You are here

Gửi tình yêu qua những nốt nhạc xanh

Tác giả: 
Hà Anh

Là nghệ sĩ, chiến sĩ mang quân hàm xanh, Đại úy, nhạc sĩ Lê Đức Trí, Đội trưởng Đội Tuyên truyền Văn hóa BĐBP Quảng Bình, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Quảng Bình luôn mang trong mình niềm tự hào của người lính và gửi gắm tình cảm của mình với đồng đội đang ngày đêm canh giữ biên cương vào những ca từ, nốt nhạc. Bằng tình yêu quê hương, tình yêu với công việc và sự lạc quan của người lính, các sáng tác âm nhạc của anh luôn mang âm hưởng trẻ trung, hướng đến một tương lai tươi sáng.

Nhạc sĩ “quân hàm xanh” Lê Đức Trí. Ảnh: Hà Anh

Lê Đức Trí là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Quảng Bình, nhưng lại không làm việc ở cơ quan chuyên môn về nghệ thuật. Con đường đến với âm nhạc của anh cũng không bằng phẳng như nhiều người khác, nhưng bằng niềm đam mê và tài năng nghệ thuật, Lê Đức Trí đã tạo ra dấu ấn cho riêng mình qua nhiều tác phẩm âm nhạc được giới chuyên môn và công chúng yêu nhạc đón nhận.

Anh tâm sự: “Tôi yêu âm nhạc từ nhỏ và từng thành lập ban nhạc, chơi ghi ta, kiêm luôn cả ca sĩ biểu diễn nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng mình trở thành nhạc sĩ. Từ ngày công tác trong BĐBP, được tham gia nhiều lớp tập huấn, trại sáng tác do Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức, từ đó tôi mới nhen nhóm trong mình nhiều ý tưởng nghệ thuật và tình yêu âm nhạc trong tôi ngày một dày thêm. Sắc màu biên cương, sự gian khổ và cả những hy sinh của người lính biên phòng vì bình yên Tổ quốc, vì cuộc sống người dân chính là đề tài xuyên suốt trong các sáng tác của tôi”.

Qua những chuyến đi cùng đồng đội đến với các bản làng xa xôi, nơi rừng sâu núi thẳm, chứng kiến từng giọt mồ hôi và cả những dấu chân thầm lặng của các chiến sĩ Biên phòng đã để lại trong trái trim người nghệ sĩ nhiều rung cảm, để rồi “bật ra” những thanh âm chan chứa tình yêu quê hương và niềm tự hào vì được khoác trên mình màu xanh áo lính. “Mưa chiều biên giới” là ca khúc đầu tay và cũng là tác phẩm để lại trong anh nhiều cảm xúc nhất.

Nhạc sĩ Lê Đức Trí kể: Năm 2002, anh được cấp trên cử đi học lớp bồi dưỡng kỹ năng sáng tác tại Hà Nội do cố Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên giảng dạy. Trong chương trình học, các học viên được đi thực tế tại tỉnh Lạng Sơn. Kết thúc đợt thực tế, trên chuyến xe trở về, anh bắt gặp hình ảnh người phụ nữ gầy guộc, tay bồng con và cố che chắn cho con khỏi ướt giữa một chiều mưa giăng kín lối. Suốt cả quãng đường đi, hình ảnh đó cứ vương vấn trong đầu anh, gợi cho anh liên tưởng đến những người vợ lính đang ngày đêm chờ chồng rồi nghĩ đến những đồng đội của mình đang làm nhiệm vụ nơi biên cương xa xôi. Anh đã ghi lại cảm xúc ấy bằng những ca từ, giai điệu mộc mạc và mạnh dạn đưa “đứa con tình thần” đầu tiên của mình cho nhạc sĩ An Thuyên xem để được thầy góp ý.

Và chính anh cũng không ngờ rằng, lần đầu tiên viết nhạc của mình lại được bậc thầy lớn của âm nhạc nước nhà đánh giá cao. Cho đến bây giờ, “Mưa chiều biên giới” vẫn là ca khúc giữ kỷ lục sáng tác nhanh nhất của Lê Đức Trí. Từ khi ra đời đến nay, ca khúc này đã được biểu diễn trong nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền của đơn vị và trong các hội diễn văn nghệ quần chúng của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Cũng viết về đề tài người lính Biên phòng, Lê Đức Trí còn có ca khúc “Gió biên thùy” sáng tác vào cuối năm 2009 trong một chuyến công tác ở vùng biên giới phía Tây Quảng Bình. Tác phẩm này đã được Cục Chính trị BĐBP chọn in trong cuốn “28 ca khúc đặc sắc về người lính biên phòng” vào năm 2010.

Mỗi tác phẩm ra đời là một câu chuyện gắn với các chuyến đi thực tế, được nhạc sĩ Lê Đức Trí kể lại bằng âm nhạc. Nếu “Gió biên thùy” là những bước chân không mỏi của người lính trên đường tuần tra biên giới giữa núi cao, rừng sâu thì “Bình minh nơi cửa biển” lại là niềm tự hào của người chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió, nguyện dâng hiến tuổi thanh xuân vì bình yên biển cả...

