You are here

Góp hương cho Quan họ thăng hoa

Tác giả: 
Thanh Lâm

Những người thầy đầu tiên, những ông trùm bà trùm, những nghệ nhân lão làng gạo cội, những nghệ sĩ thành danh, những liền anh liền chị đắm đuối, mê say cả đời cùng Quan họ... Nay, có người phiêu diêu về cõi tiên, có người thảnh thơi với mộng bình yên thôn dã, nhiều người vẫn đang miệt mài trao truyền di sản, sáng tạo nghệ thuật. Tất cả đều đã, đang và tiếp tục bước chung trên một con đường đi tìm hương góp cho khu rừng di sản Quan họ thêm ngạt ngào, ngát xanh bất tận để ngàn năm còn mãi thăng hoa...

Với gia tài sáng tác gần 40 bài Quan họ đóng góp vào kho tàng dân ca cổ truyền của quê hương, cụ Nguyễn Đức Sôi được Chi hội Âm nhạc, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và các học trò vinh danh là nhạc sĩ danh dự

Từ người thầy đầu tiên gieo “mầm hồng” Quan họ

Nhắc đến những làn điệu dân ca Quan họ như: Nhớ mãi khôn nguôi, Con sông Vị Thủy, Ăn ở trong rừng, Quả cau non, Cuốc gọi hè, Chuyến đò nên nghĩa, Bóng xế non đoài, Cạn chén trăng thề, Réo rắt chim oanh... nhiều công chúng đương đại sẽ ngỡ là Quan họ cổ. Song đó chính là một phần tiêu biểu trong gia tài sáng tác Quan họ của cụ Nguyễn Đức Sôi (1912 - 1997), người làng Ngang Nội, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du. Những bài Quan họ bất hủ ấy không chỉ được giới nghiên cứu minh định mà suốt nhiều năm qua luôn được các thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân, liền anh, liền chị ở vùng Quan họ nâng niu, trân trọng trao truyền, diễn xướng.

Kể rằng, cụ Nguyễn Đức Sôi với vốn tri thức uyên thâm, giỏi chữ Nho, am hiểu thơ ca, điển tích, điển cố văn học và các loại hình diễn xướng dân gian Tuồng, Chèo lại tinh thông sinh hoạt văn hóa Quan họ nên ngay khi Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh thành lập năm 1969 (nay là Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh), cụ Sôi được mời làm giáo viên đầu tiên. Suốt thời gian giảng dạy cũng như lúc về nghỉ hưu, người thầy đầu tiên ấy điền dã qua khắp làng Quan họ trong vùng để tầm học vốn liếng của các nghệ nhân, liền anh, liền chị tên tuổi và nằm lòng hàng trăm làn điệu cổ với những phong cách khác nhau. Chính quá trình tích lũy tri thức bằng cả nhận thức lý trí và toàn bộ rung cảm tâm hồn, cảm xúc thẩm mỹ ấy đã hình thành “người nghệ sĩ sáng tạo Quan họ” - Nguyễn Đức Sôi.

Trong những năm 60 của thế kỉ XX đến khi từ giã cõi trần, cùng với cải biên, thầy Sôi sáng tác gần 40 bài Quan họ, có những tuyệt phẩm sáng tạo cả phần nhạc lẫn phần lời như “Nhớ mãi khôn nguôi”, “Ăn ở trong rừng”, “Con sông Vị Thủy”... Những sáng tác ấy ngay khi ra đời đã hòa vào dòng chảy dân ca cổ truyền và trở thành hợp phần của Di sản văn hóa Quan họ ngày nay.

Chưa một lần được diện kiến, tất cả những gì chúng tôi biết về cụ Nguyễn Đức Sôi chỉ là chắp nối qua những dòng cảm xúc bất chợt, qua kỉ niệm và kí ức của lứa học trò đầu tiên được cụ uốn nắn từng giai điệu, từng âm bồi, âm phụ... Tâm sự về thầy Sôi, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ xúc động: “Tôi có may mắn học thầy tôi 7 năm. Nghĩ về thầy, tôi nhớ đến câu thơ của Nguyễn Duy “Có gì lặng quá đi thôi/Khi gần thì mất, xa xôi lại còn”. Thầy tôi đã xa 23 năm nhưng càng xa lại càng thấy còn, còn một cách rực sáng!”.

