You are here

Hai số phận hay bài hát "Xô Viết" nhất của thời hậu Xô Viết

Tác giả: 
Nam Nguyên

Jeanette

“Porque Te Vas” – “Bởi vì anh ra đi” (tựa đề tiếng Anh “Why Are You Leaving”) là bài hát do nhà soạn ca khúc kiêm ca sĩ Tây Ban Nha Jose Luis Perales sáng tác, và được nữ ca sĩ Jeanette thu âm năm 1974. Trước lúc thu âm Jeanette không thích ca khúc này lắm, nhưng nó lại là ca khúc mang lại thành công bậc nhất trong sự nghiệp của cô.

Jeanette sinh ra ở London và lớn lên ở Chicago và La Habra, California. Sau khi cha mẹ chia tay năm 12 tuổi, cô chuyển đến Barcelona cùng mẹ và em trai và em gái. Lớn lên ở Hoa Kỳ, cô chỉ nói tiếng Anh. Khi mới chuyển đến Tây Ban Nha ban đầu, cô được xếp vào một trường Mỹ, nhưng sau đó kết bạn với một số trẻ em địa phương người Tây Ban Nha, chúng đã giúp cô học tiếng Tây Ban Nha nhưng cô vẫn nói sệt giọng Mỹ... Jannette nổi tiếng khá sớm trong cộng đồng các nước nói tiếng Tây Ban Nha. Sau khi ban nhạc của cô là “Pic-Nic” tách ra vào cuối những năm 1960, Jeanette chuyển đến Vienna với chồng, cầu thủ bóng đá Hungary László Kristof, và sống lặng lẽ như một người nội trợ và nuôi con. Quay trở lại Tây Ban Nha năm 1971, cô quyết tâm làm lại với âm nhạc, bài làm cô trở thành “ngôi sao đang lên” là tác phẩm “Soy rebelde” (Tôi là kẻ nổi loạn) từ 1971 khi cô còn quá trẻ mới 20 tuổi:

Lần đầu tiên ấy hãng thu âm đã viết sai tên cô, và cái tên sai “Jeanette” đã gắn với cô suốt đời, thay vì “Janette”)

Bài hát “Bởi vì anh ra đi” thực sự nổi tiếng sau khi được dùng trong một bộ phim, và sau đó tác giả người Tây Ban Nha này mới chính thức bỏ nghề thợ điện của mình để lấn sân sang giới “nghệ”. Sau này ông Perales cũng nhiều lần tự dàn dựng và trình diễn bài hát con cưng này của mình:

Hãy đồng ý với tôi, rằng cũng chỉ... nhàng nhàng thế thế mà thôi! (Thế nào mà hát thế, trong đời ông bán được 50 triệu đĩa đấy, đúng là đi làm thợ điện làm gì nữa?!). Thế nhưng vào những năm 1976-1977 ấy đây là bài hát tiếng Tây Ban Nha nổi tiếng thứ nhì (chỉ thua “Besame mucho”), được phổ lời tiếng Pháp, Anh, Phần Lan, Nhật,...

Nhưng riêng ở Liên Xô bài hát này bắt đầu một “cuộc sống mới” – hay đúng hơn nó có người em song sinh với cuộc sống hoàn toàn riêng biệt! Số là khi chuẩn bị cho Olimpic mùa hè 1980 ở Liên Xô người ta không chỉ chuẩn bị về hạ tầng (sân vận động, ký túc xá, đường phố...) mà còn chuẩn bị rất kỳ công về mặt... tư tưởng! Tức là bao nhiêu thành phần phức tạp về mặt chính trị, bất hảo về hình sự cho vào tù hết! Người nước ngoài dù đa số là sinh viên khối XHCN và thân Liên Xô cũng giải tỏa bớt, cho đi chơi, đi lao động ở các vùng miền xa 4 thành phố chính sẽ có Olimpic ra, nhất là phải giải tỏa khỏi thủ đô. Thế mới có chuyện nới lỏng để sinh viên nước ngoài đi Đông Âu dễ dàng, lần đầu tiên đấy và cũng là lần cuối cùng “thả gà ra đuổi” như vậy, sau vụ này người Việt ở Liên Xô mới thực sự bắt tay vào “đánh quả”! Chưa hết, cả về âm nhạc Liên Xô cũng phải tỏ ra “chịu chơi” một chút chứ không lại mang tiếng “Ivan” – lúc này chưa có quyết định của các nước tư bản tẩy chay kỳ Olimpic này – thế là một số ban nhạc hàng đầu của Liên Xô nhận được đặt hàng phải ra một số đĩa hát với những bài hát quốc tế! Tất nhiên cũng “quốc tế” vừa vừa thôi chứ đừng “tư bản” quá, thế là một số bài tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp được phổ lời Nga và thu âm. Trong số đó “Porque Te Vas” được phổ thành bài hát “Vào lần cuối cùng” bởi nhà thơ kiêm nhà văn viết cho thiếu nhi Vladimir Lugov. Ban nhạc đình đám “Những bạn trẻ vui vẻ” xuất bản đĩa hát năm 1979, trên vỏ đĩa tên tác giả bài hát viết sai hết cả, và bán được 11 triệu bản:

