You are here

Họ hàng nhà Tý

Tác giả: 
Lư Nhất Vũ

Họ hàng nhà Tý [*] 

Là con cháu trong gia tộc họ nhà Tý, tôi xin được phép trình diện những nhạc sĩ chào đời cầm tinh tuổi con chuột. Đó là loài chuột không hề phá hoại mùa màng, không truyền lây lan bệnh dịch, không sợ ánh sáng, không ngại gió mưa, không ngại thách thức cuộc đời.

***

Gia đình nhà Tý thật đông vui, đứng đầu là Trưởng lão Lưu Quang Duyệt (1900-1984). Quê ông ở Kim Sơn, Ninh Bình. Ông là một trong những người đầu tiên góp công xây dựng nền Tân nhạc Việt Nam. Là một nghệ sĩ nho nhã, có phong cách của một ông đồ, trong bộ trang phục áo dài trắng độc đáo, một bộ ria mép, một khăn đóng và một thái độ hết sức nghiêm túc, cẩn trọng trong nghề nghiệp.

* Nghệ sĩ nhân dân Đinh Ngọc Liên sinh ngày 1 tháng 5 năm 1912 (Nhâm Tý), quê ở Xuân Thủy, Nam Định. Ông là thành viên sáng lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1957. Nguyên Đoàn trưởng Đoàn quân nhạc Việt Nam, nguyên Đại tá Quân đội, mất năm 1991.

* Ở tuổi Giáp Tý (1924) có 6 gương mặt sáng giá trong làng âm nhạc Việt Nam:

- Nhạc sĩ Trần Kiết Tường sinh ngày 10 tháng 2 năm 1924 tại quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Mất năm 1999 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như: Anh Ba Hưng, Áo bà ba, Cánh tay miền Nam trên đất Bắc, Bánh xe lăn, Đàn bò của tôi, Bài ca chiến thắng. Đặc biệt ca khúc Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người là một tác phẩm tiêu biểu.

Ông là một trong những người sưu tầm và ký âm nhiều làn điệu dân ca Nam bộ, được phổ biến rộng rãi từ Bắc chí Nam. Ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001.

- Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh ngày 5 tháng 3 năm 1924 tại Vinh, Nghệ An; quê ở Vĩnh Phúc. Là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng trong Kháng chiến chống Pháp.

Nhiều tác phẩm của ông để lại dấu ấn một thời, như: Mùa hoa nở, Dư âm, Vượt trùng dương, Mẹ yêu con, Tiễn anh lên đường, Bài ca năm tấn, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Dáng đứng Bến Tre, …

Ông nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật do Nhà nước trao tặng năm 2001.

- Nhạc sĩ Hoàng Giác sinh ngày 11 tháng 10 năm 1924, quê ở Từ Liêm, Hà Nội. Những ca khúc của ông viết từ giữa Thế kỷ XX của thời Tân nhạc được công chúng ngày nay còn nhắc tới: Mơ hoa, Ngày về, Bóng ngày qua, Lỡ cung đàn, Hương lúa đồng quê…

- Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh ngày 11 tháng 11 năm 1924 tại thành phố Đà Nẵng. Ông là một trong những hội viên sáng lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Đã có nhiều ca khúc nổi tiếng: Trầu cau, Đoàn Vệ quốc quân, Mùa đông binh sĩ, Tình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơ-nia (thơ Ngọc Anh), Thuyền và biển (thơ Xuân Quỳnh), Hành khúc ngày và đêm (thơ Bùi Công Minh), Cuộc đời vẫn đẹp sao (thơ Dương Hương Ly), Anh ở đầu sông, em cuối sông (thơ Hoài Vũ), Sợi nhớ sợi thương (thơ Thúy Bắc), vv…

Ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2001.

- Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sinh năm 1924. Quê ở Cát Hải, Hải Phòng. Nguyên trú quán và dạy nhạc tại nhà số 9, phố Cao Bá Quát, Hà Nội.

Mất năm 2001.

