You are here

Giới trẻ là tương lai của chúng ta chứ không phải chúng ta trong tương lai

Tác giả: 
Nguyễn Thị Minh Châu

Văn học nghệ thuật sẽ không có tương lai nếu không có lớp trẻ.

Lí luận phê bình cũng đứt gánh nếu không có những cây bút trẻ.

Tác phẩm nghệ thuật giá trị mấy vẫn khó mà trường tồn nếu không đến được với công chúng, nhất là không thuyết phục được công chúng trẻ. Và để tác phẩm tiếp cận với giới trẻ đôi khi rất cần đến vai trò cầu nối của lí luận phê bình.

Đủ biết văn học nghệ thuật cần người sáng tác trẻ, nghệ sĩ trẻ và người thưởng thức trẻ đến mức nào, và bên cạnh đó không thể thiếu những cây bút trẻ của lĩnh vực lí luận phê bình.

Mối quan tâm đến thế hệ trẻ là đương nhiên và đã rõ, còn hiệu quả thực tế lại là chuyện khác, hẳn chẳng dễ chút nào trong bối cảnh xã hội đang bát nháo với nhiều biểu hiện loạn chuẩn lệch chuẩn trong sáng tác, biểu diễn và thưởng thức nghệ thuật.

Trước những biểu hiện lệch lạc trong đời sống văn nghệ, rất nhiều lời phê phán trách cứ dành cho công chúng trẻ, cũng như người cầm bút trẻ. Song không thể đổ hết lỗi cho giới trẻ. Ai nuôi dưỡng con trẻ, ai tạo nên môi trường văn học nghệ thuật cho con cháu ta, nếu không phải là chính chúng ta đây?

Nhiều khi tôi tự hỏi: mình đã thật sự làm bạn với con trẻ chưa? Sự bình đẳng, lắng nghe, chia sẻ đã đủ chưa? Nói rộng ra giới văn nghệ sĩ nói chung và giới lí luận phê bình nói riêng, thế hệ ông bà cha mẹ đã làm bạn với thế hệ con cháu chưa, có luôn sẵn lòng lắng nghe, đối thoại, ghi nhận và tin tưởng giới trẻ không?

Chẳng nói đâu xa, ngay các hội nghị hội thảo gần đây mà tôi được tham dự rất ít được nghe tiếng nói trẻ trên diễn đàn. Với tinh thần kính lão đắc thọ, ban tổ chức luôn mời các cây đa cây đề phát biểu trước với thời lượng không hạn chế, dù tham luận đã phát sẵn trong tay mỗi người thì các bác vẫn kiên trì đọc nguyên văn bản, còn mấy thời gian đâu mà nghe các cháu nữa.

Hình như thế hệ đi trước cứ phải cố giữ thái độ bề trên, áp đặt, kiểm soát, chỉ đạo, dạy dỗ? Mà dạy dỗ ra sao? Từ bé bị nhồi văn mẫu, rồi đến luận văn đại học, cao học cũng được hướng dẫn chắp vá trích dẫn, cóp nhặt ý tưởng của người khác, con cháu ta mà biến thành những con vẹt thì nguyên nhân trước hết thuộc về người dạy dỗ, thuộc về phương pháp giáo dục và đào tạo đã không khích lệ tư duy độc lập và không nuôi dưỡng sáng tạo cá nhân ở con trẻ.

