You are here

Hồi tưởng về những chuyến đi tuyển sinh độc đáo trong chiến tranh

Tác giả: 
Nguyễn Thế Vinh

Trước khi đọc bài này, các thầy cô, các bạn và học sinh – sinh viên hãy thứ lỗi cho tôi vì đã nêu tên các vị hoặc có thể nhầm lẫn về thời gian, địa điểm do lịch sử 60 năm đã trôi qua, trí nhớ của tôi giảm sút và do tuổi tôi đã được xếp loại U90.

Hơn nữa cách viết mang tính chất hồi tưởng. Mục đích là đề cao sự sáng suốt của các bậc lão thành đã lãnh đạo trường ta từ sơ khai đến ngày nay. Những mẩu chuyện trong bài là sự thực, hi vọng làm tăng niềm tự hào của những người cùng thời với tôi và làm tăng thêm niềm tin với các cháu đang còn trẻ.

Trường nào cũng phải tuyển sinh, có thế các trường mới phát triển. Trường nghệ thuật thường có đặc thù, riêng âm nhạc lại có những sự khác biệt độc đáo mà các bộ lãnh đạo thường chiếu cố. Như họ đã quan tâm đến trường nhạc 1 thầy 1 trò, 2 thầy 1 trò, 3 thầy 1 trò (sinh viên chỉ huy gồm có: giảng viên chính và piano 4 tay, như vậy 1 sinh viên học chỉ huy phải có 1 giảng viên chính và 2 giảng viên phụ đánh thay cho dàn nhạc giao hưởng trên 1 đàn piano).

Vấn đề tuyển sinh là chủ đề bài viết này, nhưng tuyển sinh âm nhạc rất đa dạng, tôi chỉ dám viết theo kiểu hồi tưởng những lần đã tham gia là Chủ tịch hoặc thành viên hội đồng. Có lần nguy hiểm trong chiến tranh, có lần rất vui. Đó là những cuộc tuyển sinh đáng nhớ không thể nào quên được.

VÀO CHÙA TUYỂN SINH:

Năm 1959 Trường Âm nhạc Việt Nam trở nên trật trội vì số nhà 32 Nguyễn Thái Học chỉ là một văn phòng, theo chủ trương phải mở rộng và tăng thêm chỉ tiêu. Nhà trường phải tuyển sinh tại chùa Láng. Học sinh khắp miền Bắc đổ về trên từng bãi cỏ. Các hội đồng lắng nghe thí sinh thổi kèn, đánh đàn và ca hát. Anh chị em học môn sáng tác, chỉ huy thì ở một nhà ngang dãy bên phải, các môn hòa âm, sáng tác phổ thơ, lý thuyết đều thi ở đó. Sau này trường thương lượng với nhà chùa cho mượn một nhà ngang nơi các sư thầy nghỉ ngơi, làm ký túc xá cho khoa sáng tác ở đó. Các anh Phong Kỳ - nay là đại tá, Hoàng Tuấn - cán bộ khoa sáng tác, Hồ Hiền An, Tuấn Minh... nay có người đã về hưu, có người đã khuất.

Lên chùa bẻ một cành sen…” cũng có những chuyện vui. Hàng ngày chúng tôi đi tàu điện đến Cầu Giấy, rẽ tay trái, đi qua nhà của nhà thơ Tú Sụn đến dốc hàng Cót rồi rẽ vào chùa Láng. Ở chốn thâm nghiêm này mọi người thường đọc game vào lúc sáng sớm theo dạng diatonique. Sư cụ nghe mãi đồ rê mi… thấy chán, chê chúng tôi dốt, cụ nói: có mấy chữ nhạc các anh chị học cả năm sao không thuộc?

ĐI BỘ GẦN 500 KM TUYỂN SINH

Ngay thời điểm trong năm 1965 khi máy bay Mỹ ném bom Quảng Ninh và đánh phá cầu đường của chúng ta, ông Đặng Hữu Phát Bí thư Đảng ủy gọi tôi tới phòng làm việc (khi đó đã có trường mới xây ở Ô Chợ Dừa) ông bảo Trường ta đã có anh Thanh Hà công nhân nhà máy bia, anh Minh Khang, Nguyễn Kim công nhân nhà máy cơ khí Duyên Hải - Hải Phòng. Ta phải đào tạo một nhạc sĩ xuất thân từ nông dân, hơn nữa học sinh Nghệ An vẫn còn rất ít. Anh phải đưa một đoàn đi tới Vinh để tuyển theo yêu cầu của chúng tôi. Tôi mời anh Đinh Quang Hợp, Ngọc Tân, Cao Tiến Hỉ là những quân nhân đi học, tạo thành một hội đồng tuyển sinh khu vực tỉnh Nghệ An. Ông Phát nói tiếp: các anh phải đi bộ mang theo gạo, nồi niêu và tự lo liệu. Họp với hội đồng tuyển sinh đặc biệt này, một câu hỏi quan trọng đặt ra là: làm sao đi bộ 500km, chúng ta là quân nhân nhưng chưa hành quân dài và xa như vậy. Thế rồi những sáng kiến nảy ra, sẽ đi tàu đến Nam Định, mang đàn làm như văn công, rủ thêm nữ giáo viên đi cho hấp dẫn… cứ đến Vinh lúc về nghĩ kế sau.

