia là ba căn phòng ở một góc tối nơi họ đã sát hại ông. Nhà nguyện [Holyrood] giờ không còn mái che, cỏ và cây thường xuân mọc ở đó và tại bàn thờ đổ nát đó Mary đã đội lên vương miện nữ hoàng Scotland. Mọi thứ xung quanh giờ vỡ vụn và hoang tàn còn bầu trời thì rực rỡ. Tôi tin rằng hôm nay, tại nhà nguyện cũ kỹ này là khởi đầu cho bản giao hưởng Scottish của tôi”.

Phác thảo phong cảnh Edinburgh của Felix Mendelssohn vào ngày 26/7/1829. Nguồn: mendelssohninscotland.com.

Thời kỳ trước chiếm đóng với Nữ hoàng Mary và lịch sử Scottland nói chung là những nhân tố quan trọng để hiểu bản giao hưởng Scottish *. Hình ảnh của bà xuất hiện trong tâm trí nhà soạn nhạc khi Mendelssohn sáng tác phần giới thiệu mở đầu chậm rãi, các tham chiếu đến Mary có thể được nhận ra trong chương chậm và phần coda của chương kết. Và “cảnh chiến đấu” trong chương cuối gợi đến trận chiến trong tâm trí của Mendelssohn và Klingemann mà chắc chắn họ nhận thức được thông qua bài thơ của Klingemann từng đề cập đến trận chiến Killiecrankie năm 1689 và cuộc nổi dậy Jacobite và họ không thể băng qua Glencoe mà không chút suy tư nào về vụ thảm sát ở đó ba năm sau Killiecrankie.

Phần giới thiệu chậm rãi của chương I (đã được phác thảo cho piano từ năm 1829 với 16 ô nhịp), tối tăm và đầy suy tư với một tổng phổ khá bất thường của kèn gỗ và viola (phần violin không xuất hiện cho đến tận ô nhịp thứ 17 – thật khó để nghĩ một bản giao hưởng thời kỳ Cổ điển hoặc Lãng mạn có thể giữ bè dây âm khu cao lâu đến vậy) gợi nhắc đến một nhà nguyện Holyrood “đổ nát và hoang tàn”, tâm trạng dịu dàng này được tiếp tục đến phần mở màn của Allegro un poco agitato với chủ đề chính dài trên tiếng pianissimo của violin và clarinet; chúng ta phải đợi đến phần Allegro trước khi sức mạnh của toàn bộ dàn nhạc cùng tham gia. Thay vì một chủ đề thứ hai ở giọng trưởng có liên quan, Mendelssohn chọn một chủ đề buồn thảm ở âm át giọng Mi thứ, kéo dài tâm trạng u ám hơn nữa. Một khoảnh khắc rực rỡ xuất hiện ở cuối phần phát triển khi cello chiếm vị trí trung tâm với một giai điệu tương phản rồi trở lại chủ đề chính và sự bất ngờ tiếp tục của phần tóm tắt với một chuỗi những cơn bão dữ dội được miêu tả sống động hơn bất kỳ phần âm nhạc nào trong Overture Hebrides, một cảm giác ở trên con thuyền khi bị bão tố vùi dập – điều mà Mendelssohn đã có kinh nghiệm lần đầu khi đi trong Đại Tây Dương để tới thăm các hòn đảo ở Staffa và Iona. Phần giới thiệu lúc đầu trở lại trong phần cuối của chương nhạc và cũng giống như Violin concerto giọng Mi thứ, Mendelssohn không cho khán giả cơ hội ho hay cựa quậy giữa các chương nhạc bằng cách chuyển đến phần Vivace non troppo mà không ngắt quãng.

Chương II là một khúc scherzo được ví như một cuộc tụ tập vui vẻ của những người dân cao nguyên và có người cho rằng chủ đề chính được gợi nhớ đến bài dân ca Scotland Charlie is my darling nhưng nhà phê bình âm nhạc Roger Fiske trong cuốn sách “Scotland trong âm nhạc” thì không bị giả thuyết này thuyết phục nên cho rằng chủ đề chính của chương nhạc đến khi “nhà soạn nhạc đang rong ruổi trên lưng ngựa dưới ánh nắng của Loch Tay”. Chương nhạc bắt đầu với một phần giới thiệu ngắn của bè dây staccato liên tục, phần độc tấu của clarinet thể hiện chủ đề chính sôi động của chương nhạc, một giai điệu chắc chắn gợi nhớ đến không nơi nào khác ngoài Scotland dù rằng nó không dựa trên một chủ đề dân ca Scotland thực sự nào. Chương nhạc kết thúc trong tiếng pizzicato của dàn dây.

Chương III là một khúc Adagio tuyệt đẹp miêu tả một sự xót xa tới Nữ hoàng Mary. Phần giới thiệu ngắn dẫn đến chủ đề chính đầu tiên mượt mà tương phản với chủ đề hai tối tăm, mạnh mẽ đạt đến cao trào trước khi lắng xuống và chủ đề ba xuất hiện. Những ô nhịp đầu tiên trở lại, chủ đề hai cũng lại xuất hiện được nối tiếp bằng một phiên bản mở rộng của chủ đề một. Chủ đề hai lại phát triển đến một kịch tính khác và chủ đề ba được lặp lại. Chủ đề đầu tiên quay trở lại trong phần cuối chương nhạc. Larry Todd, tác giả cuốn Mendelssohn: cuộc đời âm nhạc, nhận xét: “những nét chấm phá vương giả, ám chí hợp lý tới hình tượng bi thảm của nữ hoàng Mary”. Âm nhạc đẹp nhưng không hề ngọt ngào – nó bao hàm cả sự khắc nghiệt trong đó.