Những tình khúc của ông để lại một ấn tượng sâu sắc trong lịch sử Tân nhạc Việt Nam. Đó là: Gửi gió cho mây ngàn bay, Lá thư, Thu quyến rũ, Dạ lan hương, Tà áo xanh, Lá đổ muôn chiều, Gửi người em gái miền Nam,

- Nhà văn Nguyễn Đình Thi sinh ngày 20 tháng 12 năm 1924 tại Luang Prabang (Lào). Ông quê làng Vũ Thạch, Hà Nội.

Tham gia hoạt động Cách mạng, ông đã viết Diệt phát xít, trở thành nhạc hiệu Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Bản trường ca Người Hà Nội đã trở thành nhạc hiệu Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Vở kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan của ông đã được nhạc sĩ Đỗ Nhuận chuyển thành nhạc kịch. Nhiều bài thơ của ông đã được phổ nhạc, như: Quê hương Việt Nam (nhạc Phạm Tuyên), Nhớ (nhạc Hoàng Vân), Lá đỏ (nhạc Hoàng Hiệp), Tình ca Đất Mũi (nhạc Đỗ Nhuận), …

Bài hát Người Hà Nội của ông giống như một tổ khúc thơ ca hào hùng đã đi vào lòng của hàng triệu người từ thế hệ này sang thế hệ khác, luôn hiện diện trong những cuộc thi lớn hằng năm do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Ông mất tại Hà Nội năm 2003.

***

Các nhạc sĩ tuổi Bính Tý (sinh năm 1936) hình thành một lực lượng hùng hậu, thuộc các chuyên ngành: sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu lý luận và đào tạo. Đây là một trong những thế hệ thứ hai, đã kế thừa thế hệ đàn anh một cách xứng đáng. Đến nay họ đã vượt qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy”. Đó là các nhạc sĩ: Hồng Đăng (1-1-1936), Hoàng Tạo (1-1-1936 – 2004), Văn Dung (15-1-1936), NSND Xuân Khải (8-2-1936), Trần Chương (21-2-1936), Thái Quý (2-1936), Xuân Tiến (3-3-1936), Lư Nhất Vũ (13-4-1936), NSND Trần Hiếu (24-4-1936), Vũ Thành (30-5-1936), Nguyễn Tài Tuệ (15-5-1936), Hà Sâm (12-5-1936), Lô Thanh (5-6-1936), Trịnh Lễ (18-6-1936), Huy Trân (19-6-1936), Huy Cường (26-6-1936), Khắc Văn (30-6-1936), Quan Văn Dũng (30-7-1936), Cầm Bích (7-8-1936 – 1999), Nguyễn Thị Nhung (16-8-1836), Dương Đình Minh Sơn (15-9-1936), Phan Ngọc (10-10-1936), Đắc Quỳnh (10-10-1936), Đặng Khắc Mâu (6-12-1936), Vĩnh Bảo (31-5-1936 – 1967), Huỳnh Thơ (1936-1992), Trần Tấn Lộc (1936-2004), Đinh Quang Sơn (19-5-1936 – 2004).

Xin điểm qua vài chân dung:

- Nhạc sĩ Hồng Đăng, tên khai sinh là Phan Hồng Đăng. Quê ở Yên Thành, Nghệ An. Nguyên là Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam Khóa 4, Khóa 5 và Khóa 6 (1989-2005). Ông viết nhiều ca khúc: Đường ta đi có nắng mặt trời, Giữa mùa sa nhân, Tổ quốc tôi trên mười năm đã lớn (lời viết cùng Nguyễn Liệu), Hoa sữa, Lênh đênh, Biển hát chiều nay, Không gian xanh, Nỗi nhớ đêm đại dương, Đảo xa, Ký ức đêm… Hợp xướng Lửa rực cháy (phỏng thơ Tố Hữu), thanh xướng kịch Sông Hồng ngàn năm reo hát (kịch bản Dương Viết Á), hợp xướng Đêm lửa Trường Sơn, Câu chuyện Việt Nam.

Ông có khoảng 10 cuốn sách về giáo khoa âm nhạc, xướng âm cơ bản, các nhạc khí trong dàn nhạc giao hưởng. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001.

- Nhạc sĩ Văn Dung, tên khai sinh là Nguyễn Văn Dung. Quê ở Hà Nội. Nguyên chuyên viên âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội.

