You are here

Giáo sư Trần Văn Khê với Viện Âm nhạc

Tác giả: 
Đặng Hoành Loan

Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) ngày nay, tiền thân là Viện Nghiên cứu Âm nhạc, rồi lại có tên tiền thân là Viện Nghiên cứu âm nhạc và múa. Thời kỳ đó GS - nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là Viện trưởng, PGS - nhạc sĩ Tô Vũ là Phó viện trưởng. Thời kỳ này kéo dài từ năm 1976 đến năm 1995. Suốt gần 20 năm ấy, Viện Nghiên cứu âm nhạc thường xuyên nhận được sự cộng tác, gắn bó của GS Trần Văn Khê về sưu tầm, nghiên cứu, đào tạo âm nhạc truyền thống các dân tộc Việt Nam. Thời đó tôi hoạt động ở Viện với tư cách là cán bộ sưu tầm tư liệu, nên không biết được những câu chuyện "bếp núc" mà Giáo sư đã dành nhiều công sức và thời gian làm việc với ban lãnh đạo Viện. Tôi chỉ nhớ nhất hai sự kiện mà tôi được trực tiếp tham gia. Tôi gọi là sự kiện, bởi ở thời kỳ đó những người làm nghiên cứu sưu tầm như chúng tôi không có dịp để tiếp cận. Thứ nhất, chiếc máy ghi âm UHER và thứ hai, Nhạc hội Tây Nguyên. Hồi ấy, đất nước giải phóng mới được vài năm, kinh tế còn vô cùng eo hẹp. Những người sưu tầm âm nhạc dân gian như chúng tôi có được chiếc máy nghe băng cassette Sony hòn gạch để tác nghiệp là may mắn lắm rồi, nói gì đến chiếc máy UHER.

Máy ghi âm UHER là chiếc máy ghi âm xách tay, chạy bằng băng dây, có micro rời kéo xa được. Tôi nhớ hôm trao tặng máy cho Viện (Phân viện Nghiên cứu Âm nhạc Hà Nội), Giáo sư nói: “Tôi tặng các bạn chiếc máy chuyên dụng để thu thanh, các bạn thu thanh bằng máy này âm thanh thu được sẽ đạt chuẩn quốc tế, vì nó là máy thu xách tay chuyên nghiệp. Muốn được quốc tế sử dụng tư liệu của mình thì mình phải có sản phẩm âm thanh sưu tầm chuẩn quốc tế”.

Trông chiếc máy chuyên nghiệp nó khác lắm, Giáo sư dạy chúng tôi sử dụng máy, rồi đề nghị chúng tôi thu thử giọng ngâm thơ của giáo sư. Giáo sư hắng giọng rồi ngâm: "Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt/ Ta nằm dài nghe ngày tháng dần qua/ Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ/ Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẳm..." [1]. Giọng ngâm của Giáo sư rất kịch tính và cũng rất hay. Khi mở lại băng, trời ơi! Âm thanh nghe trong trẻo và thật như đang nghe trực tiếp Giáo sư ngâm thơ vậy. Ra máy chuyên nghiệp là thế!

Còn Nhạc hội Tây Nguyên? Suốt những năm tháng chiến tranh, đến khi chiến tranh chấm dứt chúng tôi chưa bao giờ tổ chức Nhạc hội, chỉ có đôi lần tổ chức liên hoan dân ca, dân nhạc thôi. Kỳ nhạc hội này có sự tham dự và tham gia tổ chức nội dung của Giáo sư Trần Văn Khê, chúng tôi kháo nhau: chắc là khác lắm!

Chúng tôi được phân công đi nghiên cứu lựa chọn các nghệ sĩ dân gian đàn hay, hát hay đem về tham gia Nhạc hội. Tự tin mình là cán bộ được đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp thì đương nhiên việc nhận biết nghệ sĩ đàn hát hay dở là việc bình thường. Trước hôm lên đường, GS Lưu Hữu Phước đến gặp anh em chúng tôi, ông động viên và phổ biến tình hình phức tạp do hoạt động phá hoại của  FUNRO trên cao nguyên và ý nghĩa quan trọng của Nhạc hội đối với công tác nghiên cứu và bảo tồn âm nhạc truyền thống các dân tộc Tây nguyên. Tiếp đó giáo sư Lưu Hữu Phước giới thiệu GS Trần Văn Khê nói chuyện với chúng tôi về phương pháp tìm hiểu, lựa chọn nghệ sĩ dân gian đưa về tham gia Nhạc hội.

