You are here

Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 Trung tâm phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam

Tác giả: 
Thanh Nhã

Sáng 9 tháng 1 năm 2021, tại Khu Di tích Đình – Đền Hào Nam, Hà Nội, Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam đã tổ chức Lễ tổng kết công tác năm 2020 và triển khai công tác năm 2021.

Đến dự có: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; nhạc sĩ Đinh Công Thuận - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam; ông Vũ Công Hội – nguyên Trưởng Ban Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Phạm Tứ - Giám đốc Trung tâm Tín ngưỡng Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Trang – Trưởng Ban Quản lý khu Di tích Đình – Đền Hào Nam; nhạc sĩ Thao Giang – Giám đốc Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam; NSƯT Phạm Văn Ty, nghệ sĩ Trương Ngọc Xuyên – Phó Giám đốc Trung tâm; Chủ nhiệm các Câu lạc bộ; các nghệ nhân, nghệ sĩ của các Câu lạc bộ nghệ thuật trực thuộc Trung tâm…

Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động của Trung tâm phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam cũng không tránh khỏi tình trạng khó khăn chung của cả nước, nhưng Trung tâm đã cố gắng tìm mọi cách để duy trì hoạt động và tranh thủ thời gian nghỉ dịch để hoạt động nghiên cứu, dàn dựng, sáng tác, xây dựng các tiết mục mới...

Về hoạt động biểu diễn:

Mừng xuân Canh Tý 2020, Trung tâm đã diễn 12 chương trình từ ngày 25 đến 30 tháng 1 năm 2020 và 1 chương trình tại Trung tâm thương mại Lotte, với những tiết mục hát dân ca ba miền, hát Văn, hát Xẩm, Ca trù, Quan họ trên thuyền, đã được khán giả trong và ngoài nước đón nhận nhiệt liệt, thu hút hàng trăm khán giả.

Sau khi đại dịch Covid-19 tạm lắng xuống, buổi diễn đầu tiên mở đầu vào ngày 5 tháng 6 tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, đã giới thiệu những ca khúc về môi trường của các tác giả, được đánh giá cao. Tháng 7, Trung tâm diễn trở lại sân khấu Chợ đêm Đồng Xuân, ngoài ra còn biểu diễn tại Phú Thọ, Hưng Yên, Quảng Ninh... và một số địa điểm tại Hà Nội.

Về xây dựng chuyên môn:

Trong thời gian giãn cách xã hội cũng là lúc để Ban Lãnh đạo cùng anh chị em nghệ sĩ đánh giá lại nhiều vấn đề về biểu diễn cũng như nâng cao chất lượng chuyên môn. Trung tâm đã xây dựng được một tiết mục mới kịch hát “Kiều” với thời lượng 20 phút, được dàn dựng công phu trên cơ sở Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ của Nguyễn Du được lồng điệu vào các làn điệu Xẩm, Trống quân, Ca trù... kết hợp múa, tạo nên một nét mới độc đáo trong kịch hát dân tộc.

Chuyển thể, lồng điệu và thu thanh được 10 bài thơ của nhà thơ Ngọc Ninh Lê sang các làn điệu hát Ca trù, hát Xẩm, Trống quân, Chèo...; dàn dựng tiết mục hát Xẩm, hát Văn cho Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam; giới thiệu, quảng bá nghệ thuật dân gian trên các Đài Truyền hình địa phương và Trung ương; các lớp học đàn, hát được duy trì như lớp đàn nhị, lớp học nhạc cụ dành cho thiếu nhi, lớp học hát dân ca 3 miền được nhiều lứa tuổi tham gia...

Về phát triển sự nghiệp:

Để tăng cường và mở rộng địa bàn hoạt động Giám đốc Trung tâm đã quyết định thành lập “Ban Văn nghệ miền núi – biên giới và biển đảo” và đang xúc tiến mở Văn phòng đại diện tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, để phục vụ đồng bào, chiến sĩ biên giới, biển đảo và khách du lịch nghỉ dưỡng tại thành phố Hạ Long; tạo điều kiện cho các nghệ nhân đăng ký xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú và đăng ký xét “Giải thưởng Nhà nước”; cử cán bộ tham gia các hội thảo...

Về hoạt động của các câu lạc bộ:

Các câu lạc bộ đã xây dựng được một số tiết mục mới, tổ chức biểu diễn tại một số nơi.