Là tác giả của nhiều ca khúc: Đường Trường Sơn xe anh qua, Tiến về Khe Sanh, Bài ca Đường 9 chiến thắng, Đêm Tây Nguyên, Giải phóng quân ta ra đi (viết chung với Triều Dâng), Những bông hoa trong vườn Bác…

- Nhạc sĩ Hoàng Tạo, quê ở Bình Sơn, Bình Định. Mất năm 2004.

Những ca khúc: Đưa anh đi hái măng rừng, Chiếc ba-lô và bài ca tình nguyện, Những mùa bay đôi, Mưa trên chốt, Tên lửa về bên sông Đà…

- Nhạc sĩ Vũ Thành, quê Cai Lậy, Tiền Giang. Là Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Trưởng Đoàn Văn công Quân Khu 7. Nghệ sĩ ưu tú.

Các tác phẩm: Tiểu đoàn 309, Bài ca Đồng Tháp, Rừng xanh quê hương ta, Tâm tình người nữ quân y, Qua sông Sài Gòn (hợp xướng), Rơ Chăm Pal (nhạc múa)… Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012.

- Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, quê ở Thanh Chương, Nghệ An. Nguyên công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Trung ương, Đoàn Ca múa Lao - Hà - Yên (Lao Cai - Hà Giang - Yên Bái), Ban Nghiên cứu Âm nhạc Bộ Văn Hoá. Năm 1963, ông về công tác ở Sở Văn hóa Quảng Ninh.

Các ca khúc chính: Lời ca gửi noọng, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Lê Quang Vịnh- người con quang vinh, Xa khơi, Xuân về trên bản Nhắng, Suối Mường Hum còn chảy mãi, Xôn xao bến nước…

Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001, Huân chương Lao động hạng Nhì.

- Nhạc sĩ Phan Ngọc, tên khai sinh là Phan Bê, quê thị xã Quảng Ngãi, hiện công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật Đà Nẵng. Nguyên Phó Trưởng đoàn và Chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa Quân Khu 5.

Các ca khúc: Khúc hát Hơ Rê, Đảo xa, Gọi em, Chuyện tình Tiên Sa, Người Đà Nẵng…

Về khí nhạc: Giao hưởng hai chương Một thời để nhớ, giao hưởng Đất nước yêu thương, ngũ tấu Cánh chim Chơ-đ’rao, rhapsody Hào khí Tây Sơn, Miền hoan ca…

Được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.

- Nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung, sinh ngày 16 tháng 8 năm 1936 tại Hà Nội. Nguyên Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội.

Một số tác phẩm: khí nhạc Đau thương và phẫn nộ, Quê mẹ; Vũ khúc (viết cho piano); giao hưởng thơ Nữ anh hùng miền Nam Khát vọng; tổ khúc giao hưởng Khúc hát sớm mai… Những công trình nghiên cứu lý luận: Nhạc khí gõ và trống đế trong chèo truyền thống, Hình thức âm nhạc, Thể loại âm nhạc…

Được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001.

- Nhạc sĩ Cầm Bích sinh ngày 7 tháng 8 năm 1936, quê ở Mai Sơn, Sơn La, dân tộc Thái. Mất năm 1999. Là một trong số ít nhạc sĩ người dân tộc Thái tốt nghiệp Đại học Âm nhạc, khoa Sáng tác, Nhạc viện Hà Nội.

Một số ca khúc như: Tình em, Ngôi sao Khun Lú- Nàng Ủa, Theo cánh chim bay xa, Lúa vàng cây xanh, Liên khúc sông Đà…

- Nhạc sĩ Hà Sâm sinh ngày 12 tháng 5 năm 1936. Quê ở Quảng Ngãi. Hiện cư trú tại Huế. Nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Huế.

Tác phẩm khí nhạc: giao hưởng Ba Tơ, tứ tấu đàn dây Vui xuân chiến thắng. Những công trình nghiên cứu: Chầu văn Huế, Âm nhạc Việt Nam với tính truyền thống - tính dân tộc, Giáo trình âm nhạc dân gian…

- Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu sinh ngày 23 tháng 4 năm 1936. Quê ở Quốc Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội).