Giáo sư Trần Văn Khê chào chúng tôi, rồi tươi cười, hỏi: “Các bạn khỏe không? Các bạn có điều gì cần trao đổi, cứ nêu ra, tôi sẽ giải đáp”. Chúng tôi ngồi im, vì chẳng biết hỏi điều gì. Một chút im lặng, giáo sư vào câu chuyện, đại ý: nghệ sĩ dân gian khác với nghệ sĩ chuyên nghiệp, âm nhạc dân gian khác với âm nhạc có chữ viết. Sự khác nhau đó dẫn đến phương pháp tiếp cận và phương pháp nhận thức khác nhau. Âm nhạc dân gian là do các nghệ sĩ tiếp thu bài nhạc của cha ông họ bằng truyền khẩu. Truyền khẩu là khâu quan trọng dành chỗ cho những sáng tạo tiếp theo, thậm chí sáng tạo ngay trong mỗi lần diễn tấu. Còn nghệ nhân hát dân gian là hát bản thanh. Bản thanh tức là gần với giọng nói, là phụ thuộc vào thanh điệu tiếng nói của từng người. Điều đặc biệt, về văn hóa,  là họ biết rõ khi nào thì họ đàn và họ hát bản đàn, bài ca đó, ví như bài này thì hát khi đi nương, bài này thì đàn ở chòi canh rẫy, bài này thì hát trong lễ ăn trâu, lễ nhà mồ v.v.. Đấy là những điều các bạn cần quan tâm để không lựa chọn nhầm nghệ sĩ đại diện cộng đồng - những người hát hay, đàn giỏi và thông thạo văn hóa của họ đi tham gia nhạc hội. Những bài hát, bài đàn họ đem về Nhạc hội các bạn phải thâu thanh lại hết làm tài liệu nghiên cứu và lưu trữ quốc gia. Những lời dặn của Giáo sư chính là bài học cơ bản giúp chúng tôi có nhận thức ban đầu về phương pháp nghiên cứu và tổ chức Nhạc hội dân gian theo phương pháp Dân tộc nhạc học (Ethnomusicology), một phương pháp nghiên cứu và biểu diễn chưa được dạy trong các trường đào tạo âm nhạc và nghệ thuật Viêt Nam cho đến tận bây giờ.

Năm 1996, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ VHTT ra quyết định chuyển các viện nghiên cứu chuyên ngành (âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh) sát nhập vào các trường Đại học. Phân Viện nghiên cứu âm nhạc và múa ở Hà Nội phải sát nhập vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Tên gọi Viện Âm nhạc chính thức ra đời từ sự kiện này và cho đến nay trong nước chỉ có một Viện Âm nhạc duy nhất.

Chỉ một năm sau (1997) Viện Âm nhạc chính thức đi vào hoạt động, Viện đã nhận được sự quan tâm nhiều mặt của Giáo sư Trần Văn Khê, không lần nào về nước mà Giáo sư không ghé thăm Viện. Năm 1999 Viện Âm nhạc thành lập Phòng trưng bày nhạc cụ các dân tộc Việt Nam. Cuối năm ấy Viện được đón Giáo sư về thăm. Trong buổi trò chuyện với cán bộ, nhân viên của Viện, Giáo sư nói nhiều về nội dung trưng bày trong Phòng trưng bày nhạc cụ các dân tộc Việt Nam. Giáo sư nói, đại ý: “Ngày nay Viện Âm nhạc thành lập được phòng trưng bày nhạc cụ là rất tốt, bác sẽ giới thiệu với bạn bè và học trò của bác ở bên kia về Phòng trưng bày này. Bác nghĩ đây là tiền đề, để mai đây Viện Âm nhạc đứng ra thành lập Bảo tàng nhạc cụ các dân tộc. Việt Nam chúng ta là đất nước nhiều sắc dân, mỗi sắc dân có một kho tàng nhạc cụ, đấy là vốn văn hóa không phải nước nào cũng có. Khi bác quay trở lại Pháp bác sẽ gửi cho các cháu các tài liệu về nhạc cụ trên thế giới để các cháu tham khảo khi làm trưng bày các nhạc cụ trong bảo tàng”. Cũng trong buổi trò chuyện ấy, chúng tôi đã trình bày với Giáo sư đề án xây dựng tờ tạp chí Thông Báo Khoa học Viện Âm nhạc bằng hai ngôn ngữ Việt và Anh. Giáo sư cười vui vẻ nói, khi nào Tạp chí ra số đầu tiên, các cháu Fax nội dung qua bác, bác sẽ góp ý và viết bài tham gia Tạp chí của các cháu. Lời nói của Giáo sư làm chúng tôi vững tin về sự thành công của Tạp chí.