Dù đã gần 70 tuổi nhưng NSND Thúy Cải (phải) vẫn tích cực góp sức truyền dạy và tham gia diễn xướng Quan họ.

Người thầy Quan họ tài hoa đất Ngang Nội ấy đã dành cả cuộc đời miệt mài phấn đấu và cống hiến vì sự nghiệp của Đảng, của quê hương và sự nghiệp văn hóa tỉnh nhà. Ngoài sáng tác, truyền dạy, cụ Sôi còn tập trung thẩm định, biên tập, sửa chữa, bổ sung cho bài bản Quan họ các làng khác nhau. Đó là công việc hết sức khó khăn trong điều kiện xưa. Đặc biệt, cụ còn tham gia dàn dựng từ Quan họ hát thính phòng để sau đó, Quan họ có thể biểu diễn được ở đồng ruộng, ở các công trình thủy lợi, ở các trận địa và đi vào tận Trường Sơn... “Trong cái hữu hạn ngắn ngủi đời người, ông để lại cho chúng ta một di sản không hề ít ỏi; để góp vào, định hình, định giá một dòng di sản trên vùng đất Quan họ Kinh Bắc - Bắc Ninh” - Nhà báo Quang Thuận bình trong phim tài liệu về cụ Sôi.

Dẫu đến bây giờ, cụ Nguyễn Đức Sôi vẫn chưa được phong tặng, truy tặng một danh hiệu cao quý nào! Song trong tâm thức học trò và những người hâm mộ, cụ mãi là người thầy đầu tiên, một nghệ nhân Quan họ mẫu mực, một nghệ sĩ, nhạc sĩ tài hoa với nhân cách rực sáng! - “Cụ là thầy giáo đầu tiên/Dạy Quan họ lớp diễn viên khóa đầu/ Cuộc đời tuy chẳng sang giàu/ Tài năng, đức độ mãi sau còn truyền”...

Đến thế hệ nghệ sĩ gạo cội thành danh, nức tiếng thơm

Di sản Quan họ phát triển như hôm nay là sự nỗ lực của cả cộng đồng người yêu say, mộ điệu chứ không phải riêng một ai. Song nếu ví Dân ca Quan họ là cánh rừng di sản, cụ Nguyễn Đức Sôi là một “linh mộc” xanh tươi, cao lớn trong cánh rừng ấy thì lứa học trò đầu tiên được cụ Sôi dẫn dắt, gieo trồng đều trổ cành, đơm trái trở thành những đại thụ sừng sững, những tinh túy ngát hương của khu rừng Quan họ. Đó là những gương mặt nghệ sĩ gạo cội quá đỗi thân thuộc, là những nghệ danh mà mỗi lần nhắc đến đều để thương, để nhớ cho biết bao công chúng mộ điệu gần xa như: NSND Thúy Cải, NSND Thúy Hường, các NSƯT Lệ Ngải, Minh Phức, Tự Lẫm, Hai Tráng, Xuân Mùi, Quang Vinh, Khánh Hạ...

Có thể nói, những năm 20 của thế kỉ trước, cụ Cao Văn Lầu với Dạ cổ hoài lang, những năm 60 là bác Nguyễn Trung Phong với Dân ca Nghệ Tĩnh, sau đó là bác Phạm Văn Kiên với Chầu văn và thầy Nguyễn Đức Sôi với Quan họ. Số người đặc biệt như vậy không nhiều. Cho nên càng xa cụ bao nhiêu, chúng ta thấy thầy Sôi càng hắt sáng bấy nhiêu! Chính cuộc đời hoạt động nghệ thuật và những đóng góp của thầy với Quan họ đã tạo nên một cầu nối vững chãi giữa cổ và kim, giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ và tương lai...” - Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ (ảnh dưới).