Bài hát rất nhanh chóng được ưa thích đặc biệt, có lẽ do cách phối khí đặc biệt của bản original (chỉ nghe vài hợp âm đầu tiên đã nhận ra bài hát gì, không lẫn vào đâu được) và giọng nữ Liudmila Barykina cũng “tưng tửng” hệt như giọng cô gái ngọng tiếng Tây Ban Nha gốc Mỹ kia! Và lời Nga có lẽ hay và ý nghĩa hơn lời bản gốc khá nhiều... Dân Liên Xô cũ quen gọi bài hát này với một tên khác, đó là “Buồng với cửa sổ và ban công” – trong bài hát có mô tả về địa điểm mà đôi trẻ chia tay là căn phòng sáng sủa, sạch đẹp như thế, bây giờ vẫn vậy chỉ khác là vắng bóng người thương... Người Xlavơ luôn yêu mến những quán ăn có nhạc sống (Còn ở Việt Nam chả hiểu sao lại coi đó là “hạ cấp”?!), bài hát này chẳng bao giờ thiếu được, và người ta... nhảy được dưới nhạc này mới tài chứ! Ở Liên Xô trước kia và ngay cả bây giờ chả ai biết tới Jeanette cả, họ gọi đây là bài hát “Vào lần cuối cùng của Liudmila Barykina”.

Nếu gọi đó là “bài hát của toàn thể nhân dân Xô viết” thì có lẽ hoàn toàn xứng đáng! Xứng đáng nhất bởi vì nó ngày càng được ưa thích... sau khi Liên Xô tan rã, và đây chính là một trong những bài hát giúp người ta nhớ tới một thời chưa xa nhưng hoàn toàn khác ấy. Tốt hơn hay xấu hơn, vui hơn hay buồn hơn... không còn quan trọng nữa khi “căn buồng với cửa sổ và ban công vẫn sáng sủa, sạch tinh tươm như vào ngày chúng ta còn ở bên nhau...thời gian trôi đi và anh đã quên hết những gì đã có giữa chúng ta,... dù em không chờ đợi đâu, nhưng anh hãy biết rằng khi đó em đã yêu anh lần cuối cùng...”.

Все напоминает о тебе, а ты нигде

Остался мир, который вместе видел нас

В последний раз

Комната с балконом и окном светла сейчас

Чиста как день, который вместе видел нас

В последний раз

Время пройдет и ты забудешь все, что было

С тобой у нас, с тобой у нас

Нет я не жду тебя, но знай, что я любила

В последний раз, последний раз

Дни пройдут не знаю сколько зим и сколько лет

Быть может я смогу быть счастлива с другим

А может нет

Что смешно не вечно под луной, но ни на час

Я не забуду дня когда ты был со мной

В последний раз...

Tiếng Việt vào những năm 80 người ta có hát, “Khi tia nắng ban mai tràn khắp phố phường...” (tên bài “Vì sao anh ra đi”) – ca sĩ ta như Ái Vân hát chắc chả thua được cái ông “thợ điện” Perales kia đâu, vậy sao chẳng còn ai nhớ tới bài hát này? Có lẽ vì cái tội lời sáo rỗng quá, tất nhiên phổ lời Việt luôn khó nhưng cứ “hô khẩu hiệu” thì không nhớ được đâu, tôi không đưa lại clip tiếng Việt để khỏi làm khổ nhau nhưng bạn đọc nếu tò mò thì tìm lại được ngay mà...

Tất nhiên đây là bài hát về tình yêu, một mối tình đã qua:

Nhưng khi nghe bài hát này, người Liên Xô cũ bao giờ cũng liên tưởng tới một “mối tình” khác – CCCP. Không buồn, không vui, không dở, không hay mà nghe qua phải nhận ra ngay và chẳng thể nào quên!

“Căn phòng sáng sủa với cửa sổ” là nơi gặp gỡ lần cuối được tái hiện lại thật tình cảm:

Cho đến những năm này, Jeanette vẫn trẻ trung thậm chí còn xinh hơn 45 năm trước, và “Porque Te Vas” vẫn là “hit” tầm thế giới của cô, dù chỉ là thế giới tiếng Tây Ban Nha hay Pháp ngữ, thế cũng đủ rộng lớn lắm rồi:

(Xem Jeanette hát tôi mới càng hiểu vì sao chị Thanh Hoa chỉ cần có “Làng lúa làng hoa” với “Tàu anh qua núi” mà quá đủ để diễn mấy chục năm nay – chúng ta chờ ở các ca sĩ chính những hồi tưởng đẹp đẽ của thời tuổi trẻ chứ đâu cần gì nhiều?).

Còn bài hát này ở Liên Xô cũ ngày nay được gọi với tên gọi đúng như những câu hát đầu tiên của nó: “Tất cả gợi nhớ đến người thương” – và chỉ với những hợp âm đầu tiên người ta đã nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ CCCP:

Trong bài hát có câu: “Có thể em đang hạnh phúc với người đàn ông khác, mà cũng có thể là không...”.

Liệu đó có phải là lần cuối cùng?

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.