You are here

GS-NSND Trọng Bằng: Kiên trì nuôi dưỡng dòng âm nhạc hàn lâm

Tác giả: 
Nguyễn Thụy Kha

Vẫn biết ông nằm bệnh đã lâu, nhưng khi nghe tin ông đi khỏi cõi đời vào 7h30 sáng 21/10/2022, vẫn thấy dâng lên trong lòng một tiếc thương bâng khuâng. Thế là lại thêm một nhạc sĩ gạo cội rời xa làng nhạc đi về nơi xa vắng, để lại một mất mát không gì bù đắp. Đó là sự ra đi của nhạc sĩ - nhạc trưởng - nhà giáo Trọng Bằng.

GS-NSND Trọng Bằng quê ở Gia Lâm, nhưng sinh ở Cao Bằng ngày 1/5/1931. Có lẽ vì sinh ở Cao Bằng, nên cụ thân sinh mới đặt tên ông là Trọng Bằng. Bằng còn là tên một loài chim. Anh ruột ông là nhạc sĩ Trọng Loan, cũng mang tên một loài chim.

Từ một ban nhạc gia đình

Khi còn niên thiếu, Trọng Bằng đã theo cha đi nhiều nơi, vì cha làm nghề cầu đường. Quãng đời ở Vinh, đặc biệt quan trọng đối với ông. Sống trong một gia đình mê âm nhạc, Trọng Bằng đã theo các anh chị học nhạc và đã từng được ngồi cùng ban nhạc gia đình. Khi người anh là nhạc sĩ Trọng Loan tham gia cách mạng, Trọng Bằng cũng đã nuôi chí hướng ấy trong nhiều năm ở vùng tự do thuộc khu IV.

Tốt nghiệp sư phạm văn khoa khóa I, Trọng Bằng lại theo tiếng gọi của âm nhạc tham gia công tác văn nghệ ở mặt trận Trung Lào. Khi ra Việt Bắc, ông đã trở thành đội trưởng đội nhạc Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), đã cầm đũa chỉ huy dàn nhạc.

Nhạc sĩ Trọng Bằng. Ảnh: tư liệu gia đình

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, sẵn vốn văn học, ông đã đặt lời cho nhiều bài dân ca miền Tây Bắc như Inh lả ơi, Xòe hoa... Sáng tác đầu tay của ông là bài Tình quê hương, viết để khuyên bảo bà con không bị lôi kéo di cư vào Nam sau Hiệp định Genève 1954.

Sự nghiệp âm nhạc của ông bắt đầu theo con đường chuyên nghiệp sau khi đi tu nghiệp tại Nhạc viện Tchaikovsky ở Moskva năm 1963. Ông tốt nghiệp bằng đỏ hệ chỉ huy. Về nước, ông đầu quân cho Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, vừa chỉ huy, vừa viết ca khúc. Ông và thế hệ 3X lúc đó trở thành lực lượng sáng tác chủ yếu của thời chống Mỹ.

Còn nhớ vào năm 1965, ông đã được biết đến bởi hành khúc Những dũng sĩ Núi Thành, ngợi ca những người lính đặc công tạo nên chiến thắng Núi Thành, Quảng Nam, bằng lưỡi lê xáp lá cà với lính Mỹ. Dấn thân vào tuyến lửa khu IV, Trọng Bằng đã nổi tiếng với Bài ca cầu phao.

Còn nhớ những năm tháng đó Bài ca cầu phao đã được đón nhận ở khắp nơi, ở hội diễn của các trường đại học ngày ấy. Đặc biệt, khi cuộc Tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968, chỉ cần nghe tin thắng trận dồn dập, ngồi ngay ở ghế đá sân 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), ông đã viết ra hành khúc Bão nổi lên rồi, làm rung chuyển cả nước qua làn sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ít lâu sau đó, những trận pháo kích của đại bác 130 ly từ bờ Bắc sông Bến Hải vào hàng rào điện tử McNamara và Bắc Quảng Trị đã tạo cảm hứng để ông viết Pháo ta gầm, qua giọng hát Quý Dương, làm nức lòng những người lính chiến trường. Trong những ngày Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội, 12 ngày đêm cuối năm 1972, ông lại tấu lên Cả nước hướng về Hà Nội, vang vọng cùng Hà Nội - Điện Biên Phủ của Phạm Tuyên, Hà Nội - Niềm tin và hy vọng của Phan Nhân...