Là giọng nam trầm hiếm có, đã được mời đóng một số vai chính trong các vở nhạc kịch: Người tạc tượng (Đỗ Nhuận), Ruồi trâu, Evguéni Onéguine…

Ông có bản lĩnh thể hiện một số ca khúc mang tính cách riêng: Thằng Bờm, Con voi (Nguyễn Xuân Khoát), Anh quân bưu vui tính, Tôi là Lê Anh Nuôi (Đàm Thanh)…

- Nhạc sĩ Vĩnh Bảo, tên khai sinh là Nguyễn Vĩnh Bảo, còn có bút danh là Nguyễn Hy Sinh, Nguyễn Bảo Vinh. Sinh ngày 31 tháng 5 năm 1936 quê ở Hưng Yên. Hy sinh ngày 4 tháng 6 năm 1967 tại bến Nha Thức trên sông Sài Gòn, thuộc tỉnh Bình Dương. Khi còn theo học Trường Âm nhạc Việt Nam, ông đã nổi tiếng với bài hát Nhắn cô mấy điều.

Viết một số tác phẩm khí nhạc như: Nocturne (độc tấu piano), Ngày xuân (cello), Rondo (tứ tấu đàn dây), Capriccio (độc tấu piano).

- Nhạc sĩ Huỳnh Thơ, tên khai sinh là Ngô Văn Thi, còn có bút danh là Ngô Hoàng Thi, quê tại thị trấn Nhà Bè, Sài Gòn.

Một số tác phẩm: Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long, Nhịp bước đôi ta…

Ông mất năm 1992 tại TP. Hồ Chí Minh.

- Nhạc sĩ Dương Đình Minh Sơn, tên khai sinh là Dương Đình Thạch, sinh ngày 15 tháng 9 năm 1936 tại Quảng Trị, hiện sống tại Hà Nội.

Một số ca khúc: Miền Nam đồng khởi, Núi rừng còn in dáng Người, Lời mẹ ru, Hát Trò Trám… Một số công trình nghiên cứu như: Ngôn ngữ với việc hình thành âm điệu đặc trưng trong dân ca Thái Tây Bắc, Văn hóa Nõ Nường…

- Nghệ sĩ Đinh Sơn, tên khai sinh là Đinh Quang Sơn, sinh ngày 19 tháng 5 năm 1936 tại Hà Nội, quê gốc Nam Định.

Ông đã tốt nghiệp Đại học Âm nhạc tại Bulgarie (bộ môn flute) năm 1965. Tháng 10 năm 1965, ông vượt Trường Sơn về chiến trường Nam bộ, công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương Cục. Làm Hiệu phó Trường Văn nghệ Giải phóng, rồi Phó đoàn Múa hát Giải phóng. Sau 30-4-1975, ông là Chủ nhiệm khoa Kèn Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Ông mất năm 2004.

- Phó giáo sư Trần Tấn Lộc sinh năm 1936 tại An Giang. Nguyên là nghệ sĩ biểu diễn đàn contrebasse.

Từ năm 1959-1965, ông tốt nghiệp Đại học Âm nhạc môn Contrebasse tại Nhạc viện Tchaikovsky. Về nước làm Chủ nhiệm bộ môn đàn dây tại Trường Âm nhạc Việt Nam, Hà Nội.

Sau ngày giải phóng, ông về Thành phố Hồ Chí Minh và làm Hiệu phó Trường Quốc gia Âm nhạc (nay là Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh). Từ năm 1981, ông là Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh). Ông mất năm 2004.

- Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ sinh ngày 13 tháng 4 năm 1936 tại Phường Phú Cường, Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Nguyên Uỷ viên Ban Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam Khoá III. Phó Tổng Thư ký Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh Khoá I (1981). Nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau năm 1975, về công tác tại Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam.

Những tác phẩm thanh nhạc: Chiều trên bản Mèo (hợp xướng), Hàng em mang tới chiến hào, Gởi Bến Tre, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn. Những bài hát do Lê Giang viết lời: Khúc hát người đi khai hoang, Bên tượng đài Bác Hồ, Hãy yên lòng Mẹ ơi, Cánh đồng tuổi thơ, Bài ca Đất Phương Nam, vv…

Nhạc cảnh: Tiếng cồng vượt thác (lời Lê Giang) và Hòn Khoai (lời Lê Giang).

