You are here

Giữ hồn nhạc cụ truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số Khmer

Tác giả: 
Đức Toàn

Nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer có nhiều loại hình khác nhau, gắn bó với đời sống, sinh hoạt cộng đồng và các lễ hội của người dân.

Đứng trước dòng chảy âm nhạc hiện đại, các loại hình âm nhạc truyền thống này đang gặp nhiều khó khăn để tồn tại và đứng vững. Rất may hiện nay, trong cộng đồng DTTS Khmer vẫn có những người dành nhiều thời gian, tâm huyết, hết lòng giữ hồn, truyền lửa để các loại hình âm nhạc dân tộc được duy trì, phát triển.

“Truyền lửa” nhạc ngũ âm

Nói đến nhạc truyền thống của đồng bào DTTS Khmer, người ta thường nghĩ đến nhạc ngũ âm. Đây là loại nhạc cụ độc đáo, thường được chơi trong các dịp lễ, Tết của đồng bào DTTS Khmer, như: Chol Chnam Thmay, Sene Dolta, Ok Om Book, Lễ dâng y hay trong các đám tiệc…

Dàn nhạc ngũ âm được tổng hợp từ 5 loại chất liệu, gồm: Đồng, sắt, gỗ, da và hơi tạo ra 5 âm sắc khác nhau. Trong đó, mỗi bộ sẽ có một, hai hoặc ba loại nhạc cụ tham gia tạo nên biên chế hoàn chỉnh của dàn nhạc ngũ âm truyền thống, gồm 9 loại: Kèn Srolay Pinn Peat (Bộ hơi); đàn Rôneat Ek, Rôneat Thung (Bộ mộc); Rôneat Đek (Bộ sắt); Kuông Vông Tôch, Kuông Vông Thum, Chhưng (Bộ đồng); Trống Samphô, Trống Skô Thum (Bộ da).

Nhạc ngũ âm có nguy cơ mai một do đồ đạc sử dụng quá cũ nên bị hư hỏng, muốn thay thế phải tốn nhiều chi phí. Còn việc học, đòi hỏi thời gian dài mới biết và chơi được hết các loại nhạc cụ. Tuy nhiên hiện nay, tại huyện miền núi Tri Tôn, có một  “nghệ nhân” âm thầm “truyền lửa” ngũ âm.

Ông là Chau Chanh (80 tuổi), một trong những người có uy tín trong đồng bào DTTS xã Núi Tô. Hơn 30 năm “truyền lửa” nhạc ngũ âm, ông Chau Chanh đã hướng dẫn cho nhiều lứa học trò có thể chơi thành thục loại nhạc cụ này.

Ông Chau Chanh cho biết, ngoài niềm đam mê, ông còn mang tâm nguyện lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Vì thế, ông chủ động mở các lớp dạy nhạc ngũ âm tại các chùa trong địa bàn.

Đội nhạc ngũ âm thường biểu diễn tại các dịp lễ, Tết, đám tiệc…

Tùy vào năng khiếu của từng học viên mà thời gian dạy khác nhau, có người học 9 tháng có thể chơi rành, cũng có người phải mất gần 1 năm. Theo ông Chau Chanh, muốn chơi được nhạc ngũ âm phải chăm chỉ luyện tập và có niềm yêu thích với âm nhạc truyền thống, bởi cái khó của nhạc ngũ âm là người học phải tập luyện thường xuyên.

Đến nay, ông Chau Chanh đã dạy được 5-6 lớp nhạc ngũ âm. Riêng tại chùa núi Tà Pạ (xã Núi Tô) có một đội nhạc ngũ âm gồm 9 thành viên. Đây là đội hình nòng cốt, thường biểu diễn trong các dịp lễ, Tết, đám tiệc trong cộng đồng. Đặc biệt, một số người từng là học trò của ông Chau Chanh hiện đang tiếp tục công việc “truyền lửa” cho các bạn trẻ tại các chùa Khmer.

Những nỗ lực bảo lưu, duy trì loại hình nhạc ngũ âm của người Khmer là điều đáng được ghi nhận, biểu dương. Thông qua các lớp học này, ông Chau Chanh mong muốn thể loại nhạc truyền thống của dân tộc sẽ tiếp tục được lưu truyền, phát triển. Hiện, ông Chau Chanh đang tuyển chọn 1-2 thành viên trong đội nhạc ngũ âm của chùa núi Tà Pạ để bồi dưỡng, sau này có thể hướng dẫn cho thế hệ sau.