Sau năm 1999 đến những năm tiếp theo, năm nào Giáo sư về Việt Nam cũng ghé thăm Viện Âm nhạc, mỗi lần ghé thăm là một lần Giáo sư nói chuyện với cán bộ, nhân viên Viện Âm nhạc về âm nhạc dân tộc các nước châu Á, châu Phi, châu Mỹ. Buổi nào cũng để lại trong lòng người nghe ấn tượng sâu sắc về kiến thức rộng, học thuật uyên bác, nhưng lại được giảng giải một cách bình dị, dễ hiểu và thân thiện.

Có một di sản Giáo sư để lại [2] đã đóng vai trò quan trọng tới hoạt động khoa học của Viện Âm nhạc đó là vai trò cố vấn khoa học cho hai bộ hồ sơ quốc gia trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: Hát Ca trù người Việt và Đờn ca Tài tử Nam bộ Việt Nam.

TS Đặng Văn Bài Cục trưởng Cục Di sản tặng hoa Giáo sư Trần Văn Khê trong cuộc họp "Tổng kết công tác xây dựng hồ sơ quốc gia Hát Ca trù người Việt" năm 2005 tại Bộ Văn hóa - Thông Tin.

Nghiên cứu, xây dựng bộ hồ sơ Ca trù là khó nhất. Khó nhất bởi Viện Âm nhạc chưa có đủ kiến thức, đủ phương pháp khoa học để xây dựng nội dung bộ hồ sơ khoa học có tên gọi là Di sản Kiệt tác văn hóa phi vật thể truyền khẩu của nhân loại. Hiểu thế nào là kiệt tác? Những yếu tố nào cấu thành kiệt tác? Làm thế nào để xây dựng được bản đồ di sản kiệt tác? Làm thế nào để cộng đồng cùng tham gia xây dựng hồ sơ di sản? Để giải quyết những điểm chủ yếu này, chúng tôi đã thống nhất mời Giáo sư Trần Văn Khê làm cố vấn khoa học cho công tác xây dựng bộ hồ sơ Ca trù. Thật may, Giáo sư đã vui vẻ nhận lời và lên lịch từng giai đoạn hoạt động xây dựng hồ sơ quốc gia. Buổi giảng bài đầu tiên, Giáo sư đã nói tất cả những yếu tố cần có từ âm nhạc, ca từ, không gian trình diễn, thể thức trình diễn, đào kép đến trang phục Ca trù. Giáo sư nhấn mạnh: trong tất cả những yếu tố đó, âm nhạc (bao gồm giọng hát đào nương, đàn đáy và trống chầu) là yếu tố cốt lõi tạo nên kiệt tác. Những người tham gia xây dựng hồ sơ đề cử phải chứng minh một cách thuyết phục giá trị độc đáo của âm nhạc đó (độc đáo là thế giới không có). Đồng thời phải làm rõ những giá trị độc đáo đó là đỉnh cao của sự sáng tạo âm nhạc truyền thống Việt Nam góp vào sáng tạo âm nhạc truyền thống nhân loại. Đây là bài giảng quan trọng, có tính chất nền tảng, giúp những người tham gia xây dựng hồ sơ đăng ký quốc gia Viện Âm nhạc có hướng nghiên cứu vững chắc không chỉ xây dựng một bộ hồ sơ quốc gia mà còn cho nhiều bộ hồ sơ quốc gia khác nữa.

Năm 2010, Bộ VH TT & DL tiếp tục giao cho Viện Âm nhạc chịu trách nhiệm xây dựng bộ hồ sơ quốc gia Đờn ca tài tử Nam bộ Việt Nam. Bộ hồ sơ này triển khai vừa lúc UNESCO đổi tên gọi Kiệt tác văn hóa phi vật truyền khẩu của nhân loại thành tên gọi Di sản văn hóa phi vật thể đại điện của nhân loại. Sau nhiều ngày nghiên cứu sách, các bài viết về Đờn ca Tài tử Nam bộ đã được in ấn, xuất bản, những người chịu trách nhiệm xây dựng bộ hồ sơ quốc gia của Viện Âm nhạc bay vào Thành phố Hồ Chí Minh gặp Giáo sư Trần Văn Khê, mời Giáo sư làm cố vấn khoa học cho bộ hồ sơ này.