Các công trình nghiên cứu về dân ca Nam bộ và Việt Nam.

Được tặng thưởng: Huân chương Lao động hạng Nhất, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001.

***

Gia đình Mậu Tý cùng chào đời vào năm 1948:

- Nhạc sĩ Hoàng Bửu, tên khai sinh là Lê Hoàng Bửu, sinh ngày 19 tháng 5 năm 1948 tại Cà Mau. Nguyên là Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam Khoá VI.

Một số ca khúc: Bạc Liêu quê tôi, Tiếng hát lên đường, Về An Giang, Đợi em ngoài mưa, Niềm vui trên biển, Gửi lại Nha Trang, Gặp một vầng trăng, Giai điệu ngoài khơi…

Được tặng Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam.

- Nữ nhạc sĩ Linh Nga Niêk Đam, sinh ngày 8 tháng 8 năm 1948. Dân tộc Ê Đê. Quê ở xã Eapok, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk.

Nguyên công tác ở Đoàn ca múa Tây Nguyên; nguyên Hiệu trưởng Trường Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk; trưởng cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Đắk Lắk; Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam Khoá VI và Khoá VII (2005-2010).

Tác phẩm: thanh xướng kịch Huyền thoại Drai H’linh, độc tấu piano Khúc hát ru rừng trưa, H’linh hát trên dòng Sêrêpok. Và một số công trình biên khảo về phong tục tập quán các dân tộc Tây Nguyên.

Đã được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam.

- Nhạc sĩ Nguyễn Văn Sanh sinh ngày 20 tháng 10 năm 1948, quê Bình Định. Nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.

Các ca khúc từ phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” như: Trong lòng đồng bào, Non nước tôi, Phía Đông đã dậy nắng hồng, Tình nghĩa Bắc Nam, Quy Nhơn ngời ngời biển lửa…

Những tác phẩm khác: Hát mừng thống nhất trọn niềm ước mơ, Biên giới trong trái tim ta, Con chim biết nói, Con vẫn nghe tiếng Bác, Khúc tình ca trên sông Sài Gòn…

- Nhạc sĩ Thanh Tùng có tên khai sinh là Trần Thanh Tùng, sinh năm 1948, quê ở Khánh Hòa.

Tốt nghiệp Nhạc viện Quốc gia Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Nguyên là cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau giải phóng, về công tác ở Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn Ca múa Bông Sen, chỉ huy hợp xướng và chỉ đạo nghệ thuật

Nhiều ca khúc như: Hát với chú ve con, Hoàng hôn màu lá, Chuyện tình của biển, Lời tỏ tình của mùa xuân, Ngôi sao cô đơn, Hoa tím ngoài sân, Đến đây cùng Trị An, Em và tôi, Phố biển, Mưa ngâu, Lối cũ ta về…

- Nghệ sĩ Nhân dân Đỗ Lộc, tên khai sinh Đỗ Trọng Lộc, sinh năm 1948 tại Kiến Xương, Thái Bình.

Là nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc (sáo trúc, đàn t’rưng) của Đoàn Ca múa miền Nam (sau này là Đoàn Ca múa Bông Sen).

Huy chương vàng độc tấu sáo trúc và bộ gõ với tác phẩm Ngày hội non sông năm 1970; tiết mục này đoạt huy chương Vàng trong Liên hoan Thanh niên Sinh viên thế giới lần thứ 10 tại Berlin năm 1973; độc tấu đàn t’rưng và tác phẩm Cánh chim Chơ’rao năm 1981; độc tấu đàn ăng- k’lung và phong tiêu tác phẩm Tây Nguyên vẫy gọi năm 1991.

Công trình cải tiến và sáng tạo kỹ thuật cho đàn t’rưng tại Đại hội Sáng kiến toàn quốc năm 1981, đã được tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

- Tên khai sinh của Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ là Nguyễn Quang Thọ, sinh ngày 3 tháng 12 năm 1948, quê ở Quảng Ninh. Hiện là Chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội. Là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam các nhiệm kỳ VII, VIII, IX.