Ông Chau Chanh, người “truyền lửa” nhạc ngũ âm tại huyện miền núi Tri Tôn

“Giữ hồn” nghệ thuật Chầm riêng - Chà pây

Cùng với nhạc ngũ âm, Chầm riêng - Chà pây là loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của đồng bào DTTS Khmer. Hiện nay, ở huyện miền núi Tri Tôn, anh Chau Thăng (ngụ xã Ô Lâm) là một trong số ít những người còn giữ gìn và biểu diễn loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Anh Chau Thăng cho biết, bản thân được tiếp cận loại hình nghệ thuật này từ nghệ nhân Chau Nưng và nghệ nhân Chau Hunh, thông qua lớp học do địa phương tổ chức. Tại đây, anh được dạy từ các nốt nhạc cơ bản, cách bấm phím, đánh đàn, luyến láy theo điệu nhạc...

Anh Chau Thăng bày tỏ: “Học đàn Chà pây rất khó, đòi hỏi phải đam mê và lòng kiên trì với loại nhạc cụ này. Nhiều người không theo đuổi được, phải bỏ ngang giữa chừng. Sau 3 tháng, chỉ có tôi cùng 1 người nữa biết sử dụng loại nhạc cụ này. Đặc biệt, sau lớp học, tôi được nghệ nhân Chau Nưng tận tình hướng dẫn thêm, nên mới có thể sử dụng thành thạo như hiện nay”.

Anh Chau Thăng, một trong những người hiếm hoi còn “giữ hồn” nghệ thuật Chầm riêng - Chà pây

Anh Chau Thăng cho biết, đàn Chầm riêng - Chà pây thường được chơi trong đám tiệc, lễ hội của đồng bào DTTS Khmer, từ cúng phước, đám tang, Tết Chol Chnam Thmay… Bài bản Chầm riêng - Chà pây phong phú, đa dạng, mang tính giáo huấn cao. Nội dung thường nói về công ơn của cha mẹ, đấng sinh thành, cuộc đời của Phật, bài học hay về cuộc sống… Câu nhạc đệm cùng với cách luyến láy, khúc nhạc hòa quyện giọng điệu của mỗi người, tạo nên sắc thái độc đáo riêng. Vì vậy, Chầm riêng - Chà pây không những có giá trị nghệ thuật, mà còn là bài học quý cho việc giáo dục con người.

Ngoài việc đồng áng, Chau Thăng mở tiệm hớt tóc để kiếm thêm thu nhập trong những lúc nông nhàn. Khi cửa tiệm vắng khách, có thời gian rảnh rỗi hoặc khi người quen yêu cầu, anh Chau Thăng đem đàn Chà pây ra chơi. Tiếng đàn réo rắt như mang cả không khí ngày mùa, lễ hội, phong tục của phum, sóc vào mỗi cung bậc, giai điệu theo tiếng đàn. Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều người biết đến và anh được người dân địa phương mời biểu diễn tại các đám tiệc, hội diễn…

Anh Chau Thăng chia sẻ: “Hiện nay, người biết chơi đàn Chà pây ở địa phương còn rất ít. Một phần do chơi đàn rất khó, đòi hỏi phải đủ đam mê, kiên trì theo đuổi. Ngoài ra, hiện nay chưa thể mưu sinh bằng nghệ thuật Chầm riêng - Chà pây, có lẽ thế mà không nhiều người mặn mà với loại hình nghệ thuật này”.

Anh Chau Thăng cho biết, sẽ sẵn sàng chia sẻ, truyền dạy những gì đã được học cho người có niềm đam mê, yêu thích. Anh cũng mong muốn loại hình nghệ thuật này tiếp tục được lưu truyền, để thế hệ sau nuôi dưỡng lòng tự hào, chung tay phát triển nghệ thuật diễn tấu độc đáo của đồng bào DTTS Khmer của địa phương nói chung và tỉnh An Giang nói riêng.

(Nguồn: https://baoangiang.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.