Trải qua hơn 50 năm hoạt động và nghiên cứu Quan họ, không ngừng làm giàu vốn kiến thức của mình, bền bỉ với hành trình đưa Quan họ đến gần hơn với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế, hơn ai hết NSƯT Xuân Mùi ý thức được sứ mệnh của một người học trò, một người truyền cảm hứng và một “anh Hai” mẫu mực. NSƯT Xuân Mùi trải lòng: “Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng tôi vẫn đi khắp mọi miền, khắp các nước trên thế giới để quảng bá Quan họ với hi vọng đáp lại phần nào ơn sâu dày của thầy Sôi đối với mình cũng như với anh chị em nghệ sĩ Quan họ. Chính tư cách đạo đức, phong thái, lối sống của thầy Sôi ngấm vào tôi để ngày nay tôi vẫn được mọi người yêu quý”.

Trưởng thành từ Đoàn Dân ca Quan họ ngày đầu ấy, Nhạc sĩ Hữu Toàn, nguyên Viện Trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam tâm sự: “Cách đây 50 năm, lúc đó tôi chỉ 14-15 tuổi là người bé nhất Đoàn nên được thầy Sôi, thầy Siêu cho ăn cho ở cùng. Các thầy coi tôi như con. Sau này được học nhiều thầy nhưng không bao giờ tôi quên được hình ảnh, tình cảm những người thầy đầu tiên đưa tôi đến với nghệ thuật...”.

Dù đã nghỉ hưu nhưng NSƯT Xuân Mùi vẫn bền bỉ cống hiến, góp sức làm giàu đẹp nền dân ca đặc sắc của quê hương

Được uốn nắn, vun trồng bởi một người thầy vừa có tâm, vừa có tài với nhân cách sâu dày, vì thế mà lứa học trò đầu tiên của thầy Sôi đều thành đạt, vang danh nức tiếng. Có học trò trở thành nhạc sĩ, có người làm nghiên cứu, sưu tầm, có người giữ vai trò quản lý, người kể chuyện Quan họ và nhiều người là nghệ sĩ biểu diễn... Dù trên nhiều cương vị công tác khác nhau, với hoàn cảnh không gian và phương thức sáng tạo riêng nhưng tất cả đều đã và đang nối bước người thầy năm xưa, nỗ lực sáng tạo, gìn giữ, trao truyền di sản quê hương.

NSND Thúy Cải - một “bông hoa Quan họ rực rỡ, nguyên chất” sắp bước sang tuổi thất thập với 35 năm tuổi Đảng, hơn 50 năm gắn bó sắt son, miệt mài cống hiến cho Quan họ đến nay vẫn canh cánh khắc ghi: “Nhân dân Bắc Ninh biết trân trọng nền văn hiến của mình mà gìn giữ đến ngày nay, để Thúy Cải cùng bao nghệ sĩ khác được thừa hưởng hương thơm ấy, rồi được vinh danh. Không thể quên công lao của các cấp lãnh đạo ngành Văn hóa, các nhà chuyên môn qua các thời kỳ luôn trăn trở để có được sự đồng thuận của chính quyền các cấp, khẳng định giá trị đích thực của di sản, tạo động lực thúc đẩy phong trào ca hát Quan họ lan tỏa sâu rộng, trường tồn như bây giờ. Nay người còn, người khuất, kể thì vô tận, biết mà nghĩ tới mới là điều ghi nhận...”.

Cùng với tâm huyết của Trưởng Ty Văn hóa Hà Bắc Lê Hồng Dương, người thầy đầu tiên Nguyễn Đức Sôi và Trưởng Đoàn Nguyễn Đức Siêu, lớp nghệ sĩ Quan họ chuyên nghiệp đầu đàn ngày ấy không ngừng học hỏi, miệt mài luyện rèn, kiên trì tưới tắm, cần mẫn vun bồi, cống hiến hết mình để thổi bùng nhựa sống tiềm tàng của khu rừng Quan họ trong những thập niên cuối của thế kỷ XX. Bây giờ, Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cũng chính là ghi nhận công sức của cộng đồng, trong đó có những người thầy, các nghệ nhân, nghệ sĩ luôn bền bỉ giữ trong mình một tình yêu thủy chung mãnh liệt, nồng nàn với dòng sữa dân ca ngọt ngào, say đắm của quê hương.

(Nguồn: http://vanhien.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.