Nguyên là công nhân của Mỏ than Cọc 6 Quảng Ninh. Năm 1980, là nghệ sĩ đơn ca Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Quang Thọ đã giành được nhiều giải thưởng lớn trong nước và các cuộc thi về đơn ca quốc tế. Giải nhì cuộc thi hát quốc tế năm 1987 tại Mông Cổ; Giải Nhất cuộc thi hát quốc tế tại Bình Nhưỡng (Triều Tiên) năm 1989. Giải Nhất cuộc thi hát quốc tế tại Bình Nhưỡng (Triều Tiên) năm 1993.

- Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương, sinh ngày 26 tháng 8 năm 1948, quê ở Văn Giang Hải Hưng.

Chị có giọng hát đẹp, có kỹ thuật thanh nhạc vững vàng qua đào tạo tại Nhạc viện Hà Nội và tu nghiệp tại Nhạc viện Praha (Tiệp Khắc). Năm 1967, về chiến trường miền Nam, công tác ở Đoàn ca múa Giải phóng. Đặc biệt có một đơn vị đã lấy tên chị đặt tên cho đơn vị mình: “Đại đội Tô Lan Phương”. Giọng hát của chị có sức cổ vũ qua những khúc hát như: Xuân chiến khu, Những cô gái Quan họ, Bài ca năm tấn, Câu hát bông sen.

Sau 1975, về công tác ở Đoàn ca múa Bông Sen. Năm 1981, tại Tiệp Khắc, chị giành giải thưởng đặc biệt của hội thi với Bóng cây Kơnia (thơ Ngọc Anh, nhạc Phan Huỳnh Điểu).

Nguyên là Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh Khóa I (1981); nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Bông Sen.

- Ca sĩ Ngọc Tân sinh năm 1948 tại Hà Nội, mất năm 2004. là học trò của Nghệ sĩ Trần Khánh. Đã tham gia chương trình “Dạy hát hàng tuần” trên Đài Tiếng nói Việt Nam thời Kháng chiến chống Mỹ.

Ngọc Tân được biết đến sau khi cùng ca sĩ Thanh Hoa song ca Con kênh ta đào của Phạm Tuyên. Năm 1978, trong cuộc thi quốc tế tại Cộng hòa Dân chủ Đức, Ngọc Tân đã được giải thưởng khi trình diễn ca khúc Chiều trên bến cảng của Nguyễn Đức Toàn.

Anh đã để lại một ấn tượng về một giọng hát vàng với rất nhiều ca khúc nổi tiếng của Nguyễn Đình Thi, Hoàng Vân, Phó Đức Phương, Trần Tiến, Phú Quang, Lê Vinh…

Gia đình Mậu Tý còn có các nhạc sĩ: Tạ Đôn, Thao Giang, Măng Ngọc, Phạm Nguyễn, Nguyễn Đình Sáng, Vũ Đình Thạch, Đào Hữu Thi, Hoàng Xuân Thịnh, Đỗ Xuân Tùng, Vũ Minh Vỹ…

***

Từ năm Canh Tý (1900) có cụ ông Lưu Quang Duyệt, đến 60 năm sau (một thiên niên kỷ) quay lại năm Canh Tý đã xuất hiện hàng ngũ nhạc sĩ “trẻ” mà tuổi đời nay cũng trên 50.

- Nhạc sĩ Trần Nhật Dương sinh ngày 27 tháng 7 năm 1960 tại Hà Nội, hiện là Phó Trưởng phụ trách Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam các khóa VIII và IX.

Các ca khúc: Khát vọng màu xanh, Những đứa con sinh từ đường phố, Em mùa xuân, Người đàn bà ngược nắng, Bản hùng ca một thời kiêu hãnh…

Các tác phẩm khí nhạc: Tứ tấu dây Vũ điệu lửa, tổ khúc cho piano Nhịp chiêng cồng, giao hưởng thơ Huyền thoại Đam San

- Nghệ sĩ Ưu tú Huỳnh Thị Hoàng Điệp, còn có bút danh Đan Vi, sinh ngày 29 tháng 4 năm 1960. Quê ở Cai Lậy, Tiền Giang.