Câu lạc bộ nghệ thuật dân gian “Tâm Thành” có nhiều cố gắng, đã xây dựng được một số tiết mục mới, trang bị dàn trống và ra mắt tiết mục hòa tấu trống, đi biểu diễn giao lưu như Hưng Yên, Quảng Ninh... Cuối tháng 11 Câu lạc bộ đã kỷ niệm 1 năm thành lập.

Câu lạc bộ Ca trù tiếp tục mở các lớp truyền dạy bộ môn Ca trù tại Hà Nội, Bắc Ninh cho 32 học viên và tham gia biểu diễn 16 buổi.

Câu lạc bộ dân ca xứ Nghệ kiện toàn lại tổ chức, phát triển thêm hội viên mới, dàn dựng được 3 tiết mục mới, biểu diễn giao lưu tại một số nơi và tại Trại thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27/7.

Vượt qua thời gian khó khăn, Trung tâm đã đề ra kế hoạch cho năm 2021 như sau:

Thực hiện công việc đi sưu tầm bộ môn nghệ thuật Ca trù tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... theo kế hoạch; mở văn phòng đại diện tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh để mở rộng địa bàn hoạt động biểu diễn phục vụ bộ đội, chiến sĩ, nhân dân vùng biển đảo, và biểu diễn thường xuyên phục vụ khách du lịch Việt Nam và quốc tế; xây dựng chương trình, tiết mục mới thường xuyên; biểu diễn tại các vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo...; xúc tiến thành lập Quỹ phát triển nghệ thuật Âm nhạc dân gian...

Năm 2020, là năm Trung tâm phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam tròn 15 tuổi, để ghi nhận những thành tích, những đóng góp của các nghệ nhân, nghệ sĩ, các thành viên, cộng tác viên... đã sát cánh với Trung tâm, Trung tâm đã tặng Kỷ niệm chương “Đã có nhiều thành tích đóng góp trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy nghệ thuật Âm nhạc truyền thống” cho 6 cá nhân:

1. Nghệ nhân Ưu tú Ngô Văn Đảm

2. Nghệ nhân Ưu tú Phùng Thị Hồng

3. Nghệ sĩ Nguyễn Thị Thanh Thư

4. Nghệ sĩ Vũ Đức Huy

5. Nghệ nhân Trần Hữu Cạnh

6. Nghệ sĩ Hoàng Văn In

Tặng Giấy khen “Đã có nhiều thành tích đóng góp trong việc bảo tồn phát huy nghệ thuật Âm nhạc truyền thống” cho 17 cá nhân.

Tặng Giấy khen “Đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020” cho 11 cá nhân

Tuyên dương 8 cá nhân đã có thành tích trong công tác chuyên môn.

Phát biểu tại Hội nghị, nghệ nhân Ngô Văn Động, với những chia sẻ chân thành:

“Năm nay tôi 94 tuổi, đi vào sự nghiệp âm nhạc. Từ năm lên 6, 7 tuổi đã được đi kéo nhị để phục vụ phường hát, sau đó đi theo kháng chiến và về hưu vẫn tiếp tục hoạt động nghệ thuật đến bây giờ. Hôm nay được nhận Kỷ niệm chương về Âm nhạc dân tộc. Đây là điều hết sức trân quý đối với tôi, gắn bó với âm nhạc và được vinh dự này không phải chỉ riêng tôi hôm nay, mà đã có nhiều thế hệ và những nghệ sĩ trẻ hiện nay đạt được nhiều thành tích. Âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam của ông cha ta để lại, đã trải qua thời gian rất lâu, rồi qua mấy chục năm kháng chiến, xây dựng đất nước, đến nay đã khôi phục lại được, mà nhiều thế hệ tham gia, đâu đâu cũng thấy hát dân ca, làng nào cũng có câu lạc bộ dân ca các dân tộc. Đây là sự phát triển rộng rãi của ngành âm nhạc nói chung mà đại diện là Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Hiện nay, chúng ta phát triển được âm nhạc dân tộc truyền thống gần như khôi phục lại đẩy đủ các loại hình dân ca Việt Nam, thì tôi nghĩ đây là vinh dự cho tất cả những người tham gia làm âm nhạc mà đặc biệt là các cháu thiếu nhi nhỏ tuổi đã tham gia biểu diễn dân ca Việt Nam tại các cuộc thi trong nước và quốc tế, đây là niềm vinh dự của những nghệ sĩ được nhận Bằng khen hôm nay, và rất tự hào với nền âm nhạc của Việt Nam”.