Nhạc sĩ Trọng Bằng chỉ huy dàn nhạc năm 2009. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Đến con đường giao hưởng

Ngày hoàn toàn giải phóng, Trọng Bằng cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam vào TP.HCM. Ở đấy ông đã chỉ huy bản Giao hưởng số 5 của L.V. Beethoven làm chấn động bao con tim và cả tầng lớp trí thức. Có thể nói đó là trận thắng cuối cùng về văn hóa mà ông và dàn nhạc giao hưởng đã chứng tỏ tại thành phố vừa giải phóng. Khi ấy ông đã tốt nghiệp nghiên cứu sinh, cũng tại Nhạc viện Tchaikovsky.

Những năm tháng sau thống nhất, Trọng Bằng vẫn tiếp tục chỉ huy dàn nhạc giao hưởng và viết nhiều tác phẩm khí nhạc, độc đáo nhất là ouverture Chào mừng, viết cho đàn bầu và dàn nhạc giao hưởng.

Ông là một trong những người kiên trì nuôi dưỡng dòng âm nhạc hàn lâm ở Việt Nam giữa làn sóng nhạc bình dân, nhạc điện tử ngỡ có thể nhấn chìm dòng âm nhạc chính thống này. Bởi thế, ông vừa chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, vừa trở thành Phó Giám đốc, sau là Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, cũng như nhiều năm đứng trên bục giảng.

Năm 1995, ông trở thành Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam và làm ở cương vị ấy suốt 2 nhiệm kỳ, tròn một thập niên. Chính những năm tháng ấy, ông đã viết giao hưởng thơ Người về đem tới ngày vui từ một giai điệu viết về Bác Hồ của Văn Cao. Và sau đó, bản giao hưởng Chào năm 2000 - Chào thiên niên kỷ mới. Ông còn là Trưởng ban Biên tập âm nhạc của Hội đồng quốc gia biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam và là đại biểu Quốc hội. Thật không ngờ ông còn sắm vai nhạc trưởng trong phim Điện Biên Phủ của Pháp, mặc dù ông đã viết nhiều nhạc phim, nhạc sân khấu.

Bên trong Trọng Bằng luôn thường trực 3 con người: nhạc sĩ - nhạc trưởng - nhà giáo âm nhạc. Hình ảnh của ông đã là tấm gương cho thế hệ sau noi theo. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chính là một truyền nhân xuất sắc, kế thừa ông ở sự hội tụ trên.

"Tre già măng mọc" đúng như lời cổ nhân đã dạy. Khi thế hệ sau đã trưởng thành thì cũng là lúc ông đã đạt được "phúc - lộc - thọ - khang - ninh", nhưng cũng là thời điểm chạm mốc của "sinh - lão -  bệnh - tử". Không ngờ, chỉ sau Ngày Nhà giáo Việt Nam vài tiếng, ông đã tạ thế ở tuổi 92, để lại bao thương tiếc.

Vẫn biết không ai có thể cưỡng lại được số phận, nhưng sự ra đi của ông vừa là một ghi nhận vàng son cho sự cống hiến trọn vẹn, vừa là lời nhắc nhở nhân gian hãy biết trân trọng "nguyên khí của dân tộc" mà cha ông ta hằng tâm niệm. Xin thắp một nén hương thành kính trước anh linh ông. Xin vĩnh biệt ông.

"Bên trong Trọng Bằng luôn thường trực 3 con người: nhạc sĩ - nhạc trưởng - nhà giáo âm nhạc. Hình ảnh của ông đã là tấm gương cho thế hệ sau noi theo. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chính là một truyền nhân xuất sắc, kế thừa ông ở sự hội tụ trên" nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha.

(Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.