Xin lấy thêm thí dụ từ việc đào tạo lí luận phê bình âm nhạc. Phê bình âm nhạc chưa có mã ngành về đào tạo chuyên ngành, hiện chỉ là một môn học vừa được mở vài năm gần đây tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam thôi. Thực tế là cho đến nay hoàn toàn chưa có cây bút nào được đào tạo theo chuyên ngành này. Những bạn trẻ tốt nghiệp lí luận âm nhạc chính quy muốn làm nghề phê bình phải đối mặt với vô số khó khăn: mất khá nhiều thời gian tự học trong “trường đời” những thứ thuộc về căn cốt của nghề phê bình để bù đắp sự thiếu hụt của chương trình đào tạo; chưa kể phê cái gì cũng dễ đụng chạm người trên, dễ bị xếp vào hạng ngựa non háu đá hoặc trứng cứ đòi khôn hơn vịt; đã thế lại luôn phải chấp nhận một thực tế đáng buồn là chưa ai đủ sống với nghề phê bình âm nhạc, nhuận bút chất xám quá nhỏ nhoi, nói chi đến chuyện được đầu tư hỗ trợ xuất bản và quảng bá tác phẩm phê bình.

Bạn có thể thắc mắc: vẫn có bao nhiêu người được gọi là nhà phê bình âm nhạc đó thôi, trên diễn đàn báo chí ngày nào cũng vẫn có cả đống bài về đời sống ca nhạc là gì! Đúng thế. Chỉ có điều trong vô số bài viết về âm nhạc, bao nhiêu bài đáng gọi phê bình âm nhạc, bao nhiêu bài chỉ khai thác những chi tiết “ngoài âm nhạc”, chỉ bình luận - thậm chí là bình loạn - theo kiểu vuốt đuôi, nghe hơi nồi chõ? Và trong vô số người hành nghề bình luận âm nhạc, bao nhiêu nhà phê bình âm nhạc chuyên nghiệp thực sự tâm huyết với cái nghiệp mà bản mệnh mặc định phải dấn thân, và trong số ít ỏi đó có bao nhiêu những cây bút lí luận phê bình trẻ?

Giới trẻ thực dụng và đủ tỉnh táo để không toàn tâm sống chết với cái nghề khó kiếm tiền và dễ đụng chạm cũng là lẽ đương nhiên thôi. Dù báo cáo thành tích các cơ quan tổ chức âm nhạc hàng năm đều rất tưng bừng, nhưng chẳng ai dám chắc giới trẻ đang được hưởng một môi trường âm nhạc lành mạnh, một không khí phê bình âm nhạc đích thực - để từ môi trường ấy lớn lên một đội ngũ phê bình âm nhạc đích thực.


Ảnh minh họa

Đội ngũ phê bình chuyên nghiệp luôn bị chê là thiếu (và yếu!), gần như là chuyện muôn thuở. Giải pháp thoát khỏi tình trạng “non số lượng, kém chất lượng” chính là tuổi trẻ, chính là sự phát hiện năng khiếu và khích lệ men sáng tạo ở những cây bút trẻ. Trong nghệ thuật, thế hệ sau phải được định hình theo cách là chính mình chứ không cần là bản sao của thế hệ trước. Giới trẻ là ngày mai của chúng ta chứ không thể ép họ phải là chúng ta trong tương lai.

Vậy thì, những người Nhớn ơi, những người đã từng trẻ ơi, xin hãy làm gì đó thiết thực để tạo ra môi trường nghệ thuật lành mạnh cho các em các con các cháu chúng ta, xin hãy tạo điều kiện cho những nhà phê bình trẻ hướng tới tính nghệ thuật, tính trung thực, tính phản biện trong phê bình âm nhạc cũng như trong phê bình văn học nghệ thuật nói chung. Làm sao để lớp trẻ vượt qua cái e ngại va chạm, bởi nói cho cùng người phê bình cần đối diện văn bản nhiều hơn là đối mặt với cá nhân tác giả. Làm sao để những cây bút trẻ đừng trông chờ đến khi có tác phẩm hay mới tạo phê bình tốt, bởi một khi phê bình không phải thứ ăn theo, mà là đồng hành với sáng tác và đời sống xã hội, thì sáng tác dở vẫn có thể có phê bình tốt, đó là phê bình phản biện chưa bao giờ trong suốt mấy thập niên này được đánh giá đúng vai trò của nó.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.