Chiều ngày 10/9/1965 chúng tôi lên tàu đi Nam Định, tàu chạy như rùa, phải chui vào toa đen, toa chở hàng. Tới một ga có hai bà bán cá giống lên, họ không ngồi cứ đứng và lắc rung cá cho thêm không khí, nước tung tóe lên đầu tóc quần áo chúng tôi ngồi trên sàn tàu, mãi 3 giờ sáng mới tới Nam Định, dù sao cũng không phải đi bộ. Sáng hôm sau chúng tôi thực sự biết tin cầu Đò Lèn và Hàm Rồng đang bị đánh phá. Như vậy không đi tàu đến Thanh Hóa được nữa. Đi bộ vài chục km chúng tôi chợt thấy một xe ô tô tải đậu bên đường. Tôi nảy ra sáng kiến lấy cái chiếu trải ra rồi nằm trước xe, anh Hợp mang đàn violon chơi bài Hành quân xa Quảng Bình quê ta ơi. Chúng tôi hát theo có vẻ như Đoàn văn công, quả nhiên anh lái xe trúng kế. Anh hỏi các đồng chí là văn công à? Sao không có phụ nữ? Tôi bịa ra là xe nữ đi trước rồi. Thế là tất cả lên xe được 50 km nữa, cuối cùng rồi cũng đến Nghệ An. Liên hệ với địa phương, chúng tôi tới một trường phổ thông cấp III. Ở đây tuyển được một thanh niên trẻ có năng khiếu âm nhạc đó là anh Hồ Hữu Thới. Sau này khi tốt nghiệp đại học anh được kết nạp vào Hội nhạc sĩ, trở về Vinh làm hiệu trưởng trường Âm nhạc thành phố và là Giám đốc Sở Văn hóa Nghệ An. Trong chuyến đi vất vả này chúng tôi còn tuyển được một học sinh kèn và năm học sinh khoa dân tộc cổ truyền.

TUYỂN SINH LÚC MÁY BAY GẦM RÚ, NÉM BOM

Sau này Trường lại tổ chức tuyển sinh ở thành phố Việt Trì, một thành phố công nghiệp của miền Bắc. Các bạn có thể tưởng tượng được hội đồng phải thử năng khiếu âm nhạc, nghĩa là nghe học sinh hát, thể hiện chính xác cao độ và tiết tấu lúc máy bay lượn trên đầu, thả bom đánh phá cầu Việt Trì. Hội đồng phải can đảm ngồi trong trường học hoặc dưới bóng cây để thử thẩm âm các thí sinh cho đúng thời gian vì qua buổi sáng sẽ đến tốp buổi chiều. Các thầy Hoàng Dương, Lê Bích, Lô Thanh… mệt và căng thẳng nhưng vẫn sáng suốt tuyển chọn các thí sinh đúng yêu cầu của các khoa.

Tôi nhớ lần này tuyển được học sinh Đồng Văn Minh, anh là người đa tài, có năng khiếu âm nhạc tinh tế. Khi tốt nghiệp được Đoàn Văn Công Trung Ương nhận ngay, là nghệ sĩ ưu tú của đoàn và sau đó là đoàn trưởng đoàn văn công Trung Ương.

Còn có những chuyến đi tuyển sinh nữa mà đối tượng được tuyển chọn ở Lạng Sơn như chị Kim Phúc nay là Đại tá – Chủ nhiệm khoa Thanh Nhạc của Trường Đại học Nghệ thuật Quân Đội. Hoặc cô Kim Lạng Sơn chơi đàn tỳ bà nay là Đại tá của Đoàn văn công – Tổng cục chính trị, các chị đều được tuyển sinh trong những hoàn cảnh đặc biệt với tinh thần nghiêm chỉnh của các hội đồng tuyển sinh trong 60 năm hoạt động của cái nôi đào tạo âm nhạc cho đến Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam ngày nay.

Xuyên qua hai thế kỷ XX – XXI đó là một thời gian dài. Chúng ta vừa xây dựng đất nước, vừa chiến đấu chống ngoại xâm, sánh ngang các nước tiên tiến .

Từ Trường Âm nhạc Việt Nam – Nhạc viện Hà Nội – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, ba tên gọi có khác về tầm vóc, nội dung, nhưng không khác về mục đích. Các thế hệ một lòng chung sức xây dựng nền âm nhạc Việt Nam vừa đậm đà tính chất dân tộc, kết hợp với tinh hoa hiện đại của nền âm nhạc thế giới. Đã có hàng ngàn học sinh – sinh viên ra trường họ tỏa đi cả nước để hoạt động âm nhạc. Nhiều tài năng phát triển, nhiều huy chương vàng lấp lánh, nhiều giải thưởng quốc tế cao quý, điển hình là nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn, NSUT Tôn Nữ Nguyệt Minh và hàng chục nghệ sĩ trẻ tài năng đã đem vinh quang về cho tổ quốc. Chúng ta biết ơn các bậc lão thành đã có những sáng kiến về tuyển sinh góp phần cho việc tuyển chọn không ngừng các thế hệ học sinh – sinh viên xuất sắc. Các thế hệ giáo viên, giáo sư tiếp nối tự hào, xây dựng một học viện bề thế khang trang, đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ uyên thâm về âm nhạc Việt Nam và quốc tế. Họ quan tâm đến sự giảng dạy gắn liền nhu cầu thưởng thức âm nhạc của nhân dân cả trong giải trí, giáo dục và nâng cao thẩm mỹ. Vì thế, nhiều năm thường có nhiều học sinh sinh viên được tặng thưởng toàn diện.

 

Hà nội, ngày 19/9/2018

Nhà giáo ưu tú: Nguyễn Thế Vinh
 Nguyên PGĐ Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam

                                                                           

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.