Tôi nhớ lần gặp mặt ấy, Giáo sư nói: "Bác nghĩ hồ sơ Đờn ca Tài tử Nam bộ nên để người Nam bộ làm thì thích hợp hơn, các cháu làm chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng Bộ VHTT&DL đã quyết thì bác cũng đồng ý". Từ lần ấy, Giáo sư đã trao đổi với chúng tôi rất thân tình, cởi mở và khoa học rất nhiều vấn đề về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam bộ. Giáo sư nói: “Xây dựng bộ hồ sơ này có nội dung khác với bộ hồ sơ Ca trù, bởi Đờn ca Tài tử Nam bộ là Di sản đại diện. Các bạn phải làm nổi bật mối tương tác bình đẳng, bình dân, của nghệ thuật Đờn ca Tài tử giữa các tài tử và người hưởng thụ nghệ thuật Đờn ca Tài tử trong một cuộc chơi đờn ca. Phải làm rõ được nội hàm từ tài tử và nhớ rằng tài tử là những người tài hoa lịch lãm trong lối chơi và trong cả ngón đờn khi hòa đờn. Tài hoa của họ được biểu hiện ngẫu hứng trong từng ngón đờn, chữ đờn và câu đờn. Nó không có lịch sử lâu đời như Ca trù nhưng nó đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa của người dân Nam bộ. Đó là những yếu tố chính tạo ra giá trị nghệ thuật ĐẠI DIỆN. Những hướng dẫn của Giáo sư là phương pháp mở lối cho chúng tôi dần từng bước làm rõ được những giá trị văn hóa và nghệ thuật của Đờn ca Tài tử Nam bộ cho bộ Hồ sơ quốc gia.

GS Trần Văn Khê giải thích về nhạc Đờn ca Tài tử cho hai cán bộ Viện Âm nhạc

Khi Đờn ca Tài tử chính thức được UNESCO cấp bằng công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể truyền khẩu Đại diện của nhân loại", những người tham gia xây dựng bộ hồ sơ quốc gia đã gửi tới Giáo sư những lời cám ơn chân thành nhất tự đáy lòng mình. Bởi không có Giáo sư chắc gì chúng tôi đã hoàn thành bộ hồ sơ xuôi chèo mát mái đến như thế.

Cũng trong những ngày làm việc với Giáo sư Trần Văn Khê ở Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã được Giáo sư cho tham quan kho tài liệu và kho sách đồ sộ của Giáo sư chuyển từ Paris về Việt Nam, những tài liệu và sách ấy để tại số nhà 32 Huỳnh Đình Hai, phường 14, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Lần tham quan ấy, Giáo sư dành ít phút giới thiệu với chúng tôi bộ Bách khoa toàn thư nghệ thuật thế giới, đặc biệt trong bộ sách, Giáo sư đã tham gia viết rất nhiều mục từ về âm nhạc truyền thống Việt Nam; Giáo sư cũng giới thiệu với chúng tôi những bộ đĩa ghi những bản hòa tấu nhạc tài tử của Giáo sư hòa đờn cùng với nhạc sư Vĩnh Bảo, và nghệ sĩ Hải Phượng được xuất bản tại Paris. Lần ấy chúng tôi hỏi bác, sau này không biết nhà 32 Huỳnh Đình Hai của Bác có trở thành Nhà lưu niệm hoặc Thư Viện Trần Văn Khê không? Giáo sư cười và nói: “Họ cũng hứa tương tự như thế, nhưng không biết sau này thì sao, thôi để hồi sau sẽ rõ”.

GS Trần Văn Khê chuyện trò với (từ trái qua phải) GS-TS Thế Bảo, GS Tô Vũ, GS. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam bên lề cuộc họp tọa đàm về nội dung Tạp chí Thông Báo Khoa học tại Tp. Hồ Chí Minh tháng 4 năm 2003

Tình cảm của Giáo sư, những bài giảng khoa học về nhạc dân gian của Giáo sư dành cho Viện Âm nhạc là rất lớn, chúng tôi chọn lựa đôi ba sự kiện có tính dấu ấn Giáo sư để lại cho Viện Âm nhạc như một di sản khoa học, mục đích để minh chứng cho tình yêu quê hương, yêu nghệ thuật quê hương Việt Nam của một tri thức lớn - Giáo sư Trần Văn Khê./.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.