Một trong những ca khúc ra đời sớm, trở thành khúc hành ca của người lính trẻ thường được cất lên vào mỗi dịp tiễn tân binh lên đường nhập ngũ là ca khúc “Chào lính tân binh” của Lê Đức Trí. Với giai điệu vui nhộn, trẻ trung, “Chào lính tân binh” như lời cổ vũ, động viên, tiếp sức cho những người lính trẻ lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Ngoài ra, Lê Đức Trí để lại ấn tượng trong lòng công chúng yêu nhạc với ca khúc “Dòng sông tình mẹ”, được tặng giải thưởng Văn học nghệ thuật Lưu Trọng Lư và đoạt giải A liên hoan âm nhạc Bắc miền Trung. So với các ca khúc khác, “Dòng sông tình mẹ” có giai điệu ngọt ngào, tha thiết, chở nặng nỗi đau của người mẹ mất con bởi chiến tranh: “Chiến tranh đã qua, các anh ở đâu, sao không về với mẹ. Để mẹ ôm ấp, vỗ về như hồi còn bé...”. Ca khúc được Nghệ sĩ ưu tú Thùy Linh thể hiện rất thành công trên nhiều sân khấu biểu diễn nghệ thuật.

Trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, Lê Đức Trí chứng kiến những gian nan, vất vả của đồng đội qua nhiều hoạt động nhằm kiểm soát dịch bệnh. Tất cả đã cho anh cái nhìn thực tế và nhiều cảm xúc để tạo ra MV ca nhạc “Đẹp mãi giữa lòng dân”. Tiếp đó, Lê Đức Trí lại cho ra đời ca khúc thứ hai về đề tài này với tựa đê: “Hãy tin vào ngày mai”, với niềm tin chiến thắng dịch Covid-19. Các ca khúc của anh đã góp phần cổ vũ tinh thần người chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi vùng sâu, vùng biên giới và bày tỏ niềm tin chiến thắng đại dịch để Quảng Bình cùng cả nước đón những ngày mới tươi đẹp hơn.

Không chỉ tập trung cho sáng tác, Lê Đức Trí còn tham gia xây dựng, đạo diễn, hòa âm, phối khí các chương trình biểu diễn nghệ thuật của đơn vị. Với sự sáng tạo của anh, các chương trình biểu diễn luôn mang lại thành công, được đánh giá cao tại nhiều hội diễn, liên hoan Văn nghệ trong và ngoài tỉnh. Năm 2019, tại Hội diễn Đội Tuyên truyền Văn hóa tuyến biên giới, biển đảo lần thứ X, khu vực miền Trung-Tây Nguyên, chương trình của Đội Tuyên truyền Văn hóa của BĐBP Quảng Bình do anh dàn dựng có số điểm cao nhất trong các đội tham gia.

Điểm “lạ” ở người nhạc sĩ áo lính này là càng ngày anh càng hướng đến sự tươi trẻ trong cách viết, cách thể hiện. Anh cho rằng: Trong hoạt động nghệ thuật, không cho phép người nghệ sĩ cứ đi mãi một con đường, lặp lại những việc đã làm mà phải luôn luôn đổi mới. Khi mình làm mới tác phẩm cũng chính là làm mới bản thân mình, bởi mình đang hòa nhập với dòng chảy cuộc sống mới trẻ trung, đầy năng lượng.

Những năm gần đây, Lê Đức Trí sáng tác khá nhiều, dù phần lớn tác phẩm chưa có điều kiện công bố nhưng hầu hết ca khúc mới của anh đều mang âm hưởng vui tươi, phù hợp với thời đại, một số ca khúc hướng đến đối tượng công chúng trẻ có nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, thiên nhiên, con người Quảng Bình, khát vọng của tuổi trẻ...

Chỉ tính trong năm 2020, Lê Đức Trí đã trình làng 5 ca khúc mới và trong những tháng đầu năm 2021 anh chuẩn bị công bố 2 tác phẩm là “Phong Nha đệ nhất kỳ quan” và “Hoa bàng vuông”. Hai ca khúc mới này có hai chủ đề khác nhau, một về đề tài du lịch, một về người lính, nhưng điểm chung là cái nhìn lạc quan của người viết, thể hiện bằng tình yêu tha thiết với quê hương, con người Quảng Bình và cuộc sống đang đổi mới từng ngày.

Có một thời gian, Lê Đức Trí ngưng lại việc viết và theo anh đó là “khoảng lặng” để anh chiêm nghiệm, chắt lọc, ấp ủ những dự định để rồi người nghệ sĩ ấy tự “kích hoạt” chính mình với những nốt nhạc xanh vẽ nên bức tranh mới về quê hương, về người lính, về một Quảng Bình tươi sáng trong tương lai.

(Nguồn: https://www.bienphong.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.