Chương cuối được ghi chú Allegro Guerriero – nhanh và hiếu chiến – và âm nhạc gợi nhắc mạnh mẽ đến một trận chiến, với những lần đảo nhịp không ngừng nghỉ thống trị chương nhạc trên nền móng vững chắc của những nhạc cụ âm khu trầm có thể là những người lính đang hành quân nhanh. Chương nhạc bắt đầu bằng chủ đề một đầy kích động, chủ đề hai cũng có tâm trạng tương tự. Chủ đề ba lặng lẽ xuất hiện trên tiếng oboe. Kết thúc chương nhạc là một phần coda với một âm thanh mới dù có liên quan đến phần giới thiệu mở đầu bản giao hưởng. Phần hòa âm trong đoạn này bất thường và không giống với bất kỳ những gì Mendelssohn đã làm trước hoặc sau đó. Giai điệu hùng vĩ bắt đầu ở giọng La trưởng trên kèn gỗ, horn và viola – đúng những nhạc cụ tham gia vào phần mở đầu tối tăm, đầy suy tư tương phản hoàn toàn với phần trước ở giọng La thứ và tác phẩm kết thúc trong tiếng hân hoan rực rỡ của bè đồng cùng với sự tham gia của toàn bộ dàn nhạc.

Không phải nhạc sĩ nào cũng hài lòng với một “kết thúc có hậu” của bản giao hưởng. Nhạc trưởng lừng danh Otto Klemperer không hài lòng với phần coda hoa lệ mở ra một chủ đề mới với sự chuyển giọng đột ngột từ La thứ sang La trưởng của Mendelssohn. Dựa trên chính những băn khoăn của Mendelssohn về sự kết thúc rực rỡ, Klemperer tuyên bố “có quyền thay đổi toàn bộ phần coda” bằng cách sử dụng chính các nguyên liệu của Mendelssohn để gợi lại phần mở đầu của tác phẩm với một hương vị nhẹ nhàng và thanh bình hơn.

Ngay sau khi ra đời, bản giao hưởng số 3 “Scottish” đã trở thành một tác phẩm quen thuộc, được trình diễn thường xuyên tại hầu hết các dàn nhạc trên toàn thế giới và được coi là một trong những đỉnh cao nhất trong các sáng tác của Mendelssohn bên cạnh Violin concerto giọng Mi thứ và bản giao hưởng số 4. Đã có rất nhiều bản thu âm xuất sắc tác phẩm này như các bản của Herbert von Karajan cùng Berlin Philharmonic, Claudio Abbado với London Symphony Orchestra… Bản coda của Klemperer chúng ta cũng có thể được thưởng thức với bản thu âm của chính nhạc trưởng với Bavarian Radio Symphony Orchestra (do EMI thực hiện). Tuy nhiên nếu để chọn duy nhất một bản thì có lẽ sự lựa chọn không gì khác mà chính là của Leipzig Gewandhaus Orchestra với nhạc trưởng Kurt Masur (dàn nhạc mà Mendelssohn đã từng rất gắn bó và biểu diễn “Scottish” trong lần ra mắt).

---

* Nữ hoàng Mary của Scotland (8/12/1542 – 8/2/1587) làm nữ hoàng của Scotland từ 14/12/1542 – 24/7/1567). David Rizzio (1533 – 1566) là thư ký riêng của Nữ hoàng Mary.

Bản giao hưởng số 3 giọng La thứ “Scottish”, Op. 56

Thời gian sáng tác: Những phác thảo đầu tiên được cho là xuất hiện từ tháng 8/1829 nhưng thời gian sáng tác thực tế được cho là vào cuối năm 1840 và hoàn thành vào ngày 20/1/1842.
Công diễn lần đầu: Ngày 3/3/1842 dưới sự chỉ huy của chính tác giả và Leipzig Gewandhaus Orchestra. Sau khi được sửa đổi lại đôi chỗ, phiên bản cuối cùng được trình diễn vào ngày 17/3 dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Karl Bach. Mặc dù được gọi là giao hưởng số 3 nhưng trên thực tế đây là bản giao hưởng được công diễn cuối cùng trong tổng số 5 bản giao hưởng của Mendelssohn. Độ dài: Khoảng 40 phút.
Đề tặng: Tác phẩm được đề tặng nữ hoàng Anh Victoria.
Tác phẩm có 4 chương:
Chương I – Andante con moto — Allegro un poco agitato
Chương II – Vivace non troppo
Chương III – Adagio
Chương IV – Allegro vivacissimo — Allegro maestoso assai
Thành phần dàn nhạc: 2 flute, 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoon, 4 horn, 3 trumpet, timpani và dàn dây.

(Nguồn: https://www.tiasang.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.