Tốt nghiệp Đại học Chỉ huy Hợp xướng tại Nhạc viện Tchaikovsky – Moskva năm 1990. Được cấp bằng Thạc sĩ Nghệ thuật năm 1995 tại Hà Nội.

Nguyên là giảng viên Khoa Sáng tác - Lý luận - Chỉ huy tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên Giám đốc Trung tâm Biểu diễn và đối ngoại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên quyền Trưởng khoa Nhạc nhẹ & Âm nhạc công nghệ Nhạc Viện TP.HCM. Hiện đang là Trưởng Khoa kiến thức Âm nhạc tổng hợp của Trường nhạc MPU TP.HCM.

- Nhạc sĩ Sơn Ngọc Hoàng còn có bút danh Sơn Chanh Đra, Sơn Trung Hiếu; sinh ngày 25 tháng 5 năm 1960, dân tộc Khmer. Quê xã Mỹ Quới, huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng.

Các ca khúc: Hậu Giang đồng xanh bát ngát, Cánh hoa rừng, Tình Bác sáng mãi quê ta, Nghe em hát trên rừng biên giới, Trường ca Sông Trăng.

- Nhạc sĩ Phạm Khiêm sinh ngày 6 tháng 11 năm 1960, quê ở Thạnh Mỹ, Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Hiện nay là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp.

Các ca khúc: Hát về Người, Khát vọng tuổi xuân, Mùa xuân trên đồng, Bài ca gieo hạt, Tâm sự mùa xuân.

- Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Thị Quỳnh Liên sinh ngày 13 tháng 8 năm 1960, quê ở Tân Dương, Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Nguyên công tác ở Đoàn Nghệ thuật Bộ đội Biên phòng (1980-1991). Hiện là Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong sự nghiệp biểu diễn, đã được tặng Huy chương Vàng Liên hoan Sinh viên thế giới lần thứ 13 tại Triều Tiên. Ba Huy chương Vàng Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc các năm 1981, 1985, 1990.

- Nghệ sĩ Ưu tú Tạ Minh Tâm, sinh ngày 7 tháng 9 năm 1960 tại Long Xuyên, An Giang.

Hiện nay là Phó Giám đôc Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh.

Đã được tặng thưởng: 2 Huy chương Vàng Hội diễn đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc; Giọng hát Vàng Hà Nội- ASEAN (1996); Cúp Vàng nghệ thuật đơn ca Liên hoan nghệ thuật quốc tế Bình Nhưỡng, 1997…

- Nghệ sĩ Nhân dân Rơ Chăm Phiang sinh ngày 10 tháng 8 năm 1960, quê Đức Cơ, Gia Lai, người dân tộc Gia Rai, hiện cư trú tại Hà Nội.

Đã tu nghiệp tại Nhạc viện Tchaikovsky (Liên Xô). Đã nhận được nhiều giải thưởng qua các cuộc thi hát chuyên nghiệp toàn quốc và các cuộc thi hát quốc tế “Hoa cẩm chướng đỏ” (Liên Xô), thi hát cổ điển quốc tế “Mùa xuân” tại Triều Tiên.

Năm 1995, giảng viên bộ môn Thanh nhạc tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội.

Tuổi Canh Tý còn có các nhạc sĩ, nghệ sĩ như: Trần Minh Châu (15-8-1960), Thế Dân (1-8-1960), Nguyễn Trí Dũng (23-8-1960), Nguyễn Văn Hay (30-6-1960), Đỗ Thanh Hiên (1-4-1960), Đoàn Thị Lan Hương (5-8-1960), Mai Trung Kiên (24-3-1960), Nguyễn Đăng Nghị (2-3-1960), Nguyễn Minh Sơn (27-5-1960).

***

Và, từ năm 1960 trở đi, người viết bài này hy vọng rằng “Họ hàng nhà Tý” sẽ được tiếp nối không ngừng những đóng góp đáng quý trong ngành âm nhạc của nước nhà.


[*] Họ hàng nhà Tý: Có tham khảo sách NHẠC SĨ VIỆT NAM. Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 2007.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.