Nghệ sĩ trẻ Dương Quang Tú đã phát biểu, nói lên những suy nghĩ của mình:

“Thời gian vừa qua, tôi đã nhận được nhiệm vụ của Ban Lãnh đạo Trung tâm, đã tổ chức các hoạt động nghệ thuật Đoàn nghệ thuật thanh thiếu niên “Ánh Dương” để đóng góp vào việc bảo tồn và phát triển Âm nhạc dân gian Việt Nam và kết hợp với âm nhạc đương đại của giới trẻ. Đến nay đã có một vài thành tích đáng kể và lớp trẻ đã có nhiều tiến bộ, có những thành tích nhất định. Âm nhạc dân gian của chúng ta ngày càng phát triển, hy vọng rằng sẽ nhận được sự giúp đỡ của Ban lãnh đạo Hội Nhạc sĩ, Trung tâm Phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam và các thế hệ nghệ sĩ đi trước truyền dạy cho chúng em. Chúng em sẽ cố gắng hơn nữa để đóng góp sức mình vào công việc bảo tồn và phát triển, phát huy những tinh hoa của âm nhạc dân tộc Việt Nam”.

Nghệ nhân – doanh nhân Trịnh Hậu Hòa (69 tuổi): “Tôi đã có 8 năm cùng với nghệ sĩ Thao Giang đồng hành cùng Trung tâm, tạo điều kiện cho các cháu học tập, bảo tồn những giá trị của văn hóa phi vật thể của Việt Nam và thế giới, những bộ môn âm nhạc dân tộc của Việt Nam đã được UNESCO công nhận và ghi danh. Việc góp phần mở tuyến đường đi bộ tại phố cổ Hà Nội và liên kết tổ chức biểu diễn nghệ thuật dân tộc truyền thống Việt Nam phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế, ủng hộ trang phục cho các nghệ sĩ. Tôi rất tự hào đã đóng góp một phần công sức nhỏ của mình”.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã phát biểu và có những nhận xét sâu sắc:

“Rất vui sau một năm lại được đến để dự Lễ tổng kết năm 2020 của Trung tâm và cũng được nghe các ý kiến của các nghệ nhân, các thành viên tích cực trong năm qua, vui mừng ghi nhận thành tích hoạt động năm qua của Trung tâm, tuy rằng đứng trước hoàn cảnh khách quan vô cùng khó khăn thử thách, đầy biến động không chỉ của đất nước ta mà còn của cả thế giới. Đại dịch Covid-19, rồi lũ lụt miền Trung, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, du lịch, văn hóa, âm nhạc…

Trung tâm đã xác định được thời cơ vượt lên khó khăn và qua nghe Báo cáo tổng kết năm 2020, với các con số rất đáng tự hào, mặc dù còn hạn chế về mặt không gian nhưng với số 24 buổi diễn thì tần suất không phải là ít. Với tinh thần tự giác, tự chủ động của Ban Lãnh đạo Trung tâm đã duy trì được các hoạt động, vượt qua khó khăn về kinh phí phải chi trả các hoạt động.

Năm 2020, có các sự kiện lớn trong Văn học nghệ thuật của đất nước, 10 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, trong đó có Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ X, Đại hội có ý nghĩa quan trọng về sự chuyển giao và đổi mới các thế hệ lãnh đạo, tiếp nhận các thế hệ nhạc sĩ trẻ.

Hôm nay được nghe lời chia sẻ của các nghệ nhân lão thành và các nghệ sĩ trẻ, tôi thấy rất mừng cho Trung tâm, là nơi gắn kết tổ chức hoạt động về âm nhạc cổ truyền. Đây cũng là thành tích rất lớn khi chúng ta hướng tới giới trẻ - là mạch nguồn của thế hệ nghệ nhân đi trước cả đời gắn với nghệ thuật âm nhạc cổ truyền và tiếp tục truyền nghề cho thế hệ trẻ. Đây là một thành tích của cả một thời gian 15 năm xây dựng và phát triển mà Trung tâm đã kiên trì phấn đấu”.

Một số tiết mục biểu diễn được các nghệ sĩ của Trung tâm thực hiện:

Múa “Cờ hội”, biểu diễn: nghệ sĩ Hắc Long

“Mùa xuân đầu tiên”, sáng tác: Văn Cao, biểu diễn: ca sĩ Hồng Minh – Ngọc Lương

“Áo mùa đông”, sáng tác: Đỗ Nhuận, biểu diễn: ca sĩ Bùi Kiên Trung

“Vui bốn mùa” (dân ca Quan họ Bắc Ninh), biểu diễn: tốp nữ

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.